Tóm tắt: Giữa rừng văn chương rộng lớn, tiếng nói của Đỗ Bích Thúy vẫn không lẫn vào ai, vì sáng tác của chị là sự hòa quyện đặc biệt và tuyệt diệu giữa phận đời nữ giới với bản sắc văn hóa miền núi phía Bắc. Sau rất nhiều cuốn sách đã phát hành, tiểu thuyết Chúa đất một lần nữa đã khẳng định tài năng và phong cách của Đỗ Bích Thúy. Tác phẩm như một khúc hoan ca về tình yêu, quyền tự do cá nhân và hạnh phúc của con người trong hành trình phản tư sự thống trị nam giới.

1. Chủ nghĩa nam quyền trung tâm và rào cản “nghịch lí của dư luận”

Văn hóa xưa nay, từ phương Đông đến phương Tây, luôn đề cao nam giới như khuôn mẫu trung tâm và quyền lực. Trật tự thế giới được thiết lập từ những nghi thức, nếp sống ngàn năm, dựa trên những quan hệ thống trị và lợi ích cộng đồng. Qua quá trình cọ xát với thực tiễn, các cuộc chiến đấu sinh tồn, duy trì nòi giống hay khả năng chinh phục tự nhiên, phần lớn nam giới đều giành sự vượt trội. Kinh thánh khẳng định, phụ nữ chỉ là một phần cơ thể của đàn ông, “một chiếc xương sườn”. Các học thuyết Nho gia khắc sâu định kiến, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Mặc định trong tâm thức, phụ nữ được xem như là phái yếu, kẻ phục tùng, người bảo trợ.

Thuật ngữ “Chủ nghĩa nam quyền trung tâm” (Androcentrism) lần đầu tiên được diễn giải rõ ràng bởi Charlotte P. Gilman trong cuốn Thế giới do-đàn-ông-tạo-lập hay Văn hóa nam giới trung tâm của chúng ta (The Man-Made World or Our Androcentric Culture), xuất bản năm 1911. Qua tác phẩm này, C. Gilman đã chỉ ra một trong những yếu tố cơ bản của tư tưởng “nam quyền trung tâm” chính là đề cao đàn ông như kiểu mẫu của con người, trong khi đó phụ nữ chỉ là nhân tố phụ. Điều duy nhất giữa đời sống nhân loại mà phụ nữ được đóng vai trò chủ đạo là sự sinh sản [xem thêm 2, tr.19-20]. Xét về tính biểu đạt, “chủ nghĩa nam quyền trung tâm” gợi ra chiều kích không gian đặc biệt, nơi đàn ông nằm ở trung tâm mọi vấn đề, chiếm đặc quyền trong tổng thể xã hội và triết học. Chính sự phân định đó đã khiến cho thuật ngữ này trở thành một khái niệm quan trọng của chủ nghĩa nữ quyền (feminism) và các lí thuyết về giới.

Trong công trình Chủ nghĩa nhân loại trung tâm và chủ nghĩa nam quyền trung tâm – Một sự kết nối với Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái (Anthropocentrism and Androcentrism – An Ecofeminist Connection), Daniel Pérez Marina đã dựa vào mô hình Chủ nghĩa trung tâm của Val Plumwood để xác định lại mô hình của “Chủ nghĩa nam quyền trung tâm” qua sự đối sánh với nữ giới, bao gồm các yếu tố cơ bản:

(1) Sự loại trừ triệt để (Radical exclusion): Đàn ông được hình dung như là tách biệt hoàn toàn và cao hơn đàn bà. Nhân dạng nam giới đã giảm xuống khá nhiều những đặc điểm được cho là khiến nam giới khác biệt với nữ giới. Phẩm tính của nam giới là kết quả của việc loại trừ những đặc điểm đó – những đặc điểm đã được phân loại là chỉ có nữ giới độc quyền. Phụ nữ được hình dung như là sự thiếu thốn những đặc điểm xác định nam giới. Tất cả điều này làm giảm đi những trải nghiệm của con người về tính liên tục hay mối tương đồng với phụ nữ.

(2) Đồng nhất hóa (Homogenization): Tất cả phụ nữ được hình dung như nhau. Tất cả đều được san sẻ bản chất đồng nhất và không thể thay đổi. Sự khác biệt giữa họ chỉ được thừa nhận khi họ tin rằng khả năng khơi dậy dục vọng và hạnh phúc của người đàn ông đang hiện hữu. Chẳng hạn, giai cấp, dân tộc, văn hóa, và tất nhiên là sự đa dạng cá nhân của nữ giới đều được đánh giá thấp một cách thiếu minh bạch.

(3) Phủ nhận (Denial): Phụ nữ được nhìn nhận là không cần thiết, chỉ như một hậu cảnh cho đời sống của nam giới. Sự nghiệp và đóng góp của họ bị bỏ qua hoặc mất giá trị. Công việc của phụ nữ chính là chăm sóc trẻ em, người bệnh, người già; các công việc gia đình, tình yêu và sự thân tình mà họ mang lại; những đóng góp của họ đối với văn hóa, nghệ thuật và lịch sử bị đánh giá thấp một cách có hệ thống hoặc bị phớt lờ.

(4) Sự sát nhập (Incorporation): Phụ nữ được định nghĩa trong quan hệ với nam giới. Họ được hình dung như sự bất toàn hoặc là sự phủ định những phẩm tính mà được hiểu như là đặc trưng nam giới.

(5) Thuyết công cụ (Instrumentalism): Phụ nữ bị tước đoạt mọi cơ quan độc lập. Chẳng hạn, phụ nữ được hình dung là nghèo nàn những mục đích của riêng mình. Phụ nữ trở thành một phương tiện hoặc nguồn lực mà nam giới sử dụng để đáp ứng các nhu cầu và sở thích của họ. Họ chỉ được coi trọng khi những đàn ông có thể tìm thấy sự hữu ích trong họ, chứ không phải là theo quyền lợi của họ. Họ bị giảm xuống như những người vợ tốt, người mẹ tốt [xem thêm 3, tr.32-33].

Với mô hình này, nhân vị đàn bà bị suy giảm giá trị qua các hành động: loại trừ triệt để những phẩm tính nữ giới, đồng nhất hóa các cá thể thuộc tính nữ, phủ nhận vai trò phụ nữ, sát nhập đàn bà trở thành tập hợp “con” thuộc thế giới đàn ông, và trở thành một công cụ phục vụ/ đáp ứng nhu cầu của nam giới. Mặc định trong quy luật đời sống, phụ nữ nằm ở vị trí ngoài lề, như một phông nền để tôn vinh, đề cao nam giới.

Từ đây, nếu phụ nữ vượt qua những khuôn mẫu tư duy này nghĩa là sẽ vượt phá phép tắc của đời sống, được Pierre Bourdieu gọi bằng cái tên rất hàn lâm: “nghịch lí của dư luận” (paradoxe de la doxa). Qua cuốn Sự thống trị của nam giới, Bourdieu cho rằng, “sự thống trị của nam giới, cùng cách thức mà sự thống trị này được áp đặt và được chịu đựng, ví dụ rõ nhất về sự phục tùng đầy nghịch lí, kết quả của điều mà tôi gọi là bạo lực tượng trưng, bạo lực êm ái, khó cảm nhận, không nhìn thấy được ngay đối với các nạn nhân của nó, thứ bạo lực thi hành chủ yếu bằng con đường thuần túy tượng trưng của sự giao tiếp và sự hiểu biết hoặc chính xác hơn là sự không hiểu biết, của sự thừa nhận hoặc, ở giả thuyết tột cùng, tình cảm” [1, tr.xiv]. Nghĩa là, xã hội được sắp xếp theo một cách nào đó, trường cửu và tái tục về địa vị “nam giới trung tâm”; điều này neo chắc vào vô thức của chúng ta đến mức ta không nhận thấy nó nữa và càng ngày ta càng cảm thấy phù hợp, không cần phải xét lại, tạo nên một thứ “bạo lực tượng trưng, bạo lực êm ái, khó cảm nhận”. Còn theo cách nói của Virginia Woolf, nữ giới bị đóng khung trong “căn phòng riêng” của chính mình. Nhưng họ không biết rằng, trật tự thế giới đang hiện hữu ấy gắn liền mật thiết với những quyền lợi và chế tài của nó, giúp cho kẻ thống trị nắm giữ hoàn toàn quyền lực và làm cho kẻ bị trị “an phận” với vị thế của mình. Về cơ bản, “nghịch lí dư luận” này không khác gì một bức tường vững chắc cho quyền lực văn hóa nam quyền trung tâm, cung cấp một phương tiện hữu hiệu để giải trừ những điều “tất yếu”, biến mọi tồn tại tự nhiên trở thành phi tự nhiên một cách hợp lí.

