Trương Đăng Dung làm thơ từ cuối thập niên 70 của thế kỉ trước. Thầm lặng, con người thi ca ấy ẩn khuất sau dáng vẻ của một nhà lí luận, để hơn 30 năm sau, cựa mình trỗi dậy. Những kỉ niệm tưởng tượng (Nxb Thế giới, 2011) chính là sự định hình quan trọng của một “dự án” đã khởi động từ rất sớm của Trương Đăng Dung (*). Từ đây, chúng ta có một thi sĩ bên cạnh một nhà nghiên cứu văn học. Mười năm, như một triết gia lặng im bên rừng chỉ để tìm lời nói cho nhịp điệu “ưu tư” của mình, Trương Đăng Dung mới xuất bản tập thơ thứ hai: Em là nơi anh tị nạn (Nxb Văn học, 2020). Đó có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay một ám ảnh kéo dài, một khắc khoải triền miên, một định mệnh của lời trước áp lực về sự hoàn bị của tư tưởng? Dẫu thế nào, thi ca từ trong ý niệm của Trương Đăng Dung đã bày tỏ thái độ lưỡng lự cần thiết về nhu cầu cất tiếng với ý nghĩa mĩ học đích thực của thể loại.

Thơ có địa vị ngang hàng với triết học, nhưng thơ chẳng phải là triết học. Bởi lẽ, triết học tư duy bằng khái niệm, phạm trù, mệnh đề, còn thơ đến với con người và thế giới bằng hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, như hai người leo núi từ phía Đông và phía Tây, họ đi theo hai hướng khác nhau mà cuối cùng lại gặp nhau trên đỉnh núi. Đỉnh núi ấy là nơi sự hiền minh bừng sáng, dẫu con đường đã vượt qua không hề dễ dàng. Nó không có chỗ cho sự hời hợt, biếng lười, càng không dung nạp những kẻ nông nổi, vội vàng. Mười năm, hai mươi năm, hay Hai triệu năm, triết gia và thi sĩ vẫn trên hành trình miệt mài, ánh mắt có đôi lần được chiêm ngắm ánh sáng thần thánh, nhưng đỉnh núi còn vẫy gọi phía trước. Cứ đi, từ đi mà “phác đồ người”, “dự án hiện sinh” được thực hiện. Năng lực hiện sinh ấy mạnh mẽ hay yếu ớt, dài hay ngắn không phụ thuộc vào xác thân (dẫu nó liên quan mật thiết với xác thân), mà phần lớn phụ thuộc vào ý chí, thái độ và lựa chọn của chúng ta. Khi ngã gục trên đỉnh núi, cũng có khi nằm lại ở rìa đường, hành trình đã qua mới là tất cả những gì làm nên hiện hữu. Trương Đăng Dung có lẽ hiểu điều đó một cách máu thịt, thế nên, sau hơn ba mươi năm im lặng, rồi lại mười năm im lặng, hai tập thơ gom ánh sáng của những lần thị kiến, soi tỏ một hình hài thi sĩ trên quê hương vạn dặm: Những con đường không biết dẫn về đâu/ đường chạy theo con tàu/ đường đi cùng lữ khách/ cuộc hành trình tự nguyện/ trong đau khổ, hoài nghi/ một chấm nhỏ thi sĩ/ cuối chân trời (Tô Thùy Yên).

