2.1. Khảo sát, thống kê, phân loại nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục
2.1.1. Khảo sát
Trong Thánh Tông di thảo có 4/19 truyện có sự xuất hiện của nhân vật ma quái, chiếm 21%. Cụ thể:
Tên truyện | Số lượng nhân vật |
Chuyện yêu nữ châu Mai | 1 |
Người trần ở Thủy phủ | Nhiều (*) |
Chuyện một giấc mộng | 2 |
Chuyện tinh chuột | 1 |
Bảng 1. Bảng các truyện có sự xuất hiện của nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo
(*): Những nhân vật ma quái xuất hiện với số lượng lớn, không đếm được.
Trong Truyền kì mạn lục có 11/20 truyện có sự xuất hiện của nhân vật ma quái, chiếm 55%. Cụ thể:
Tên truyện | Số lượng nhân vật |
Chuyện cây gạo | 3 |
Chuyện gã Trà Đồng giáng sinh | Nhiều |
Chuyện kì ngộ ở trại Tây | Nhiều |
Chuyện nghiệp oan của Đào thị | Nhiều |
Chuyện đối tụng ở Long cung | 1 |
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên | Nhiều |
Chuyện yêu quái ở Xương Giang | 1 |
Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều | 3 |
Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang | 2 |
Chuyện Lý tướng quân | Nhiều |
Chuyện tướng Dạ Xoa | Nhiều |
Bảng 2. Bảng các truyện có sự xuất hiện của nhân vật
ma quái trong Truyền kì mạn lục
Như vậy, trong cả hai tập truyện khảo sát có 15/39 truyện có sự xuất hiện của nhân vật ma quái, chiếm 38,5%. Sự xuất hiện với tần số lớn như vậy chứng tỏ nhân vật ma quái là một trong những loại nhân vật đặc trưng của thể truyền kì. Tuy nhiên, tỉ lệ này không như nhau trong hai tập truyện: ở Thánh Tông di thảo sự xuất hiện của ma quái ít hơn hẳn so với Truyền kì mạn lục. Ở Thánh Tông di thảo số truyện có sự xuất hiện của ma quái chỉ là 21% trong khi đó tỉ lệ này ở Truyền kì mạn lục là 55%.
2.1.2. Phân loại
2.1.2.1. Phân loại theo loại ma quái:
Như đã đề cập ở trên, trong thực tế tác phẩm, ma quái tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như hồn ma, quỷ, yêu quái, yêu tinh … Sự phân loại của chúng tôi căn cứ vào nội hàm đã đề cập đến trong mục 1.2.1. Vì thế, đôi khi sự phân loại trong luận văn không trùng khít với khái niệm mà các tác giả đã sử dụng.
Khái niệm ma, được các tác giả truyền kì sử dụng nhiều nhất dùng chung cho cả người lẫn vật. Chẳng hạn, giống tinh chuột (Chuyện tinh chuột) cũng được gọi là ma. Ở đây, chúng tôi xếp vào nhóm yêu quái do tinh của loài vật biến hóa mà thành.
Tương tự là khái niệm yêu quái. Phàm tất cả những hồn ma hay vật kì lạ gây hại cho con người các tác giả đều gọi là yêu quái. Ở đây, khi phân loại chúng tôi căn cứ vào nguồn gốc của các loại yêu quái mà phân vào hai nhóm ma, hồn ma (có nguồn gốc từ người chết) và yêu tinh, yêu quái (do vật lâu năm hóa thành).
Dưới đây là bảng phân loại nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục theo loại (Bảng 3).
Loại ma quái | Số lần xuất hiện | Ghi chú | |
Ma, hồn ma | 5 | Nhóm I | |
Quỷ | Quỷ sứ | 6 | Nhóm II |
Diêm Vương | 3 | ||
Yêu tinh, yêu quái | Tinh loài vật | 5 | Nhóm III |
Tinh cây cối | 2 | ||
Tinh khí đồ vật | 7 | ||
Yêu quái đầu thai | 2 |
Ma quái vốn chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người, không có một ranh giới rõ ràng cho mỗi khái niệm này nên sự phân loại chỉ mang tính tương đối. Chúng tôi tạm chia nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục thành 3 nhóm như trên. Nhóm I là loại nhân vật ma quái do hồn người chết hóa thành. Tuy số lượng không nhiều nhưng đây là nhóm nhân vật được tác giả dụng công xây dựng nhất và giữ vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng, quan niệm của tác giả về con người, cuộc sống. Theo khảo sát của chúng tôi, nhóm nhân vật này chỉ có ở Truyền kì mạn lục, không thấy xuất hiện ở Thánh Tông di thảo. Trong 19 thiên của Thánh Tông di thảo có hai truyện có sự xuất hiện của linh hồn con người sau khi chết. Đấy là những người hoặc “thờ cha mẹ không phạm lỗi gì”, “thờ anh như cha nuôi cháu như con” (anh em Nguyễn Sinh – Chuyện hai thần hiếu đễ), hoặc “là người có trí và trung” (nhân vật tướng quân trong Người trần ở thủy phủ). Vì vậy, sau khi chết hoặc trở thành thần được “ngàn thu khói hương, muôn năm cúng tế”, hoặc được làm Đại tướng quân làm chủ một vùng. Như vậy, họ không thành ma quái mà trở thành thần linh. Phải chăng Thánh Tông di thảo được viết nhằm đề cao con người và giáo huấn dân chúng theo quan điểm Nho giáo đang thắng thế và thịnh hành nên không có sự xuất hiện của nhân vật ma quái là hồn ma của con người?
Nhóm II là những nhân vật ma quái ở dưới âm phủ. Diêm Vương là người đứng đầu dưới âm ti, cai quản âm phủ. Quỷ sứ là quân lính của Diêm Vương có nhiệm vụ đi bắt giải các hồn ma hay yêu quái. Chúng quỷ là oan hồn người chết chưa tiêu tan, hiện lên báo thù. Nhóm nhân vật ma quái này này tuy là đặc trưng cho thế giới nhân vật ma quái nhưng không được chú trọng khắc họa bởi thường không giữ vai trò quan trọng trong cốt truyện.
Nhóm III là nhóm có số lượng đông đảo nhất, thành phần cũng hết sức phong phú. Ở đây, chúng tôi dùng khái niệm yêu tinh, yêu quái để chỉ loại nhân vật ma quái là tinh khí của vật lâu ngày thành yêu, có khả năng biến hóa. Đó có thế là loài vật tu luyện lâu năm như chuột (Chuyện tinh chuột), cáo, vượn (Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang), thuồng luồng (Chuyện đối tụng ở Long cung). Trong thế giới truyền kì, cây cối, hoa cỏ cũng có linh hồn, có thể biến huyễn thành người (Chuyện kì ngộ ở trại Tây). Loại tinh vật thứ ba là yêu khí của đồ vật (chuông vàng, đàn tỳ bà – Chuyện một giấc mộng) hay những pho tượng người, thần, Hộ pháp hưng yêu tác quái (Chuyện cây gạo, Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều). Trong nhóm III này có những nhân vật làm yêu làm quái gây hại cho dân lành (tinh chuột, thần Thuồng luồng, tượng Thủy thần, Hộ pháp…) nhưng có những nhân vật không chủ ý gây hại cho con người (chuông vàng, đàn tỳ bà, hồn hoa Nhu Nương, Hồng Nương…).
Ở đây có hai trường hợp đáng bàn. Thứ nhất là nhân vật nữ yêu tinh trong Chuyện yêu nữ châu Mai. Nhân vật ma quái này không rõ nguồn gốc. Căn cứ vào tên (“chữ Ngư” trong “Ngư nhân”) và bài ca yêu nữ thường ngâm có câu “Ngư ông khắp đất một sông hồ” thì có thể yêu nữ do một loài vật (cá) tu luyện lâu năm mà thành. Còn Sơn Nam Thúc – người viết lời bàn cuối truyện – lại ngờ rằng đây là hồn người chết không tan lâu ngày thành yêu. Yêu nữ này xuất hiện nhiều lần với nhiều hình thù quái gở khác nhau nên chúng tôi tạm xếp vào nhóm III. Trường hợp thứ hai là hồn Hàn Than và Vô Kỷ trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị. Hai người này chết nhưng không tồn tại dưới dạng hồn ma như Nhị Khanh và Trung Ngộ trong Chuyện cây gạo mà hóa thành hai con rắn đầu thai làm con của Ngụy Nhược Chân. Khi bị sư cụ Pháp Vân trừ yểm, hai cái thây lại hóa thành hai con rắn vàng. Thực chất, nhân vật Long Thúc, Long Quý (Hàn Than và Vô Kỷ ở kiếp sau) phải xếp vào nhóm yêu quái. Tuy nhiên xét về nguồn gốc cũng như nội dung tư tưởng của tác giả khi xây dựng nhân vật thì chúng gần với các nhân vật ma quái ở nhóm I.
2.1.2.2. Phân loại theo tính cá thể của nhân vật:
Nhân vật mang tính cá thể, là những nhân vật riêng biệt, cụ thể, có thể xác định được bằng những yếu tố như: từ chỉ số lượng cụ thể (một, hai…), tên riêng, đại từ chỉ trỏ (này, ấy…), từ xưng hô (danh từ, đại từ).
Tên riêng là tên đặt cho từng cá thể sự vật, chỉ sự vật đúng với phạm trù của cá thể được gọi bằng tên riêng đó. Đây là cách mang lại cho nhân vật tính xác định cao nhất và thường chỉ một cá thể nhân vật. Tên riêng có thể là họ và tên thông thường như Ngư Nương, Nhị Khanh, Liễu Nhu Nương, Đào Hồng Nương…, có thể là họ hoặc tên kèm theo chức tước, học vị theo cách gọi của người xưa như Bách hộ họ Thôi, xử sĩ họ Hồ, tú tài họ Viên…
Đại từ nhân xưng thường dùng trong truyền kì là ta, nàng, chàng, thiếp, ngài… Bên cạnh đó, các danh từ thân tộc, danh từ chỉ nghề nghiệp được dùng để xưng hô. Phương thức xác định này cũng dùng để chỉ một cá thể nhân vật.
Dùng biểu thức miêu tả là cách ghép các thành tố phụ (là biện pháp miêu tả) vào một tên chung, nhờ các thành tố phụ mà tách được sự vật cần nói đến ra khỏi các sự vật khác cùng loại với chúng. Các biểu thức miêu tả có thể được dùng để chiếu vật cá thể, một số cá thể hoặc chiếu vật tập hợp (loại).
Trong 3 nhóm nhân vật ma quái trên, các nhân vật ma quái thuộc nhóm I, III đều là các nhân vật mang tính cụ thể, xác định. Trong nhóm II, Diêm Vương là nhân vật cá thể còn quỷ, quỷ sứ là loại nhân vật tập thể. Nhân vật ma quái mang tính cá thể thường là những nhân vật có suy nghĩ, hành động riêng, giữ vai trò khá quan trọng trong tiến trình truyện. (Xem thêm Phụ lục – Bảng các nhân vật ma quái mang tính cá thể trong Thánh tông di thảo và Truyền kì mạn lục ở cuối luận văn).
Nhân vật không mang tính cá thể là những nhân vật thường xuất hiện trong cùng một tập thể, không có tính riêng biệt, cụ thể, xác định. Chúng thường xuất hiện dưới dạng một nhóm, một tập hợp: “sáu bảy trăm lính đầu trâu” (Chuyện cây gạo), “hàng trăm giống ma quái” (Chuyện gã Trà Đồng giáng sinh), “mấy vạn quỷ Dạ Xoa” (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên) và thường được gọi bằng những tên gọi chung như đàn quỷ, bọn quỷ, bọn ma quỷ, chúng quỷ. Những nhân vật ma quái này không đóng vai trò quan trọng, không phải là nhân vật chính mà chỉ xuất hiện để thực hiện một chức năng nào đó.
