“Giao thừa” của Nguyễn Ngọc Tư là tập truyện ngắn xuất bản năm 2003, đã được tái bản nhiều lần. Tác phẩm là tập hợp những mẩu truyện ngắn khắc họa về con người với những mảnh ghép số phận khác nhau, tựu chung một nỗi khổ là sự bế tắc giữa cuộc đời nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp thiện lương chân chất của người Việt Nam nói chung, người Nam Bộ nói riêng.
“Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa… lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp.” – Nguyễn Ngọc Tư.
Nội dung bài viết
Đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp?
“Giao thừa” gồm 17 truyện ngắn về những mảnh đời và số phận khác nhau, vẫn chất giọng mộc mạc, lúc chảy nhẹ nhàng đầy chất thơ, lúc cuộn trào dâng lên như lũ, tác phẩm dễ dàng giành được chỗ đứng trong lòng độc giả.
Mỗi truyện ngắn là một câu chuyện chân thực về cuộc sống của tầng lớp người lao động bình dân trong xã hội. Vì chân thực nên dễ lay động tâm khảm người đọc. Đó là người đàn ông chăn vịt mất vợ vì chiến tranh, trong truyện ngắn “Cái nhìn khắc khoải”. Đó là chú diễn viên nghiệp dư bị dân làng ghét chỉ bởi vì đóng vai thằng giặc ác ôn sao mà… ác quá, trong truyện ngắn “Chuyện vui điện ảnh”. Đó là người nghệ sĩ cải lương hết thời bươn chải mưu sinh, trong truyện ngắn “Bởi yêu thương”. Đó là người chồng, người cha mù lòa luôn hết lòng yêu thương vợ con, trong truyện ngắn “Đời như ý”. Đó là những người phụ nữ, người vợ, người mẹ đau đáu kiếm tìm bình yên và hạnh phúc nhỏ nhoi, nhưng sao mà khó…
Cô Tư đã chia sẻ: “Tôi từng thèm được dúi vào tay ai đó một cuốn sách mới, rồi chờ đợi, để tìm sự đồng cảm, hay tranh luận cho những cảm giác của mình đã có cùng nó. Khi ra khỏi thế giới sách, bỗng chếnh choáng nhớ người, tìm người…”
Tập truyện ngắn “Giao thừa” là một cuốn sách như vậy.
Từng mẩu chuyện trong “Giao thừa” tất thảy đều nhẹ nhàng, những con người đó im lặng yêu, im lặng chịu đựng, rồi cũng khẽ khàng đau đớn. Nhưng dù cuộc sống có bế tắc nhường nào thì mỗi một nhân vật vẫn giữ được bản tính thiện lương của mình, sống với đức tin của mình.
Sống trên đời, bất kể điều gì, có bắt đầu thì sẽ có kết thúc, bởi vậy trong khoảng cách từ bắt đầu cho đến kết thúc, dẫu dài hay ngắn, hãy là phiên bản đẹp nhất của chính mình – rực sáng như pháo hoa trong thời khắc giao thừa.
Bâng khuâng từ thuở đi qua “Giao thừa”.
Truyện ngắn “Giao thừa” trong cuốn sách có lẽ là câu chuyện duy nhất có cái kết trọn vẹn, hạnh phúc từ đôi bàn tay đã can đảm vượt qua định kiến của xã hội và trao nhau hơi ấm dưới khoảnh khắc đẹp nhất năm – giao thừa.
“Giao thừa” là truyện ngắn mà khi gấp trang sách lại lòng người không khỏi băn khoăn, nghĩ suy về những gì mà nhà văn muốn truyền tải, bởi xa hơn khung cảnh ồn ào, náo nhiệt của chợ tết vùng đồng bằng sông nước, là cuộc đời của những tiểu thương, và đặc biệt là định kiến của xã hội về mối quan hệ tình cảm của những người phụ nữ đã sang ngang một lần với các thanh niên trẻ tuổi, như câu chuyện của cô Đậm bán dưa hấu và anh thanh niên tên Quý chạy xe lam xuất hiện trong tác phẩm.
“Ra đường thấy cánh hoa rơi. Hai tay nâng lấy cũ người mới ta” – Lời của người đi trước ngẫm ra sao mà sâu sắc quá chừng.
Vì sao gọi là dư luận? Vì luận nhiều quá cho nên dư! Đời người ngắn lắm, không đủ để lo nghĩ cho cách nhìn của người khác đâu, lo cho bản thân trước đã. Mỗi người cần có chính kiến của riêng mình, giữ đức tin bằng tấm lòng thiện lương của mình.