Như đã nói, thi ca nghệ thuật đến với con người và thế giới bằng hình tượng. Hình tượng được tu sức, làm giàu thêm các giá trị tượng trưng để trở thành biểu tượng. Thế nên, Em là nơi anh tị nạn cũng như Những kỉ niệm tưởng tượng, mang giá trị tượng trưng hơn là những gì trực hiện từ ngôn ngữ. Nếu nhìn vào tên tập thơ (Em là nơi anh tị nạn) để kiếm tìm những xúc cảm ái tình, những mộng mơ gửi gắm hẹn thề, e rằng người đọc sẽ thất vọng. Thế giới này bao phủ bởi những niềm khắc khoải, âu lo, hoang mang, hoài nghi, những cơn ác mộng, những sợ hãi tuyệt vọng, những dự báo, cảnh báo về nguy cơ tàn lụi của đời sống. Em là nơi anh tị nạn hiện ra với dáng vẻ của một trục lõi đã bong hết, đã bóc tách khỏi mọi tín điều đắp phủ lên hiện tượng (một lối tư duy đậm màu sắc Hiện tượng luận). Em không hẳn là một giai nhân, có thể là đức tin, nghệ thuật, là bất kì điểm tựa nào có thể nương náu, an trú. Tập thơ trả con người về trạng thái âu lo và hoang mang từ buổi sơ nguyên dắt díu nhau rời khỏi địa đàng. Đó là cuộc tị nạn đầu tiên của tổ tông, khởi đầu cho định mệnh lưu đày của loài người trên mặt đất khổ đau: Thế giới không còn chỗ bình yên. Bình yên nào trong thảm họa, chiến tranh, bệnh tật, đói nghèo, phân biệt chủng tộc, kì thị tôn giáo, khủng hoảng môi trường? Bình yên nào khi thân xác phải đối mặt với tàn rữa, linh hồn phải đối diện với tha hóa, con người sợ thiên nhiên, sợ Thượng đế, sợ chính con người, kí ức không còn nơi ẩn náu, quyền lực thao túng và băm nát các giá trị… Mọi thứ dường như không còn chút hi vọng để cứu rỗi bởi cơn tha hóa khủng khiếp như miệng quái vật, đang hút tất cả vào thế giới hỗn mang tăm tối của nó. Với cảm thức này, thơ Trương Đăng Dung đặt con người vào một nỗi âu lo thường trực, một sự khắc khoải không thể ngừng lại, định dạng tình thế của tồn tại: Tôi bị sinh ra/ tôi phải dấn thân/ tôi hội đủ những điều kiện chết// tôi không hy vọng gì (Tự do của Nikos Kazantzakis). Có thể nhận ra những mệnh đề quen thuộc, cốt lõi của triết học hiện sinh với niềm bi quan định mệnh sâu sắc. Con người không được lựa chọn để sinh ra, bị ném vào đời, buộc phải vật lộn để tồn tại. Ở đó, cái chết tháp tùng hiện hữu, là một sự kiện của hiện hữu. Không hi vọng là trạng thái của con người cảm nhận được thân phận mình giữa một thế giới bất an. Bài thơ này diễn dịch, đúng hơn là làm đầy, làm rõ những ý niệm trên lăng mộ của Nikos Kazantzakis. Sự tự do nào cho con người khi không hi vọng gì/ không còn gì để sợ? Viết về ý niệm tự do nhưng kì thực, bài thơ bao bọc bởi khí hậu hoang mang và tuyệt vọng bởi chính sức nặng của những ám ảnh về một “thế giới cưỡng chế hữu hình” và một “thế giới tự do vô hình”. Hiện hữu nào đây? Dưới lăng mộ hay “dưới đáy sông/ một ngôi nhà mở cửa”, hay “những bàn chân càng bước càng lún sâu vào đất” (ở tập Những kỉ niệm tưởng tượng), “thấp thoáng bóng người/ trong cỏ”… Sự bất lực là tâm thế bao trùm tập thơ. Đó là trạng thái tinh thần của chủ thể trữ tình, nhưng lại cũng là “thực kiện” (Pierre De Chardin) của đời sống, của hiện hữu. Không thể nào thoát khỏi những lo âu ấy, thậm chí, chủ thể nhận ra tình cảnh ngày càng xấu đi của tồn tại. Con người bất lực, triết học bất lực, thần học bất lực và nghệ thuật cũng cùng chung số phận (hãy đọc bài Trong quán cà phê Piano để thấy sự bất lực của nghệ thuật và sự thiếu vắng kết nối của những tồn tại người). Còn điều gì cứu rỗi cho chúng ta? Phải chăng là tình yêu? Cái ảo ảnh của một thiên đường đã mất không thôi vẫy gọi, oái oăm thay, lại càng làm đầy thêm niềm bất an, tuyệt vọng. Mơ về một mĩ thể nào đó không phải là cách để hóa giải trạng huống ở thì hiện tại, bởi lẽ khi tất cả tha hóa, chẳng có Thiên đường nào