Thế kỷ 17, ở Trung Hoa, quan hệ đồng tính nam đột nhiên được đông đảo công chúng quan tâm. Các nho sĩ đề cập đến vấn đề này trong các ghi chép của mình, cả các tiểu thuyết gia và kịch gia cũng ca ngợi đồng tính nam trong các tác phẩm của họ. Việc thảo luận rộng rãi về đồng tính đã dẫn đến tác dụng ngược theo hướng bảo thủ. Trước quan niệm ngày càng phổ biến cho rằng đồng tính đã “lan tràn” khắp Trung Hoa, vào năm 1740, triều đình nhà Thanh đã ban lệnh xem hành vi kê gian đồng thuận giữa những người trưởng thành là tội đáng phạt vạ. Tiểu luận sau đây của Ng trước tiên tái hiện bối cảnh xã hội Trung Hoa thế kỷ 17, sau đó khám phá những cách thể hiện tình yêu đồng tính trong văn học và mối quan hệ giữa những cách thể hiện này với triết lý Nho giáo, và cuối cùng, phân tích phản ứng từ giới quan lại Trung Hoa.
Vào năm 1740, triều đình nhà Thanh Mãn Châu ban hành điều luật đầu tiên về tội cưỡng dâm đồng tính nam. Thực chất, điều luật này không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề cưỡng dâm: lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, một trong những điều khoản trong đó nêu rõ hình phạt dành cho hành vi kê gian giữa hai người lớn đồng thuận. Đâu là nguồn cơn dẫn đến động thái lập pháp bài đồng tính này? Điều gì đã khiến triều đình bảo thủ cực đoan tin rằng đồng tính nguy hiểm và cần phải bài trừ? Đâu là mối quan hệ giữa đồng tính và triết lý Nho giáo chính thống?
Đồng tính nam đã có lịch sử thành văn lâu đời ở Trung Hoa. Chẳng hạn văn bản có từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, Chiến Quốc sách, bao gồm tiểu sử của nhiều nhân vật quan trọng trong giai đoạn này, trong đó đề cập trực tiếp đến thiên hướng đồng tính của họ. Một thành ngữ để thể hiện tình cảm giữa nam giới với nhau, long dương (龍陽), bắt nguồn từ mối tình đồng tính nổi tiếng giữa Long Dương quân, một sủng thần thế kỷ thứ tư trước Công nguyên của Ngụy vương với nhà vua. Cũng theo Chiến Quốc sách, ta biết được về tình cảm giữa Vệ Linh công và đại phu của ông là Di Tử Hà. Có lần khi hai người đang dạo quanh vườn hoa quả, họ Di hái một quả đào trên cây rồi cắn lấy một miếng. Quả chín cây ngon ngọt đến mức ông ta dâng phần còn lại cho chúa công; uyển ngữ quen thuộc về tình yêu đồng tính giữa hai người nam, “tình chia đào” (phân đào chi ái – 分桃之愛) cũng bắt nguồn từ điển tích này. Các pho chính sử khác về sau cũng chẳng màng giấu giếm thiên hướng đồng tính của những nhân vật lịch sử then chốt. Nhờ vậy mà chúng ta biết được trong Hán thư, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Hán, Ai đế (khoảng 6-1 TCN) có cho mình một số tình nhân nam, trong số đó có một nam sủng đặc biệt, Đổng Hiền. Một ngày kia, khi cả hai đang ngon giấc trên long sàng, Đổng Hiền gác đầu lên tay áo hoàng đế, thì Ai đế phải ra thiết triều. Ngài thà cắt bỏ tay áo còn hơn phải đánh thức người tình. Từ đó mà ta có cụm từ chỉ tình yêu đồng tính giữa hai người nam – đoạn tụ (斷袖), nôm na là “cắt tay áo”.
Quan hệ đồng tính nam có vẻ vẫn được chấp nhận chừng nào đấy không phải là thể hiện tính dục duy nhất và những bậc nam nhân ấy vẫn làm tròn bổn phận sinh con nối dõi. Mặt khác, chấp nhận ở đây nên hiểu, cùng lắm, cũng là thái độ trung lập. Sử sách thời kỳ này không hề ca tụng những quan hệ đồng tính. Mãi cho đến thế kỷ 17 thì văn học gợi dục lấy đề tài đồng tính mới hình thành và nở rộ ở Trung Hoa.
Quả thực thế kỷ 17 nắm giữ chìa khóa giúp chúng ta hiểu được thái độ bài đồng tính của nhà Thanh sau này. Suốt giai đoạn này đã xuất hiện một sự bùng nổ ngôn luận liên quan đến đồng tính nam. Các Nho sĩ nhắc đến đồng tính trong các bút ký của mình, các tiểu thuyết gia và kịch gia ca ngợi thiên hướng này trong các tác phẩm của mình. Một vài vấn đề quan trọng cần được khám phá: (1) bối cảnh xã hội vào thế kỷ 17 đã thúc đẩy sự bùng nổ ngôn luận này; (2) miêu tả tình cảm đồng tính trong bút ký Nho giáo và văn chương gợi dục; (3) mối quan hệ giữa những miêu tả này với câu hỏi bao quát hơn về ý niệm sắc dục; (4) phản ứng của triều đình nhà Thanh trước nhận thức đồng tính đã “lan tràn” khắp cõi Trung Hoa.
Nội dung bài viết
Bối cảnh
Trong mắt nhiều Nho sĩ sống vào thế kỷ 17, giềng mối đạo đức của Trung Hoa bắt đầu phân rã vào giai đoạn cuối thế kỷ 16. Trung tâm và biểu tượng của trật tự đạo đức Trung Hoa, Vạn Lịch đế đời nhà Minh (trị vì từ 1573 đến 1620) đăng cơ khi chỉ vừa chín tuổi. Hàng chục năm đầu trị vì, khi quyền lực thực sự nằm trong tay tể tướng Trương Cư Chính, việc triều chính diễn ra vô cùng êm đẹp. Ngân khố triều đình dồi dào, biên cương vững chắc, giao thương, sản xuất đều nở rộ. Nhưng sau khi họ Trương mất, Vạn Lịch đế sử dụng quyền lực của mình ngày càng độc đoán và vô độ, cả vương triều đã đến hồi dần thoái trào. Hoàng đế cũng chẳng màng bận tâm. Ông sống một cuộc đời buông thả đến mức khi gần mất, ông béo phệ đến mức không thể nhấc nổi mình.