Phản đối cách kiến tạo xã hội trái với sự tuần hoàn và phát triển vũ trụ, chủ nghĩa nữ quyền đã đặt ra những tra vấn về bản chất ngụy tạo của văn hóa, về “trật tự giới” đầy thiên kiến và độc tài này. Bằng cách xét lại tư tưởng cũ, những ngộ nhận trước đây được khơi thông, tổng thể thế giới nhân loại hóa ra thuộc về những mối liên kết, chứ không nằm ngoài hoặc không vượt ra ngoài những mối liên kết. Sự phát hiện này đã giúp các nhà nữ quyền nỗ lực xóa bỏ thân phận “bên lề”, “bị trị” của nữ giới, xác lập vai trò và thiên tính của phụ nữ trong một tổng thể hài hòa, phi chính trị, phi điều kiện.

Trên văn đàn đương đại Việt Nam, Đỗ Bích Thúy nổi lên như một nhà văn mang phong cách nữ quyền. Các tác phẩm như Bóng của cây sồi, Cánh chim kiêu hãnh, Lặng yên dưới vực sâu… của Đỗ Bích Thúy đều là những câu chuyện xúc động về những người đàn bà hết mình vì gia đình, tình yêu. Đặc biệt, nhiều năm kinh nghiệm viết về đề tài người phụ nữ vùng cao, sự xuất hiện cuốn tiểu thuyết Chúa đất của Đỗ Bích Thúy trong thời gian gần đây không những cho người đọc hiểu hơn về thế giới đàn bà, mà còn hiểu hơn về những bản tính của đàn ông. Bút lực vững chắc và tinh tế, Chúa đất như một khúc hoan ca về tình yêu, về quyền tự do cá nhân và hạnh phúc của con người trong hành trình phản tư sự thống trị nam giới.

2. Chúa đất– kiểu mẫu của mô hình nam quyền trung tâm

2.1. Sùng Chúa Đà – kẻ độc tài máu lạnh

Nhân vật Sùng Chúa Đà trong tiểu thuyết Chúa đất được Đỗ Bích Thúy lấy cảm hứng từ câu chuyện chúa đất vùng Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang. Theo truyền thuyết, Shôngx Trưr Đangs là một thổ ty người Mông hung ác, sống cách đây khoảng 200 năm, y đã củng cố quyền lực và tình yêu của mình bằng cây cột đá. Bất kì người đàn ông nào dám trêu ghẹo vợ hay làm trái mệnh lệnh chúa đất đề ra, đều phải bị treo lên cây cột đá, hành quyết cho đến chết. Huyền tích vừa hư vừa thực này đã trở thành cốt truyện chính của tác phẩm. Không gian Đường Thượng như một tiểu vũ trụ để chúa đất lộng hành. Tư tưởng nam quyền thống trị bắt mạch lên dải đất cao nguyên ấy, làm nên thành trì cai trị vững bền cho cha con chúa đất và được truyền qua nhiều thế hệ.

Sự độc tài của Sùng Chúa Đà thể hiện trước hết ở độc tài sinh thái. Giới hạn phát triển nông nghiệp và kinh tế của vùng đất này nằm trong bàn tay chúa đất. Ai muốn trồng cây gì, nuôi con gì, bán cái gì đều phải thông qua ý Chúa. Ai muốn yêu ai, lấy ai cũng phải được Chúa đồng thuận; thậm chí “chim bay trên vùng Đường Thượng cũng là của Sùng Chúa Đà”. Cho nên, dẫu khu vực này được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh hữu tình; nhưng người dân nơi đây vẫn luôn chịu cảnh sống lầm than, đói khổ. Không ai dám trồng cây lương thực, vì chúa đất không thích trồng ngô bằng trồng anh túc. Đường Thượng trở thành vùng trồng nhiều thuốc phiện nhất cao nguyên. “Mỗi vụ anh túc chúa đất lại thu về không biết bao nhiêu bạc trắng. Nhưng bạc trắng vào nhà chúa đất một trăm đồng thì chưa chắc vào nhà người trồng anh túc được một đồng” [4, tr.75]. Đến mùa thu hoạch, tự tay bà Cả sẽ quản lí và đi lấy nhựa, không sót một cây nào, không được gãy một cành nào cho đến khi hết vụ.

Cái bóng cường quyền đổ lên từng mái nhà, khi thuốc phiện chỉ dành riêng cho nhà giàu, còn người nghèo đều căm thù nó: “Vì nó, không biết bao nhiêu người đã bỏ mạng. Bao nhiêu nương ngô bị chúa đất thu lại, bắt trồng anh túc hết. Thu hoạch anh túc xong, người trồng chỉ được trả công không đủ ăn cháo ngô đến vụ sau. Thế mà vẫn phải trồng, phải chăm. Không trồng thì tức là tự đi mà chọn lấy cái chết rồi” [4, tr.88-89]. Cách cai trị bằng sự độc quyền sinh thái – kinh tế đã giúp Sùng Chúa Đà ngày càng giàu có; đi đôi với việc, khoảng cách giữa hắn với dân nghèo lại càng xa vời. Sự phân hóa về quyền lực và vật chất này được khởi điểm từ nỗi sợ sệt của các đồng bào dân tộc thiểu số trong văn hóa tôn thờ chúa đất/ lãnh chúa. Với người vùng cao, chúa đất như biểu trưng cho sức mạnh quyền lực của đấng tối cao, là người liên kết giữa cõi trời và cõi người. Xâm phạm chúa đất là xâm phạm đến thần linh. In sâu vào nếp nghĩ, họ xem những gì chúa đất nói và làm như “sấm truyền” thiêng liêng, uy lực. Nên từ trong máu thịt, Sùng Chúa Đà đã được xác lập nghi thức “dục năng thống trị” (libido dominati). Chính “dục năng thống trị” đã cho hắn đặc quyền buông mình vào những trò chơi của sự thống trị tàn ác. Thông qua hành xử của chúa đất, Đỗ Bích Thúy đã đề cập đến vấn đề nhân quyền trong một xã hội lạc hậu đầy áp bức, bóc lột.

