“Cố hương” là một dòng chảy hiện thực đậm chất trữ tình, viết về chuyến thăm quê cũ của nhà trí thức, chứng kiến những đổi thay của người và vật để rồi trải qua những cung bậc cảm xúc từ phảng phất buồn, đau xót đến hy vọng. Lỗ Tấn phản ánh tình cảnh suy thoái về mọi mặt của xã hội Trung Quốc đầu thế kỷ XX, phân tích nguyên nhân và lên án các thế lực hủ bại đã đẩy xã hội vào thực trạng đáng buồn, đồng thời chỉ ra những mặt tiêu cực nằm ngay trong tâm tính của người lao động. Tác giả để lại niềm hy vọng về một cuộc sống đổi mới theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Truyện ngắn “Cố hương” được hoàn thành vào tháng 01/1921, in lần đầu trên tạp chí Tân Thanh Niên số 1 quyển 9 tháng 05/1921, xuất bản thành sách trong tuyển tập “Gào thét” năm 1923.

“Cố hương” có tới không dưới 4 bản dịch tiếng Việt, trong đó tiêu đề “故鄉” – tên truyện, cũng là từ mà nhân vật “tôi” dùng để gọi quê nhà của mình – đã lần lượt được chuyển ngữ thành nhiều phiên bản: Phan Khôi dịch “Làng quê”, Giản Chi dịch “Quê nhà”, Trương Chính dịch “Cố hương”, Mai Kim Ngọc dịch “Quê cũ” từ bản tiếng Anh.

Giáo sư Trương Chính dùng từ “Cố hương” làm nhan đề nhưng vào truyện lại dịch thành “làng cũ”, trong khi nhà văn Mai Kim Ngọc chọn nhan đề “Quê Cũ” mà vào truyện thì dùng lại từ “cố hương”.

Những xê dịch ngữ nghĩa nhất định giữa các từ đó có lẽ không làm thay đổi hệ quy chiếu của toàn áng văn, nhưng đã chứng minh “Cố hương” là một tác phẩm nhận được sự quan tâm từ rất nhiều từ độc giả, dịch giả và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam.

Đối với một tác phẩm truyện ngắn, đây không phải là một hiện tượng tầm thường.

Một câu chuyện không có cốt truyện.

Dường như “Cố hương” chỉ là một bút ký sơ sài, hay chỉ là một giai điệu buồn xuyên suốt chuyến thăm quê cũ của nhân vật “tôi”, nhưng lại có sức đọng ở tầng sâu ý nghĩa.

Có thể đây là lần cuối cùng anh về thăm quê, bởi lần này trở về là để đưa gia đình đi định cư ở nơi khác. Trên chiếc thuyền, dưới một chiều hoàng hôn mà nền trời vàng như lớp mỡ gà. Con đường về quê lần này không như mong đợi, những làng xóm thưa thớt tiêu điều cùng không gian lặng im và hoang vắng, khiến tâm trạng của “tôi” đã buồn lại càng buồn.

Về đến nhà gặp mẹ, gặp lại những người đã từng là một phần tuổi thơ của “tôi”. Đó là Nhuận Thổ, trước kia là một đứa trẻ mụ mẫm, lanh lợi, nhưng giờ đây là một người co ro cúm rúm với dáng điệu thê lương. Đó là thím Hai Dương, đã từng được mệnh danh là “nàng Tây Thi đậu phụ” thùy mị nết na, mà bây giờ lại chanh chua, đanh đá, thô lỗ, gian xảo…

Nhân vật “tôi” đã cảm thấy xa lạ, đau xót và dường như đánh mất kết nối với nơi mà anh đã từng có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Anh dùng hơn 20 năm để đi xa và đến nhiều nơi. Khi trở về, anh lãng mạn hóa quá khứ của mình và những người từng sống trong đó. Nhưng những người ở quê cũ chẳng thể sống hoặc hành động theo cái cách mà ai đó nhớ đến họ được. Sự thay đổi của họ là tác động hai chiều từ những thế lực hủ bại bên ngoài xã hội và tâm tính lạc hậu mê muội bên trong mỗi người.

Lỗ Tấn đã hữu hình hóa những bức tường vô hình mọc lên theo thời gian giữa một người trí thức tha hương trở về và những người quen ở chốn cũ. Đó là bức tường chia rẽ con người do sự khác biệt giai cấp, là bức tường dựng nên bởi nhận thức về sự mất kết nối với quá khứ và sự khó xử của người trí thức buộc họ phải hướng sự chú ý ra khỏi quá khứ để đối mặt với hiện tại đầy rẫy những vấn đề xã hội, từ đó mở ra niềm hy vọng về một cuộc sống mới không còn phải giẫm lên những vết xe đổ, những tư duy cũ mòn và mê muội.

Tấm lòng nhân đạo của đại văn hào Lỗ Tấn.