Lối sống xa hoa của Vạn Lịch đế đã thành hình mẫu cho giới giàu có và quyền lực vào cuối đời nhà Minh. Theo lời bình của một người sống ở thế kỷ 17: “Suốt triều Minh, một học sĩ, khi đã đậu kỳ thi đình [và nhờ đó được làm quan trong triều] nạp thiếp ngay cũng là lẽ thường tình. Và ngay khi có thể, ông ta sẽ xây một dinh thự bề thế xa hoa cho bản thân. Số lượng những dinh thự thế này nằm ngoài sức tưởng tượng.” Những tác giả bình luận khác cũng miêu tả thói tiêu hoang dị thường. Yến tiệc thường mất vài ngày để chuẩn bị, mời khách đến chơi mà tiệc không thịnh soạn, không có sơn hào hải vị thì cũng bị xem là khiếm nhã. Nói về ăn mặc, nam giới càng chuộng gấm kim tuyến hơn là vải thông thường, những gam màu ôn nhu nhường chỗ cho sắc đỏ tươi tắn. Phép lịch sự bị bỏ bê đến mức vượt khỏi việc phớt lờ luật cấm xa hoa. Điều đáng quan ngại nhất – như các nhà đạo đức vẫn lo lắng – là sự vi phạm trắng trợn những nghi thức tang lễ: “Đàn ông đến đám tang còn dắt theo những cô ả hành tung đáng nghi, lại còn nhảy múa hát xướng trên nền nhạc đám tang. Lũ này còn chẳng biết đỏ mặt làm thẹn khi lôi kéo những người đương mặc tang phục chén tạc chén thù với chúng. Số khác lại thành thân ngay khi cha mẹ vừa mất.” Thói phóng túng trái lẽ hiếu đạo cơ bản như thế chỉ có thể hàm ý một điều – giềng mối đạo đức của Trung Hoa đã bị tan rã.
Các nhà đạo đức Nho giáo không phải tìm kiếm đâu xa để thấy được bằng chứng cho sự “suy đồi đạo đức” này. Ở vùng Giang Nam – miền đất quần tụ của văn hóa sĩ phu, kỹ nữ và gái điếm ăn nên làm ra. Khách quen của họ là quan lại, địa chủ giàu có, thương nhân có của, học giả, văn sĩ, nghệ sĩ, đại loại như thế. Mại dâm nam cũng nở rộ dưới triều Minh. Theo nhà văn cuối triều Minh Thẩm Đức Phù (1578-1642), quan lại triều đình bắt đầu tìm đến trai trẻ hoặc các nam thanh niên để mua vui kể từ sau 1429, khi Tuyên Đức đế ra lệnh cấm họ gian díu với kỹ nữ. Những nam mại dâm này dần được biết đến bằng tên gọi tiểu xướng (小唱 – nghĩa đen là “người hát ca bé nhỏ”) và đến thế kỷ 17, họ cũng trở thành một phần trong khung cảnh ở các lầu xanh tựa như gái điếm. Nỗ lực gò quan lại dưới trướng vào khuôn khổ đạo đức của Tuyên Đức đế hóa ra lại dẫn đến kết quả đối lập.
“Chủ nghĩa khoái lạc” được các nhà phê bình bảo thủ nêu ra, như thể, là một sự nối dài không thể tránh khỏi của thói mê đắm với bản thân, đến mức trở thành đặc trưng nổi bật trong diễn ngôn thời hậu kỳ nhà Minh. Quan điểm tu dưỡng đạo đức theo hướng chủ quan được triết gia nhà Minh giàu sức ảnh hưởng là Vương Dương Minh (1472-1528) đề xuất đã mở ra những khả năng vô hạn để cá nhân phát triển và thể hiện bản thân, cả những học trò của ông cũng coi nhiệm vụ của mình là khai phá đến tận cùng mọi cơ hội. Theo lời của một học giả trung thành với trường phái của Vương Dương Minh, Hà Tâm Ẩn (1517-1579), khao khát cảm xúc và thèm khát nhục dục bắt rễ từ bản chất con người, đè nén nhục dục là tiêu biến con người thành vô tri vô giác; để ham muốn nhục dục được tự do mới là cho bản chất con người được biểu hiện đầy đủ. Các học giả nhà Thanh vẫn quy tội trường phái Vương Dương Minh gây ra sự sụp đổ của nhà Minh vào năm 1644.
Bối cảnh như thế đã châm ngòi cho một cuộc bùng nổ trong bình luận xã hội vào thế kỷ 17. Những phản ánh sinh động về sự suy đồi cuối nhà Minh có thể được tìm thấy trong văn chương viết bằng ngôn ngữ bạch thoại, nhất là các tác phẩm về đề tài sắc dục rành rành.
Đồng tính trong văn chương bạch thoại
Các tác giả văn chương gợi dục và khiêu dâm vào thế kỷ 17 cũng là các sĩ phu. Tức là những người này vẫn nhận được sự giáo dục truyền thống, thông thạo văn ngôn – ngôn ngữ viết đã phát triển gần hai nghìn năm trước đó, đến thời điểm này đã được cách điệu và loại bỏ khỏi ngôn ngữ nói, tức bạch thoại. Hầu hết các tác phẩm học thuật đều được viết bằng văn ngôn, trong khi bạch thoại bị giới hạn trong những tiểu thuyết và truyện kể – góp phần vào vị thế thấp kém mà giới sĩ phu Trung Hoa nhìn nhận những loại hình này.
Các tác giả truyện kể và tiểu thuyết bạch thoại không hẳn là những kẻ đả phá truyền thống muốn lật tung cấu trúc xã hội Trung Hoa; một vài trong số đó, thật ra, lại là những học giả nghiêm túc muốn mượn thể loại bình dân để phê bình xã hội hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng có những tác giả bạch thoại cấp tiến không chịu gò mình theo đạo đức chính thống nữa. Tất nhiên, chúng ta vẫn thấy họ viện dẫn cương thường trong các tác phẩm ấy, nhưng khi đọc kỹ hơn, ta sẽ thấy họ chỉ đang nhại lại những đức hạnh này thôi. Một trong những tác giả đả phá truyền thống là Lý Ngư (1611-1680), tác giả của tiểu thuyết tai tiếng Nhục bồ đoàn. Họ Lý bắt đầu câu chuyện của mình bằng một bài thuyết giảng dài về đạo đức sắc dục. Ông nói với độc giả rằng tình dục thật ra rất tốt cho con người, nhưng chỉ khi biết điều độ và giới hạn trong nhà. Quan hệ với gái điếm có thể gây hại, còn gian dâm với phụ nữ đã có chồng sẽ kéo theo đại họa. Họ Lý cũng cảnh báo độc giả không nên nhầm lẫn rằng vì tiểu thuyết của ông đọc cũng vui hay chứa đầy những chi tiết gợi dục nóng bỏng mà quên mất mục đích cực kỳ nghiêm túc của nó – kêu gọi mọi người kiềm chế ham muốn của mình thay vì buông thả.