Trong cách nhìn về con người, Sùng Chúa Đà xem người dân chỉ là nô bộc để hắn định đoạt, tra tấn. Vì thế, sinh mạng với hắn cũng trở nên nhẹ bẫng. Hàng trăm người, kể cả tốt lẫn xấu đều chết dưới tay Đà. Sự tàn bạo của hắn nổi tiếng khắp cả vùng cao nguyên. Để tạo nên sức mạnh tối ưu, khiến mọi người phải khiếp đản, phục tùng, Sùng Chúa Đà luôn nghĩ cách hành hạ con người dã man nhất. Những hình thức tra tấn bằng dao, mũi tên thuốc độc, bằng chó cắn, lá ngón… cũng không đủ làm hắn thỏa mãn. Nên Đà mới nghĩ ra cây cột đá. Dựng cuối thung lũng, cây cột đá “dài bằng chiều cao của hai người, rộng hơn một sải tay người”, đứng sừng sững trên nền trời, hai cái lỗ tai đá như hai con mắt, thách thức những ai dám đi ngược với mong muốn và luật lệ hắn đề ra. Kẻ nào bị treo, người nhà không được mang xác về, phải để lại làm thức ăn cho quạ, phải để xương rơi xuống chân cột cho mối xông. Lâu lâu, bọn tay sai nhà chúa đất lại lên đỉnh núi cào xương rơi bớt xuống vực, nếu không cào thì xương sẽ chất cao che kín cả cột đá. Hung ác như vậy, nên “kiến nhìn thấy chúa đất cũng phải tìm một gốc cỏ mà nấp. Suối nghe thấy tiếng bước chân chúa đất cũng phải ngừng chảy. Gió rừng nghe tiếng ngựa của chúa đất hí vang cũng phải đứng lại nín thở trên ngọn cây. Từ người già sắp về với tổ tiên đến đứa trẻ ngày mai ngày kia mới chui ra khỏi bụng mẹ, đều thuộc về chúa đất. Chúa đất bảo sống thì muốn chết cũng không được, chúa đất bảo chết thì nhất định không được mở mắt ra thêm một lần nào nữa” [4, tr.11]. Cách nói nhân hóa, ẩn dụ của nhà văn như một đòn bẫy, bật lên tính hung hiểm, lộng quyền của chúa đất.

Trong đời sống hôn nhân – gia đình, Sùng Chúa Đà cũng đề ra những quy tắc riêng: “Những việc quan trọng nhất trong nhà chúa đất bao giờ cũng chỉ có đàn ông làm”, đàn bà chỉ lo bếp núc, ruộng nương và thu hoạch anh túc. Tôi tớ trong nhà không ai dám làm phật ý hắn. Những gì Sùng Chúa Đà muốn đều phải đạt được. Mà tham vọng của hắn lại vô cùng, hắn muốn trong nhà đầy gái đẹp. Hắn tìm kiếm khắp vùng Đường Thượng những cô gái xinh xắn, tràn trề sức sống, rồi để đó như một bông hoa tàn phai theo năm tháng. Chẳng người đàn bà nào được quyền làm mẹ, làm vợ. Đến nỗi, đám gái già “bây giờ không lọt vào mắt chúa đất nữa” nhiều lắm rồi, “đứa nào thích về nhà thì chúa đất cũng cho về”. Nhưng không người nào muốn về. Họ đã mất cả thanh xuân và sức khỏe để ở bên chúa đất, giờ về “chỉ làm gánh nặng cho bố mẹ thôi”, “chồng không lấy được nữa, con cũng không đẻ được nữa”.

Ở một góc nhìn khác, có thể giải mã những độc đoán, hung hãn của Sùng Chúa Đà là do sự bất lực của vị thế nam quyền thống trị không toàn vẹn. Nhìn mọi hành động – lời nói – cư xử của hắn bên ngoài, rõ ràng hắn là kẻ tối thượng, kẻ đạt đỉnh cao hạnh phúc và quyền lực. Tiếc thay, hắn có thể làm chủ tất cả nhưng không làm chủ được chính mình! Đúng hơn, hắn là một kẻ đàn-ông-không-ra-đàn-ông. Vẻ ngoài lực lưỡng, “cao lớn, da trắng, mặt vuông, tóc đen nhánh, râu mọc lún phún”, rất nam tính lại không thể khỏa lấp dị tật về giới tính. Nhà nghiên cứu Marie O’Brien (1926 – 1998) đã không lầm khi nhìn thấy, “sự thống trị của nam giới là sản phẩm của nỗ lực nơi đàn ông để khắc phục tình trạng họ bị tước mất các phương tiện tái sản xuất giống loài và để khôi phục quyền tối thượng của địa vị làm cha bằng cách che giấu công việc thực sự của người phụ nữ trong sinh đẻ” [dẫn theo 1, tr.66]. Bản chất thống trị tàn bạo của Sùng Chúa Đà có lẽ cũng khởi nguyên từ cảm giác bất lực về khả năng “sản xuất giống loài” này. Văn hóa cổ xưa cho rằng, dương vật đàn ông có hình trụ/ cột, thường trụ/ cột nằm ở trung tâm, chính giữa. Đàn ông, vì có dương vật, nên trở thành trung tâm. Đàn bà, vì không có dương vật, nên bị xem là khiếm khuyết, bất toàn. Sùng Chúa Đà tự xưng là chúa đất, nhưng dương vật của hắn lại bị tật nguyền. Đêm đầu tiên đến với bà Cả, “con bò đực là Đà hộc lên như bị chọc một nhát vào cổ, rồi nằm vật ra”. Sau trải nghiệm “ăn trái cấm” đầu tiên bất thành, Đà biết mình thực sự là người thế nào. Hắn tránh mặt bà Cả. Khi bố mẹ chết, Đà lên làm chúa đất Đường Thượng. Hắn “thay đổi hẳn tính nết”, cả ngày không thấy cười, “đi đâu, hễ thấy gái đẹp là bắt về hết”. Đứa làm người ở; đứa phục dịch hút thuốc phiện; đứa chuyên đấm lưng, bóp tay chân; kẻ làm gối kẻ làm tựa cho Đà gác. Con gái Đường Thượng muốn ra khỏi nhà đều phải bôi than, bết bùn, làm xấu xí diện mạo để không lọt vào mắt xanh chúa đất. Kẻ tưởng là quyền uy nhất Đường Thượng lại là kẻ bất lực trong hôn nhất và phũ phàng trong tình yêu. Hắn điên cuồng trong tham vọng đạt lấy phẩm tính hoàn hảo của người đàn ông, nhưng Đà không hiểu rằng, “một trăm đứa chứ một nghìn đứa thì cũng chẳng có đứa nào giúp Đà trở thành một thằng đàn ông cho ra đàn ông được” [4, tr.19]. Sự độc ác mà hắn gây ra cho biết bao người, giống như một cách trút bỏ phẫn uất, thịnh nộ từ mặc cảm khiếm khuyết của mình. Hắn thất bại trong tình yêu, hắn không thể ban phát cho những người đàn bà bên hắn những đứa con, nên hắn tìm nguồn khoả lấp bằng cách cản phá tình yêu đôi lứa trong bản làng, cướp đi nhiều nhân mạng vô tội. Vì thế, hình ảnh Sùng Chúa Đà trở thành một biểu tượng sống động cho khát vọng lật đổ quan niệm “nam quyền trung tâm” trong tư tưởng nhà văn.

2.2. Bà Cả – kẻ phục tùng, bên lề của chúa đất

Như đã nói ở trên, phụ nữ xưa nay luôn bị đóng khuôn bởi những áp chế của văn hóa nam quyền trung tâm. Những người cầm quyền – những người đàn ông đã chiếm hữu ngôn ngữ nhân loại và dùng ngôn ngữ phủ lên cái khác (otherness), (đàn bà cũng được xem là cái khác), khống chế và biến cái khác thành khách thể, bên lề. Nếu phải tìm một mẫu hình phụ nữ dưới sự cai trị của chế độ nam quyền thống trị, chắc chắn bà Cả (Chúa đất) sẽ điển hình lí tưởng cho kiểu người đàn bà đáp ứng vẹn toàn các nhiệm vụ mà theo Rousseau, đó là “làm hài lòng thị lực của đàn ông, giành được sự tôn trọng và yêu thương của anh ta, đào tạo anh ta trong thời thơ ấu, chăm sóc cho anh ta trong tuổi trưởng thành, dặn bảo và khuyên giải, làm cho cuộc sống của anh dễ chịu và hạnh phúc” [dẫn theo 3, tr.33].