Phụ dọn hàng xong, Quý chở Đậm hòa vào dòng người đông đúc. Xe ra khỏi thị xã, tiến vào con đường nhỏ hẹp. Hai bên đường rập rờn hoa, những đống rơm vẫn còn nghi ngút khói. Hoang vắng, lãng mạng quá nhưng làm sao vượt qua những trở ngại trong lòng người kia? Quý cho xe chạy chậm lại nghe gió thổi qua tai lạnh quánh.
“Lạnh như khoảng chiếu nửa đêm Quý chạm tay vào, tượng lên một nỗi nhớ rờn rờn lúc mờ lúc tỏ.” – Nỗi nhớ mang theo bóng hình Đậm từ mái tóc, nụ cười cho đến ánh mắt. Anh không ngại tuổi tác, chấp nhận quá khứ lầm lỡ và sẵn sàng đón nhận đứa con riêng của Đậm. Có lẽ lời nhắn gửi của già Chín đã tiếp thêm sự can đảm, giúp Quý mạnh dạn nắm tay người thương và dùng ánh nhìn đắm say thay cho bao lời muốn nói.
Một buổi giao thừa đầy bâng khuâng.
Nhà văn viết về thân phận con người.
Tháng 9/2008, khi nhận Giải thưởng Văn học ASEAN tại Thái Lan, Nguyễn Ngọc Tư từng chia sẻ về văn chương của mình:
“Tôi nghĩ, nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt, hay gần giống như thế, bởi văn học vẫn còn rào cản ngôn ngữ. Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực của con người trước những biến cố của cuộc đời, tôi luôn ao ước những trang viết của mình có được sự rung cảm như những giọt nước mắt. Khi ấy, trong lòng các bạn, tôi không còn là cô gái Việt Nam viết về Việt Nam, mà là một nhà văn viết về thân phận con người, như các bạn.”
Văn cô Tư bởi vậy mà buồn.
Cô Tư không viết về số phận con người chỉ để giới hạn cho những mảnh ghép tương tự đọc – cách viết đó giống như một người soi gương mỗi ngày và nhìn mặt mình hiện lên trên đó mỗi ngày, trong khi cuộc đời là một chuỗi gặp gỡ và khuôn mặt mỗi người sẽ được nhiều người khác ngắm nhìn, cái nhìn đó thú vị hơn là bản thân tự nhìn.
Sách của cô Tư là để con người hiểu về thân phận con người giống và khác mình, để những nỗi khổ những bế tắc được giãi bày, để đồng cảm hoặc tranh cãi, nhưng trên hết là lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm và tôn trọng những số phận khác nhau trên cõi đời này.
Văn cô Tư bởi vậy mà sâu sắc.
Nguyễn Ngọc Tư – “đen, buồn và hơi khùng”.
Đó là những tính từ mà nhà văn Đất Mũi tự nhận xét về mình.
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết lách, cô Tư miệt mài viết như một cách giải tỏa và thể nghiệm, về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của chính cô.
Người con gái Đất Mũi được độc giả biết đến với giọng văn đặc quánh chất Nam bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu lắng về những mảnh đời éo le, những số phận chìm nổi. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh.
Âm thầm đến với văn chương và bừng sáng khi được nhận giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ, Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục có những cú nhảy ngoạn mục trên chặng đường văn học cùng những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao, đạt được những thành tựu đáng nhớ:
2000: Giải Nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 2 với tác phẩm “Ngọn đèn không tắt”, giải Mai vàng ở hạng mục Nhà văn xuất sắc.
2001: Giải B Hội nhà văn Việt Nam với tác phẩm “Ngọn đèn không tắt”.
2003: Một trong Mười nhân vật trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2002.
2006: Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 với tác phẩm “Cánh đồng bất tận”.
2008: Giải thưởng văn học ASEAN với tác phẩm “Ngọn đèn không tắt” và “Cánh đồng bất tận”.
2018: Giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) bình chọn với tác phẩm “Cánh đồng bất tận”. Cô Tư còn tham gia triển khai dự án trị giá 6.000 euro, bằng các hoạt động tổ chức sáng tác dành cho nữ giới tại Việt Nam.
2019: Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2018 do tạp chí Forbes bình chọn.
Các tác phẩm của cô Tư được tái bản nhiều lần và được dịch ra tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Thụy Điển, tiếng Đức.
Nguyễn Ngọc Tư là gương mặt tiêu biểu của nền văn học đương đại Việt Nam.