2.1.2.3. Phân loại theo vai trò của nhân vật đối với cốt truyện và nội dung tác phẩm:
Dựa vào vai trò của nhân vật đối với cốt truyện và nội dung tác phẩm, nhân vật ma quái được chia thành hai loại: nhân vật chính và nhân vật phụ.
Nhân vật chính là “nhân vật then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm” [18, 226].
Nhân vật phụ là “nhân vật giữ vị trí thứ yếu so với nhân vật chính trong việc diễn biến của cốt truyện, trong quá trình triển khai đề tài, thể hiện tư tưởng và chủ đề của tác phẩm” [18, 231]. Có nhiều loại nhân vật phụ. Có loại nhân vật phụ ở bình diện thứ hai “tuy không được khắc họa đầy đặn như nhân vật chính nhưng vẫn được tác giả miêu tả đậm nét, có cuộc đời, tính cách riêng”. Lại có nhân vật phụ ở hàng thứ ba “chỉ thấp thoáng trong các tình tiết của tác phẩm” [18, 232].
Đa số các nhân vật mang tính cá thể xác định đều là nhân vật chính hoặc nhân vật phụ hàng thứ hai. Những nhân vật này giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển cốt truyện cũng như việc thể hiện nội dung, tư tưởng tác phẩm. Mốt số ít nhân vật mang tính xác định là nhân vật phụ hàng thứ ba như bức tượng thị nữ (Chuyện cây gạo), những hồn hoa họ Vi, họ Lý… (Chuyện kì ngộ ở trại Tây).
Loại nhân vật phụ hàng thứ ba thường là những nhân vật mang tính chất tập thể thuộc nhóm II. Đặc điểm chung của loại nhân vật này đều là Quỷ (chúng quỷ, quỷ sứ, quỷ Dạ Xoa). Chúng là nhân vật phụ góp phần dựng nên một thế giới khác thế giới của con người: thế giới dưới mặt đất (địa ngục hoặc thủy phủ). Đôi khi chúng cũng góp phần dựng nên một thế giới kì ảo ngay chính trên trần thế để những nhân vật ma quái là nhân vật chính xuất hiện như các hồn hoa họ Vi, họ Lý, họ Mai… trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây.
Diêm Vương và quỷ sứ là những nhân vật chức năng, thực hiện những nhiệm vụ mà tâm thức dân gian đã quy định. Quỷ sứ là quân lính của Diêm Vương, chuyên đi bắt người giải về âm phủ. Diêm Vương là người cai quản âm phủ và xét xử các linh hồn khi chết: người có công đức thì được làm quan hay thác sinh vào nhà có phúc, kẻ làm điều ác thì bị trừng bị đích đáng.
Tổng hợp lại chúng ta có bảng thống kê và phân loại nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục (Bảng 4) như sau:
Tập truyện | Tên truyện | Nhân vật | Loại ma quái | Tính cá thể | Vai trò | ||
Nhân vật chính | Nhân vật phụ hàng hai | Nhân vật phụ hàng ba | |||||
Thánh Tông |
Chuyện yêu nữ châu Mai | Ngư Nương | Yêu tinh | X | X | ||
Người trần ở Thủy phủ | Đàn quỷ | Quỷ | X | ||||
Chuyện một giấc mộng | Chuông vàng | Tinh khí đồ vật | X | X | |||
Đàn tỳ bà | Tinh khí đồ vật | X | X | ||||
Chuyện tinh chuột | Chuột thành tinh | Tinh loài vật | X | X | |||
Truyền kì mạn lục |
Chuyện cây gạo | Hồn Nhị Khanh | Hồn ma | X | X | ||
Hồn Trình Trung Ngộ | Hồn ma | X | X | ||||
Con hầu | Tinh khí đồ vật | X | X | ||||
Lính đầu trâu | Quỷ sứ | X | |||||
Chuyện gã Trà Đồng giáng sinh | Đàn quỷ | Quỷ | X | ||||
Chuyện kì ngộ ở trại Tây | Liễu Nhu Nương | Hồn hoa | X | X | |||
Đào Hồng Nương | Hồn hoa | X | X | ||||
Cô họ Vi, Lý, Mai… | Hồn hoa | X | X | ||||
Chuyện đối tụng ở Long cung | Thần Thuồng luồng | Tinh loài vật | X | X | |||
Chuyện nghiệp oan của Đào thị | Hồn Đào Hàn Than | Ma + yêu quái | X | X | |||
Hồn Vô Kỷ | Ma + yêu quái | X | X | ||||
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên | Bách hộ họ Thôi | Hồn ma | X | X | |||
Quỷ sứ, Dạ Xoa | Quỷ | X | |||||
Diêm Vương | Quỷ | X | X | ||||
Chuyện yêu quái ở Xương Giang | Hồn Thị Nghi | Hồn ma | X | X | |||
Diêm Vương | Quỷ | X | X | ||||
Chuyện bữa tiệc đêm ở Hà Giang | Cáo | Tinh loài vật | X | X | |||
Vượn | Tinh loài vật | X | X | ||||
Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều | Hai pho tượng Hộ pháp | Tinh khí đồ vật | X | X | |||
Tượng Thủy thần | Tinh khí đồ vật | X | X | ||||
Chuyện Lý tướng quân | Lính đầu ngựa | Quỷ | X | ||||
Đức Vua | Quỷ | X | X | ||||
Chuyện tướng Dạ Xoa | Chúng quỷ | Quỷ | X |
Ghi chú: dấu (X) – nhân vật mang tính chất được nêu ở tiêu đề cột
2.2. Đặc điểm của nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục
2.2.1. Con đường trở thành ma quái
Nhìn vào bảng phân loại trên có thể thấy nhân vật ma quái trong hai tập truyện có nguồn gốc rất phong phú từ thần, Phật đến con người và cả đồ vật, con vật, cây cối.
2.2.1.1. Thần, Phật không minh trở thành ma quái
Một số nhân vật ma quái vốn là thần nhưng không giữ được đúng khí chất, không “chính danh” thần (thần Thuồng luồng trong Chuyện đối tụng ở Long cung, Thủy thần trong Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều) mà trở thành yêu quái. Trong nhóm này có trường hợp hai Hộ pháp trong Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều. Hộ pháp chưa hẳn là các vị Phật tổ, Bồ tát mà là những vị bảo vệ cho chùa chiền, Bồ tát hoặc kinh sách. Tượng Hộ pháp được dựng ở chùa, cũng được nhân dân cúng tế bằng xôi oản chay tịnh như các vị Phật được thờ trong chùa nên chúng tôi tạm dùng khái niệm “Phật” để chỉ hai nhân vật này. Thật ra gọi đây là thần, Phật là theo cách gọi của dân gian, do dân gian hoặc mê tín hoặc kính sợ mà cầu cúng: “…người ta lập đền thờ, cầu tạnh đảo mưa đều rất linh ứng” (Chuyện đối tụng ở Long cung), “Thần, Phật xem chừng cũng ứng giáng (…) Bởi vậy người dân càng kính tin, không dám ngạo mạn” (Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều). Nhưng trong quan niệm các nhà nho đấy vẫn là yêu quái bởi những thần, Phật đến miếu ấy không phải do nhà nước phong kiến sắc phong và cho xây dựng.
Quan niệm này xuất phát từ hệ tư tưởng chính thống bấy giờ. Nếu như trong buổi đầu của nền quốc gia độc lập (thời Lý, Trần), Phật giáo và các nhà sư giữ vai trò quan trọng trong triều đình cũng như trong dân gian thì đến cuối đời Trần đầu thời Lê, Nho giáo dần dần chiếm vị trí độc tôn trong tổ chức nhà nước và tư tưởng chính thống, tất cả các tôn giáo khác đều bị Nho giáo cho là dị đoan. Nhà nước cũng phân loại và sắc phong cho các thần được thờ cúng ở đền, miếu. Còn những thần do dân tự thờ đều bị coi là mê tín. Các tác giả Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục đều là các nhà nho, thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh nên dễ hiểu tại sao lại có một nhóm nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục có nguồn gốc từ những vị thần, Phật do dân gian tự thờ cúng.
2.2.1.2. Tinh vật lâu ngày thành yêu
Trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục có rất nhiều nhân vật ma quái có nguồn gốc từ vật. Điều này có cơ sở từ thuyết vạn vật hữu linh vốn ăn sâu trong tâm thức người phương Đông, lại được bồi đắp bởi trí tưởng tượng, sáng tạo của các tác giả truyền kì. Trong quan niệm của họ, “lâu ngày thành yêu, vật nào cũng thế” (Lời bàn Chuyện tinh chuột, Chuyện một giấc mộng).
Chiếm số lượng nhiều nhất trong nhóm này là những con vật tu luyện lâu năm có khả năng biến hóa thành người. Những con vật “lâu ngày thành yêu” hay gặp nhất trong truyện truyền kì là vượn, cáo và chuột, đúng như lời bàn của Sơn Nam Thúc “giống cáo, giống khỉ và giống chuột là dữ nhất xưa nay”. Giống tinh chuột biến thành người chồng trong Chuyện tinh chuột, dẫu vua quan làm cách nào cũng không phân biệt được thật, giả. Phải nhờ đến kiếm khí của Đổng Thiên Vương mới khiến ma quái hiện nguyên hình là con chuột ngũ sắc nặng ba mươi cân. Giống cáo, vượn già trong Chuyện bữa tiệc đêm ở Hà Giang cũng biến hóa tài tình đến nỗi Hồ Quý Ly nói chuyện cả đêm cũng không nhận ra là yêu quái. Vết tích loài vật chỉ còn lại trong cái tên tú tài họ Viên và xử sĩ họ Hồ. Phải đến khi chúng từ biệt, mật sai người rón rén theo sau mới biết rõ chân tướng “cả hai hóa thành con cáo và con vượn mà đi mất”.
Không chỉ con vật mà giống cây cối cũng có tinh khí, linh hồn, cũng có khả năng biến hóa thành con người. Chàng trai Hà Nhân (Chuyện kì ngộ ở trại Tây) không chỉ đánh bạn với hồn hoa Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương mà còn được dự tiệc với những mỹ nhân họ Vi, Lý, Mai, Dương, đây chị họ Kim, kia cô họ Thạch… Nhưng sáng hôm sau, khi đến lại chỗ dự tiệc cũ chỉ thấy vài ba cây đào, liễu xơ xác tơi bời mới khiến Hà Nhân tỉnh ngộ: “Chị ả họ Kim, thì đây hoa Kim tiền, cô nàng họ Thạch thì đây cây Thạch lựu. Đến như họ Vi, Lý, Mai, Dương cũng đều nhân tên hoa mà làm họ cả”. Về đến nhà, lấy chiếc hài mà hai nàng Đào, Liễu tặng ra xem “vừa cầm trên tay, mấy chiếc hài đã thành những cánh hoa”.
Trong thế giới truyền kì, những đồ vật tưởng như vô tri vô giác như bức tượng, chuông, đàn cũng có yêu khí. Vua Thánh Tông ngủ đêm bên hồ Trúc Bạch mộng thấy hai người con gái xinh đẹp đội một phong thư đến kêu oan. Đến khi giải được oan tích thì mới nhận ra hai người con gái ấy là “khí vàng và ngọc lâu ngày thành yêu”. Bức tượng con hầu ôm cây hồ cầm bằng đất bên cạnh linh cữu người chết cũng có khả năng biến hóa thành người thật và đồ vật thật để tăng thêm tính người sống cho hồn ma Nhị Khanh (có thị nữ theo hầu, có đàn để giải niềm u uất).