Bà Cả về làm vợ Sùng Chúa Đà lúc mười sáu tuổi, đã ở trong dinh thự gần ba mươi năm. Lúc mới cưới, bà “như bông hoa đào vừa nở ở đầu cành, bị vặt một phát, ném luôn vào sân nhà chúa đất”. Bông hoa đẹp đáng lẽ được yêu chiều, nâng niu, lại “bị bỏ quên trong xó buồng y như một cái váy rách”. Khi biết Sùng Chúa Đà là kẻ bất lực tình dục, bà không hề oán trách, khinh thường mà lại càng yêu thương hắn nhiều hơn. Những lời nói mà mẹ bà đã căn dặn trước ngày lấy chồng được hiểu như một bộ khung áp chế cho những “nghịch lí của dư luận”, khiến mặc định trong tâm tưởng bà Cả rằng, đã là đàn bà phải có bổn phận và nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, phục tùng chồng, bất kể người chồng đó có nhiều dị khuyết.

Vì hiểu rõ bổn phận của người đàn bà (theo cách mà người đàn ông mong muốn), bà Cả luôn cố gắng làm hài lòng Sùng Chúa Đà, luôn dành sự tận tụy của mình để chăm sóc, bầu bạn, và giúp chúa đất cai quản cơ ngơi. Với Sùng Chúa Đà, ai cũng có thể nghi ngờ về lòng trung thành và tận tụy, nhưng riêng với bà Cả thì hắn yên tâm tuyệt đối. Bởi thế, việc thu hoạch anh túc – công việc kiếm ra tiền nhiều nhất và đòi hỏi sự tin tưởng nhất, được giao hết cho bà. Những việc lớn nhỏ, từ quản lí kinh tế, cưới xin, chọn lựa người ở, đến việc ăn uống, dự trữ lương thực đều một tay bà quán xuyến. Nhẫn nhịn và phục tùng, không biết bao lần bà Cả trở thành người đi hỏi vợ cho chúa đất. Dù Đà đã “quên lối vào căn buồng của bà”, nhưng thẳm sâu tâm hồn, bà chưa bao giờ thôi yêu thương Đà. “Mỗi khi Đà bắt về một đứa ở gái, nó càng xinh đẹp thì bà càng thương Đà. Bà là người hiểu Đà nhất, yêu Đà nhất, thương Đà nhất. Đà làm gì, dù có ác độc đến đâu bà cũng nghĩ cách để xóa tội cho Đà” [4, tr.19]. Đó là tình yêu mù quáng hay là sự áp chế nam quyền trong tâm thức bà quá lớn?

Cuộc sống của bà Cả là hành trình bi thương của một người đàn bà phục dịch, ngoài lề đàn ông. Với vị thế của mình, bà có thể vui vẻ, có thể được tình yêu, cũng có thể căm hận. Nhưng bà “không vui, không yêu thương, không căm ghét, không được làm theo ý mình. Nhất nhất mọi thứ bà làm, bà nói, bà nghĩ… đều vì chúa đất, cho chúa đất. Đến cả một câu yêu thương với chúa đất cũng không dám nói” [4, tr.221]. Bà sống mà chẳng khác gì đã chết. Bà không có thân phận trong lòng chúa đất, bà chưa nếm trải được cảm giác của một người đàn bà đích thực – một người đàn bà được thỏa mãn tình dục và thiên chức làm mẹ. Bà có ước mơ không? Chắc là có! Thời bà còn là một bông anh túc rực rỡ, “bà muốn xuống chợ với chúa đất, hai người cầm tay nhau, để chim trên cây phải quay mặt đi vì xấu hổ. Nhưng chúa đất không bao giờ làm thế. Chúa đất mặc kệ bà” [4, tr.57]. Chính sự thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm của chúa đất đã hình thành nên một bà Cả cam chịu, nhẫn nại, nhu mì. Vì thế, “suốt những năm tuổi trẻ, bà chỉ có thể làm miếng thịt cho chúa đất cắn xé giày vò mà không bao giờ thỏa mãn” [4, tr.55].

Tự biến mình thành cây tầm gửi, bám vào chúa đất để tồn tại, bà Cả tự nguyện “sống làm người nhà chúa đất, chết làm ma giữ nhà cho chúa đất. Chúa đất là linh hồn của bà, là hơi thở của bà, là máu của bà” [4, tr.84]. Thậm chí, bà “sát nhập”, “đồng hóa” vào chúa đất. “Từ khi nào bà đã coi chúa đất như một phần da thịt của mình. Chúa đất buồn bà buồn, chúa đất ốm bà ốm, chúa đất vui vẻ bà mừng rỡ. Bà đứng sau lưng chúa đất, bị cái bóng to lớn của chúa đất che kín” [4, tr.116]. Mục đích của đời bà lệ thuộc vào mục đích Sùng Chúa Đà. Đà muốn làm gì, Đà ghét ai yêu ai, bà cũng theo như vậy. Chẳng khác gì con chó thường quẩn quanh bên chân bà cho đến chết, hay con Sùng Cắt luôn túc trực cạnh Chúa Đà tận hơi thở cuối cùng. Hai hình ảnh loài vật, một bên là con chó và một bên là con chim cắt gắn bó trung thành với chủ càng bồi thấm thêm tư tưởng phục dịch, nô lệ giữa địa vị chủ – khách, nam – nữ, kẻ cầm quyền – kẻ bị trị.

Từng có lúc, bà tìm đến con đường mòn ngày xưa đoàn đón dâu ngang qua. Khúc ca năm xưa những cô gái đưa dâu đã hát: “Trời sáng đâu đã sáng/ Mới sáng qua kẽ gác/ Đầu bếp đã bày cơm/ Để giục giờ lên đường/ Trời tỏ đâu đã tỏ/ Chỉ tỏ qua kẽ vách/ Đầu bếp đã bày cơm/ Đã báo giờ phải đi” –  dường như đã dự báo biết bao phận đời đàn bà. Rồi họ cũng lủi thủi quanh gian bếp, sáng trưa chiều tối chỉ biết cơm nước, chăm lo, phục vụ chồng con. Giai điệu H’mông vang lên xuyên suốt tiểu thuyết như một mạch nguồn tâm thức văn hóa thiêng liêng và đầy quyến rũ. Cái tài của nhà văn là đã biết vận dụng dân ca để tô điểm thêm bản sắc và phong tục của núi rừng phía bắc. Lần nữa, nó lại du dương trong kí ức nhân vật, đưa nhân vật trở về nguồn cội tuổi thơ. Bà Cả là ai? Bố mẹ đã đặt cho bà một cái tên thật đẹp, nhưng từ ngày về làm dâu nhà Sùng, bà đã quên mất tên thật của mình. Bà quen người ta gọi là bà Cả. Sống dưới bóng người đàn ông lộng quyền, bà mất hết danh tính và những quyền cơ bản của một người phụ nữ bình thường. Hình như, ngẫm ngợi về thân phận, có khi bà cũng tự hỏi: “Làm đàn bà thật sự thì như thế nào? Bà không biết, giờ cũng không muốn biết. Bà đã quen sống thế này, ngày ngày quản tiền cho chúa đất” [4, tr.56]. Bao nhiêu năm đã qua, nhan sắc – tuổi trẻ – sức khỏe – đam mê cũng bạc cỗi theo thời gian, bà trút hết tâm can để làm cái bóng âm thầm, lặng lẽ bên chúa đất – người chỉ “khiến bà mệt mỏi, đau đớn vì yêu thương suốt cuộc đời”.

Thực ra, bà Cả cũng có quyền tự lựa chọn và quyết định số phận của mình. Tuy nhiên, bất hạnh của bà là bị giằng néo giữa khát vọng cá nhân và những định kiến từ gia đình, cộng đồng. Trong đau đớn và cô quạnh, bà muốn rời khỏi dinh thự chúa đất, muốn từ bỏ tất thảy để về nhà. Về nhà, bà sẽ là cô gái H’ mông giản dị, sẽ được lên nương trồng ngô với các em, được nhổ lanh, tước lanh, “muốn hát, muốn cười, muốn được nói chuyện suốt đêm với mẹ”. Nhưng bà không làm được, bà không đủ dũng cảm bỏ lại mọi thứ. “Bao nhiêu người sống dựa vào bà như cây tầm gửi mọc trên thân gạo. Nếu cây gạo tự nhổ gốc, tự quay về chốn cũ, thì chẳng phải tầm gửi chết theo hết hay sao?” [4, tr.157]. Tự hỏi rồi tự trả lời, bỗng nhiên bà nhận ra gánh nặng lên đôi vai mình quá lớn. Đánh đổi cả tuổi xuân, những đêm chẳng thể nào yên giấc để gia đình, dòng họ có cuộc sống êm ấm. Mà rồi không ai từng một lần nghĩ cho bà, thương bà. Duy chỉ có con chó già thấu hiểu. “Nó là bạn bà, con của bà”.

