Là một tác phẩm điển hình trong dòng văn học “tầm căn” của văn học Trung Quốc đương đại, Gót sen ba tấc của nhà văn Phùng Kí Tài đã thể hiện một cách chân thực, những quan niệm của người đương thời đối với tập tục bó chân gót sen. Hơn thế nữa, tác phẩm đã gợi lên rất nhiều vấn đề nhân sinh đáng chiêm nghiệm, cùng những triết lí sâu cay về giá trị con người, đặt biệt là người phụ nữ, khi đặt họ trước những tiêu chuẩn mà thời đại gọi là “cái đẹp”.
“Gót sen ba tấc” hay “kim liên tam thốn” là điển cố về khởi nguyên của phong tục bó chân đã đi vào lịch sử truyền thống Trung Quốc. Theo đó, phụ nữ Trung Quốc xưa đều phải bó chân từ khi còn rất nhỏ. Chân được bó càng nhỏ thì càng đẹp. Ba tấc hình cánh sen là đôi chân mơ ước của rất nhiều cô gái và cũng là chuẩn mực của việc bó chân. Để có được đôi chân như thế, người phụ nữ phải trải qua nào là nắn xương chân, nào là bó chân, chỉnh dáng chân,… hết sức đau đớn.
Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, đôi chân bó vải của người phụ nữ cũng được đặt ra thêm rất nhiều tiêu chuẩn, có phép “sáu chữ” rồi “bảy chữ”,… buộc những đôi chân phải không ngừng trang sức, sửa sang. Cứ như vậy, mỗi một triều đại đi qua, lại có thêm những giai thoại về bó chân, thế nên không ngoa chút nào khi nói rằng “Trong đôi chân bó nhỏ xíu ẩn dấu cả một pho lịch sử Trung Quốc.”
Gót sen ba tấc – Trong đôi chân bó nhỏ xíu ẩn dấu cả một pho lịch sử Trung Quốc
Gót sen ba tấc kể về câu chuyện đời của Qua Hương Liên, một người con gái có đôi chân khéo bó, dài vỏn vẹn ba tấc. Một cô gái nhà nghèo như Hương Liên, nhờ vào đôi chân ba tấc sen vàng của mình đã đường đường chính chính gả vào làm con dâu cả nhà họ Đồng, một thế gia nổi danh giàu có khắp vùng, nhờ vào buôn gian đồ cổ. Cũng từ đó, đôi chân ba tấc đã mang đến cho cuộc đời Hương Liên nhiều hồi thăng trầm khó lường, biến cô từ một cô gái ngây thơ, đơn thuần trở thành một “Bà Cả” độc đoán và cay nghiệt. Thế nhưng, cảm nhận hết câu chuyện dài ấy độc giả sẽ hiểu được, Qua Hương Liên cũng chỉ là một trong vô vàn những cái tên, một trong vô vàn những người phụ nữ, mà số mệnh của họ không tách rời được với đôi chân bện vải của chính mình.
Nỗi đau của cái đẹp
Người phụ nữ thiên sinh được gọi là “phái đẹp”, chẳng hiểu do đâu, cũng chẳng hiểu quyền năng của danh xưng đó là gì, nhưng nhìn vào những giai thoại từ cổ chí kim, chỉ thấy phụ nữ là kẻ luôn phải chạy theo “cái đẹp”, nô lệ “cái đẹp”, là nạn nhân của “cái đẹp”. Nỗi đau miên trường của người phụ nữ Trung Quốc nói riêng và phụ nữ nói chung, nào chỉ có ở mỗi bó chân.
Trong lời dẫn đầu truyện của Phùng Kí Tài, ông có viết: “Người bấy giờ thật sự coi bó chân hơn cả đầu óc. Nhưng các vị chớ có tưởng bấy giờ tiệt nòi bó chân thì vạn sự đại cát. Không bó chân thì có thể bó tay, bó mắt, bó tai, bó óc, bó lưỡi, rồi cũng lại có khóc có cười, muốn sống, muốn chết, bó bó cởi cởi, cởi cở bó bó, cởi bó bó cởi, bó cởi cởi bó.”
Thật vậy, theo dòng chảy của thời gian, tiêu chuẩn về “cái đẹp” với người phụ nữ cũng có thay đổi, lúc thì “thắt đáy lưng ong”, lúc thì “Hoàn phì” (ý nói mập mạp như Dương Quý Phi), lúc lại “Yến sấu” (ý nói gầy bé như Triệu Phi Yến), lúc lại “tam thốn kim liên”,… Trải dài theo dòng lịch sử từ thời phong bang kiến quốc đến nay, dường như chưa khi nào người phụ nữ thôi “gọt đẽo” mình để vừa vặn với thứ khuôn khổ gọi là “cái đẹp”.
Sau những hồi “đẽo gọt” đẫm máu ấy, cũng chính là lúc người phụ nữ đánh mất giá trị của chính mình vào thứ khuôn khổ phù phiếm kia. “…đôi chân cũng được trang điểm thật công phu, và khi cưới xin, người ta chỉ nhìn chân không xem mặt.” Giống như nàng Hương Liên, bất chấp xuất thân nghèo khó, bất chấp chỉ được học chữ qua loa, bất chấp cả tính cách, phẩm hạnh, Đồng Nhẫn An chỉ nhìn đôi chân, đã chọn ngay cô làm con dâu cả. Cả con người cô, lẫn cái danh “Mợ Cả nhà họ Đồng” rẻ mạt đến mức đọ chân thắng thì được chiều chuộng, đề cao, đọ chân thua thì chịu đánh đập, mắng nhiếc. Đến cả đứa bé chưa ra đời trong bụng cô, chỉ vì một chút nghi ngờ về đôi chân, cũng hoàn toàn có thể bị mổ, lôi tuột ra khỏi bụng khi còn chưa kịp tượng hình.