Khi đã tuyên bố một dự định nghiêm túc và mang tính giáo lý như vậy, Lý Ngư sau đó tiếp tục tiểu thuyết của mình bằng cách miêu tả hành trình sắc dục của nhân vật chính với đầy các chi tiết hào nhoáng (và ghê tởm) của nó. Việc ca ngợi sắc dục chỉ được tiết chế lại tận ở gần cuối truyện, khi nhân vật chính phát hiện ra tất cả đàn ông mà vợ của họ ngủ với anh ta cũng đã ngủ với vợ mình. Nhục nhã nhưng thông suốt, anh ta kết thúc hành trình lầm lạc của mình bằng cách cắt bỏ “kẻ thù” (hiểu là dương vật) của mình.
Sắc thái đối nghịch của Nhục bồ đoàn phản ánh thái độ đôi chiều của xã hội Trung Hoa đối với sắc dục nói chung. Cổ ngữ nổi tiếng có câu “Thực sắc tính dã” (食色性也 – Thèm khát ăn uống và sắc dục là bản chất con người). Rõ ràng một người thỏa mãn ham muốn tình dục của mình là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, đạo hiếu đòi hỏi đàn ông (lẫn phụ nữ) Trung Hoa làm tình với nhau chỉ nhằm mục đích duy trì nòi giống. Lang chạ bị xem như bất hiếu, vì tình dục quá độ có thể dẫn đến hao tổn sinh lực và khả năng sinh sản. Để quân bình hai thái độ mâu thuẫn này – và để chặn trước sự bất lực của nam giới, những bậc thầy tình dục Trung Hoa đã đưa ra lời khuyên: Đàn ông phải quan hệ dị tính, vì họ phải hấp thụ những tinh chất phục hồi trong “dịch” của người nữ để bù lại chất nam mất đi sau khi xuất tinh. Họ cũng phải giữ gìn tinh dịch của mình càng nhiều càng tốt.
Đức hiếu thảo, cùng với việc lên án hành vi lang chạ, là đặc điểm không thể thiếu của tư tưởng Nho giáo khắt khe mà người sáng lập nhà Minh đã ưa chuộng. Với sự ủng hộ tuyệt đối từ triều đình, các nhà đạo đức Nho giáo triều Minh còn chủ trương tôn thờ tiết hạnh của phụ nữ. Phụ nữ được dạy phải thủy chung với chồng và chối bỏ đời sống tình dục của bản thân sau khi chồng mất. Quả phụ tái giá là điều đại kỵ. Sự định danh tiết hạnh phụ nữ theo tư tưởng Nho giáo này, đặc biệt là thái độ áp chế của nó trước vấn đề sắc dục, đã khơi nguồn cho một số nhân vật phản bác truyền thống vào thế kỷ 17 công kích tập tục Nho giáo bằng cách làm cho quan niệm tôn thờ trinh tiết trở nên tầm thường. Chẳng hạn như Lý Ngư đã viết một truyện về hôn nhân đồng tính nam, “Nam Mạnh mẫu giáo hợp tam thiên” (男孟母教合三遷 – Chuyện người mẹ nam của Mạnh Tử ba lần chuyển nhà dạy con, Hồi 6 trong Vô thanh hý – 无声戏). Dù các nhà đạo đức Nho giáo luôn cau mày trước những cách thể hiện tình dục không phục vụ sinh sản, có vẻ họ Lý đã chọn đề tài đồng tính để làm cho những lời chỉ trích của mình thêm thẳng thắn.
Trong truyện, Lý Ngư cho độc giả biết đồng tính nam thường được gọi là nam phong (男风 – phong cách nam giới)[1] và chuyện này rất phổ biến ở khu vực Phúc Kiến. Cả những cây đa trong vùng cũng có xu hướng “đồng tính”, phần thân lớn có dấu hiệu uốn cong xuống thân thấp hơn, các dây leo của hai thân bện chặt vào nhau đến mức không thể nhìn xuyên hay dùng rìu chia cắt được. Thành ra, dân địa phương mới đặt cho cây đa cái tên “cây nam phong”. Một trong các nhân vật chính trong truyện của họ Lý là một học giả tên Hứa Quý Phương (許季方). Khi còn trẻ, họ Hứa không có hứng thú gì với việc học hay các hoạt động bổ ích khác; thay vào đó, ông ta buông thả theo khuynh hướng sắc dục đồng tính của mình (long dương). Đến độ hai mươi, ông bất ngờ ghi danh vào trường học và lĩnh hội vừa đủ để lấy được học vị. Sự đầu hàng trước áp lực xã hội phải trở thành người có ăn có học còn dẫn đến thêm một sự gò mình theo khuôn khổ nữa. Dù bẩm sinh đã không thích giới nữ, họ Hứa cuối cùng đi lấy một người phụ nữ làm vợ để làm tròn chữ hiếu và sinh con nối dõi. Chẳng bao lâu thì ông cũng chẳng còn chút tình cảm gì với vợ mình vì bản thân ông cũng chỉ ở bên vợ vào những đêm bắt buộc trong tháng. Sau vài năm đồng sàng dị mộng, vợ ông đậu thai rồi sinh ra một bé trai, nhưng nàng cũng qua đời vì biến chứng khi sinh. Vậy nên họ Hứa như được sống trong cõi bồng lai giữa vạn giới – ông có một đứa con và không còn vướng bận người vợ. Ông quyết định sẽ tái hôn, lần này sẽ lấy một người đàn ông tâm đầu ý hợp. Tuy nhiên, vì những tiêu chuẩn của ông rất cao nên phải vài năm sau thì cuối cùng ông mới tìm được bạn tình lý tưởng.