Đi đến tận cùng yêu thương, tận cùng thấu cảm, bà Cả đã dành chút quyền lực của mình để ngăn chặn những sai lầm của chúa đất. Đây cũng chính là biểu biện bản năng rất nữ tính của một phụ nữ truyền thống. Bên cạnh yêu thương, chăm sóc đàn ông, người đàn bà còn phải có nhiệm vụ “dặn bảo và khuyên giải” để họ tránh phạm vào những sai lầm, cấm kị. Linh cảm được những điều chẳng lành từ cuộc hôn nhân với cô gái Sùng Pà Xính, bà Cả tìm mọi cách ngăn cản đám cưới. Kể cả hành động ngụy tạo màn kịch sau lưng chúa đất, tính kế cho Vàng và Xính chạy trốn, cũng là vì bà mong Đà thức ngộ, nhận ra tình yêu của bà, Đà hiểu nên sống tốt quãng đời còn lại. Lần đầu tiên bà tự làm theo ý của mình. “Bà đã làm cái hũ muối xó bếp lâu quá rồi. Bây giờ cái hũ muối muốn nói tiếng người, thì cũng ai cấm được”. Chỉ tiếc kế hoạch của bà không qua khỏi tai mắt chúa đất. Không ai nghĩ rằng người bà quyền lực nhất dinh thự lại có ngày phải ra đi. Trước khi đi, bà nhắm mắt lại, ngửi “mùi người đàn ông mà bà luôn nghĩ đến trong cả lúc ăn cả lúc ngủ”. “Người mà bà yêu cho đến lúc chết. Chính là chúa đất”. Nên những bước chân cuối cùng giã từ trần gian là những bước chân đến bờ sông – nơi có những luống cải vàng óng, ong đậu trĩu cành hút mật. Đây là khu vực duy nhất không trồng anh túc, chính do chúa đất đã chiều theo ý bà. Bà muốn có “một vườn cải thật rộng, thật xanh lúc đang mùa và thật vàng lúc cuối mùa”. Sâu xa hơn, vườn cải là nơi lần đầu tiên hai người gặp nhau. “Bà không bao giờ quên gương mặt vuông vức của chúa đất, nụ cười sáng như nắng, mắt nheo lại phía sau những lá cải xanh”. Vì thế, suốt bao năm, bà giữ lại vườn cải để lưu giữ những hình ảnh đẹp tinh khôi về lần đầu tiên ấy. “Bà tặng cho chúa đất tuổi trẻ của bà, sự xinh đẹp rực rỡ của bà, tình yêu của bà”. Khi đã trút hết yêu thương tận cùng gan ruột, bà gieo mình xuống đáy sông sâu. “Nước đen thẫm, lạnh buốt, nuốt chửng lấy bà”. Bà đã kết thúc hành trình làm người đàn bà bên lề, hi sinh lặng thầm một cách trọn vẹn bên chúa đất. Thế mới thấy, đàn bà hi sinh, chung thủy, yêu thương người đàn ông của đời mình như thế, mà chắc gì đã nhận lại được tấm chân tình và sự đáp đền xứng đáng?

Trong câu chuyện này, dù bà Cả được xem là “tay sai”, “công cụ” giúp chúa đất bạo hành, lộng quyền. Nhưng chẳng ai trách bà Cả, vì bà làm đúng vai trò, trách nhiệm của một người vợ truyền thống. Ở dinh thự, bà có một vị thế đáng kính, tôi tớ “đi ra đi vào không ai dám nhìn thẳng vào bà”. Tuy bà ở vị trí uy nghiêm, cao quý, nhưng nỗi đau, nước mắt của bà cũng hòa chung vào niềm thống khổ của rất nhiều người đàn bà trong dinh thự chúa đất.

3. Chúa đất– sự thắng thế của tình yêu, quyền tự do và bình đẳng của con người

3.1. Vàng Chở – khúc ca về khát vọng bình đẳng, hạnh phúc

Diễn trình kiểu mẫu của tư tưởng nam quyền trung tâm là một cách thức nêu bật khát vọng về hạnh phúc, tình yêu và bình đẳng trong mỗi sinh mệnh. Có lẽ, Vàng Chở là nhân vật để lại nhiều ám ảnh và suy tư nhất trong lòng độc giả. Đỗ Bích Thúy đã tạo nên một cú “hick” với hình tượng nhân vật này. Đa phần nữ giới trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy đều là những người đa đoan, cam chịu, nếm trải nhiều thiệt thòi và tủi nhục trong hôn nhân, tình yêu. Thực ra, Vàng Chở cũng là người bất hạnh. Nhưng, trước khi hứng chịu những bi thương, Vàng Chở đã kịp làm nên một cuộc nổi loạn trong dinh thự chúa đất; trở thành người khiến độc giả khó phân định xếp vào quy chuẩn đúng/ sai, tốt/ xấu, nên/ không nên.

Phá vỡ những bó buộc khuôn thước và tha thiết một đời sống ý nghĩa là bản chất của Vàng Chở. Với bản chất ấy, lại bước vào dinh thự của chúa đất, càng khiến cho Chở luôn có một thái độ thách thức với tất cả mọi người. Từ dáng vẻ bên ngoài, nàng đã làm bao người khó chịu, dè bỉu. “Chiếc váy trắng tinh, xòe ra như cây nấm, cái eo lưng bé tí, cặp vú mẩy căng ních trong mấy lớp áo, rung rung sau mỗi bước đi. Chở có bước đi uốn éo như rắn bò, đàn bà có dáng đi ấy thì chỉ giỏi chuyện chăn gối thôi” [4, tr.21]. Đúng là Chở rất giỏi “chuyện chăn gối” – cái việc không người đàn bà nào ở Đường Thượng làm tốt hơn được. “Xinh đẹp, trắng trẻo, béo tốt”, “lúc nào cũng như một bó đuốc đang cháy”, Vàng Chở làm chúa đất mê mẩn hằng đêm, đi đâu cũng muốn dẫn theo cùng. Chở cũng ý thức được mình đẹp, nên nàng thường ra giữa sân, khu vực trung tâm dinh thự, “đánh cặp mông to, lúc la lúc lắc, ưỡn ngực đi”, khiêu khích những ánh mắt bốc cháy của hàng chục thằng con trai làm mướn. Đám đàn bà xì xào, soi mói nàng như thể một “đứa con gái hư hỏng, mất nết”.