chờ đợi con người (xem: Độc thoại). Như Trương Đăng Dung đã từng viết ở tập thơ trước và tập thơ này, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống chung với những gãy đổ, chấp nhận tình thế lưu đày. Đó là một sự thỏa hiệp trong đau đớn mà chính những kẻ giàu đức tin nhất (như Gióp – Kinh Thánh) cũng không thể làm khác: giữa nỗi đau và đức tin/ sợ hãi và quyền uy/ Gióp thỏa hiệp (Sách của Gióp). Con người đức tin và cả con người mang tinh thần Descartes đã ngã gục trước sự vô minh hay bất lực của Đấng toàn năng khi để quỷ dữ “qua mặt”, gieo rắc nỗi kinh hoàng lên mặt đất. Ý chí của Đấng toàn năng – như một dụ ngôn quyền lực, sắp đặt và toan tính mọi thứ, khiến cho sứ điệp bỗng trở thành vô nghĩa (Sách của Giô-na). Từ trong tàn tro của sự hủy diệt, thật xót xa và cay nghiệt, đức tin buộc lòng phải ăn năn. Đến cả đức tin và nỗi đau cũng bị tha hóa, bị khuất phục bởi nghịch cảnh, còn gì nữa để con người đi qua bóng tối? Sống là lưu đày, là tị nạn: địa ngục không có màn che/ trái đất treo lơ lửng (Sách của Gióp, dẫn lại từ Kinh Thánh). Trương Đăng Dung trưng dụng các bí tích và dụ ngôn tôn giáo (hình thức phản ánh tôn giáo) để chuyển đạt mối quan hệ giữa thực tại và quyền lực (trong hình thức phản ánh nghệ thuật). Thủ pháp này kết nối trở lại truyền thống văn học Âu châu khởi sinh trong mối liên hệ, diễn dịch, chú giải, vay mượn từ Kinh Thánh. Tuy nhiên, có thể nhận ra tinh thần phản tư mạnh mẽ từ Trương Đăng Dung khi ông đặt thần học vào tình thế bị hoài nghi, chất vấn vì chính những thực tại hoàn toàn thiếu vắng đức tin hay sự cứu rỗi. Quyết liệt hơn, quyền lực bị kết án bởi sự toan tính, sắp đặt tráo trở của nó. Gio-na, Gióp và cả Kurdy (dù Kurdy là một tình thế khác của hiện hữu: hình ảnh cậu bé Kurdy nằm úp mặt trên bờ biển trong làn sóng di dân cũng cho thấy bi kịch của con người trên hành trình kiếm tìm một nơi tị nạn) đều là những biểu tượng về thảm cảnh của con người. Bởi thế, tư tưởng của Trương Đăng Dung trong quá trình trưng dụng phản ánh tôn giáo là hướng đến tính phổ quát – một phẩm tính đang thiếu khuyết trong đời sống văn chương Việt Nam. Nhìn trên bình diện toàn tập thơ, chúng ta sẽ liên tiếp va đập vào các tình huống hay hiện tượng có tính phổ quát như thế. Là con tàu không sân ga tượng trưng cho sự cô độc, lãng quên hay ngôi nhà dưới đáy sông thăm thẳm một nỗi buồn không lối thoát; là quán cà phê Piano biểu tượng về sự ra đi, vắng bóng của nghệ thuật; là Kafka biểu tượng của tinh thần bi quan định mệnh; là Kazantzakis với tự do vô hình; là Dostoievski bên bờ thiện ác – giữa vực sâu và lửa; là ngôn ngữ trong một trò chơi đầy bất trắc – phản bội,… Phẩm tính khái quát này được xây cất trên nền tảng của sự đan bện triết học và thần học. Trương Đăng Dung đã nhận ra điểm chung của siêu hình học với thi ca bởi chính khả năng của nó khi tác động đến tinh thần, tư tưởng con người. Triết học và thần học cộng với kinh nghiệm sống đời của chủ thể là ba tụ điểm hình thành một thứ ánh sáng khác như Pierre De Chardin đã nói, phản tư hoặc chất vấn lại thứ ánh sáng duy lí đã mệt mỏi và bất lực. Thế giới không còn bình yên, mọi thứ đang tha hóa và bị cuốn về phía địa ngục. Trong tình thế ấy, thơ Trương Đăng Dung là một lời đề xuất, hãy bước vào thế giới ấy như hành động tuẫn nạn, bởi bóng đêm, cơn ác mộng và trập trùng những lo âu. Kẻ lưu đày có thể đến được với bình minh, ánh sáng hay không, chưa biết, nhưng từ trong đầm lầy tăm tối, hi vọng mỗi người có thể nhận ra, gìn giữ hoặc đánh thức ngọn lửa rực cháy trong tim mình: Thế gian đang ngập tràn nước mắt. Xin cho tôi sức mạnh để có thể nuôi dưỡng đốm lửa cuối ngày trong trái tim này như một niềm tin (Độc thoại).