Đấy là lương duyên tại trời, hay đúng hơn, là do trời định. Phía đông thị trấn có một khu an viên nổi tiếng tên Mi Châu Đảo (湄洲岛). Mỗi khi xuân về, người người từ khắp cả nước lại đổ về đảo này để viếng đền trong vài đêm. Trong một đêm như thế, nữ thần bảo trợ của ngôi đền báo mộng cho một phán quan ở địa phương rằng hạn hán sẽ lan tràn trên khắp cõi Trung Hoa, nhưng nhờ có bà thay mặt vùng này mà gửi gắm nên dân chúng nơi đây chỉ phải chịu chút mùa màng thất bát. Sau vụ thu, phán quan tuyên bố trước bá tánh sẽ lập đàn tạ ơn trong ngày ăn mừng nữ thần bảo hộ. Ông cũng nói rõ chỉ có đàn ông mới được phép ra đảo tham gia lễ hội.
Mọi đàn ông sống trong vùng đều có mặt trên đảo trong ngày trọng đại. Những người có khuynh hướng nam phong cũng kéo đến đông đảo. Nhiều người trong số họ vận trang phục với đủ sắc thái đỏ hoặc tím, ganh đua nhau để lọt mắt xanh một số ít những người ngon lành nhất. Người uyên bác còn mang theo giấy bút, để có thể chép lại những ấn tượng và đánh giá về mọi nam thanh qua đường. Một trong những trang nam thanh này là một chàng trai phong thái cuốn hút tên Vưu Thụy Lang (尤瑞郎), đến đảo cùng bốn năm bạn đồng hành. Anh chàng là người nổi bật nhất vì không giống như những người khác, anh mặc y phục đen giản dị. Ngay lập tức, anh trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. “Thế này là thế nào?” anh ta tự hỏi. “Mình đến đây để xem hội, nhưng giờ mình mới là ‘hội’ để người khác ngắm nhìn!” Không hề nao núng trước nhiều lời mời trà nước, anh ta vẫn quyết định khám phá hòn đảo cùng bạn bè mình.
Đến đây, Thụy Lang mới nhận ra một người đàn ông tuấn tú, trạc hai mươi mấy, đã âm thầm theo anh được một lúc. Ngay khi định quay lại hỏi xem người lạ này định làm gì thì chàng trai giẫm phải một hòn đá phủ rêu và trượt chân. Suýt chút thì đại họa nếu không nhờ người lạ kia đã vươn ra đỡ anh khỏi ngã. Trong khoảnh khắc động chạm ấy, Thụy Lang cảm nhận được một áp lực âu yếm nhè nhẹ trên lòng bàn tay của mình, thế là anh chàng bất giác đỏ mặt. “Người lạ” kia, không ai khác, chính là Hứa Quý Phương. Đích thị đây là yêu ngay từ cái chạm đầu tiên. Đêm đó, Hứa Quý Phương quyết định sẽ kết hôn với Thụy Lang – làm bằng hữu thôi chưa đủ, vì bằng hữu không cam đoan thủy chung tuyệt đối; chỉ có hôn nhân mới đảm bảo tình cảm và lòng son sắt vĩnh hằng của Thụy Lang. Vài ngày sau, họ Hứa ghé thăm cha của Thụy Lang, viện cớ nhận chàng trai làm học trò. Ông lão cũng không phải dạng vừa. Ông để ý cách hai người nhìn nhau mà biết rằng chuyến thăm này có mục đích gì khác.
Hôm sau, ông lão qua thăm ngược lại họ Hứa và cho phép Thụy Lang đi theo ông. Đến lúc này, Lý Ngư bỗng xen vào làm vai trò dẫn chuyện:
[Độc giả], hẳn các bạn đang tự hỏi sao [người cha của chàng trai] lại có thể nhu nhược đến thế. Ông lão biết rõ có người đang lợi dụng con mình, nhưng ông lại không làm gì để ngăn chặn. Ông không chỉ mở cửa cho trộm vào nhà, ông còn dâng con mình cho trộm! Sao lại có chuyện kỳ khôi như vậy?
Ừ thì, các bạn phải hiểu rằng ở vùng đất này, lối sống như thế đang lan tràn. Những người sống như thế không thấy nó có gì đáng xấu hổ. Lại thêm chuyện [ông lão] nợ nần chồng chất, thậm chí còn chưa có đủ tiền chôn hai người vợ đã mất. Ông biết rõ con trai mình sẽ được giá cao. Vậy nên ông mới không chối từ.
[Bạn có thể thắc mắc] nếu đã như thế, tại sao ông không để Thụy Lang được tự quyết, muốn làm gì thì làm? Tại sao vào lễ hội nữ thần, ngay trước khi chàng trai rời nhà ra đảo, ông lại dặn con không được ra chỗ khuất hay nói chuyện với người lạ? Các bạn phải hiểu rằng ở Phúc Kiến, cũng như với phụ nữ, trinh tiết rất quan trọng với người đồng tính. Có sự khác biệt giữa kết hôn lần đầu và tái hôn. Nếu [chàng trai] là trai tân, người ta sẽ trả tiền hồi môn rất cao, sau đó phải tiến hành đủ mọi lễ nghi trong đám cưới. Nhưng nếu cha mẹ không quản chặt con mình, và chàng trai là hoa đã qua tay, anh ta sẽ bị xem như “tàn hoa bại liễu”. Dù không bị xem là rác rưởi và vẫn tìm được người sẵn lòng trả tiền, cha mẹ anh ta không còn được bàn đến giá tiền nữa… Đó là lý do vì sao ông lão không dám buông lỏng con trai mình.
Cuối cùng, hai bên cũng thu xếp được giá hợp tình để gả Thụy Lang đi. Hứa Quý Phương và Vưu Thụy Lang sống với nhau như vợ chồng. Mối quan hệ của hai người phản ánh một cuộc hôn nhân dị tính, khi chàng trai trẻ một lòng hầu “chồng”, đến mức tự cung để giữ lại những nét thanh tú và xoa dịu người chồng lớn tuổi thấp thỏm trước vẻ nam tính ngày càng trỗi dậy của mình. Chàng trai cũng ăn mặc sặc sỡ hơn. Sau cái chết – thuần tự nhiên – của Quý Phương, Thụy Lang giữ tiết trọn đời. Anh nuôi nấng đứa con của Quý Phương từ cuộc hôn nhân đầu tiên, như bao bậc tiết phụ vẫn làm. Đứa con sau này trở thành một học giả và vị quan thành công.