Đến việc nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, Vàng Chở cũng vụng về, kém cỏi.  Nàng thêu không đẹp, ca hát khó nghe. Nàng lại rất ương bướng, ngang ngược, “không phải động chân động tay vào việc gì, mỗi tháng chìa tay đòi bà Cả đưa một trăm đồng bạc, lại dám vén váy ngồi lên mặt Đà” [4, tr.37]. Bức chân dung về Vàng Chở hoàn toàn đối nghịch với chuẩn mực của người phụ nữ “công – dung – ngôn – hạnh”. Nếu bà Cả khéo léo, giỏi giang, đảm đang, chu toàn bao nhiêu thì Vàng Chở lại cá tính, bất cần, táo bạo bấy nhiêu. Người đàn bà như thế, sao có thể tồn tại được trong nhà chúa đất, lại được chúa đất yêu chiều hết mực? Kẻ quyền lực nhất Đường Thượng cũng không qua ải mĩ nhân? Vàng Chở hậu đậu, lóng ngóng việc nhà, nhưng nàng lại khéo léo trong tình ái. Nàng đánh trúng vào yếu điểm của Sùng Chúa Đà. Nhà có biết bao thê thiếp, hầu gái; nhưng chẳng ai thực sự hiểu Đà muốn gì, cần gì. Chở đã giúp Đà xóa đi mặc cảm của “một con ngựa đang phi nước đại bất ngờ bị trúng một mũi tên vào giữa ức”; Chở giúp Đà vần vũ “một đứa gái Mông đang căng tròn, mọng như một quả lê sắp chín” bằng cách để cho Đà cắn xé từng mảng da thịt trên cơ thể, hơn thế, còn tung hứng cuộc chơi, tỏ ra thích thú và quay lại cắn xé Đà… Những vết bầm tím khắp nơi, những dấu răng rớm máu trên ngực Chở đã thổi vào Đà khoái cảm của kẻ chinh phục thành công vùng cấm địa, niềm vui sướng của một tên thợ săn hạ gục con mồi. Ấy là nhờ Vàng Chở giúp Đà ngộ nhận và hoang tưởng về sự thắng thế ấy. Khi đã được thỏa mãn về sex, khi đã được tỏ rõ đàn ông đích thực, thì một chút vụng về của Vàng Chở có là gì?

Cách thức chủ động và táo bạo trong đời sống tình dục của Vàng Chở cũng là một sự đả phá tư tưởng nam quyền thống trị. Chúa đất không ngờ rằng, người đàn bà bình đẳng trong giường chiếu cũng là người đàn bà mong muốn bình đẳng trong mọi mặt của đời sống. Trước mặt chúa đất, ai ai cũng cúi mặt, không dám nhìn thẳng, không dám trái lời, kể cả thở một chút thôi cũng khe khẽ. Vàng Chở không thế, nàng dám giận hờn, buông lời trách móc, rồi “ngoảy mông đi trước mặt chúa đất”, “chẳng khác gì mẹ chúa đất”. Với chúa đất, từ khi lấy Vàng Chở, hắn mới cảm thấy được “củng cố” quyền lực thống trị của mình. Vì Chở táo bạo, Chở hiện đại, Chở dám cắn lên mình hắn những cái đau điếng, in hằn; Chở dám nũng nịu và đẩy đưa cùng hắn. Chở biết hắn khiếm khuyết, nhưng Chở biết cách giúp hắn vượt qua mặc cảm đó. Tiếc là Chở cũng chỉ là một người đàn bà (chứ không phải là một công cụ), Chở không đi đến tận cùng con đường Sùng Chúa Đà vẽ ra cho nàng. Thanh xuân qua đi, đổi lại Chở được những gì ngoài những vết tím hằn trên thân thể? Ý thức rõ về hạnh phúc mong manh qua từng khoảnh khắc, Chở lao vào cuộc tình đầy ngang trái.

Đỗ Bích Thúy không nói rõ, Vàng Chở có yêu Lù Mìn Sáng hay không, điểm nhấn của nhà văn là khát vọng về quyền con người và hạnh phúc trong Chở. Bước đến ranh giới vô thường của sự sống và cái chết; chao chát dội đến những lời trách móc, bạc bẽo của người tình, Chở vẫn thấy vui vẻ và an nhiên. Vì cái Chở cần là hạnh phúc, là được trở thành người đàn bà thực sự. Cho dù, Sáng là “một thằng đàn ông chả ra gì, ăn xong bát thịt thì ném bát đi”, nhưng Sáng “đã cho Chở được làm đàn bà”. Trong những ngày làm bà Tư đen tối, Chở cũng được “Sáng mang đến cho một ít ấm áp”. Những giây phút trải lòng đau đớn ấy, người đọc nhận ra rằng, sự vùng lên trong Chở không phải vì Chở là người đàn bà lẳng lơ, thiếu đức hạnh. Mà bởi vì Chở là một con-người-bình-thường. Nhà văn đã không thi vị hóa, càng không sử thi hóa chân dung người phụ nữ chuẩn mực trong truyền thuyết, tác giả đưa ra sự thật nghiệt ngã trong số phận của người đàn bà, phản tư lại sự thống trị độc tài của nam giới.

Sự đối lập trong thái độ khi đối diện với tử thần của Vàng Chở và Lù Mìn Sáng càng cho thấy: Đàn bà hết mình vì tình yêu, còn đàn ông liệu có dám sống chết với trái tim mình? Bản chất đàn ông, bản chất đàn bà được bộc lộ rõ khi kề cận cái chết. Lù Mìn Sáng ra sức kêu cứu. Vàng Chở điềm nhiên chấp nhận. Lù Mìn Sáng kêu gào trách móc. Vàng Chở yên bình nghĩ về giây phút thăng hoa từng có… Hành động của Lù Mìn Sáng hèn nhát, tiểu nhân, là một người đàn ông nhưng không có chí can trường; trước sự đe dọa của chúa đất, hắn sợ sệt, không dám nhận trách nhiệm. Hắn phản kháng một cách yếu ớt và thấp kém qua hành động đổ lỗi, nguyền rủa người tình. Mặc cho Sáng chửi rủa, Chở vẫn im lặng, ngẩng cao đầu. Thậm chí, trước khi bị treo lên cây cột đá, Vàng Chở còn dành ít thời giờ để trang điểm, vấn tóc, tỉa lông mày, thay váy áo, xà cạp, mang đôi giày thêu hoa cúc. Cứ như một người con gái đang chuẩn bị hẹn hò.

Tư thế chết hiên ngang của Chở là tâm thế của người có ý chí kiên cường. Giữa giá buốt và đớn đau thể xác, giữa những bầy quạ đang sẵn sàng xô bổ rỉa mổ từng thớ da, tảng thịt, Vàng Chở vẫn toát ra khí chất thanh cao của người đàn bà dám sống hết mình và thành thực với bản năng nữ tính. Đó là cách mà cô phản kháng lại dư luận để đấu tranh cho việc làm của mình: “Sống như mình muốn mới khó, chết thì hết rồi còn đâu”. Tuy sống ít ngày thật, nhưng dù sao Vàng Chở cũng được vui vẻ theo cách mà nàng muốn. Sống bằng ấy ngày vui vẻ, Chở thỏa mãn rồi, Chở sẵn sàng chết. Cô muốn chết thật nhanh, dù chúa đất lại muốn cô chết từ từ. Hắn muốn Vàng Chở phải thấy hối lỗi và van xin hắn. Tuy nhiên, “nếu mà biết ân hận thì đã không phải Vàng Chở”. Nhân sinh trải qua muôn ngàn ngày tháng, nhưng nếu chẳng được tỏa hương như một đóa hoa rực rỡ, thì thiết tha sống nữa để làm gì?

Không an phận và chấp nhận làm công cụ hay cái bóng lặng lẽ bên cạnh người đàn ông quyền lực nhất Đường Thượng – chỉ có mình Chở. Nỗi niềm khát khao làm mẹ của bà Cả, bà Hai, bà Ba luôn thường trực. Cả tuổi xuân, chưa người đàn bà nào ngủ yên giấc trong dinh thự, họ “muốn làm mẹ trẻ con”, họ thèm “nghe trẻ con khóc, cho trẻ con bú”. Nhưng họ lại không dám bộc lộ điều này. “Nói ra sợ bị cắt lưỡi, sợ bị khâu mồm, sợ bị nhổ răng”. Thế mà, Vàng Chở lại lột trần ẩn ức của họ để tra vấn: “Chị có muốn đẻ không? Chị Hai, Chị Ba có muốn đẻ không? Ầy, ai chả muốn”. Chẳng khác gì dội một gáo nước thức tỉnh họ. “Tất cả đám đàn bà trong nhà này, khi đã đi qua cái cổng kia, thì không được làm đàn bà nữa. Chỉ làm chăn đệm cho chúa đất gác chân thôi” [4, tr.52]. Vàng Chở không chấp nhận làm chăn đệm gác chân. Vàng Chở chỉ có mong ước thật bình dị: được khơi thông những xúc cảm của một người đàn bà. Nếm trải được cảm giác có những ngày hạnh phúc đến trào nước mắt, Chở đã mãn nguyện rồi. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối”. Lời trăn trối của Vàng Chở: “Sống mà như chết thì sống làm gì?” trở thành một điệp khúc thổn thức xoáy vào tâm thức những người ở lại trong mạch cuối thiên truyện. Vàng Chở đáng thương hay đáng bị lên án? Là vợ tư của Sùng Chúa Đà, nhưng Chở không giữ gìn đức hạnh của người đàn bà, Chở vượt qua ranh giới hôn nhân, đả phá phép tắc để ăn trái cấm trong hang cọp nhà chúa đất.