Điểm đặc biệt là khi những vật này biến hóa thành người vẫn mang đặc điểm tiêu biểu của giống loài. Liễu, Đào vốn là những loài cây, loài hoa đẹp nay biến hóa thành những mĩ nhân quyến rũ Hà Nhân. Chuột vốn là loài “háu đói, đẻ nhiều, hoạt động về đêm” [10, 192] thường được gán cho những hoạt động dâm ác, lén lút. Giống tinh chuột trong Chuyện tinh chuột chẳng phải vẫn mang đặc điểm đó sao? Trong Chuyện bữa tiệc đêm ở Hà Giang ta thấy những lời lẽ sắc nhọn nhất không phải của tú tài họ Viên mà lại là của xử sĩ họ Hồ bởi cáo vốn là giống “độc lập mà tự mãn, hoạt bát, mưu trí, đồng thời lại phá phách, táo tợn nhưng lại nhát gan, ranh mãnh nhưng lại ung dung” [10, 129].
2.2.1.3. Hồn người chết không tan hóa thành ma quỷ
Nhân vật ma quái có nguồn gốc từ hồn người chết chiếm số lượng đông đảo nhất trong thế giới ma quái ở Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục. Những nhân vật có nguồn gốc từ hồn người chết chủ yếu là ma và quỷ.
Những đàn quỷ gớm ghiếc, hung dữ chuyên quấy nhiễu nhân dân trong đa số là những oan hồn chết trận, chết đói không chỗ tựa nương. Những sự kiện này được ghi lại rõ ràng, có thời gian, địa điểm cụ thể: “từ sau trận Tuy Động ma quỷ thành đàn” (Người trần ở Thủy phủ), “cuối đời Trùng Quang nhà Trần, người chết chóc nhiều, nhưng oan hồn không chỗ tựa nương, thường họp lại thành từng đàn, từng lũ” (Chuyện tướng Dạ Xoa). Tuy trong văn bản không đề ập đến nguồn gốc của những nhân vật như quỷ sứ, lính quỷ nhưng trong nội hàm khái niệm này đều là loại nhân vật ma quái do hồn người chết biến thành.
Đám ma quỷ ở Ô Tôn (Chuyện gã Trà Đồng giáng sinh), Thị Nghi – yêu quái ở Xương Giang, Nhị Khanh, Trình Trung Ngộ – yêu quái trên cây gạo, Long Thúc, Long Quý – yêu quái trong nhà Nhược Chân cũng đều là hồn người chết cả.
Trong hai tập truyện có một số nhân vật không xác định rõ ràng được nguồn gốc như nữ yêu tinh trong Chuyện yêu nữ châu Mai (Xem thêm phần 2.1.2.1)
2.2.2. Nguyên nhân trở thành nhân vật ma quái
2.2.2.1. Kêu oan
Con người, loài vật, đồ vật có điều oan ức mà chưa được giải thì linh hồn chúng vẫn vương vất trên dương gian, có cơ hội thì hiện về giải tỏa oan tình. Kim chung và Ngọc tỳ bà là những nhạc khí được vua Cao Tông yêu quý, bị lấy trộm rồi sợ mắc tội đem chôn ở bờ hồ, bên trên trồng một cây anh đào cho mất dấu tích đi. Những nhạc khí ấy không cam tâm chôn mãi nơi hồ nước, uổng phí tài năng nên khí vàng và ngọc phải đi kêu oan. Gặp dịp Thánh Tông đi duyệt binh ngủ lại bên hồ nên tinh khí của hai vật này trước thì hóa ra tiếng khóc than thảm thiết trong cơn mưa u ám làm nhà vua phải chú ý và động lòng thương xót, sau biến thành hai người con gái đẹp đến dâng thư kêu oan. Loại nhân vật ma quái này là yêu nhưng không hại người mà chỉ cốt hóa giải niềm oan ức.
Vật tu luyện lâu năm thành tinh, có loài tác oai tác quái nhũng nhiễu dân lành, cũng có loài chỉ ở sâu nơi núi rừng, thấy tính mạng mình bị đe dọa mới ra ngăn cản mà thôi. Như cáo và vượn già trong Chuyện bữa tiệc đêm ở Hà Giang thấy vua tôi Phế Đế vào rừng săn bắn, “nếu không vẫy đuôi xin thương ắt bị cày sân lấp ổ” nên mới hóa ra làm xử sĩ và tú tài mà “kiếm một lời nói để ngăn cản”. Nhưng xét kĩ trong truyện này chỉ là mượn hình thức ma quái để nói chuyện xã hội con người. Câu nói của xử sĩ họ Hồ “Đó là tôi thương những giống chim hèn muông yếu và xin nài cho chúng” có lẽ không chỉ ám chỉ tính mệnh của muông thú trong khu rừng bờ bắc sông Đà kia vậy.
2.2.2.2. Báo oán
Ngược lại với nhóm nhân vật ma quái đi kêu oan là những nhân vật làm ma quái để báo oán. Hoặc bởi chết oan ức, hoặc bởi oán nặng thù sâu nên những linh hồn này không chịu đầu thai mà hóa thành yêu quái gây hại cho con người.
Đám ma quái trên cửa Hải Khẩu muốn dìm thuyền của Dương Thiên Tích đều là những oan hồn gây oán với ông thuở nghèo nàn, sau bị ông “nhất nhất báo phục” nên “sự thù hận đã sâu cay lắm”. Thật hiếm có đoạn miêu tả cảnh báo thù lại “khí thế” như trong Chuyện gã Trà Đồng giáng sinh. Đám ma quỷ đông đảo (hàng trăm giống ma quái), sự căm hận của chúng làm cửa biển “gió nam nổi dậy ầm ầm, từng đợt sóng gợn lên như núi”, lũ quỷ hò reo, “kẻ vít cuối thuyền, kẻ leo đầu thuyền, thuyền tròng trành mấy lần suýt ập xuống”. Nhưng cũng chính vì lũ ma quỷ này lúc sống đều gây oán “sống đã phạm vào điển chương” nên Đạo nhân mới dùng lời phải trái mà trấn áp được. Nghe Đạo nhân hứa “sẽ tâu lên Thượng Đế, tẩy oan hồn đi cho” chúng quỷ đều “sung sướng nhảy nhót rồi tan giã đi cả”.
Tuy nhiên, hồn ma người khi sống và chết nhiều oan ức, thì không dễ hóa giải như vậy. Hồn ma Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) cả lúc sống và chết đều phải chịu nhiều đau khổ, oan khuất. Nhà nghèo, để có tiền làm ma cho chồng, mẹ cô phải bán cô cho nhà phú thương họ Phạm. Lớn lên, vì có nhan sắc, nàng được họ Phạm yêu mến, người vợ biết việc ấy, bèn mượn cớ khác đánh Thị Nghi đến chết. Hỡi ôi, người con gái ấy nào có tội tình gì mà phải chịu nhiều oan khuất đến vậy? Chính vì thế mà hồn ma Thị Nghi mới hưng yêu tác quái “người có vai vế thì bị dâm sát, người có tiền của thì bị bóc lột”. Đấy chính là cách phản ứng lại cái chết oan uổng của mình. Việc tiếp cận, nói dối Hoàng ban đầu cũng cốt để nhờ Hoàng vớt bộ xương mình bị dân làng đào mả, vứt xuống sông mà thôi.
Hành trình báo oán của hai hồn ma Đào Hàn Than và Vô Kỷ (Chuyện nghiệp oan của Đào thị) dai dẳng và quyết liệt hơn nhiều, không chỉ ở một kiếp mà còn đầu thai sang kiếp khác để tiếp tục báo thù. Hàn Than là một danh kỹ bấy giờ, bị bà vợ Nhược Chân đánh đạp tàn nhẫn, nàng thuê thích khách trả thù nhưng việc bại lộ phải trốn đi tu. Đến chùa Lệ Kì, nàng tư thông với sư Vô Kỷ rồi chết trên giường cữ, lôi kéo Vô Kỷ cùng chết để “trả cho xong cái nợ oan gia ngày trước”. Hai người đầu thai làm con trai Nhược Chân tìm cách báo thù. Nhược Chân phải nhờ sư cụ Pháp Vân mới trừ được loài yêu quái. “Oan có đầu, nợ có chủ” Hàn Than cả khi sống và khi làm hồn ma đều khăng khăng nung nấu ý định báo thù, đến lúc chết vẫn ôm hận “giá chậm độ mấy tháng nữa thì công việc xong”. Hồn ma báo oán là một môtip quen thuộc trong truyện kể dân gian, được các tác giả truyền kì vận dụng và mang đến cho môtip này nhiều nội dung hiện thực và tư tưởng nhân đạo mới.
2.2.2.3. Tham dục
Những mẫu hình lí tưởng mà các tôn giáo hướng đến: Thánh (Nho giáo), Tiên (Đạo giáo), Phật (Phật giáo) luôn bao hàm một ý niệm thoát tục, phi thường. Người quân tử thì phải đủ Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín, “tuy không dám mong đến được chỗ vô dục nhưng giá gắng tiến được đến chỗ quả dục thì tốt lắm” (Lời bàn Chuyện kì ngộ ở trại Tây). Lí tưởng ấy chi phối đến việc thể hiện con người trong văn học trung đại. Nhưng cũng có lúc, con người với các giá trị trần thế, hiện thực lại hấp dẫn các tác giả hơn. Điều đó đã qui định sự thay đổi của các yếu tố thi pháp tả nhân vật, các thủ pháp tả thường được triển khai trên những yếu tố sinh hoạt liên quan đến thân xác, gắn liền với con người bản năng, đời thường, với cuộc sống trần thế. Để hạ bệ các nhân vật thuộc loại cao quí, kể cả thần, Phật, các tác giả thường sử dụng môtip vật dục. Hai Hộ pháp trong cái chùa hoang và vị Thủy thần vì sự cúng tế của nhân dân không đủ mà đi trộm cắp “từ gà, lợn, ngỗng, ngan đến cá trong ao, quả trong vườn”. Tính tham lam của thần, Phật được thể hiện rõ nhất trong câu nói của một Hộ pháp “Chính mình to đầu mà dại… ai lại đem cái oản, một vài tẻ gạo để lấp cái bụng nặng nghìn cân mà đi giữ của cho chúng nó bao giờ”. Thần, Phật vốn là những đấng bảo trợ, phù hộ cho nhân dân, thế mà cũng tính toán thiệt hơn, khôn dại với người nghèo đang lao đao vì cơn binh lửa. Lại còn ví mình như “Đức Khổng Tử ở nước Tề ba tháng không được đụng đến miếng thịt”. Phật dạy Phật tử phải biết giữ mình chay tịnh, thanh sạch thì Hộ pháp trong chùa lại ngang nhiên phát biểu “cứ trường chay mãi như trước thì thật là một đời sống uổng”.
Đó mới chỉ là sự ham mê của ngon vật lạ và hậu quả chúng gây ra cũng chưa phải là quá lớn, chỉ là vài con gà, con cá, vài khúc mía. Sự ham mê sắc đẹp, luyến ái mới gây tác hại ghê gớm. Thần Thuồng luồng (Chuyện đối tụng ở Long cung) vì ham mê sắc đẹp của Dương thị mà bắt cóc vợ người, chia rẽ vợ chồng người ta, lại còn đổ oan cho chồng người. Tiếng là thần nhưng việc làm lại là của yêu quái. Cho nên ranh giới thần – yêu không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Cũng vì ham mê luyến ái nên nhiều hồn ma của người chết không xuống âm phủ mà vẫn nấn ná ở cõi trần mong tìm thú vui. Những nhân vật ma quái này đa số đều là nữ giới. Nhị Khanh (Chuyện cây gạo) chết khi mới hai mươi tuổi – cái tuổi trẻ trung tràn đầy sức sống – cho nên mới hóa thành người để quyến rũ nam nhân, tìm sự ái ân, hoan lạc. Đấy là mục đích lớn nhất và cũng là cũng là duy nhất của hồn ma Nhị Khanh, như chính lời bộc bạch của nàng “dám mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mầm khô, khiến cho tía rụng hồng rơi, được trộm bén xuân quang đôi chút, đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa” (Chuyện cây gạo). Không chỉ vui thú chốc lát, những hồn ma này còn muốn lôi kéo các nhân vật nam cùng làm ma “sống còn chưa được thỏa yêu đương, chết sẽ cùng nhau quấn quýt” (lời hồn ma Hàn Than nói với Vô Kỷ). Cái chết của Trình Trung Ngộ, của sư Vô Kỷ đều là vì lẽ ấy. Trung Ngộ chết trong tư thế nằm ôm lấy quan tài Nhị Khanh để rồi từ đó về sau hai hồn ma thỏa sức cười đùa nô giỡn.