Sự bất chấp đạo đức chính thống rành rành của Lý Ngư, sự yêu thích vui thú sắc dục không hề che đậy của ông, thêm vào việc ông chối từ kết án những lối sống khác thường đã biến ông trở thành nhân vật chướng tai gai mắt trong giới văn chương. Không thể khẳng định chắc chắn quan điểm của họ Lý về đồng tính ra sao, nhưng khi đọc “Nam Mạnh mẫu giáo hợp tam thiên”, cũng như hai truyện nổi tiếng khác về cùng chủ đề của ông, “Túy Nhã Lâu” (萃雅樓, tòa thứ sáu trong số “12 tòa tháp” trong tập “Nhị thập lâu” – 十二樓) và “Liên hương bạn” (憐香伴) thể hiện thái độ trung lập của ông. Như trong “Túy Nhã Lâu”, các nhân vật đồng tính của họ Lý có thể làm việc thiện lẫn việc ác, và những kẻ phản diện đồng tính của ông cũng tàn ác không thua kém gì những kẻ phản diện dị tính trong các truyện khác của mình.
Hai nhân vật chính “Túy Nhã Lâu” là Quyền Nhữ Tu (權汝修), một người bán hàng trẻ tuổi, da dẻ trắng hồng ở một tiệm đồ cổ (anh ta cũng có phần vốn trong tiệm này) và Nghiêm Đông Lâu (嚴東樓), đứa con trai tàn ác của một viên quan cấp cao. Đông Lâu nổi tiếng là vô độ trong chuyện đồng tính luyến ái của mình. Hắn ta không chừa một ai – mọi tên đĩ đực hay kỹ nam có tiếng đều đã qua tay hắn – hắn luôn chực chờ tìm kiếm con mồi mới. Hắn nghe phong thanh về một chàng trai trẻ tuổi xinh đẹp đang làm ở hiệu buôn đồ cổ và quyết định đến xem thử. Hắn ta hẹn với các chủ tiệm – tức là những người yêu và bằng hữu tốt của Nhữ Tu. Những người này đều biết rõ về sự gian xảo của tên Đông Lâu và nhất quyết không để Nhữ Tu xuất hiện tại cửa hiệu vào ngày hẹn.
Vào ngày hẹn, Nghiêm Đông Lâu đến cùng tùy tùng. Hắn ta thất vọng ra mặt vì đối tượng mà hắn tò mò không ở đó, nhưng hắn được dịp khoa trương khi ngắm nghía và chọn những món hàng đắt đỏ nhất mà hắn hứa sẽ thanh toán sau. Nhưng sau đó, khi các chủ tiệm đưa chi phiếu, hắn đều không chịu trả tiền. Hắn khăng khăng chỉ trả tiền cho Nhữ Tu, kèm theo điều kiện chàng trai phải đến nhà hắn để nhận tiền. Nhữ Tu không còn lựa chọn nào ngoài phải đích thân đến nhà Đông Lâu, nhưng chàng trai vẫn kiên định chống cự những lời đẩy đưa gợi tình của Đông Lâu. Sau ba đêm vô ích, Đông Lâu từ bỏ và để Nhữ Tu đi.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đây, Nghiêm Đông Lâu cấu kết với thái giám Sa (Sa Ngọc Thành) (沙玉成) dụ Nhữ Tu vào cung, đánh thuốc rồi hoạn anh ta. Khi thái giám Sa mất sau đó không lâu, Nhữ Tu bị giao cho Đông Lâu. Chàng trai giả vờ gác lại những chuyện trước đây để tập trung thỏa mãn đủ trò Đông Lâu bày ra. Dự định của anh thực ra là để hiểu rõ đường đi nước bước trong nhà họ Nghiêm. Những hiểu biết này sẽ có ích với anh. Sau này, khi có chính biến khuấy đảo cả triều đình nhà Minh, Nghiêm Đông Lâu bị lưu đày tạm thời. Bao nhiêu kẻ hầu người hạ cũng sẽ được trả về chủ cũ, hoặc là thả đi đâu đó. Khi Nhữ Tu được gọi tên, anh tự nhận mình là thái giám và mong được trở vào cung sống cùng các thái giám khác. Ít lâu sau, khi được hỏi vì sao lại trở thành thái giám, chàng trai đáp rằng đó là một câu chuyện dài nhưng anh không dám kể cho ai ngoại trừ hoàng thượng. Và như thế bao nhiêu tội trạng của Đông Lâu được phơi bày ra ánh sáng. Hắn ta bị xử trảm, về sau Nhữ Tu có được đầu lâu của hắn và đem dùng nó làm bồn tiểu.
Để tìm thấy những miêu tả tích cực về tình yêu đồng tính, ta phải tìm đến văn chương đồng tính khiêu dâm lộ vào thế kỷ 17. Do những nỗ lực kiểm duyệt sau này của nhà Thanh, chỉ số ít còn sót lại đến ngày nay. Một trong những tác phẩm hiếm hoi đó là Biện nhi sai, tức “Trâm cài dưới mũ biện”. Đây là một tập gồm bốn truyện ngắn có chung đề tài kể về mối quan hệ sắc dục giữa hai người đàn ông có thể thỏa mãn cả về cảm xúc lẫn tình dục. Cả bốn truyện này đều có chứa những miêu tả chi tiết – hay đúng ra là ca ngợi – giao hoan đồng tính.
Truyện đầu tiên trong số bốn truyện, “Tình trinh ký” (情贞记) kể về một viện sĩ dụ dỗ một cậu học trò trẻ tuổi. Ở đầu truyện, ta được biết chàng trai, tuấn tú và hấp dẫn, một mực chống cự những lời gạ gẫm từ bạn học. Cậu còn đi đến nước chuyển trường để tránh sự chú ý không mong muốn của các nam sinh khác. Tuy nhiên, vào một ngày kia, viện sĩ đã bắt gặp cậu trai trẻ và ngay lập tức phải lòng; phần còn lại của câu chuyện là quá trình dần dần dụ dỗ chàng trai đó.