“ Nghe nói cụ nhà cưới cho cậu cô vợ chân to, lại sắp đẻ cho cậu đứa con gái chân to nữa đấy nhỉ!” Cậu Cả trợn mắt lên, vớ con dao làm bếp, đẩy cửa vào phòng, đòi mổ bụng Hương Liên xem đôi chân nhỏ.”
Sự nô lệ “cái đẹp” mà Gót sen ba tấc gợi lên không chỉ dừng lại ở khoảng không quá khứ. Nếu nói nỗi đau của những người phụ nữ ấy là nỗi đau của thời mông muội, vậy phải chăng ngày nay phụ nữ đã thôi “đẽo gọt” bản thân mình? Phải chăng phụ nữ đã thôi đau vì “cái đẹp”?
“Cái đẹp” là thứ được người ta chạy theo, thậm chí hi sinh cả thể xác lẫn linh hồn vì nó, nhưng “cái đẹp” thật sự là gì thì có lẽ rất khó để tìm thấy hai câu trả lời giống nhau. “Cái đẹp” trong Gót sen ba tấc là kết quả của việc bẻ nát xương đôi bàn chân của những bé gái năm bảy tuổi, là tước đi bản năng chạy nhảy, thậm chí đi lại bình thường của chúng. “Cái đẹp” ấy khiến chính tay người mẹ, người bà, phải bẻ xương, nghiến thịt, đánh đập, quát nạt con cháu mình. “…bà cầm chổi quét giường đánh em, quất em, kéo em xuống đất, em có xin tha, làm mình làm mẩy hay ỳ ra đều chẳng ăn thua. Em đành như con gà què, cà nhắc gượng đi trong sân, có ngả lăn ra bà cũng chẳng cho nghỉ lấy một chốc. Em cảm thấy đầu ngón chân răng rắc đứt rời ra, những mảnh xương vụn cọ đi cọ lại vào nhau nghe kin kít…” “Cái đẹp” ấy khiến cho những cô con gái quên mất mình là ai, chỉ nhớ được đôi chân của mình có bao to. “ Cho mày ngày ngày kéo lê đôi chân to như tao, ai nhìn thấy cũng cười, cũng mắng, gả cũng chẳng gả cho ai được. Dù ngày mai có ai lấy thì chắc chắn chẳng phải nhà tử tế gì. Có câu hát, em chưa nghe à? Chị hát cho em nghe nhé! “Bó chân nhỏ, lấy tú tài, bánh bột trắng, thịt cá ăn hoài; bó chân to, lấy anh mù mắt, bánh bột cám hẩm xơi với ớt!”” “Cái đẹp” cứ ngỡ là thứ mang đến niềm vui và hạnh phúc cho con người, hóa ra lại đẫm máu và vô tình đến vậy.
Tuy không thoát khỏi số phận là nạn nhân của gót sen, nhưng có thể nhận thấy Qua Hương Liên là một người phụ nữ có bản lĩnh. Đã ít nhất hơn một lần cô chống chọi với vận mệnh của đời mình. Lần thứ nhất là khi vừa sinh con gái ra đời. “Con ơi! Mẹ có muốn giết con đâu! Vì đôi chân này mà đời mẹ tan nát, mẹ không muốn con cũng tan nát như mẹ.” Lần thứ hai là lúc cô chấp nhận cắt đứt tình mẫu tử mà đem giấu Liên Tâm đi, để con gái tránh phải bó chân. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng hiểu được, “cái đẹp” mà người phụ nữ luôn theo đuổi ấy, hoàn toàn không làm đẹp được cuộc đời họ. Họ thậm chí còn vẫy vùng kịch liệt trong thứ khuôn khổ nghiệt ngã mà xã hội đã quy chụp lên cuộc đời mình. Sự bản lĩnh của Hương Liên còn ở chỗ, khi phát hiện bản thân không thể thoát ra, cô đã chọn cách vin vào chính vận mệnh ấy để tự khiến bản thân trở thành người mạnh mẽ. Có điều, những người phụ nữ bản lĩnh được như Hương Liên thật sự không nhiều. Bởi thế mới có bao kẻ hồng nhan vùi chôn mảnh đời của mình xuống dưới ba tấc sen vàng kia, như Đổng Thu Dung, như Bạch Kim Bảo,… Câu trả lời thỏa đáng về một cái đẹp đúng nghĩa hẳn là vẫn chưa thể có, thế nhưng câu chuyện về bi kịch của một “cái đẹp” gượng ép và giả dối đã cho chúng ta hiểu rằng, cái đẹp chân chính nhất định là cái đẹp mà đằng sau nó không ẩn tàng một nỗi đau nào.
Với lối viết trào phúng mà tinh tế, Phùng Kí Tài đã mang đến cho người đọc một tác phẩm xuất sắc về cả nội dung, lẫn bút pháp. Gót sen ba tấc đã ngược dòng thời gian, để tái hiện lại những góc khuất của quá khứ một cách sinh động. Từ đó làm nổi bật lên những mâu thuẫn đáng suy tư về các triết lí nhân sinh, vẫn tồn tại trong mỗi xã hội. Ông viết: “ Các vị cứ việc pha một ấm trà nhài, cùng với kẹo vừng làm bằng đường củ cải đỏ vừa ăn vừa uống, giở một chương, đọc một chương coi như trò vui vậy.” Đúng như thế, Gót sen ba tấc không phải là một cuốn sách sẽ lôi cuốn người đọc như những quyển tiểu thuyết diễm tình hay tiên hiệp, chỉ là đến khi đóng sách lại, người ta sẽ không hề cảm thấy hối hận vì đã dành thời gian đọc nó.
Si Li