Những ai đã từng đọc Trương Đăng Dung có quyền đặt ra câu hỏi: Em là nơi anh tị nạn khác gì so với Những kỉ niệm tưởng tượng? Sự thực, nếu chỉ tiếp nối nguồn mạch từ siêu hình học với cái nhìn từ bên trên, thật khó để chỉ ra đâu là bước rẽ làm nên diện mạo Em là nơi anh tị nạn. Nhưng, đọc kĩ, chúng ta sẽ nhận ra, trưng dụng bí tích, dụ ngôn và phán ánh tôn giáo chính là một nét mới của Trương Đăng Dung sau 10 năm. Mặt khác, rất nổi bật, ở tập thơ thứ hai này, Trương Đăng Dung đã có những phản tư chính mình, dần rời bỏ cái nhìn từ bên trên của siêu hình học để nhập vào đời sống với những biểu hiện cụ thể. Trên bàn mổ, Bà và cháu, Một lần nữa, Giấc mơ của con, Những nẻo đường Budapest… là những cú zoom máy để thu vào tâm tưởng ảnh hình cuộc sống ở biên độ thật gần. Một thể xác bất toàn, một tâm hồn bất an là cục diện đầy đau khổ mà kẻ thứ ba (con – một hiện hữu khiếm diện) thấy ăn năn trước cuộc đời, trước những gì mẹ cha đã ban tặng. Có thể nói, trạng thái tam phân này là sáng tạo đáng ngạc nhiên của Trương Đăng Dung. Truyền thống tư duy nhị phân với hai thực thể hồn – xác đã hiện diện khá nhiều trong văn hóa, văn học. Tuy nhiên, hình dung một thực thể khiếm diện ở giữa hồn và xác, hoang mang, đau khổ, tuyệt vọng về chính hai nửa bất toàn – bất an của mình, có lẽ đây là lần đầu tiên ta thấy ở Trương Đăng Dung (theo thiển nghĩ, nó cũng là duy nhất trong văn chương Việt Nam): Con làm kẻ thứ ba/ giữa tâm hồn bất an / và thể xác bất toàn/…/ tâm hồn con mang nặng cuộc đời con/…/ Con chỉ mong được về nhà với mẹ/ cho tâm hồn và thể xác về theo (Trên bàn mổ). Từ cái nhìn thật gần vào bản thể đến cái nhìn tiệm cận với xung quanh, bà và cháu một bóng giữa trời chiều, nỗi lo toan tần tảo đời thường của vợ, giấc mơ của con hay kí ức một thời tuổi trẻ hiện về trên nẻo đường xứ lạ… ta thấy Trương Đăng Dung đã ở giữa cuộc đời. Không những thế, khởi nguyên của những ý tưởng thi ca trong nhiều bài thơ khác cũng được ghi nhận từ các dữ kiện thực hữu: cái chết, bệnh tật, chiến tranh, di dân, những hiện diện phi lí của cuộc sống. Phải nói rằng, đến tập thơ thứ hai này, Trương Đăng Dung đã có ý thức rất cao về chất liệu. Ý thức đó bổ sung hành trình từ “hạ tầng” kết hợp với hành trình từ “thượng tầng” như đã khá quen thuộc trong nhiều thi phẩm của ông. Một vấn đề khác, rất liên quan, có tính xâu chuỗi không thể không nhắc đến ở đây chính là dù vận hành theo ngả lối nào, trên xuống hay dưới lên, Trương Đăng Dung đều đẩy suy tư, cảm xúc đến tầm mức phổ quát. Và như thế, kiểu “Thi sĩ-Triết gia” được định hình trở lại. Đó là định mệnh hơn là phong cách. Bởi lẽ, phong cách có thể thay đổi, nhưng định mệnh thì không. Nó hiện ra trong bất kì trạng thái, tình huống, hành trình nào của thi sĩ, dù khi ông đứng giữa cuộc đời hay khi ông “giũ áo lên đền”. Định mệnh này được nuôi dưỡng bởi tư tưởng nghệ thuật mà Trương Đăng Dung luôn nhất quán đó là vươn tới sự phổ quát. Hãy nhớ lại một nhận định của Nxb Europa khi dịch, xuất bản và giới thiệu thơ ông ở Hungari: “Do đâu mà những bài thơ-thời-gian này, cơn ác mộng hiện đại thể hiện qua bản dịch của Hay Janos, lại quen thuộc với chúng ta đến thế?”. Cái phổ quát làm nên sự quen thuộc ấy vượt qua mọi đường biên của quốc gia, chủng tộc, thể chế, tôn giáo. Đó là sự phổ quát của nhân loại mà từ thơ ca, thông qua thơ ca, Trương Đăng Dung bày tỏ với con người.