Kế hoạch của viện sĩ này là dùng tên giả ghi danh vào trường, sau đó đặt phòng đối diện phòng chàng trai kia. Ông tự nhắc mình phải luôn biết kiên nhẫn vì ông hiểu chàng trai kia có chuẩn mực đạo đức rất cao và do đó không muốn làm cậu ta hoảng sợ. Trong lúc này, viện sĩ tạm dùng người hầu để thỏa mãn nhu cầu sinh lý của mình. Cuối cùng ông cũng dụ được chàng trai, và khi chàng trai cảm thấy bối rối, ông đã trấn an cậu bằng mấy lời sau: “Nếu xét về Lý, chuyện ta vừa làm hôm nay là sai; nhưng nếu xét về Tình, ta lại đúng. Vì đàn ông có thể làm phụ nữ và phụ nữ có thể làm đàn ông. Ta có thể đi từ sống đến chết cũng như đi từ chết đến sống. Ta vẫn hay nói: ‘Bể có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình cảm không thể phục theo lý!’ ” Nhưng tình cảm mà không có tình dục thì không trọn vẹn, và tình dục không thể thật sự đem lại niềm vui nếu một người không được sống hoàn toàn tự do. Sau một hồi, dưới sự chỉ giáo bậc thầy của viện sĩ, chàng trai cuối cùng cũng nhận ra lầm tưởng về đời sống không tình dục. Câu chuyện kết thúc đột ngột khi cặp đôi bị chia cắt, nhưng họ – và gia đình của cả hai – giữ mối quan hệ giao hảo trọn đời.
Tác giả khuyết danh của Biện nhi sai có kiến thức rất sâu sắc về cơ chế và những cảm xúc trong quá trình giao hợp. Những miêu tả sống động cảnh hai người nam giao hoan với nhau đã đặt Biện nhi sai vào cùng thể loại với Nhục bồ đoàn, tác phẩm tôn vinh tình dục dị tính nóng bỏng. Nhưng kỹ năng văn chương của tác giả này thua xa của Lý Ngư; thay vì mang tính nghệ thuật, Biện nhi sai nằm trên lằn ranh mỏng manh phân chia giữa văn chương gợi dục và văn chương khiêu dâm. Do xuất bản là một ngành ăn nên làm ra ở Trung Hoa thời nhà Minh, Biện nhi sai có thể được in chỉ khi có một thị trường độc giả hứa hẹn doanh thu lớn dành cho nó. Thời Minh, có hàng trăm ngàn nhà in hoạt động, dù hầu hết đều có đời sống tương đối ngắn ngủi. Xuất bản cũng là một ngành đầy tính cạnh tranh, để tồn tại, các nhà xuất bản chỉ cho in những tựa sách đảm bảo sinh lời khi đã đầu tư. Thái độ buông thả, sống hết sức hết mình phổ biến vào thế kỷ 17 cho phép và vun đắp cho sự bùng nổ văn chương gợi dục và khiêu dâm.
Văn chương gợi tình đồng tính vào thế kỷ 17 chỉ ca ngợi quan hệ nam-nam. Điều này không có gì lạ khi tất cả nhà văn đều là nam và thị trường văn chương nhìn chung bị nam giới thống trị. Rất ít phụ nữ ở Trung Hoa đời Minh-Thanh biết chữ, mà trong số những người tinh thông cầm kỳ thi họa, phần nhiều lại là kỹ nữ. Trên thực tế, mối liên hệ gần gũi giữa năng lực văn chương của người nữ và đời sống kỹ nữ đã dẫn đến cách ngôn: “Nữ nhân không biết văn nghệ mới là bậc thục nữ.” Do đó, ở Trung Hoa, và nhiều nơi khác, trải nghiệm của phụ nữ không được phản ánh thành văn.
Nhưng ta lại có một ngoại lệ đáng chú ý – vở kịch Liên hương bạn. Đây là câu chuyện về hai người phụ nữ (một trong hai đã có chồng) yêu nhau sâu đậm đến mức tự đứng ra làm lễ thành thân. Người phụ nữ đã có gia đình tính kế để chồng mình nạp tình nhân của cô làm thiếp, hai người phụ nữ sau đó sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Việc vở kịch này gắn liền với trải nghiệm đồng tính nữ là rất rõ ràng; chẳng hạn, trong tác phẩm tự truyện của Thẩm Phục (1763-?), Phù sinh lục ký, ta bắt gặp ông trêu chuyện vợ mình mê đắm nàng kỹ nữ cầm ca: “Phu nhân đang định học theo ‘Liên hương bạn’ của Lạp ông hay sao?”
Đồng tính trong “bút ký” học thuật
Miêu tả tình cảm đồng tính không chỉ gói gọn trong văn chương gợi dục hay khiêu dâm. Viện dẫn đến đồng tính còn được tìm thấy trong các bút ký học thuật vào thế kỷ 17. Chẳng hạn như Vạn Lịch dã hoạch biên (萬曆野獲編) của Thẩm Đức Phù (1578-1642). Ta (và hẳn nhiên là cả những người đương thời cũng như các tác giả hậu bối như Lý Ngư) học được từ tác phẩm này rằng đồng tính nam rất phổ biến ở Phúc Kiến:
Người Phúc Kiến đặc biệt thích đồng tính nam. Thị hiếu này không chỉ bị giới hạn trong một giai cấp kinh tế hay xã hội, nhưng người giàu thường đi chung với người giàu, người nghèo thì đi chung với người nghèo. Họ gọi nhau là khế huynh đệ (anh em kết nghĩa). Người anh thì gọi là khế huynh (契兄); người em thì gọi là khế đệ (契弟). Khi khế huynh đến nhà khế đệ, anh ta được cha mẹ của khế đệ chào đón và thương yêu như con rể trong nhà. Sinh kế của khế đệ, bao gồm cả chi phí khi người này lấy vợ sau này, đều là do khế huynh chu cấp.
Do những vùng bờ biển ở Phúc Kiến hay có hải tặc quấy phá, cầm đầu đám hải tặc thường được thuộc hạ gọi là khế huynh, vậy nên họ Thẩm mới kết luận rằng lối sống ưa chuộng đồng tính phổ biến là do ảnh hưởng của văn hóa hải tặc. Theo thuyết này, đồng tính lan tràn trong đám hải tặc vì đám người này có niềm tin dị đoan không được cho phụ nữ bước lên tàu vì họ sẽ đem theo vận xui. Để thỏa mãn nhu cầu tình dục, họ không còn cách nào khác ngoài việc quay sang tìm nhau để giải tỏa. Dù họ Thẩm không đưa ra bất kỳ nhận định đạo đức nào về đồng tính, có vẻ ông phủ nhận khả năng xem đồng tính là trạng thái tự nhiên; thay vào đó, ông xem đây là hành vi lĩnh hội được, khởi nguồn từ sự thiếu thốn tình dục dị tính.