Trên con đường chông gai đến với hạnh phúc và tự do, nhiều người đã bỏ cuộc, quay về âm thầm chịu đựng muôn nỗi nhọc nhằn của kiếp nhân sinh, nhưng cũng có người đã tìm được bến bờ hoan ca bằng sức mạnh, khát vọng mãnh liệt. Dù kết quả nhận lấy có khi là tử biệt, nhưng cuộc đời họ đã có sự thức tỉnh sâu sắc về thân phận. Và như lời tác giả tâm sự, trong tiểu thuyết này, Đỗ Bích Thúy viết về đàn bà với niềm thương yêu vô tận. Đàn bà trong Chúa đất sinh ra không phải để đàn ông hành hạ, lấy làm trò vui. Họ có ước mơ và họ sẵn sàng chết để đánh đổi lấy hạnh phúc, dẫu chỉ đến trong chớp mắt.

3.2. Những chuyện tình trên cao nguyên đá vôi: “Tình yêu không thể dùng sức mạnh để cương tỏa”

Với rất nhiều yếu tố liên văn bản: trích dẫn dân ca và mượn cốt truyện trong truyền thuyết, đọc Chúa đất sẽ thấy phảng phất hơi hướng huyền thoại. Cũng vì thế, tác phẩm có kết thúc đẹp như một câu chuyện cổ tích. Mặc dù cái chết của Sùng Chúa Đà vẫn còn nhiều bất ngờ và phi logic. Khó tin được kẻ đa mưu, gian ác, luôn vây quanh mình nhiều tôi tớ như thế, lại nhanh chóng rơi vào kế hoạch của Thào Chá Vàng không chút hoài nghi. Nhưng, đó là thông điệp mà nhà văn muốn truyền tải: tình yêu sẽ kìm tỏa mọi sức mạnh thống trị. Một người với tư tưởng sai lệch, độc đoán như chúa đất không thể tồn tại mãi, càng không thể có cuộc sống tốt đẹp được. Hắn phải bị trừng trị. Nhưng trả giá bằng cái chết lại quá dễ dàng với hắn. Trước khi vật vã cô quạnh trong đống lửa cháy rực, nhà văn đã chú ý miêu tả nội tâm của Sùng Chúa Đà trong khoảng một thời gian dài. Hắn đã không còn là “người bình thường” từ lúc Vàng Chở chết. Sự phản bội của Vàng Chở là một cú giáng đau điếng lên hắn.

Dù hành quyết kẻ phản bội một cách thảm thương trên cây cột đá, nhưng chúa đất cũng không thể nâng tầm quyền lực và danh dự của mình. Vũ lực chỉ là phương tiện bất khả kháng, thể hiện sự thất bại, yểu nhược của người đàn ông trong việc cai quản một người đàn bà. Theo như cách nói của Marx, chúa đất đã “bị thống trị bởi sự thống trị của mình”. Sau cái chết của Vàng Chở, lần đầu tiên bà Cả thấy Sùng Chúa Đà ngồi suy tư, trong bóng đêm, lặng lẽ, trầm mặc. Hắn đã thủ tiêu tất cả mọi thứ liên quan đến Chở: đồ đạc, áo quần, căn phòng; nhưng lại giữ chiếc gối mà Chở thêu tặng. Chiếc gối được làm trong một chiều nắng đẹp, có hình mặt trời. Khi cần quyết định việc gì quan trọng, chúa đất đều ngồi trên chiếc ghế có tựa gối này – “tựa lưng vào mặt trời” – như một vị vua quyền lực ngự trị trên ngai vàng. Giờ Vàng Chở mất rồi, “mặt trời vẫn tỏa sáng sau lưng chúa đất, nhưng bóng tối thì trùm kín trước mặt”. Sùng Chúa Đà – kẻ thắng cả thiên hạ, cũng là kẻ thua một thằng chăn ngựa. Không ai khác, chỉ có Vàng Chở mới làm Đà thất bại ê chề, thảm hại, “khiến một nửa hồn người bỏ chúa đất mà đi”. Vàng Chở cho hắn thấy chân lý: “Bạc là sức mạnh, là sự bạo tàn, việc gì khó cứ mang bạc ra là xong” mà chúa đất sùng bái trở nên vô nghĩa. Một trăm đồng bạc trắng hàng tháng Chở nhận lấy không thể dập tắt sức sống đang căng tràn và cuốn hút trong Chở. Từ cú shock bẽ bàng, chúa đất đã hiểu ra được điều đó, nhưng hắn không bao giờ chịu sám hối. Vì hắn từng tuyên bố: “Tao không muốn làm người tốt, nhớ không” [4, tr.53]. Lòng kiên định của hắn được ghim sâu vào mạch nguồn thống trị. Sùng Chúa Đà đau khổ vì không thể có tình yêu với Vàng Chở, nhưng chẳng bao giờ nói ra điều ấy. Hắn hành động khỏa lấp nỗi đau bằng cách bắt về nhiều gái đẹp, nhằm thay được chỗ Vàng Chở. Đêm nào cũng có một cô gái gọi lên buồng chúa đất, nhưng sáng hôm sau đã phải lê lết bò về buồng, còn chúa đất cũng “giống như con mèo bị quẳng ra bãi tuyết”, “mắt sâu hoắm, cằm nhô ra, râu mọc như lông nhím”.

Thế nên, song song với quá trình miêu tả tâm lí nhân vật, Đỗ Bích Thúy còn đưa vào rất nhiều yếu tố kịch. Có thể thấy, các tình huống trong tiểu thuyết Chúa đất đầy kịch tính. Nhà văn đẩy các sự kiện lên cao độ, tại đỉnh điểm của bi kịch, số phận nhân vật được cởi nút bằng những phản kháng quyết liệt. Do đó, mối tình đẹp đẽ của Thào Chá Vàng và Sùng Pá Xính được kể men theo câu chuyện, vừa giảm đi tính chất căng thẳng, ngột ngạt trong dinh thự chúa đất, vừa là phương thức “gieo giống cách năm” của nhà văn. Vì nếu muốn tạo ra sự đột phá, xoay chuyển tình thế, lật đổ cường quyền, cần phải có một tác nhân mãnh liệt, có sức công phá lật ngược ván cờ. Và theo Đỗ Bích Thúy, tác nhân ấy chính là tình yêu.