Niềm ham mê sắc dục không phải chỉ có ở loại nhân vật ma quái có nguồn gốc từ hồn người chết mà cỏ cây, loài vật cũng có chung niềm ham mê ấy. Loài tinh chuột trong Chuyện tinh chuột vì ham mê nhan sắc vợ người học trò nên mới giả dạng thành người chồng để gian dâm “cách một đêm, đêm sau lại đến” cứ thế hơn nửa năm; hai hồn hoa trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây vì không muốn “hoài phí mất xuân quang” nên hóa thành hai người con gái trêu ghẹo khiến người học trò Hà Nhân chú ý mà rủ rê đến chỗ trọ của mình ân ái. Từ đó, đêm nào hai nàng cũng đến, mưa dầm gió bấc cũng đội mưa mà đến. Tuy nhiên, khác với những nhân vật ma quái trên, hai hồn ma này ngoài ham mê ân ái không gây hại gì đến nhân vật nam đã từng dan díu với họ, đến kì tan tác đã định thì từ biệt Hà Nhân về chốn suối vàng.
Nữ yêu tinh trong Chuyện yêu nữ châu Mai lại không phải loại ma quái ham mê sắc dục nhưng xét cho đến cùng mọi hành động của nhân vật này cũng chỉ vì một chữ tình. Việc hóa thành người con gái đẹp lưu lại trong nhà hát cốt để chờ đợi người chồng xưa. Đến lúc gặp nhau rồi thì cảm tạ chủ nhà hát, dắt tay nhau cùng đi. Ở đây, khao khát yêu đương, hạnh phúc lứa đôi của nhân vật ma quái không phải với bất kì đối tượng nào mà chỉ hướng đến một đối tượng duy nhất dù là cách trở sông hồ, dù là kiếp trước với kiếp này.
Như vậy, nguyên nhân và con đường trở thành ma quái của các nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục rất phong phú, không nhân vật nào giống nhân vật nào nhưng tất cả đều có nội tình, oan khuất, không phải sự ngẫu nhiên. Các tác giả truyền kì gửi gắm nhiều quan niệm về con người, về cái chết khi giải thích nguyên nhân và con đường trở thành ma quái của các nhân vật này.
2.2.3. Ngoại hình
2.2.3.1. Nhóm nhân vật có ngoại hình cố định
Nhóm nhân vật này chủ yếu bao gồm nhân vật ma quái thuộc nhóm II. Những con quỷ được miêu tả hết sức kì dị, dữ tợn: “mắt xanh tóc đỏ hình dáng hung ác” (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên), “đứa cụt chân, đứa mất đầu, hình dáng kì quái” (Người trần ở Thủy phủ). Đôi khi quỷ dữ được miêu tả dưới dạng mình người đầu vật như lính đầu trâu (Chuyện cây gạo), lính đầu ngựa (Chuyện Lý tướng quân). Nhìn chung, nhóm nhân vật này được miêu tả giống hình dung của dân gian và kinh Phật, không cần dụng công nhiều. Trong truyện cổ tích ma quỷ đại diện cho cái ác nên được khắc họa bằng vẻ ngoài xấu xí, diện mạo dữ dằn, khuôn mặt gớm ghiếc. Việc miêu tả ngoại hình như thế cốt để gây nên sự sợ hãi, không khí rùng rợn cho câu chuyện dưới âm ti.
Diêm Vương, Đức vua dưới âm phủ cũng không được miêu tả chi tiết. Vua thường ngồi trên điện và chỉ xuất hiện thông qua lời phán, lời sai truyền. Chuyện Lý tướng quân ghi lại cả một phiên xét xử những hồn ma mới xuống âm phủ cũng chỉ ghi lại vẻn vẹn một câu về Diêm Vương “Trên điện có một vị vua, bên cạnh những người áo sắt mũ đồng tay cầm phủ việt đồng mác, dàn ra hàng lối đứng chầu chực rất là nghiêm túc”. Chỉ miêu tả qua một hai chi tiết nhưng nhân vật này vẫn toát lên vẻ uy nghiêm của người “cầm cân nảy mực”, đứng đầu chốn âm ti địa ngục.
Một số ít nhân vật khác cũng có ngoại hình không thay đổi trong toàn bộ câu chuyện như hồn ma viên Bách hộ họ Thôi trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Hồn ma này lần đầu tiên xuất hiện để đe dọa Tử Văn được miêu tả là “một người khôi ngô dõng dạc, đầu đội mũ trụ đi đến, nói năng, quần áo, rất giống người phương Bắc”. Ngoại hình ấy chính là cái giúp Tử Văn nhận diện được ngay kẻ thù và dự đoán được những việc đã xảy ra (hồn ma tướng giặc kiện Tử Văn hòng gieo vạ cho chàng) khi đứng trước tòa án âm ti “Tử Văn vào đến nơi đã thấy người đội mũ trụ đang kêu cầu trước sân”.
Những pho tượng khi biến thành người thường biến hóa đúng theo hình dạng được đẽo nặn của chúng. Bức tượng con hầu bằng đất (Chuyện cây gạo) hóa thành ả thị nữ ôm cây hồ cầm đi theo Nhị Khanh. Mấy bức tượng Hộ pháp và Thủy thần (Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều) thì biến thành “người có hình thể to lớn”.
Các nhân vật thuộc nhóm này đều là những nhân vật phụ trong truyện. Có lẽ vì thế tác giả không cần dụng công miêu tả nhiều.
2.2.3.2. Nhóm nhân vật có ngoại hình biến hóa, không cố định
Một trong những tiêu chí để xếp nhân vật vào nhân vật ma quái chính là sự biến hóa đủ hình đủ kiểu: từ vật biến thành người, từ người hóa ra vật, biến huyễn đủ mọi hình thù kì quái.
Đây là xu hướng biến hóa phổ biến nhất của nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục. Một số nhân vật ma quái giả hình người để làm việc mờ ám. Con chuột (Chuyện tinh chuột) biến thành người học trò để gian dâm với vợ anh ta. Nó biến hóa giỏi đến nỗi “ngoài mặt đã giống nhau mà trong mình những chỗ kín, nốt ruồi đen đỏ lại càng giống nhau y hệt”. Cho nên cả triều đình, quan tỉnh, họ hàng, hàng xóm không nhận ra đã đành, đến bố mẹ và vợ – những người thân thiết, ruột thịt nhất – cũng không phân biệt được “rõ ràng một người mà thành hai, hai người mà như một”. Chẳng trách người vợ chăn gối đến nửa năm mà vẫn đinh ninh là chồng mình. Sau phải mượn đến kiếm khí của Đổng Thiên Vương mới khiến nó hiện nguyên hình là “một con chuột ngũ sắc, râu trắng như tuyết, bốn chân huyền đề, nặng chừng ba mươi cân”.
Một đặc điểm chung trong sự biến hóa về ngoại hình nhân vật ma quái là thường hóa thành người hoặc vạm vỡ tuấn tú, hoặc xinh đẹp tuyệt trần. Thần Thuồng luồng (Chuyện đối tụng ở Long cung) xuất hiện dưới hình dạng “một người đàn ông thân thể vạm vỡ, mũ đỏ, mặt đen”. Cáo và vượn (Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang) hóa thành tú tài và xử sĩ chẳng những hình dánh thanh nhã mà nói năng nhọn sắc khiến Quý Ly chịu thua. Nếu ma quái biến thành nữ giới thì tất cả đều là tuyệt sắc giai nhân làm mê đắm lòng người: Trung Ngộ là một “chàng trai đẹp” mà nhìn thấy hồn ma Nhị Khanh (Chuyện cây gạo) cũng phải cho là “giai nhân tuyệt sắc” mà mang “một mối tình u uất trong lòng”; hồn ma Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) biến huyễn đủ vẻ nhưng lần nào cũng là những cô gái xinh đẹp “hoặc nhập vào chị ả buôn tương, hoặc ốp vào cô hàng bán rượu” mới có thể dâm sát người vai vế, bóc lột kẻ có tiền của. Để quyến rũ Hoàng, thị cũng hiện lên là “một người con gái tuổi mười bảy, mười tám” khiến Hoàng buông lời đùa cợt.
Tinh khí loài vật khi hiện lên hình người cũng đều mang dáng dấp giai nhân. Khí yêu của chuông vàng và tỳ bà hiện lên là “hai người con gái xinh đẹp”. Vẻ đẹp kiều diễm của hồn hoa Đào Hồng Nương, Liễu Nhu Nương được Hà Nhân khen là “tột bậc, có thể xứng đáng một câu thơ cổ: mỹ nhân nhan sắc đẹp như hoa”. Những hồn ma cây lí, cây mai, cây kim tiền, thạch lựu… cũng đều là mỹ nhân cả.
Yêu nữ ở Châu Mai lại có khả năng biến thành nhiều hình quái gở. Nhưng phổ biến nhất vẫn là “biến thành gái đẹp, hoặc nhẹ như Phi Yến, hoặc béo tốt như Dương Phi”. Nhưng vẻ đẹp của yêu nữ này chỉ để thu hút sự chú ý cốt tìm ra chồng cũ chứ không phải để quyến rũ, mê hoặc đàn ông. Vẻ đẹp của yêu nữ trong lần xuất hiện sau được tác giả miêu tả tỉ mỉ “người con gái đẹp tuyệt trần, mắt long lanh như nước mùa thu, môi đỏ như son vẽ, tóc mây mặt hoa, cười nói duyên dáng”. Thật như đang miêu tả một giai nhân chứ không phải một yêu tinh vậy.
Như vậy, loại nhân vật ma quái có hai hình dạng chính: quái dị, gớm ghiếc hoặc xinh đẹp, khôi ngô. Đấy chính là đặc trưng và bản chất của ma quái: bề ngoài thì xinh đẹp, quyến rũ nhưng bên trong là quái dị, tai họa.
2.2.4. Suy nghĩ, tính cách
2.2.4.1. Suy nghĩ
Nhân vật trong văn học trung đại Việt Nam, đặc biệt là văn học trước thế kỉ XVIII chưa được chú ý miêu tả tâm lí, suy nghĩ. Nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy. Hơn nữa, nhân vật ma quái thực chất đều không phải con người thực sự để có tâm lí, suy nghĩ. Chúng hoặc là người chết, hoặc là tinh khí của loài vật, đồ vật – vốn là những vật không có thật hoặc vô tri vô giác. Bước vào thế giới truyền kì, trở thành nhân vật văn học, người chết, cây, hoa, cáo, vượn… cũng có thể đi lại nói năng nhưng vẫn ít có suy nghĩ. Suy nghĩ của nhân vật ma quái thoảng hoặc nếu có thì cũng chỉ được nhắc đến thoáng qua trong tác phẩm.