Thẩm Đức Phù cũng cho vào hợp tuyển của mình những ghi chép tiểu sử tiết lộ hoạt động tình dục đồng tính nam. Chẳng hạn như đoạn về học giả Chu Dụng Trai (周用齋): Khi Chu công tử còn là một thư sinh tương lai xán lạn, cậu dọn vào ở cùng một ông lão họ Đổng (Đổng Kỳ Xương) (董宗伯). Một ngày kia, Chu công tử báo với lão Đổng chuyện chàng muốn bỏ học về quê. Lão Đổng hiểu rõ chàng trai cảm thấy cô đơn chứ không phải nhớ nhà, nhưng ông không nói ra. Tuy nhiên, ông lại cố tình bóng gió về câu chuyện Long Dương quân. Chu công tử ngay lập tức nổi cơn tam bành, quy kết đồng tính là trò cầm thú. Có một lúc, anh ta còn tuyên bố: “Tôi không hiểu nổi làm sao thằng đàn ông này lại bị hấp dẫn tình dục với thằng đàn ông khác!” Lão Đổng không đáp lại ngay tràng chửi bới của Chu công tử, nhưng tối khuya hôm đó, ông sai một tiểu đồng, vốn đã có kinh nghiệm giường chiếu với nam nhân, sang hầu giường Chu công tử.
Lợi dụng lúc Chu công tử say bí tỉ, tiểu đồng sấn tới khẩu dâm cho chàng trai. Chu công tử hoảng hốt tỉnh giấc, nhưng tiểu đồng làm càng hăng hơn, khiến Chu công tử đê mê khôn tả. Khi chàng trai phát hiện chuyện này là do dụng ý của lão Đổng, cậu lại thầm cảm thấy biết ơn sự thấu đáo của lão già. Tin về sự khơi màu đồng tính của chàng trai lan rất xa và rộng, khiến cậu trở thành đối tượng của vô số trò đùa ác ý, nhưng cậu không hề hối hận. Thật vậy, chính họ Thẩm đã ghi lại sự buông thả của Chu công tử trong tình cảm nam nhân đã phát triển đến mức cậu chấp thuận mọi loại hình bạn tình – từ già đến trẻ, từ xấu đến đẹp.
Thẩm Đức Phù, như nhiều tác giả đương thời vào thế kỷ 17, có cái nhìn trung lập về đồng tính nam. Điều này được phản ánh rõ qua sắc thái văn chương của họ. Đến nhà Thanh sau này, thái độ tiêu cực sẽ bắt đầu trỗi dậy. Chẳng hạn, ta có thể tìm thấy trong tuyển tập triều Thanh Quốc bảo văn kiến lục (國寶聞見錄) câu chuyện sau đây:
Trên khu đất của Thiên Ninh Tự ở Ninh Ba có một miếu thờ bỏ hoang trong đó có tượng Quan Đế trú ngụ. Một hôm, hai chàng trai, lợi dụng nơi hẻo lánh, đã hành lạc ngay trước tượng thần. Việc này lập tức khiến Quan Đế nổi cơn tam bành lục tặc. “Sao chúng bây dám làm ô uế miếu này?” thần gầm lên. “Các ngươi phải chết vì tội này!”
Hai thanh niên hoảng sợ dù kịp kéo quần lên, nhưng cú sốc vẫn lớn đến mức hai người gào thét thất thanh, khiến đám đông tụ lại quanh ngôi miếu bỏ hoang. Lát sau, thân phụ thân mẫu của hai thanh niên biết tin bèn chạy đến đền xin Quan Đế tha tội. Họ nguyện tổ chức diễn kịch để chuộc lại tội lỗi của hai người con trai. Cơn giận của Quan Đế nguội dần, những tiếng la thất thanh cũng đến hồi dứt. Tuy nhiên, hai thanh niên vẫn còn nửa mê nửa tỉnh thêm một tháng.
Quan niệm xem đồng tính là tội hay do quỷ ám cũng được tìm thấy trong nhiều tuyển tập khác dưới triều Thanh, chẳng hạn như trong Duyệt Vi thảo đường bút ký (閱微草堂筆記) của Kỷ Hiểu Lam.
Một phương thức khác mà các nhà phê bình dùng để hạ thấp tình dục đồng giới là thêm vào bút ký của mình những khía cạnh không hay ho của hành vi của những người đồng tính có tiếng. Một định kiến bắt đầu xuất hiện: Người đồng tính không kiểm soát được mình; họ săn trai trẻ; họ dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục tiêu; họ không quan tâm bàn dân thiên hạ nghĩ gì; họ là những người tuyệt vọng. Chẳng hạn như trong Lưỡng bàn thu vũ am tuỳ bút (兩般秋雨盦隨筆) của Lương Thiệu Nhâm. Có khả năng sự thay đổi thái độ – từ trung lập sang miệt thị – là thành quả của những nỗ lực bài đồng tính của triều đình nhà Thanh.
Đồng tính và triều đình nhà Thanh
Khi quân ngoại bang Mãn Châu tiến vào thành Bắc Kinh vào mùa hè năm 1644 và tuyên bố sự ra đời của một triều đại mới – nhà Thanh – ở Trung Hoa, họ biết mình phải đối mặt với nhiệm vụ tái thiết rất kỳ công. Để củng cố kỷ cương của họ, người Mãn Châu phải cẩn trọng trong một số vấn đề hệ trọng: Trước tiên, trật tự và ổn định phải được phục hồi ở một đế chế vốn đã bị xâu xé, tan hoang vì bạo loạn nông dân và cướp bóc tràn lan. Một dân tộc luồn cúi và suy đồi cần lấy lại niềm tin của mình, bằng không thì sẽ không thể nào góp phần vào công cuộc tái thiết đế chế. Quan trọng không kém, giới văn sĩ phải bị khuất phục, vì nếu không có sự ủng hộ của họ, cấu trúc lại bộ máy quan liêu sẽ vô cùng khó khăn.
