“Đảo mộng mơ” của Nguyễn Nhật Ánh là một giấc mộng kỳ khôi được xây dựng ngay giữa đời thực của những đứa bé 10 tuổi. Và rồi giấc mộng đã trở thành sự thực. Tác phẩm là cuốn sách cần có trong tủ sách của mỗi gia đình, để các bé được say mê trong câu chuyện đầy tính nhân văn, còn các bậc cha mẹ học được cách tôn trọng và nâng niu trí tưởng tượng của con mình. 

Năm 2010, NXB Trẻ ra mắt “Đảo mộng mơ” với 2 ấn bản: bìa cứng phụ bản màu và bìa mềm đen trắng. Sách được in một lúc 12.000 bản. Đây là một cuốn truyện chữ nhưng lại có rất nhiều tranh minh họa đầy thú vị của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. 

Tác phẩm góp mặt tại Hội sách TP HCM lần 6, diễn ra từ ngày 15 đến 21 tháng 3/2010, theo báo cáo tổng kết của hội sách thì “Đảo mộng mơ” của Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất với 10.000 bản bán ra, vượt mặt siêu phẩm “Biểu tượng thất truyền” của Dan Brown với 7.500 bản và “Kẻ cắp tia chớp” của Rick Riordan với 2.000 bản.

Robinson phiên bản siêu moe!

Câu chuyện “Đảo mộng mơ” xoay quanh một đống cát mà ba Tin chuẩn bị để xây nhà kho.

Một đống cát – chính thế đấy! Người gõ chữ không sai mà người đọc cũng không nhầm lẫn đâu! Nhưng trong mắt Tin, đống cát không chỉ là bãi cát, mà còn là một hòn đảo đích thực.

Đảo hoang là hòn đảo mà chỉ có một người ở – hiểu theo nghĩa đó thì đích thị là Tin đang ở trên một hòn đảo hoang rồi, như Robinson vùng Caribe trong sách mà cu cậu đã đọc vậy. Lúc ấy, người dân duy nhất của đảo đang nằm trên tàu lá dừa khô, gối đầu lên khúc gỗ ngắn, tay phải cầm truyện tranh, tay trái cầm chai xi-rô chanh hút rột rột. Trong trí tưởng tượng của Tin, đảo còn có biển, có nắng, có gió, có cánh chim hải âu chao liệng, có cả hải tặc… Rồi khi thằng Bảy và con Thắm lên đảo, đảo của tụi nhỏ bắt đầu có chúa đảo tên Tin, anh chàng thổ dân Thứ Bảy kiêm chức phó chúa đảo, và phu nhân chúa đảo tên Thắm – với lễ nghi thăng chức là một cái ịn môi lên má đầy… nước miếng. Ba đứa thống nhất tên của hòn đảo là Robinson.

Nếu Robinson Crusoe của tiểu thuyết gia Daniel Defoe là một chúa đảo không để thiên nhiên khuất phục mà đã khuất phục được thiên nhiên bằng sự lạc quan và lòng dũng cảm, thì Robinson Tin của nhà văn Nguyễn Nhật ánh là phiên bản về một chúa đảo không để hiện thực khuất phục mà đã khuất phục hiện thực bằng sự hồn nhiên và trí tưởng tượng không biên giới.

Cu Tin là một Robinson phiên bản moe đến nỗi người đọc không thể kiềm lại được khóe miệng cứ chực nhếch lên bởi độ đáng yêu của cu cậu và đồng bọn.

Nguồn siêu năng lượng trong veo veo nhờ trí tưởng tượng.

Có lẽ phải nói thêm về vị chúa đảo tên Tin một chút – một vị chúa đảo thông tuệ, đầy trách nhiệm và nhân cách cao cả.

Nhân vật Tin được tác giả xây dựng là một cậu bé giàu trí tưởng tượng, điều đáng nói là sự tưởng tượng của cu cậu luôn có cơ sở nhất định dựa nền kiến thức mà cậu có.

Tin thu nạp kiến thức từ nhiều nguồn. Cậu hay đọc sách và rất thích truyện tranh, nhờ đó mà cậu biết về Robinson, về hòn đảo hoang vùng biển Caribe, về các quần đảo ở Trung Mỹ với rất nhiều cọ, cam, mía và cá sấu, về cả mặt trời xích đạo. Cậu hay xem kênh “Động vật hoang dã” trên tivi, biết không ít những loài rắn độc sống trong cát, những con rắn màu đỏ, những con rắn màu đen và những con rắn nửa màu đỏ nửa màu đen.