Về hình thức, suy nghĩ của nhân vật ma quái ít khi là lời độc thoại nội tâm mà thường thể hiện thông qua lời nói. Như đám quỷ trong Người trần ở thủy phủ bàn nhau: “Vẻn vẹn có một khối thịt sống, sao cho dính mép bọn ta hằng trăm đứa. Chi bằng khênh về thủy phủ dâng lên tướng dinh lấy thưởng, chẳng nên ư?” Đôi khi lời nói của nhân vật ma quái lại thể hiện đánh giá, suy nghĩ về con người, về cuộc sống. Đây là suy nghĩ của yêu nữ Châu Mai về khách làng chơi tìm đến nhà hát: “rặt một phường ngoài mặt như ngọc vàng mà trong lòng thì như bông nát”. Hay như suy nghĩ của giống cáo trong rừng sâu về tầng lớp võ nhân bây giờ “bụng không bác vật như Trương Hoa, mắt không cao kiến như Ôn Kiệu, vậy chắc không việc gì mà sợ”. Lời nói của nhân vật ma quái thể hiện rõ sự khinh bỉ với những đối tượng được nhắc đến. Đào, Liễu (Chuyện kì ngộ ở trại Tây) trước khi thác hóa cũng biết khuyên Hà Nhân “chăm chỉ bút nghiên, ghép liễu thành công, xem hoa thỏa nguyện”. Tuy nhiên, những suy nghĩ như thế này trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục không nhiều.
Ma quỷ cũng biết tính toán hơn thiệt, khôn dại. Đáng chú ý là suy nghĩ của pho tượng Hộ pháp và Thủy thần trong Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều. Hộ pháp trong chùa mà lại thấy “cứ trường chay mãi như trước thì thật là một đời sống uổng”, tự cho rằng mình “to đầu mà dại, ai lại đem cái oản, một vài lẻ gạo để lấp cái bụng nặng nghìn cân mà đi giữ của cho chúng nó bao giờ”. Thủy thần thì thèm mùi thịt, là thần, biết rõ “dân tình nghèo kiết”, không có gì cúng bái không những không hộ dân mà còn mò đi ăn trộm của dân. Chỉ thông qua mấy lời nói bộc lộ suy nghĩ của nhân vật cũng đủ để nói lên bản chất của ma quái mang danh thần, Phật.
Xuất hiện nhiều nhất là suy nghĩ của nhân vật ma quái về hạnh phúc ở đời. Hầu hết suy nghĩ về vấn đề này đều được bộc lộ thông qua lời nói của các nhân vật ma quái là nữ. Hoặc bóng gió như hai nàng Đào, Liễu; hoặc trực tiếp như Nhị Khanh. Không phải chỉ một hai lời mà lời nói nào của Nhị Khanh xét đến cùng cũng luôn là khao khát hoan lạc ân ái. Nỗi niềm u uất của nàng ở đầu tác phẩm chẳng qua cũng chỉ là vì “đời làm gì có kẻ tri ân hiểu được cho mình”, “bởi ngày tháng hiu quạnh không người săn sóc”. Cho nên nếu được “quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mầm khô” thì “chẳng còn phàn nàn gì nữa”. Thậm chí trong suy nghĩ của Nhị Khanh sinh ra ở đời cốt vui say trước mắt để khỏi phụ một đời xuân tươi tốt chứ văn chương tài nghệ lưu danh thiên cổ có để làm gì. Nàng Nhu Nương họ Liễu, Hồng Nương họ Đào từng nói với Hà Nhân “Nay gặp tiết xuân tươi đẹp, chúng em muốn làm những bông hoa hướng dương để khỏi hoài phí mất xuân quang” (Chuyện kì ngộ ở trại Tây). Có thể nói đấy đều là những suy nghĩ hết sức táo bạo, nhất là đặt trong xã hội phong kiến Việt Nam thế kỉ XV – XVI.
2.2.4.2. Tính cách
Một số nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục bắt đầu được chú ý khắc họa về tính cách tuy chưa hoàn toàn rõ nét. Điểm đặc biệt là tất cả các nhân vật ma quái bắt đầu được khắc họa về tính cách này đều là những nhân vật nữ. Đa phần đấy đều là những người phụ nữ chủ động, mạnh bạo, có tính cách khá quyết liệt. Những nhân vật nữ ma quái trong hai tập truyện đều chủ động tìm đến tình yêu, hạnh phúc của mình. Hạnh phúc đó có thể là người chồng, người tình xưa (Chuyện yêu nữ châu Mai, Chuyện nghiệp oan của Đào thị), có thể là mối duyên mới (Chuyện cây gạo, Chuyện kì ngộ ở trại Tây, Chuyện yêu quái ở Xương Giang…). Yêu nữ Châu Mai lưu lại trần gian bao nhiêu năm, dẫu kinh sợ thanh gươm trừ yêu của Đổng Thiên Vương, dẫu phải “ẩn trong cỏ rậm ven đầm” rồi chịu ở trong nhà hát nhuốc nhơ tất cả chỉ để gặp lại người chồng xưa. Cho nên ở nhân vật này không chỉ có sự chủ động đến với tình yêu mà còn có cả sự thủy chung, son sắt, nghĩa tình. Tính cách mạnh mẽ, cương quyết cũng từ sự thủy chung này mà ra. Là yêu quái nhưng Ngư Nương lại là một nhân vật rất tình nghĩa: chờ chồng thủy chung, đến lúc ra đi lấy một đôi ngọc bích và mười lạng vàng đưa cho chủ nhà đền ơn phiếu mẫu. Trên cái hành trình tìm kiếm dài lê thê, tủi hờn vì cô đơn, lạnh lẽo ấy, cái mà yêu nữ một mực gìn giữ là tấm lòng thủy chung và sự trong trắng của mình. Tính cách mạnh mẽ, quyết liệt của nàng cũng là để bảo vệ phẩm giá. Điều đọng lại của thiên truyện chính là hình ảnh một người đàn bà sống chết với tình yêu của mình. Nếu tình yêu trong Truyền kì mạn lục hấp dẫn bằng những cốt truyện sâu sắc, những mối tình li kì và cả những đắm đuối ân ái thì Thánh Tông di thảo lại hấp dẫn bằng cái điều bản chất, thiêng liêng nhất mà mọi mối tình trên đời đều cần có, đó là tình yêu sâu sắc, bền đẹp, thủy chung.
Khác với nữ yêu tinh trong Thánh Tông di thảo, nhân vật nữ ma quái trong Truyền kì mạn lục đều tìm đến tình yêu, hạnh phúc ở những chàng trai không quen biết, đa số đều là những người vùng khác đi ngang qua địa phận của yêu quái (trừ hồn ma Đào Hàn Than lôi kéo Vô Kỷ – người tình cũ). Nhị Khanh (Chuyện cây gạo), Liễu, Đào (Chuyện kì ngộ ở trại Tây), Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) mỗi người một cách khác nhau nhưng đều có kế hoạch từng bước gây sự chú ý và tìm cách quyến rũ các đối tượng. Có phải ngẫu nhiên chăng mà trên đường đi vào chợ Trung Ngộ “hay gặp một người con gái xinh đẹp từ Đông thôn đi ra”? Thấy Trung Ngộ muốn kiếm lời khêu gợi thì nói với con hầu đêm nay sẽ lên chơi cầu Liễu Khê, gẩy đàn, than thở thiếu kẻ tri âm, đấy chính là tạo cơ hội cho Trung Ngộ có lí do gặp gỡ. Ngay trong cuộc chuyện trò đầu tiên, Nhị Khanh đã không ngần ngại bày tỏ mong muốn hoan lạc ân ái. Tính cách của nhân vật này rất phù hợp với suy nghĩ, quan điểm của nàng về cuộc đời, nhân sinh. Vì tính cách mạnh mẽ, quyết liệt ấy nên Nhị Khanh quyết bám đuổi Trung Ngộ đến cùng. Khi phát hiện ra sự thật, Trung Ngộ sợ hãi đến “tất tả nhảy choàng qua”, Nhị Khanh vẫn thường qua lại “có lúc đứng trên bãi sông gọi eo éo, có lúc đến bên cửa sổ nói thì thào” cho đến khi Trung Ngộ ôm quan tài nàng mà chết, cả hai tự do quấn quít bên nhau. Khát vọng tự do yêu đương bị cấm cản đã tạo thành phản ứng quyết liệt của đôi tình nhân ma này. Người ta thấy đôi trai gái “dắt tay nhau đi đôi”, để “thân thể lõa lồ mà cùng nhau cười đùa nô giỡn”, ngang nhiên, công khai ngay nơi cửa chùa.
Tính cách mạnh mẽ, quyết liệt của Thị Nghi – yêu quái ở Xương Giang lại được biểu hiện một cách khác. Bởi phải chết đau đớn, oan ức, hồn ma Thị Nghi hiện về tác oai tác quái, dâm sát kẻ có vai vế, bóc lột người có tiền của. Bị dân làng tán xương vứt xuống sông, ả lại hiện thành một người con gái xinh đẹp nói dối Hoàng – một người lạ đi ngang qua vùng – để chàng vớt hài cốt, lại còn táng cẩn thận ở bên sông. Sợ đạo sĩ phát hiện, bị lộ tẩy thân phận, nàng giả vờ cả giận, lấy gậy đập vỡ chai thuốc, mắng vị đạo sĩ. Trúng bùa, Thị Nghi phải chết lần nữa. Nhưng ả vẫn tìm cách thoát được và trả thù Hoàng: kiện chàng dưới Minh ti. Tính cách quyết liệt báo oán của Thị Nghi có phần giống Hàn Than nhưng có phần tàn nhẫn hơn bởi Hàn Than đầu thai để trả thù kẻ đã gây ra đau khổ cho mình còn Thị Nghi mưu hại người có ơn sâu, lại kết thành vợ chồng với ả. Cho nên, qua tính cách của nhân vật, có thể kết luận tính cách “yêu quái” ở Thị Nghi đậm hơn ở Nhị Khanh, Hàn Than; tính cách của Nhị Khanh, Hàn Than mang tính người hơn. Vì thế, truyện cũng mang tính nhân văn, nhân bản hơn.
Cũng là chủ động, mạnh dạn đến với tình yêu trần thế nhưng Đào Hồng Nương, Liễu Nhu Nương (Chuyện kì ngộ ở trại Tây) có phần dịu dàng, mềm mại hơn. Có lẽ bởi hoa cỏ vốn yếu mềm, mỏng manh? Đối tượng mà Liễu, Đào chọn là một thư sinh lên kinh để theo học cụ Ức Trai. Ngay cách lựa chọn nhân vật nam ở đây đã có phần nho nhã, dịu dàng hơn so với một lái buôn (Trình Trung Ngộ – Chuyện cây gạo) hay một quan lại (Hoàng – Chuyện yêu quái ở Xương Giang). Để thu hút sự chú ý của Hà Nhân, Liễu, Đào đã hóa thành hai người con gái đứng bên trong bức tường đổ – vẫn còn những sự ngăn cách – mà hái những quả ngon, bẻ những bông hoa đẹp ném cho Hà Nhân. Nói về chuyện “mây mưa” thì vẫn còn thẹn thò. Hai hồn hoa này tuy có gần gũi nhưng không làm tổn hại đến Hà Nhân giống như Nhị Khanh, đến lúc thác hóa thì sụt sùi chia tay Hà Nhân chứ không kéo chàng chết theo. Nhưng tài năng của Nguyễn Dữ ở chỗ miêu tả hai hồn hoa tưởng chừng như giống hệt nhau nhưng vẫn có sự khác nhau. Hai nhân vật này vẫn là hai tính cách khác nhau: nàng Liễu thì yếu đuối, nũng nịu; nàng Đào thì nồng nàn nhưng lại hay cả thẹn. Sự khác nhau ấy đã được thể hiện rõ ngay trong bài thơ hai nàng tả tình trạng trong chốn buồng xuân. Thơ của nàng Liễu xin “chúa xuân” gượng nhẹ bởi “Thân non mềm chịu được đâu phũ phàng” còn thơ của nàng Đào thì nồng nàn, mời gọi “Tài lang mặc sức vin cành / Đào non nhận lấy những nhành thắm tươi”.
Như vậy, trong Truyền kì mạn lục, một số nhân vật ma quái đã có nét tính cách riêng, tuy nhiên đó vẫn chỉ là một vài nét miêu tả “điểm xuyết” chưa thể coi là những tính cách văn học thật sự.