          Thế giới chìm trong cơn ác mộng và con người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận tình thế lưu đày. Trong bi kịch ấy, Em là nơi anh tị nạn. Nhưng, hãy đặt trở lại câu hỏi, hay một hoài nghi, khi đã đọc đến dòng chữ cuối cùng, rằng anh có thể tị nạn nơi em (một biểu tượng) không? Đáng tiếc, câu trả lời là không. Bởi lẽ, mọi thứ đều đã tha hóa, đã phôi pha tàn rữa, đã chìm vào tro bụi, lãng quên. Hãy đọc lại một lần nữa bài thơ Hai chuyến tàu để nhận ra hiện thực phía sau những khẩn cầu tị nạn: Rồi một ngày tàu anh kiệt sức/ nằm im trên cánh đồng/ những toa tàu bỏ không/ đầy bụi// Rồi một ngày tàu em đến/ tiếng còi nghe như tiếng côn trùng/ những toa tàu bỏ không/ đầy mối// Thấp thoáng bóng người/ trong cỏ (Hai chuyến tàu).

Chúng ta đã nói về tình thế của tồn tại người trong thơ Trương Đăng Dung. Vậy còn tình thế tồn tại của thi ca thì sao? Đọc lại tập thơ với những lưu ý trong quan niệm về chất thơ, hình tượng, nhịp điệu, nhạc tính hay các phương thức, phương tiện biểu đạt… chúng ta sẽ nhận ra sự tương thích trên bình diện mĩ học. Em là nơi anh tị nạn thể hiện trong sâu thẳm của nó nhịp điệu của tư tưởng (mà nhịp điệu của tư tưởng thì phải nhận diện trong thời gian – thơ Trương Đăng Dung là thơ-thời-gian vì thế), với các biểu tượng – hình tượng đẹp, sang trọng, dẫu buồn thảm hay hoang mang (biểu hiện này có ở rất nhiều bài, xuyên suốt cả hai tập thơ của Trương Đăng Dung). Cấu trúc tam vị (triết học – thần học – cảm quan đời sống) tỏa ra thứ ánh sáng của nghệ thuật đậm dấu ấn Hiện tượng luận (nghĩa là nghệ thuật trong ý hướng tính về nghệ thuật, không đơn thuần là cách hiểu và diễn dịch về thi ca thông thường). Trương Đăng Dung có nhiều bài thơ giàu nhạc tính như Tô Thùy Yên, Độc thoại, Tự bạch… Yếu tố lặp lại trên trục ngữ đoạn duy trì nhịp độ – tiết điệu, làm nên phẩm tính của thơ, thay vì những kết hợp kiểu văn xuôi (có thể nhìn thấy xuyên suốt). Một điểm sáng thuộc về ngôn ngữ thi ca thiết tưởng cũng nên nêu ra như một minh giải đó là Trương Đăng Dung “lựa chọn” (R. Jakovson) một cách kĩ lưỡng, giản mà tinh (nó gần với tâm thế của chủ nghĩa tối giản đang khá phổ biến hiện nay: Có phải đã đến lúc lửa cũng cần nơi ẩn náu? (Độc thoại). Lưu ý, tinh-giản chứ không đơn giản.

Trở lên, thi ca mà bi quan đến như vậy, khó hiểu đến như vậy thì nó mang lại điều gì cho con người? Chẳng phải đời sống này đã dư thừa khổ đau, bi kịch, thiếu vắng niềm thông tri kết nối hay sao? Không! Phía sau những âu lo, hoang mang, hoài nghi hay tuyệt vọng, dưới định mệnh tàn tro, Em là nơi anh tị nạn gửi gắm ý niệm hướng về ánh sáng. Loài người vẫn phải bước đi, dẫu trên đầu không xác tín, dưới chân là đầm lầy, xung quanh là bóng tối. Thơ ca (mà rộng hơn là nghệ thuật) ngay trong cơn bi kịch của chính mình vẫn gắng gượng gõ nhịp vào trái tim con người, đánh thức đốm lửa trong lồng ngực, thắp lên niềm hi vọng ở tương lai.

Hà Nội, tháng 8/2020
Nguyễn Thanh Tâm

*Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng giành giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011 và thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ từ công chúng cũng như giới nghiên cứu, phê bình. Sau đó, tác phẩm được Nxb Europa dịch, xuất bản và giới thiệu ở Hungari.