Nếu so sánh với những đứa bé cùng tuổi thì kiến thức thường thức mà Tin có thực sự không phải dạng vừa đâu. Bởi vậy mà hòn đảo hoang qua lời cậu đầy sinh động và diệu kỳ. Hòn đảo ấy tạo nên một nguồn siêu năng lượng trong cuộc sống của chúa đảo và phó chúa đảo.

Nguồn siêu năng lượng thứ nhất là lòng can đảm.

“Xưa nay Phàn vẫn tìm kiếm niềm vui trong việc bắt nạt những đứa trẻ yếu ớt và nhút nhát như Tin và Bảy – vì sở hữu những tấm lòng tử tế nên những đứa trẻ này thường yếu ớt và nhút nhát hơn mức bình thường.”

Thế nhưng từ lúc cai quản hòn đảo, Tin và Bảy trở nên can đảm xứng với danh chúa đảo và phó chúa đảo của mình.

Khi thằng Phàn lên tiếng xấc láo xúc phạm đến ba chúa đảo, Tin đã xông thẳng tới trước mặt Phàn như một con sói con, làm sao mà một chúa đảo có thể để mặc người ta xúc phạm đến cha của mình được?

Hòn đảo cho Tin sức mạnh để đối đầu với Phàn – cái đứa tướng tá dềnh dàng và lớn hơn Tin tận ba hay bốn tuổi gì đấy, cái đứa mà lâu nay Tin vẫn sợ. Nhưng đứng trước Phàn lúc này không phải là cậu học trò tên Tin nữa, mà là một vị chúa đảo mang lòng kính yêu cha đang tấn công kẻ xấc xược với ba mình!

Còn phó chúa đảo thì sao?

“Ngay cả trong giấc mơ, Bảy cũng chưa một lần nghĩ đến chuyện vật nhau với thằng Phàn. Thậm chí nó tin chắc cho đến khi nó đã già, nó đã chết đi cũng sẽ không bao giờ có chuyện đó.
Thế mà trong một chớp mắt nó đã bắt gặp mình ôm lấy cổ Phàn, mím môi mím lợi cố vật ngã thằng này để giải thoát cho bạn mình.”

Đó là nguồn siêu năng lượng thứ hai – tình bạn.

Một trận chiến hoàn toàn không cân sức, như một con trâu già đấu với hai con nghé con. Nhưng bởi vì sự can đảm, lòng hiếu thảo và sức mạnh muốn bảo vệ bạn bè đã khiến cho Tin và Bảy trở nên lì đòn, chiến đấu bằng tinh thần thép, khiến thằng Phàn cảm giác như đối đầu với hai người máy vậy. Đến khi Phàn ngán ngẩm muốn chấm dứt cuộc chiến, lại bắt gặp vẻ say máu thách thức của Tin và Bảy, rốt cục nó phải co giò chạy thẳng.

Chiến thắng huy hoàng dành cho chúa đảo và phó chúa đảo của hòn đảo Robinson, kết thúc một giai đoạn sợ hãi trước hải tặc Phàn, mở ra một kỷ nguyên mới đầy sự can trường và một tình bạn gắn kết.

Xây dựng niềm tin vào bản thân cho con trẻ.

Khảo sát một vòng Goodreads (trang web dành cho người yêu sách trên toàn thế giới), có kha khá độc giả đã thốt lên rằng “Đảo mộng mơ” trẻ con quá.

Không trẻ con sao được khi câu chuyện là giấc mộng giữa đời của những đứa trẻ 10 tuổi? Nhưng giá trị của “Đảo mộng mơ” không dừng lại ở câu chuyện cho con nít, và độc giả của tác phẩm này cũng không phải chỉ riêng con nít, rộng hơn cả khoảng trời be bé và hòn đảo tí hon của Tin, Bảy, Thắm, là bài học đến các bậc phụ huynh về việc xây dựng niềm tin vào bản thân cho con trẻ.

Nhờ đâu mà hòn đảo của Tin được tồn tại? Nhờ đâu mà đến tận cuối truyện hòn đảo cũng không bị dẹp đi để xây nhà kho mà vẫn chễm chệ trở thành hòn đảo thật sự lấp đầy tuổi thơ Tin?

Vì thật may là Tin có một người ba trên cả tuyệt vời!

Ba cu Tin cổ vũ những khát khao hồn nhiên của con mình, hệt như hành động của mẹ Totto trong tác phẩm “Totto-Chan bên cửa sổ” của tác giả Kuroyanagi Tetsuko – Đó là một người mẹ thông minh, hài hước, yêu thương và luôn cố gắng làm bạn với em; người mẹ chẳng nhắc gì với Totto về vụ con bé bị đuổi học cả, chẳng hề gieo rắc bóng mây đen vào bầu trời trong vắt của con; bà chỉ tìm cho cô bé một ngôi trường mới, một nền giáo dục khác nơi có thể giúp con gái bé bỏng của bà phát triển tự do và toàn diện.