2.2.5. Hành động
2.2.5.1. Hưng yêu tác quái
Một trong những nguyên nhân khiến loại nhân vật này bị gọi là ma quái bởi hành động làm yêu làm quái quấy nhiễu con người. Những con quỷ đói, quỷ Dạ Xoa (Người trần ở Thủy phủ, Chuyện tướng Dạ Xoa) kéo nhau đi hàng đàn bắt người sống về ăn thịt “hoành hành không biết kiêng sợ gì”. Hai hồn ma Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ “thường bắt người ta phải cầu khấn lễ bái, hễ hơi không được như ý là làm tai làm vạ”. Hồn ma Thị Nghi cũng làm tai làm quái “người có vai vế thì bị dâm sát, người có tiền của thì bị bóc lột”. Những yêu quái nữ thường biến hóa thành gái đẹp “ai say mê tất phải thiệt mạng”. Chúng quấy nhiễu đến nỗi dân làng không thể chịu đựng nổi phải đào mả, vứt hài cốt xuống sông cho trôi theo dòng nước. Người Việt Nam rất “kị” động đến mồ mả. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của người Việt không phải cái chết mà là chết không có nơi chôn, cho nên hồn ma Thị Nghi, Nhị Khanh, Trung Ngộ phải tác oai tác quái ghê gớm đến thế nào dân làng mới phải đào mộ vứt xương xuống sông, như một người làng than thở với đạo nhân “ước sao có thanh kiếm trừ tà để trừ cho dân chúng tôi giống yêu quỷ ấy”. Hồn ma viên Bách hộ họ Thôi cướp đền của Thủy thần làm yêu làm quái trong dân gian, có người gia sản khánh kiệt cũng không đủ cầu cúng. Hành vi của giống ma quái ấy làm một nho sinh tức giận, châm lửa đốt đền hòng diệt trừ mối lo cho dân.
Thần Thuồng luồng (Chuyện đối tụng ở Long cung), Hộ pháp, Thủy thần (Chuyện nghiệp oan của Đào thị), vốn là thần, Phật nhưng bởi hành động quấy nhiễu dân lành nên bị xem là ma quái. Thần Thuồng luồng trước vì có công lao nên được cho cai quản một phương nhưng lại lợi dụng quyền lực của mình để dở thói dâm ngược, làm thành giông gió bắt cóc vợ người, chia uyên rẽ thúy. Kể tội nhân vật này, thiết tưởng cũng không lời nào đích đáng hơn lời của Đức vua “Như nhà ngươi trước có công lao, nên ta cho coi giữ một phương, vì dân che chở. Vậy mà ngươi giở thói dâm ngược, như thế là trừ tai ngừa họa cho dân đấy ư?”. Nguyễn Dữ có bàn thêm rằng “đâu có lẽ nhận sự thờ cúng lại còn đi làm tai họa cho người?”. Ấy thế mà truyện này không phải chỉ xảy ra ở Hồng Châu đời Trần (địa điểm, thời gian xảy ra vụ thần Thuồng luồng bắt Dương thị) mà sang thời Lê, quân Ngô đã lui mà dân quanh huyện Đông Triều (Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều) vẫn khổ về các nạn trộm cắp vặt từ gà lợn ngỗng ngan đến cá trong ao, quả trong vườn, hũ rượu, thậm chí kẻ trộm còn “vào tận buồng ghẹo trêu vợ con người ta” mà thủ phạm không ai khác chính là thần, Phật họ cúng tế.
Tất cả nhân vật có quan hệ tình ái với ma quái (trừ chàng Hà Nhân trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây) đều bị tổn hại, nhẹ thì “nhan sắc ngày một sút kém, tựa hồ bị ốm” (vợ người học trò ăn nằm với tinh chuột), nặng thì “bị bệnh điên cuồng hoảng hốt” như viên quan họ Hoàng trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang, thậm chí còn mất cả tính mạng (Trình Trung Ngộ – Chuyện cây gạo). Bởi theo quan niệm ma quái sẽ hút hết tinh khí, linh hồn người giao hoan với nó. Nói một cách hoa mĩ như hồn ma Nhị Khanh “mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mầm khô”. Hai hồn hoa Liễu, Nhu không làm tổn hại gì đến thân thể Hà Nhân nhưng chàng cũng đã lỡ làng con đường công danh, hôn sự ít nhất là một năm.
Như vậy, dù ít hay nhiều tất cả các nhân vật ma quái đều gây tai họa, thiệt hại cho con người. Cho nên từ “yêu quái” không chỉ dùng như danh từ mà còn được dùng như tính từ để chỉ sự độc ác, hại người.
2.2.5.2. Che giấu hành tung
Ma quái, khi trà trộn vào thế giới con người, tất nhiên phải tìm cách che giấu hành tung để không bị nhận ra. Hoặc biến hóa giống hệt một người thực, hoặc tự nghĩ ra cho mình một “tiểu sử”, một “câu chuyện” về cuộc đời mình. Giống tinh chuột biến hóa giống hệt người học trò từ đầu tóc, quần áo, dáng dấp “tầm cao không sai một tấc, vóc lớn không kém một phân”, cách nói năng cho đến từng dấu hiệu kín “vết đỏ ở cổ, mụn hạt cơm ở trong tai”. Vợ người học trò ban đầu cũng nghi ngờ nhưng nó lại kiếm lời giải thích vừa có tình “ta nhớ hiền nương lắm, thường thường muốn về” vừa có lí “sợ thầy mẹ không bằng lòng phải đợi đêm khuya lẻn về rồi gà gáy lại đi” nên suốt nửa năm người vợ không phát hiện ra. Nếu người học trò không trở về thăm nhà có lẽ giống ma quái này còn che giấu được lâu hơn thế. Yêu nữ Châu Mai muốn lưu lại trong nhà hát, Thị Nghi muốn khơi dậy lòng từ tâm của Hoàng đã nghĩ ra những câu chuyện rất thương tâm. Câu chuyện của yêu nữ Châu Mai: “mồ côi từ tấm bé, phải nương tựa chị gái, vì anh rể là người khinh bạc nên phải đem thân trốn đến đây”. Câu chuyện của Thị Nghi: cha mẹ bị cướp giết chết, xương gửi lòng sông, còn lại tấm thân yếu ớt vào nhà dân ở đậu vẫn không yên nỗi hài cốt cha mẹ chưa được vớt lên mai táng. Sắc đẹp đã nghiêng ngả lại thêm thân phận đáng thương ai là người không ra tay cứu giúp? Đôi khi trong câu chuyện của ma quái vẫn có một phần sự thật. Hồn ma nữ trong Chuyện cây gạo đúng là “họ Nhị tên Khanh, cháu gái của ông cụ Hối” nhưng Nhị Khanh “quên” nói với Trung Ngộ là mình đã chết cách đây nửa năm. Có lẽ để che giấu thân phận nên các nhân vật ma quái đều chọn đối tượng là khách phương xa đến, không biết được chuyện thật trong vùng nên dễ tin vào lời nói dối?
Một khi chân tướng sắp bị lộ các nhân vật ma quái thường tìm mọi cách trấn áp. Sợ vị đạo sĩ đến xem bệnh cho Hoàng phát hiện ta thân phận của mình, Thị Nghi mắng đuổi đạo sĩ, đánh động vào tình nghĩa vợ chồng để Hoàng không tin theo “Anh chàng huyễn thuật này ở đâu đến đây ly gián vợ chồng ta, chia rẽ nhà cửa ta”. Trường hợp tương tự, khi bị Quý Ly nghi ngờ thì hai tú tài và xử sĩ do vượn và cáo hóa thành liền giả vờ cả giận cho rằng Quý Ly ghen người hiền, ghét người tài làm ông ta phải “đổi nét mặt để xin lỗi”.
Nhân vật ma quái một khi đã mắc tội thì cùng tìm cách che giấu tội trạng của mình. Thần Thuồng luồng đổ cho rằng họ Trịnh vu oan, lời nói đánh vào sự sáng suốt của Đức vua “Nếu bệ hạ tin nghe lời hắn thì triều đình mắc sự lừa dối mà tiểu thần chịu tội mập mờ, tưởng không phải là sự yên trên toàn dưới vậy” khiến Đức vua từ chỗ tin lời Trịnh chuyển sang hồ nghi. Cao tay hơn là hồn ma viên Bách hộ họ Thôi (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên). Là hồn tướng bại trận của ngoại quốc, dám đánh đuổi Thổ thần chiếm đền miếu, làm yêu làm quái nhưng sở dĩ cả Diêm Vương và Thượng đế đều không hay biết bởi “những đền xung quanh, vì tham của đút đều bênh vực cho nó cả”.
2.2.5.3. Hoan lạc ái ân
Hành động của nhân vật ma quái được các tác giả Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục miêu tả tỉ mỉ hấp dẫn nhất lại là những cuộc hoan lạc ái ân giữa một bên là nhân vật ma quái, một bên là con người.
Có những sự hoan lạc ái ân hoàn toàn xuất phát từ lòng tham dục của nhân vật ma quái. Thần Thuồng luồng (Chuyện đối tụng ở Long cung) cướp vợ Trịnh để thỏa tính háo sắc, dâm dục. Giống tinh chuột cũng vì ham mê nhan sắc vợ người mà giở trò nhũng nhiễu. So sánh hành động của người chồng thật và người chồng giả dạng sẽ thấy rõ mục đích và bản tính dâm dật của loài ma quái này. Người chồng thật về giữa trưa người chồng giả đêm khuya trèo tường về. Người chồng thật về việc đầu tiên là “vào ngay nhà trong đến tận giường hỏi thăm sức khỏe cha mẹ”, trả lời cha việc học hành, đến khi cha gọi con dâu ra anh mới được gặp vợ. Trong khi đó người chồng giả trèo tường về “vào ngay trong buồng”, khi vợ trách chưa vào thầy mẹ thì nói thác rằng sợ thầy mẹ không bằng lòng nên phải giấu không dám lộ chuyện cho cha mẹ biết. Trong đêm đầu tiên vợ chồng tái ngộ, người chồng thật hỏi thăm sức khỏe bố mẹ vợ, dẫn tục ngữ, Kinh thi, đọc lại cả bài thơ của mình để vợ rõ tấm lòng thương nhớ. Còn người chồng do tinh chuột biến thành chỉ nói đúng một câu giải thích ngắn gọn để người vợ không nghi ngờ rồi hai người cùng vào trong màn, ái ân đằm thắm. Người chồng thật không phải không yêu vợ nhưng rất hiểu phép tắc lễ nghĩa, không chỉ yêu mà còn nhớ còn thương biết ơn vợ đã phụng dưỡng cha mẹ. Còn giống ma quái kia, mục đích duy nhất chỉ là thú ân ái nhục dục.
Nhưng cũng có những cuộc hoan lạc ái ân giữa nhân vật ma quái và người mà “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”, trước là tìm vui thú sau lại là tình yêu, gắn bó khăng khít. Tìm đến cuộc hoan lạc ái ân là mục đích duy nhất của những nhân vật ma quái như Nhị Khanh, Đào, Liễu trong Chuyện cây gạo và Chuyện kì ngộ ở trại Tây: “đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa” (lời Nhị Khanh), “chúng em muốn làm những bông hoa hướng dương, để khỏi hoài phí mất xuân quang” (lời Đào, Liễu). Cho nên chúng hóa thành những người con gái xinh đẹp quyến rũ những chàng trai từ nơi khác đến. Không cầm được lòng trước nhan sắc yêu ma, Trung Ngộ đưa Nhị Khanh xuống thuyền, Hà Nhân mời Đào, Liễu về nhà bày cuộc mây mưa, tất cả đều thỏa mãn, vui thú. Sự ham mê ân ái trong những nhân vật ma quái này rất mãnh liệt. Nếu giống tinh chuột ở trên còn cách một đêm mới đến gian dâm với vợ người thì những hồn ma này đêm nào cũng tìm đến đối tượng ái ân bất chấp đêm tối nguy hiểm “mang sao mà đến, đội nguyệt mà về” (Nhị Khanh). Mọi cản trở đều không thể ngăn bước họ đến với người tình. Những hồn hoa mỏng manh “thân như cái én có chịu nổi rét mướt đâu” thế mà dù mưa dầm gió bấc vẫn y hẹn đến nhà Hà Nhân, không bỏ phí một giây phút xuân quang nào.