Mối tình Xính – Vàng điển hình cho những câu chuyện đôi lứa yêu nhau trên cao nguyên đá vôi. Sùng Pà Xính là một cô gái trẻ đẹp, hai má luôn đỏ ửng hồng hào, gương mặt “rực lên giữa bạt ngàn hoa anh túc đang nở, dưới những tia nắng đang chiếu xuống của buổi sáng”; giọng hát lại ngọt ngào, êm ái. Tìm khắp Đường Thượng, hiếm có người con gái nào tài sắc như Xính. Còn Thào Chá Vàng là một chàng trai hiền lành, hiếu thảo, khỏe mạnh và to lớn. Đôi trai tài gái sắc gặp nhau, yêu nhau; tự nhiên như cây cỏ đâm chồi, nảy lộc, rồi ra hoa kết trái. Đáng lí khi đến độ tuổi đôi mươi, họ đã nên duyên vợ chồng. Nhưng với suy nghĩ phóng khoáng, thoải mái, gia đình thông gia cứ để hai đứa bên nhau như đôi chim non, tự do bay nhảy, lúc nào muốn cưới sẽ cưới. Từ góc nhìn văn hóa, nhà văn đã thể hiện một quan niệm hôn nhân rất hiện đại, giải cấu trúc những hủ tục xưa cũ. Người đồng bào miền núi phía Bắc thường có tập tục cướp vợ và tảo hôn. Sự thay đổi về cơ chế hôn nhân ở trường hợp Xính – Vàng đánh dấu bước phát triển ý thức nữ quyền trong đời sống xã hội “bản làng”. Xính được chủ động lựa chọn người mình yêu, định đoạt ngày cưới cho chính mình. Mà Xính vẫn còn muốn hồn nhiên, vui vẻ, chơi đùa, “muốn được làm đứa gái chưa chồng, sáng dậy muộn tí cũng được”, muốn bố mẹ chiều thêm một hai năm nữa, “đằng nào cũng cưới, muộn một tí có sao đâu”.

Nhưng có những điều nghiệt ngã còn ngoài cả khả năng tưởng tượng. Chính vì thoải mái trong quan niệm hôn nhân, không câu nệ những nghi thức cưới hỏi rườm rà, những dự tính của Vàng – Xính đã bị Chúa Đà chen ngang. Dã tâm muốn cướp trọn người con gái đẹp nhất Đường Thượng, đồng thời liên tục gây oán cho gia đình Thào Chá Vàng, chúa đất đã làm cho mâu thuẫn giữa hắn với những người dân lương thiện lên đến cao trào. Nó như một chất xúc tác, tạo nguyên cớ cho nhân vật hành động. Cả vùng Đường Thượng, lòng căm thù chúa đất phủ lên bao mái nhà, in hằn lên những khuôn mặt khắc khổ. Dẫu vậy, chưa ai nghĩ đến chuyện sẽ giết chúa đất trả thù. Hoặc họ đã an phận, hoặc cây cột đá sừng sững trên vách núi mà chúa đất dựng lên đã khiến họ sợ hãi, khiếp đản. Chỉ có Thào Chá Vàng không bị khuất phục. “Vàng này là một thằng trai khỏe mạnh, hổ báo không sợ, rắn rết không sợ, thuồng luồng cũng không sợ nốt, thế mà phải nhìn người yêu mình chết dưới tay chúa đất sao? [4, tr.165]. Trước lời thách thức của chúa đất: “hứa gả cho ông trời thì Sùng Chúa Đà này cũng đòi về”, cặp đôi Vàng – Xính vẫn nguyện thề bên nhau. Mỗi người một cách đối phó. Sùng Pà Xính kiên quyết đuổi ông mối về, ném trả hết lễ vật, vàng bạc chúa đất mang tới. Còn Thào Chá Vàng âm thầm mài những mũi tên sắc nhọn, tẩm thuốc độc công phu, rồi tỉ mỉ giấu trên cành cây cao xa khuất, đợi chờ thời cơ đến.

Có thể, vì chúa đất quá tự tin, cao ngạo với quyền lực và gia sản của mình, nên hắn mới lâm vào tình thế phải mang sự kinh ngạc và ngỡ ngàng xuống âm phủ. Mãi mãi, Sùng Chúa Đà sẽ chẳng hiểu tại sao Vàng lại xuất hiện hiên ngang như thế. Con người sinh ra đã sẵn phức cảm bị ức chế, đến tận hơi thở cuối cùng vẫn không thôi ẩn ức. Bài học đáng giá cho kẻ độc tài, hung bạo, chuyên quyền.

Trong các câu chuyện cổ tích thường kể, luôn có một yếu nhân giúp nhân vật vượt qua những hoàn cảnh ngoặt ngoèo, trớ trêu – đó chính là ông bụt, bà tiên, thần, phật… Còn trong Chúa đất, không có thế lực siêu nhiên nào xuất hiện, hỗ trợ. Các nhân vật tự vượt qua thử thách, đánh đổ sự cai trị độc tài của chúa đất bằng chính tình yêu thương và lòng quả cảm của mình. Nhà văn đã dùng mọi tình cảm cao quý trên đời để hợp lực chống lại cái ác. Ngay cả P. Bourdieu cũng xác nhận rằng, “tình yêu có phải là một ngoại lệ, duy nhất, nhưng lớn lao quan trọng bậc nhất, đối với luật lệ thống trị của nam giới, một sự đình chỉ bạo lực tượng trưng, hay là hình thái cực điểm, bởi vì tinh tế nhất, khó nhìn thấy nhất, của bạo lực ấy” [1, tr.186]. Vì vậy, chiến thắng của Thào Chá Vàng là sự thụ hưởng của vô vàn yêu thương cộng lại: mối tình chung thủy của Xính với Vàng, tình yêu vô điều kiện của bà Cả với chúa đất, cảm xúc trong sáng của Say với Thào Chá Pó, tình anh em của Thào Chá Pó và Thào Chá Vàng, tình làng nghĩa xóm giữa ông Lù với Thào Chá Dình… Đặc biệt, nếu không có sự xả thân quên mình của Pó, tự làm vật thế thân bất diệt trước chúa đất, chắc chắn người bị treo trên cây cột đá là Vàng; và câu chuyện sẽ không có cái kết đẹp như thế.

4. Kết luận

Đưa tình yêu thành tác nhân giải trừ tư tưởng bá quyền và quan niệm nam quyền trung tâm, Đỗ Bích Thúy đã tái định giá các hệ quy chuẩn truyền thống. Tiểu thuyết là khúc hoan ca về sự nổi loạn của cái đẹp và tình yêu. Man mác những xúc cảm yêu thương trong tâm hồn nhân vật, độc giả sẽ tinh ý nhận ra tinh thần phản tư của tác giả trước sự thống trị độc tài của nam giới. Chính phương thức phản tư ấy, Đỗ Bích Thúy đã khẳng định khát vọng bình đẳng về giới trong xã hội ngày nay. Khởi phát từ quan niệm “viết về nhu cầu nội tâm”, nhà văn đã viết Chúa đất bằng những trải nghiệm, dấn thân của mình. Qua những mảnh đời bất hạnh của các nhân vật, Đỗ Bích Thúy đã mạnh dạn khơi mở những đam mê, ẩn ức của nữ giới. Những nỗi đau của bà Cả, khát vọng hạnh phúc của Vàng Chở, hết mình với tình yêu của Sùng Pà Xính… đều rất gần với tâm tư của người phụ nữ trong thực tế. Thấm đẫm ý thức nữ quyền qua từng trang viết, Đỗ Bích Thúy nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội đến đời sống tình dục, gia đình. Đã đến lúc, người phụ nữ cần thoát ra khỏi rào cản “nghịch lí dư luận”, giải phóng người-phụ-nữ-cũ, thiết lập một thế hệ những người phụ nữ hiện đại, tiến bộ, văn minh. Và chỉ thông qua việc thành thực với bản thân, đấu tranh bình quyền, nữ giới mới có thể bảo đảm cho mình một địa vị tốt hơn, đáng trân trọng hơn.

Nguyễn Thùy Trang

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Pierre Bourdieu (2017),Sự thống trị của nam giới(Lê Hồng Sâm dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội.
  2. Charlotte Perkins Gilman (1914),The Man-Made World or Our Androcentric Culture,Charlton Company, New York, nguồn https://archive.org/details/manmadeworldorou00gilm/page/n3, cập nhật 4/5/2010
  3. Daniel Pérez Marina(2009),Anthropocentrism and Androcentrism – An Ecofeminist Connection, Sodertorn University, Stockholm.
  4. Đỗ Bích Thúy (2015),Chúa đất, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.