Hải Thượng Lãn Ông (tên thật là Lê Hữu Trác) là một danh y nổi tiếng thời Lê. Ông xuất thân con nhà khoa bảng, từng thi đỗ làm quan nhưng sớm chán cảnh quan trường nhiễu nhương nên ông đã từ quan, về quê nhà học nghề thuốc, soạn sách và mở trường truyền bá nghề y khắp dân gian. Trong số các trước tác của ông, bộ sách thuốc “Y tông tâm lĩnh” gồm 66 quyển soạn trong hơn bốn mươi năm được coi là bộ “bách khoa toàn thư” về y học thế kỷ XVIII, có giá trị rất lớn không chỉ về y học mà còn về khía cạnh văn học.

“Thượng kinh kí sự” thuộc phần cuối của bộ “Y tông tâm lĩnh”, là tập bút ký ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe của Hải Thượng Lãn Ông trong chuyến đi từ Hà Tĩnh lên Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán mùa xuân năm 1781. Ngoài những lời miêu tả hết sức sinh động phong cảnh đô thành sầm uất cùng quang cảnh vàng son gấm vóc trong phủ chúa; những lời tường thuật hết sức chân thành về việc giao du của mình với các công hầu khanh tướng, Hải Thượng Lãn Ông, rất bất ngờ, cũng hé lộ phần nào câu chuyện riêng tư của mình trên những trang ký sự. Một chuyện tình dang dở để lại nhiều nuối tiếc cho cả hai, tựa như cành hoa chớm nở đã tàn.

Trong thời gian Hải Thượng Lãn Ông lưu lại trên kinh, vào một ngày có hai vị sư bà ghé thăm nhà trọ nơi ông ở để xin khuyến hóa. Một trong hai vị sư bà xưng mình là con gái quan Tả thừa tư ở Sơn Nam, người làng Huê Cầu – chính là người có ước hẹn với Lãn Ông ngày trước. Nhận ra nhau sau nửa đời bặt vô âm tín, vị sư bà làng Huê Cầu có ý thẹn không dám trò chuyện thêm, còn hình bóng người cũ vốn trong tâm tưởng nay trở lại trước mắt khiến Lãn Ông cầm lòng không đặng, gọi người học trò tên Tài đến, thuật lại mọi chuyện và nhờ giúp đỡ:

“Lúc ta còn nhỏ, nhà có dạm cô con gái quan Thừa tư tham chính ở Sơn Nam. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi. Nhưng có việc trở ngại, ta phải từ hôn trở về ở luôn Hương Sơn. Năm, sáu năm sau, ta lên kinh, nghe tin quan Thừa tư tham chính đã qua đời. Còn người con gái, ta hỏi thăm thì có người kể: Cô ta thật là kỳ! Nghe nói trước kia có một công tử nào đó đã hỏi, đã đủ lục lễ rồi nhưng sau không thành. Cô ta nói: “Mình đã có người dạm hỏi, tức là đã có chồng. Nay vô duyên bị chồng bỏ, còn mặt mũi nào mà lấy chồng nữa”. Bèn thề suốt đời không lấy ai. Ta nghe vậy trong lòng hoảng hốt: “Do mình thu xếp công việc không chu đáo, có trước chẳng có sau, khiến cho cô ta ôm hận. Mình thực là người bạc hạnh! Tội này đeo đuổi lấy mình, không biết có cách nào gỡ được”. Đến nay lại gặp nhau. Ta thấy bà cô độc, khổ sở như vậy, không biết bà còn có tình nghĩa hay không, nhưng việc đến thế này chẳng phải là lỗi của ta sao?”

Canh cánh mối thương cảm trong lòng như vậy nên ông cẩn thận căn dặn học trò:

“Nay chỉ còn một cách: nuôi dưỡng bà cho trọn đời, để mong chuộc cái tội ngày xưa. Hiện nay, ta đang ở kinh thì việc phụng dưỡng, chu cấp còn dễ. Nhưng nay mai ta trở về nơi núi cũ, đường sá xa xôi, làm sao giúp đỡ được nữa. Ví bằng, bà bằng lòng về Hoan Châu với ta, thì trong vườn của ta cũng có một nơi thanh u tịch mịch, có một ngôi chùa do anh ta dựng, có thể cung phụng đèn nhang. Còn việc lo lắng ăn mặc thì ta xin chịu hết. Như thế là một phần mong báo đáp cái tiết hạnh cao quý của bà, một phần để chuộc cái tội của ta. Anh hãy hỏi chuyện xưa rồi nói vậy xem bà có thuận không để ta định liệu”.

Nghe học trò của Lãn Ông đích thân đến chùa Liên Tôn – nơi sư bà ở trọ – thuật lại, vị sư bà làng Huê Cầu sụt sùi khóc mà rằng:

“Cám ơn cụ có lòng tốt. Tôi không có chồng, phải cô độc, khổ sở như thế này cũng bởi số mệnh của tôi, chứ có dám trách ai đâu? Cái thân tàn này nào có tiếc gì! Chỉ hiềm một nỗi, nhìn quanh nhìn quẩn, thân thích chẳng còn ai, phần mộ của cha ông không có người coi sóc. Tôi dám đâu tìm đường ấm no một mình. Xin ông về thưa với cụ: “Tôi chưa được cái ân huệ của người, nhưng tấm lòng của người đã hiểu cho như thế, cũng là đủ an ủi cái cảnh lênh đênh cô độc của tôi rồi”.

Từ đó, hai người thường đi lại hỏi thăm lẫn nhau. Có lần sư bà ngỏ ý muốn mua một cỗ áo quan thật tốt trong xứ Nghệ, ông liền sai người đi tìm nhưng không chọn được cỗ nào ưng ý bèn gửi lại năm quan tiền nhờ mua hộ một cỗ áo quan tặng bà. Trong những ngày tháng ấy, Hải Thượng Lãn Ông có cảm khái mà làm một bài thơ, bài thơ tình duy nhất dành cho một người:

“Lầm người, bởi sự vô tâm,
Nhìn nhau, nay những luống thầm thở than!
Một cười, giọt lệ chứa chan,
Mắt trông, xuân hết hoa tàn thương thay.
Anh em kết nghĩa kiếp này,
Kiếp sau cầm sắt bén dây họa là,
Trót vì người phụ lòng ta,
Ôi thôi, đành vậy, biết là làm sao?”

Mối tình kín đáo ấy, tuy là cành hoa chớm nở đã tàn, vẫn lưu hương đến muôn thuở.

Vĩnh Ninh


Tài liệu tham khảo:

1. Hải Thượng Lãn Ông, Thượng kinh kí sự, Nxb. Văn học, 2010.
2. Lê Minh Quốc, Chuyện tình Hải Thượng Lãn Ông, tạp chí Xưa và Nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2010.