Không dừng lại ở chuyện tình giữa người và ma, Nguyễn Dữ còn miêu tả cuộc tình của hai hồn ma với nhau. Trình Trung Ngộ, không cưỡng lại được tiếng gọi tình yêu của Nhị Khanh, cuối cùng đã ôm lấy quan tài Nhị Khanh mà chết để được yêu đương công khai hơn, tự do hơn, táo bạo hơn “một đôi trai gái, thân thể lõa lồ mà cùng nhau cười đùa nô giỡn”.
Nhân vật Ngư Nương trong Chuyện yêu nữ châu Mai không tìm vui thú ở chốn làng chơi mà chỉ hướng về mối duyên cũ với chồng xưa. Hành động của nữ yêu tinh cũng không nằm ngoài sự khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Có thể nói, đi tìm vui thú vui say, hạnh phúc lứa đôi là một trong những đặc trưng của nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục. Điểm đặc biệt là trong cả hai tác phẩm khảo sát, những nhân vật chỉ tìm đến nỗi niềm hoan lạc ái ân bởi lòng tham dục đều là nhân vật nam còn những nhân vật tìm đến chuyện ái ân như một biểu hiện của khát vọng tình yêu, hạnh phúc đều là nhân vật nữ. Số lượng nhân vật ma quái là nam trong nhóm chuyện tình giữa người và nhân vật ma quái cũng ít hơn hẳn số lượng nhân vật ma quái là nữ. Điều này phải chăng ẩn chứa một quan điểm của các tác giả truyền kì về người phụ nữ và vấn đề giải phóng tình dục.
2.2.6. Số phận
2.2.6.1. Hạnh phúc mong manh
Trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục, đôi khi nhân vật ma quái cũng có được những giây phút hạnh phúc. Nhị Khanh, Liễu Nhu Nương, Đào Hồng Nương từng có những phút giây ái ân thỏa mãn bên người tình Trung Ngộ, Hà Nhân. Một điểm đặc biệt trong cuộc tình giữa Hà Nhân và hai nàng Đào, Liễu: đây là cuộc tình tay ba, cũng có hờn giận nhưng chỉ là thoáng chốc, không có sự ghen tuông, ganh ghét mà rất đằm thắm, khăng khít. Liễu, Đào có thể xem là hai nhân vật nữ ma quái hạnh phúc nhất trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục. Bởi dẫu Hà Nhân phát hiện ra bấy lâu mình đã đánh bạn với giống ma quái nhưng không vì thế mà kinh sợ, khinh rẻ, ruồng rẫy hai nàng. Không chỉ thế, Nhân còn đem bán áo (bởi Nhân là nho sinh nghèo “lưng không túi rỗng”) để lấy tiền làm cỗ cúng hai nàng. Trong bài văn tế Nhân vẫn dành cho hai nàng những lời ca ngợi đẹp nhất “Sắc nọ hẳn không hai / Tài này đành có một”, những lời thương cảm não nề nhất “Ngọc lấp thảm thương / Hương vùi não nuột” và đặc biệt là nỗi đau xót, thương nhớ, nỗi hận biệt ly “Hờn ly biệt để lòng này kèo cuột”. Chính bởi tình cảm của Hà Nhân mà thanh giá hai nàng càng bội tăng lên. Liễu, Đào là nhân vật ma quái duy nhất trong những câu chuyện tình giữa người với hồn ma nhận được sự thương tiếc, níu kéo của một người giao hoan cùng khi người này biết rõ chân tướng sự việc. Khi hai nàng hiện đến cảm tạ Nhân về bài văn tế chàng vẫn có ý níu hai nàng lại. Nhị Khanh lại đạt được hạnh phúc của mình một cách khác. Khi phát hiện ra sự thật, ban đầu Trung Ngộ sợ hãi, nhảy choàng ra khỏi. Phải đến khi nghe thấy tiếng Nhị Khanh tha thiết gọi Trung Ngộ mới vùng dậy có ý muốn theo nàng. Cuối cùng hai người cũng được tự do ở bên nhau khi cả hai đều là ma. Trong Chuyện cây gạo, không chỉ có chuyện tình giữa người và ma mà còn có cả chuyện tình giữa ma và ma. Hai hồn ma Trung Ngộ và Nhị Khanh luôn luôn ở bên cạnh nhau không lúc nào chia rời, khi thì “dắt tay nhau đi dạo” khi thì “thân thể lõa lồ cùng nhau cười đùa nô giỡn”.
Không chỉ dừng lại ở hạnh phúc ái ân, hồn ma Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) có thể xem là may mắn hơn khi có hạnh phúc làm vợ. Nghe thấy tiếng khóc ai oán trong đêm, thương cô gái bơ vơ chịu nhiều đau khổ, Hoàng giúp nàng thu nhặt hài cốt cha mẹ đưa về quê, táng cẩn thận bên sông. Tuy chưa ân ái để truyền sức sống cho người đã chết, nhưng vì Hoàng đã không quản công sức, tiền của làm ơn nhục cốt sinh tử, khiến cho “xương khô sinh thịt, người chết sống lại” [24]. Thị Nghi thành vợ Hoàng, cuộc sống vợ chồng gắn bó. Người vợ Thị Nghi chẳng những được chồng yêu thương, tình ái rất thắm thiết mà còn được tất cả họ hàng bạn bè khen ngợi. Những người phụ nữ trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục mấy ai được như thế.
Tuy nhiên hạnh phúc ấy lại rất ngắn ngủi, mong manh và dễ bị phá vỡ. Những chuyện tình giữa người và ma quái thường diễn ra trong thời gian rất ngắn, chỉ được hơn một tháng (hồn ma Nhị Khanh – Trung Ngộ, hồn ma Thị Nghi – Hoàng), dài nhất cũng là một năm (hồn hoa Liễu, Đào với Hà Nhân). Tuy nhiên, trong một năm ấy cũng không phải họ được ở bên nhau liên tục. Mới vui vầy được vài tháng, Hà Nhân phải theo lời cha mẹ về quê làm lễ cưới. Hai nàng làm hai bài ca tiễn biệt, bài nào cũng sầu cũng tủi:
Cỏ cây rầu rĩ tiêu sơ,
Chàng về thiếp luống ngẩn ngơ tâm hồn.
(Bài ca của nàng Liễu)
Than ôi em hát một khúc chừ, nhớ thương khôn cùng
…. Than ôi em hát hai khúc chừ, lệ châu lan tràn.
(Bài ca của nàng Đào)
Hà Nhân có thể vì hai nàng có thể hoãn hôn sự lại nhưng kì về của hai nàng thì không thể thay đổi. Cuộc chia tay giữa ba người thấm đầy nước mắt. Còn Trình Trung Ngộ đã phải đánh đổi cả mạng sống của mình để đổi lấy thời gian ở bên Nhị Khanh. Nhưng phải hóa thành ma để được tự do yêu thương, đấy có phải là hạnh phúc thực sự? Vả hạnh phúc ấy cũng không phải là mãi mãi, nó chỉ kéo dài thêm được mấy năm mà thôi. Những giây phút ngắn ngủi ấy so với cuộc đời thường dài mấy trăm mấy nghìn năm của ma quái thì càng ít ỏi lắm thay!
Hạnh phúc của nhân vật ma quái vốn đã mong manh, ngắn ngủi lại luôn bị cản trở. Dĩ nhiên, không ai ủng hộ chuyện người và ma quái đi lại, chung sống cùng nhau nên hạnh phúc của họ luôn luôn bị ngăn cản. Bọn bạn buôn khi biết chuyện Trung Ngộ thường qua lại với Nhị Khanh đã khuyên chàng phải tìm đến gốc tích nhà cửa rồi hoặc ruồng bỏ hoặc đèo bòng. Chính lời khuyên mà Trung Ngộ khen phải ấy đã khiến chàng một mực đòi về nhà Nhị Khanh và phát hiện ra sự thật, sợ hãi mà nhảy choàng ra khỏi đó. Khi Trung Ngộ muốn vùng dậy đi theo tiếng gọi của hồn mà Nhị Khanh thì người trong thuyền đã lấy dây thừng trói chàng lại. Khi hai người thành ma thì bị đạo nhân trừ khử. Cũng như thế, khi phát hiện ra bệnh của Hoàng (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) chính từ người vợ yêu quái mà ra, vị thầy thuốc đã tìm cách đánh lừa rồi tiêu diệt Thị Nghi. Trong hai truyện trên sự ngăn cản hạnh phúc lứa đôi đều đến từ phía con người. Trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây, sự cản trở lại đến từ kì về đã định của hai nàng Liễu, Đào. Sự ngăn cản của con người trong truyện này chỉ xuất hiện sau khi hai nàng đã thác hóa. Riêng nhân vật Ngư Nương (Chuyện yêu nữ châu Mai) đến cuối truyện đã tìm được hạnh phúc của mình ấy là người chồng xưa. Đây có thể coi là kết thúc có hậu duy nhất “có hậu” đối với nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục.
2.2.6.2. Trừng trị và bi kịch
Tất cả những hành động hưng yêu tác quái của nhân vật ma quái, cuối cùng bị trừng trị đích đáng. Thần Thuồng luồng (Chuyện đối tụng ở Long cung), Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang), hồn ma viên Bách hộ họ Thôi (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên) bị giam vào ngục tối vì sự dối trá càn bậy. Đền thờ của chúng hoặc bị đốt hoặc “tường xiêu vách đổ, bia gẫy rêu trùm”. Hai pho tượng Hộ pháp và Thủy thần (Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều) cũng bị dân làng kéo đổ để diệt trừ nguồn gốc gây tai họa. Giống tinh chuột giả dạng người thì bị kiếm khí của thần Phù Đổng diệt trừ, hiện nguyên hình là con chuột ngũ sắc bảy khiếu chảy máu đen, chết gục ở sân, xác chuột bị đốt rồi ném xuống sông.
Số phận của những nhân vật nữ hồn ma trong Truyền kì mạn lục lúc sống hay chết đều là bi kịch. Nhị Khanh (Chuyện cây gạo) chết khi mới hai mươi tuổi. Đang ở độ tuổi trẻ trung, tràn đầy sức sống mà phải chịu làm một cái xác quàn ở ngoài đồng chịu cô đơn. Lời hồn ma Nhị Khanh nói với Trung Ngộ về quan điểm sống của mình chẳng phải rút ra từ chính cuộc đời bất hạnh của nàng đó sao “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa”. Gặp được Trung Ngộ thì lại bị bọn bạn buôn ngăn trở. Chỉ đến khi Trung Ngộ chết hai hồn ma mới được tự do yêu đương cười đùa, nô giỡn. Bi kịch trong thời đại ấy chính là ở chỗ không cho con người được tự do yêu đương, nên cả khi đôi tình nhân này đã hoá ma thì họ cũng bị truy cùng diệt tận, “đào mả phá quan tài”, một nắm xương khô cũng phải chịu số phận bất hạnh. Linh hồn họ nhập vào cây gạo thì bị đạo nhân tiêu diệt. Lần này, vị đạo nhân đã chặn mọi đường thoát của Nhị Khanh và Trung Ngộ, mọi không gian mà hai hồn ma này nương náu đều bị yểm bùa “… viết ba đạo bùa, một đạo đóng vào cây gạo, một đạo thả chìm xuống sông còn một đạo đốt giữa trời” nên họ phải chấp nhận bị “sáu bảy trăm lính đầu trâu gông trói mà dẫn đi”. Trong lúc yêu quái bị tiêu diệt người ta thường nghe thấy tiếng kêu khóc hay tiếng khóc y ỷ. Ma quái biết nói năng, biết ân ái thì cũng biết kêu khóc. Tiếng khóc ấy chẳng phải là tiếng khóc cho cuộc đời dở dang, cho số phận bi kịch của mình?