Ba cu Tin cũng vậy, thay vì bác bỏ ngay từ đầu rằng đó không phải hòn đảo, đó chỉ là đống cát để ba xây nhà kho, thì ba Tin lại gật gù đồng ý với con trai bé nhỏ.

Qua những cuộc hội thoại với ba, trí tưởng tượng của Tin nhận được sự tôn trọng và tin tưởng. Mắt cu cậu sáng ngời rạng rỡ và cu cậu cố gắng hết mình để hoàn thành vai trò chúa đảo vì một lý do lớn lao là ba đã tin mình. Tin can đảm hơn khi đối diện với hải tặc Phàn. Tin không gian lận dẫu không làm được bài toán, cậu chỉ học tốt những môn xã hội. Tin có trách nhiệm hơn, khi tự mình giải quyết vấn đề với dì Sáu Dừa và giải oan cho hòn đảo Robinson như một vị chúa đảo đáng tin cậy. Và Tin trưởng thành hơn, khi biết trước một ngày hòn đảo sẽ phải quay về là một đống cát để ba xây nhà kho, Tin cũng không hề khóc lóc mè nheo với ba, cu cậu chỉ lẳng lặng tận tưởng những ngày cuối cùng trên hòn đảo Robinson và gặm nhấm nỗi buồn cứ chực ứa ra thành giọt.

Qua những cuộc hội thoại với Tin, ba cho con trai chúa đảo của mình một niềm tin tuyệt đối, ba cổ vũ những khát khao hồn nhiên của con và thông qua đó dạy con những bài học. Rằng, cá mập luôn nguy hiểm với người đi biển, nhất là loại cá mập trắng. Rằng, không nên phơi mình trên hòn đảo khi trời nắng gắt, con sẽ bị cảm. Ba còn thuyết phục được mẹ và chị Hai tin rằng chúa đảo quả thực đang sinh sống trên một hòn đảo nên chúa đảo không bị mẹ và chị mắng về đủ thứ tội liên quan đến chuyện nghịch cát nữa. Ba còn tặng cho chúa đảo cái ống nhòm để tiện cho việc cai trị hòn đảo.

Ba không mù quáng hùa theo con trai mà nâng niu giấc mơ của Tin bằng tất cả sự tôn trọng và niềm yêu thương trìu mến, để cu cậu được lớn lên trong hồn nhiên con trẻ, để cu cậu tin tưởng vào bản thân, biết gánh vác trách nhiệm của mình, biết phấn đấu vì giấc mơ của mình.

“Đúng rồi, xưa nay ba vẫn đồng ý với mình Robinson là một hòn đảo.
Ba tin mình và các bạn đang sống trên hòn đảo đó với một con sư tử.
Tóm lại là ba tin mình.
Và tóm lại là mình tin ba.
Ba bảo vệ hòn đảo, chính là bảo vệ niềm tin giữa hai cha con.”

Hãy học cách đặt niềm tin vào con như cách bé con đặt niềm tin vào cha mẹ. Hãy nâng niu những ngây ngô đầu đời của con để xây dựng niềm tin vào bản thân cho trẻ – dẫu nhiều lúc những câu chuyện của trẻ có vẻ hâm hấp và bốc phét, đừng mắng bé, hãy gửi đến bé niềm cổ vũ động viên, và lồng vào những bài học đúng đắn. 

 “Ờ, nếu mình thực lòng tin một cái này là một cái khác thì biết đâu nó sẽ là một cái khác.” – Nội tâm của Thắm khi Tin và Bảy thuyết phục đống cát là hòn đảo.

Ờ, đống cát vốn chỉ là đống cát, bởi vì cu Tin tưởng tượng rằng đống cát là hòn đảo hoang tên Robinson, ba cu cậu tin con mình, chị Hai cu cậu tin em mình, mẹ cu cậu tin con mình, Bảy và Thắm tin bạn mình, cô giáo cu cậu tin học trò mình, cả lớp cũng tin bạn mình… Rồi hòn đảo Robinson nổi tiếng vì một việc làm tốt của chúa đảo. Thế là cuối cùng, đống cát hiển nhiên trở thành hòn đảo được người người công nhận – nơi tụ tập vui chơi của bạn bè cu Tin. 