Người Mãn Châu không phải là lũ mọi thất học. Trước cuộc đại thành năm 1644, họ đã tỉ mẩn chuẩn bị cho thách thức sau cùng – thống trị Trung Hoa. Đến năm 1644, họ đã học được rất nhiều về lịch sử và văn hóa Trung Hoa, nhất là giáo lý Nho gia. Một trong những tiền đề căn bản của Nho giáo là nguyên lý “chính danh” (正名). Để thiên hạ thái bình, mỗi người dân phải biết bổn phận của mình mà làm theo. Vậy nên đế vương phải làm tròn bổn phận đế vương, thân phụ phải làm tròn trách nhiệm của bậc làm cha, cứ thế mà làm. Khi người ta không biết làm theo bổn phận của mình, tất loạn. Các Nho sĩ từng tin rằng giáo dục và thuyết phục đạo đức là vừa đủ để duy trì hành vi phù hợp, nhưng cuối cùng, họ kết luận cũng cần dùng đến hình phạt. Quá trình có tên “Nho hóa pháp luật” (法律儒家化) cũng từ thái độ mới này mà ra. Nếu luật pháp (và hình phạt) phải do triều đình sử dụng, thì chúng phải được dùng để thúc đẩy giá trị Nho giáo, hay tổng quát hơn, là duy trì trật tự. Ngay từ rất sớm, nhà Thanh đã nhận ra các bộ luật là biểu tượng quyền lực của uy quyền đạo đức trong tay triều đình cũng như là công cụ tiềm năng để cơ cấu xã hội. Một trong những ví dụ điển hình nhất của nhận thức này chính là đạo luật năm 1646, áp đặt những yêu cầu về bằng chứng nghiêm ngặt đối với các cáo buộc hiếp dâm. Mục đích của luật này là đề cao tiết hạnh – tức là đón nhận, và xa hơn nữa, là cổ vũ cho quá trình phục sinh tư tưởng Nho giáo triều Minh nhằm nhận được sự hợp tác từ các học giả Trung Hoa thủ cựu.
Đến cuối thế kỷ 17, chính quyền nhà Thanh đã phục hồi thành công sự hòa bình và ổn định cho Trung Hoa, cùng nhiều nỗ lực mang các Nho sĩ vào guồng cũng được như ý. Nhưng các bậc đế vương Thanh triều biết rằng họ chỉ có thể bám rễ trên đất Trung Hoa, khiến cho Thanh triều thịnh trị, nếu gốc rễ được nuôi dưỡng kỹ càng, được che chở khỏi các mối nguy hại trong tương lai. Đế vương Thanh triều đặt ra một chương trình tuyên truyền và thuyết giáo đầy tham vọng. Họ tin vào cơ cấu xã hội, và họ dùng đến cả giáo dục lẫn hình luật để hỗ trợ triều đình định hình và kiểm soát hành vi. Thuận theo quan niệm Nho giáo rằng “chính danh” sẽ đảm bảo thiên hạ thái bình, ổn định, họ nhất quyết nam giới phải là chồng, là cha, nữ giới phải là vợ giỏi, mẹ khôn; bất kỳ thứ gì nằm ngoài kỷ cương này đều không thể dung thứ. Xét theo nghĩa này, đồng tính vi phạm nguyên tắc “chính danh”.
Có lẽ các bậc đế vương Thanh triều tin rằng đồng tính chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ dân số, sẽ chẳng có bất kỳ kháng cự nào. Nhưng tình hình lại hoàn toàn khác. Sự bùng nổ của văn chương gợi dục lấy đề tài đồng tính vào thế kỷ 17, cùng với viện dẫn thường xuyên đến hành vi đồng tính trong bút ký học thuật, đã nâng cao nhận thức của họ về mức độ của hiện tượng đồng tính, và biến đổi nó, trong tâm trí họ, thành một “vấn đề”. Bộ luật năm 1740 khép tội kê gian đồng thuận giữa những người trưởng thành là sản phẩm của một nỗ lực tổng thể của triều đình nhà Thanh để củng cố vai trò giới truyền thống. Hành vi tình dục đe dọa làm lung lay những vai trò này được xem là tội đáng phạt vạ. Theo những ghi chép phạm tội, ta không rõ bộ luật bài đồng tính này có hiệu lực đến mức nào trong việc kiểm soát tính dục nam, nhưng rõ ràng, nó báo hiệu cho dân chúng biết đồng tính không còn là vấn đề riêng tư nữa.
Khảo sát về các vụ án được xét xử cho thấy một điều: triều đình nhà Thanh ít khoan hồng với những người đồng tính nam hơn là những phụ nữ bị khép tội gian dâm, qua đó cho thấy chính quyền xem đồng tính nam là tội còn tày trời hơn cả hành vi dâm ô của người phụ nữ – có lẽ là do chỉ có nam giới có thể mang danh dòng họ và họ buộc phải làm tròn đạo hiếu bằng sách sinh con trai. Xét theo nghĩa này, đồng tính nam (tức là hoạt động tình dục không sinh sản) bị xem là thách thức trực tiếp đối với những đòi hỏi của đạo hiếu. Phụ nữ dâm dật, trái lại, không đe dọa đến chuyện nối dõi; họ có thể bị thay thế và chức năng sinh sản của họ có thể do người phụ nữ khác làm thay.
Vivien W. Ng
Miên Túc dịch
Vivien W. Ng là cựu trưởng khoa Nghiên cứu phụ nữ, giới và tính dục tại trường Đại học Albany, New York. Bà cũng là thành viên Ban giám đốc Viện y tế và nhân quyền toàn cầu trực thuộc trường, và là chủ tịch đầu tiên của Hội nghiên cứu phụ nữ Hoa Kỳ năm 1993-4. Ngoài cuốn sách Madness in Late Imperial China: From Illness to Deviance (1990), bà còn đóng góp nhiều bài viết học thuật trong các tuyển tập, sáng tác truyện ngắn, tham gia các dự án phim tài liệu về người Mỹ gốc Á và gốc Phi, cùng nhiều công trình khác. “Homosexuality and the State in Late Imperial China” xuất hiện trong cuốn sách Hidden from History: Reclaiming the Lesbian and Gay Past (New American Library, 1989) do Martin Bauml Duberman, Martha Vicinus và George Chauncey chủ biên.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư Vivien W. Ng đã chấp thuận cho Zzz Review dịch đăng bài viết này.
(Hậu kỳ phong kiến bao gồm cuối thời Minh (khoảng thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 17) và thời Thanh (1644-1912). (Ghi chú trong bản tiếng Anh).
[1] Tiếng Anh trong nguyên bản ‘Southern persuasion’. Trong cuốn The Libertine’s Friend: Homosexuality and Masculinity in Late Imperial China, tác giả Giovanni Vitiello gợi ý rằng nanfeng nên được dịch là ‘male charms’ (khí chất nam giới). Dựa vào Hán tự 男风, chúng tôi gợi ý nên dịch là ‘phong cách nam giới’ (male way/mode/style) thay vì ‘Southern persuasion’ như cách hiểu của một số học giả phương Tây. (Ghi chú của biên tập bản tiếng Việt)