“Cố hương” vốn dĩ buồn, buồn ngay từ quyết định về quê dọn nhà đi nơi khác định cư của người kể chuyện, buồn đến những xơ xác tiêu điều của một làng quê vốn dĩ đẹp đẽ, buồn về mối quan hệ bạn bè lối xóm đã từng gắn bó thân thiết, buồn cả trong lòng mỗi người dân quê đã từng sống chất phát, thiện lương, khoáng đạt.

Nếu Nhuận Thổ là nhân vật đại diện cho lớp người nông dân bị bần cùng hóa, thì thím Hai Dương có lẽ là hình tượng điển hình cho những con người bị lưu manh hóa.

Cả cảnh vật và con người đều phát triển theo chiều hướng xấu đi.

Tác phẩm bởi vậy mà buồn.

Nhưng điểm buồn khởi phát là từ nỗi trăn trở day dứt của tác giả, là làm thế nào để thay đổi những thực trạng xấu xa trong xã hội này? Làm thế nào để giải quyết những nan đề: vô cảm, mê muội, đớn hèn, con đông, nghèo đói, mất mùa, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào…?

Bằng một bút lực mang sức tố cáo hiện thực mạnh mẽ và dữ dội, bằng óc quan sát và đối chiếu làm nổi bật sự đổi thay, nhất là bằng phương thức miêu tả nói ít mà gợi nhiều, Lỗ Tấn đã đề cập đến các vấn đề, các thế lực áp bức và các sách nhiễu của bộ máy tham ô mà chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì… thông qua những nạn nhân của chúng, những con người đói nghèo lương thiện bị nhấn xuống tận bùn đen, đày đọa thân họ khiến họ trở thành đần độn, mụ mẫm…

Thế nhưng, cùng với sự trói buộc vô hình của xã hội, chính những nạn nhân đáng thương còn tự trói mình bằng một sợi dây truyền thừa từ đời này sang đời khác. Ấy là sự mặc cảm, sự ngộ nhận về thân phận tôi đòi thấp kém. Ấy là căn bệnh nan y về mặt tinh thần của những người bị áp bức do chính họ tạo ra. Nó phổ biến lan tràn trở thành một thứ tâm tính quốc dân, kìm hãm con người ngu muội trong một không gian khép kín tối tăm.

Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc và sự giác ngộ tư tưởng từ rất sớm, ngòi bút của đại văn hào Lỗ Tấn luôn hướng đến mục đích chữa bệnh tinh thần bằng văn chương.

Niềm hy vọng về một cuộc sống mới.

“Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực, trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.”

Vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục giẫm chân lên lối mòn cũ, hay là mở ra một con đường mới. Phải chăng dụng ý của tác giả khi dựng nên tình huống truyện, là rời bỏ cố hương để chia tay với quá khứ, một quá khứ đáng buồn, đồng thời cũng có nghĩa là tiến lên trên một con đường mới? Thế nhưng, cứ cho là mối quan hệ giữa “tôi” với Nhuận Thổ đã thuộc về quá khứ, còn tình bạn của hai đứa trẻ Hoằng và Thủy Sinh thì sao?

“Tôi mong ước chúng nó sẽ không giống chúng tôi, không bao giờ phải cách bức nhau cả… Nhưng tôi cũng không muốn chúng nó vì thân thiết với nhau mà phải vất vả, chạy vạy như tôi, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà đần độn như Nhuận Thổ; cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà tàn nhẫn như bao nhiêu người khác. Chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa từng được sống.”

Lỗ Tấn đặt niềm hy vọng vào thế hệ tiếp nối, có thể sống một cuộc sống khác, một cuộc đời mới mà cha ông của chúng chưa từng được sống, nghĩa là hy vọng về một xã hội trong đó con người được giải phóng, được tự do, được no ấm, và những mối quan hệ giữa con người với con người cũng trở nên tốt đẹp hơn.

Xem thêm: Hình tượng nhân vật người kể chuyện trong truyện Lỗ Tấn

Giá trị nhân văn của “Cố hương” không chỉ dừng lại ở sự cảm thông với nỗi khổ của kiếp người trong xã hội cũ – như kiếp người Nhuận Thổ hay thím Hai Dương, mà còn là sự tố giác, làm thức tỉnh và kiến tạo. Tố giác một xã hội đang tàn lụi, làm thức tỉnh những thế hệ đang sống trong chế độ cũ, hướng đến xóa bỏ những hủ bại lạc hậu nhằm kiến tạo xây dựng một mô hình mới, một đời sống mới, một xã hội mới tốt đẹp cho con người.

Lỗ Tấn bởi vậy được mệnh danh là con người cứu rỗi lương tâm của thời đại, chiến đấu cho nền văn nghệ mới và cuộc sống mới của nước nhà.