Ờ, nếu bé con nuôi mộng thành bác sĩ, phi hành gia hay cầu thủ bóng đá rồi từ nhỏ đã nghịch ngợm những trò ngu dại vì giấc mộng đó, và nếu phụ huynh cũng đối xử với con như cách ba cu Tin đối xử với con trai, biết đâu được tương lai giấc mộng sẽ trở thành sự thực?

Hãy tôn trọng và nâng niu trí tưởng tượng của con!

Nhà báo Phan Đăng có một buổi chia sẻ với các bạn học sinh ở trường THCS Thái Thịnh – Hà Nội, khi lý giải vì sao phải đọc sách, anh nói rằng: 

“Con người khác con vật ở chỗ, con người biết tưởng tượng, con vật thì không. Con người tạo ra một đời sống như ngày hôm nay, với rất nhiều những phát minh như ngày hôm nay suy cho cùng vì con người biết tưởng tượng. Mất tưởng tượng là mất hết.”

Trí tưởng tượng là sức mạnh, không phải với riêng trẻ con, mà đối với mọi lứa tuổi.

Trẻ con có trí tưởng tượng bay bổng hơn người lớn, vì các bé chưa biết nhiều nên không bị giới hạn bởi sự đúng sai. Còn người lớn cần nhờ vào đọc sách để cho não phải được tưởng tượng, khi mà não trái luôn mang tính logic phản bác cái mơ màng của não phải.

Thiên tài vĩ đại của thế giới – Albert Einstein – nhà vật lý lý thuyết người Đức, người đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại, từng phát biểu rằng:

 “Imagination is everything. It is the preview of life’s coming attractions. Imagination is more important than knowledge.”

Tạm dịch: Trí tưởng tượng là tất cả. Nó là sự xem trước của những gì sẽ xảy ra. Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức.

Einstein nói rằng trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức! Trí tưởng tượng giúp con người hình dung được tương lai. Kiến thức thì có giới hạn. Trí tưởng tượng là cái bao quanh thế giới. 

Đừng để một thứ có quyền lực lớn như trí tưởng tượng ngủ yên.

Bởi vậy, hãy tôn trọng và nâng niu trí tưởng tượng của con trẻ!

Cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh – người dệt mộng.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại làng Đo Đo thuộc tỉnh Quảng Nam. Bắt đầu sống tại Sài Gòn từ năm 1973 để theo học ngành sư phạm. Từng tham gia thanh niên xung phong và dạy học, cũng như phụ trách CLB thiếu nhi, trước khi trở thành nhà văn và phóng viên toàn thời gian năm 1985. 

Là một tác giả có năng lực viết dồi dào, với 5 tập thơ, hơn 30 tập truyện tranh, 12 tập kịch bản phim, 3 tập bình luận thể thao, hơn 50 tập tư vấn tình yêu dưới các bút danh khác nhau, cùng hơn 100 tác phẩm văn xuôi viết về đề tài thanh thiếu niên, tuổi mới lớn và cả thiếu nhi. 

Nguyễn Nhật Ánh được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nhà văn viết cho thanh thiếu niên nhiều nhất Việt Nam.

“Tuổi mới lớn, như tên gọi của nó, là lứa tuổi đã không còn là trẻ con nhưng lại chưa thực sự trở thành người lớn. Chính vì vậy mà tâm lý và tính cách của lứa tuổi này rất đặc biệt, nói rõ hơn là chưa định hình, nên rất khó nắm bắt. Bên cạnh những thao tác văn chương thuần kỹ thuật, nhà văn viết truyện cho tuổi mới lớn có lẽ cần nhiều hơn sự đồng cảm về mặt tâm hồn với đối tượng đặc biệt này mới có thể tạo ra trước hết là sự tin cậy, và kéo theo nó là sự chấp nhận của bạn đọc.” – Nguyễn Nhật Ánh.

Viết về tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh luôn là người  tắm mình trong dòng sông tuổi thơ, chứ không phải là kẻ đứng trên bờ để nhìn ngắm và thuật lại… Nguyễn Nhật Ánh trở thành là người dệt mộng cho lứa tuổi đang rất cần sự mơ mộng – những sự mà người lớn đã qua thời thơ trẻ và bị cuộc sống bộn bề lo toan làm quên đi những ngây dại đã từng rồi không chịu thấu hiểu con em.

Sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong mỗi gia đình luôn là giáo trình mang bài học gắn kết cho hai thế hệ, lòng bao dung cho cha mẹ và lòng hiếu thảo cùng ti tỉ những phẩm chất tốt đẹp cho trẻ thơ.

Duyên