May mắn hơn một chút là hai nàng Đào, Liễu (Chuyện kì ngộ ở trại Tây), không bị dân chúng oán thán, không chết dưới thanh kiếm trừ tà, không bị đạo nhân trừ yểm. Nhưng cái may mắn ấy là do đâu? Là do hai nàng tuân đúng theo kì hạn phải thác hóa của mình. Vậy cái kì ở dương gian hai nàng được bao lâu? Vẻn vẹn chỉ có một năm. Mà với đôi lứa trong tình yêu thì cái kì hạn một năm ấy chỉ như một chớp mắt “Ngày nào mới buổi xuân dương, thoắt đã trời đông tuyết lạnh”. Mối tình với chàng nho sinh thật ngắn ngủi, như một kiếp hoa sớm nở tối tàn. Cuộc chia tay đầy ai oán đã phản ánh một cách nhức nhối bi kịch của nhóm nhân vật này: khao khát hạnh phúc lứa đôi nhưng hạnh phúc ấy không bao giờ có thật, không bao giờ đạt được, hạnh phúc chỉ là mộng tưởng – dù tác phẩm này không viết về giấc mơ. Đi được xa nhất trong nhóm nhân vật này là hồn ma Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang): trở thành vợ của con người. Nhưng chỉ được một tháng, Hoàng ngã bệnh còn Thị Nghi trúng bùa lại trở về là một đống xương trắng. Và đáng thương thay, trong tờ cung dưới âm phủ chính chồng nàng đã kết tội nàng: “Đem môi son má phấn làm tôi say mê / Rút nguyên khí chân tinh làm tôi hao tổn”.
Nhân vật Đào Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị là một trong những nhân vật có số phận bi kịch tiêu biểu nhất cho thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Nàng đã phải trải qua bao kiếp nạn và mỗi lần lòng khao khát hạnh phúc mãnh liệt trỗi dậy là mỗi lần nàng lại bị xã hội vùi dập thêm một lần nữa. Khi đã biến thành ma quỷ, nàng vẫn bị những thế lực thù địch truy sát đến tận cùng, phải chết oan ức, thảm khốc đến hai lần. Long Thúc, Long Quý (do Hàn Than và Vô Kỷ đầu thai) bị Ngụy Nhược Chân nhờ sư cụ Pháp Vân diệt trừ. Không chỉ diệt trừ Long Thúc, Long Quý mà sư cụ Pháp Vân còn cho Nhược Chân hòn đá để “hễ thấy loài yêu quái biến ra vật gì, kịp lấy đá này mà ném thì những mối thừa của tai họa sẽ dứt được hết”. Phải chăng bởi hành động của Hàn Than và Vô Kỷ khi sống đã vi phạm nghiêm trọng những luật lệ kỉ cương của xã hội và tôn giáo nên nhất định sẽ bị trừng trị một cách triệt để?
Như vậy, tất cả ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục đều không có kết thúc tốt đẹp. Số phận nhiều nhân vật còn bi thảm đến mức phải chết hai lần như Hàn Than, Nhị Khanh, Thị Nghi. Vậy là làm người đã bất hạnh, làm ma những mong trì níu lại chút hạnh phúc riêng mình, thì còn bị dày xéo dập vùi đến mức thê thảm hơn. Truyện truyền kì đoạn tuyệt với kiểu truyện kết thúc có hậu của truyện cổ tích, tiểu thuyết lịch sử và tài tử giai nhân. Hầu như các truyện truyền kì về nhân vật ma quái ở các nền văn học khác cũng đều kết thúc một cách đen tối. Đây là bước trưởng thành vượt bậc của truyện truyền kì, khiến nó rất gần với bi kịch và tiểu thuyết hiện đại.
Những lực lượng tham gia vào việc trừng trị yêu quái là Diêm Vương, Đức Vua dưới thủy cung, kiếm khí của thần linh (Đổng Thiên Vương) và cả con người. Theo quan niệm dân gian, Phật tử và Đạo nhân là những người có khả năng hàng yêu diệt quái. Trong hai tập truyện này ta bắt gặp những nhà sư, đạo nhân, đạo sĩ giúp người dân diệt trừ yêu quái. Nhưng bên cạnh đó con người bình thường cũng có thể chiến thắng, diệt trừ ma quái. Đấy là nhân vật nhà vua trong những truyện của Thánh Tông di thảo, là chàng áo vải Tử Văn (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên), thậm chí chỉ là một người thợ săn (Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều).
Nhân vật ma quái xuất hiện với một số lượng đông đảo trong nhiều thiên truyện ở hai tập Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục chứng tỏ đây là một trong những loại nhân vật đặc trưng của thể loại. Nguồn gốc của nhân vật ma quái trong hai tập truyện hết sức đa dạng từ thần, Phật đến con người và cả đồ vật, con vật, cây cối… Nguyên nhân và con đường trở thành ma quái của các nhân vật ma quái cũng rất phong phú, không nhân vật nào giống nhân vật nào nhưng tất cả đều có nội tình, oan khuất mà nhiều nhất là vì lòng tham dục, đặc biệt là ham mê luyến ái. Nhân vật ma quái có ngoại hình biến huyễn đủ kiểu, hay hóa thành người vạm vỡ tuấn tú hoặc xinh đẹp tuyệt trần. Có những nhân vật quái lạ, kì dị, đưa người đọc đến một thế giới kì ảo khác với thế giới con người đang sống nhưng cũng có những nhân vật ma quái rất gần gũi với con người, có những suy nghĩ, hành động, tính cách như con người. Một số nhân vật bắt đầu được chú ý khắc họa về suy nghĩ, tính cách, tâm lí tuy chưa hoàn toàn rõ nét. Những hành động chủ yếu của nhân vật ma quái được miêu tả trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục là hưng yêu tác quái và say sưa trong hoan lạc ái ân. Trong hai tập truyện này đôi khi nhân vật ma quái cũng có được những giây phút hạnh phúc dù ngắn ngủi, mong manh lại luôn bị cản trở. Tuy nhiên, đa số các nhân vật ma quái này đều có số phận bất hạnh, kết thúc truyện thường bị tiêu diệt hoặc trừng trị.
Trích từ “Nhân vật ma quái trong Thánh Tông Di Thảo và Truyền Kì Mạn Lục”
Đặng Thị Thanh Ngân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lại Nguyên Ân (chủ biên) (2001), Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỉ XIX, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Trần Lê Bảo (2002), Giáo trình Văn học châu Á 1, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Phan Kế Bính (2006 – tái bản), Việt Nam phong tục, NXB Văn học, Hà Nội.
- Đỗ Hữu Châu (2007), Đại cương Ngôn ngữ học, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Đổng Chi (1958), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Namquyển II, NXB Văn – Sử – Địa.
- Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam(5 tập), NXB Văn học, Hà Nội.
- Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1999), Truyện truyền kì Việt Nam(tập 2, tập 3), NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Huệ Chi (2003), “Mấy đặc trưng loại biệt của văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX”, Tạp chí Văn học, số 5.
- Trần Bá Chí (2006), “Về sáchThánh Tông di thảo”, Tạp chí Hán Nôm, số 5.
- Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng.
- Thiều Chửu (1998), Hán Việt tự điển, NXB tp Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB Văn học, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Dung (2011), Tìm hiểu thế giới nhân vật kì ảo trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc ít người Việt Nam, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
- Phan Cự Đệ (chủ biên) (2004), Văn học Việt Nam thế kỉ XX – những vấn đề lịch sử và lí luận, Chương Truyện ngắn Việt Nam thế kỉ XX, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ (1970), Việt Nam tự điển,Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
- JA Gurevich (1996), Các phạm trù văn hóa trung cổ, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Mai Xuân Hải (biên soạn) (1998), Lê Thánh Tông – thơ văn và cuộc đời, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
- Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Việt Hằng (2006), Nghiên cứu giá trị nội dung và nghệ thuật của Thánh Tông di thảo, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
- Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2003), Từ điển văn học (Bộ mới),NXB Thế giới, Hà Nội.
- Cù Hựu, Nguyễn Dữ (1999), Tiễn đăng tân thoại – Truyền kì mạn lục, NXB Văn học, Hà Nội.
- Trần Đình Hượu (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
- Bửu Kế (1999), Từ điển Hán – Việt từ nguyên, NXB Thuận Hóa, Huế.
- Đinh Thị Khang (2007), “So sánh chuyện tình giữa Người và Hồn ma trong “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền kì mạn lục”, Tạp chí Văn học, số 4.
- Toàn Huệ Khanh (2004), Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kì Hàn Quốc – Trung Quốc – Việt Nam thông qua Kim Ngao tân thoại, Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục,NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1997), Văn học Việt Nam (Thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII), NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Lê Kinh Khiên (1980), “Một số vấn đề lý thuyết chung về mối quan hệ văn học dân gian – văn học viết”, Tạp chí Văn học, số 1.
- Nguyễn Văn Khôn (1960), Hán Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
- Kawamoto Kurive (1996), “Những vấn đề khác nhau liên quan đến Truyền kì mạn lục”, Tạp chí Văn học, số 6.
- Ngô Tự Lập (1999), “Ma với tư cách là nhân vật văn học”, https://www.viet-studies.info/NgoTuLap_Ma.htm
- Lưu Sơn Minh (biên soạn) (2003), Truyện không nên đọc lúc giao thừa, NXB Văn học, Hà Nội.
- Nguyễn Đăng Na (1999), Văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Đăng Na (2007), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Đăng Na (chủ biên) (2007), Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam tập 2, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
- Trần Nghĩa (chủ biên) (1995), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội.
- Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục, NXB Văn học, Hà Nội.
- Trần Thị Hải Ninh (1999), Bước tiến của thể loại truyện ngắn truyền kì Việt Nam qua Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
- Hoàng Phê (chủ biên) (2009), Từ điển Tiếng Việt, TT Từ điển học – NXB Đà Nẵng.
- N Pospelov (1992), Dẫn luận nghiên cứu văn học, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Phùng Quý Sơn (biên soạn) (1995), Đường đại truyền kì, NXB Đồng Nai.
- Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Trần Đình Sử (2006), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Bùi Duy Tân (biên soạn) (2007), Lê Thánh Tông về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Trần Thị Băng Thanh (1999), Những nghĩ suy từ văn học trung đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Vũ Thanh (1994), “Những biến đổi của yếu tố “kì” và “thực” trong truyện truyền kì Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 6.
- Vũ Thanh (1996), “Thánh Tông di thảo– Bước đột khởi trong tiến trình phát triển của thể loại truyện ngắn Việt Nam trung đại”, Tác phẩm mới, số 8.
- Vũ Thanh (2011), “Đóng góp của Nguyễn Dữ cho thể loại truyện truyền kì Đông Á”, https://vienvanhoc.org.vn
- Vương Thị Phương Thảo (2011), Văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – đầu XIX với vấn đề cái chết, Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
- Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam,NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Lương Thị Huyền Thương (2009), Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.
- Trần Minh Thương (2011), “Ma quỷ trong văn học Việt Nam”, www.vanchuongviet.org
- Todorov (2004), Dẫn luận về văn chương kì ảo, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
- Lê Thánh Tông (2001), Thánh Tông di thảo,Nguyễn Bích Ngô dịch và chú thích, Phạm Văn Thắm giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội.
- Bùi Thanh Truyền (2011), “Hành trình của nhân vật ma trong văn học Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 3.
- Trần Ngọc Vương (1997), Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Trần Ngọc Vương (chủ biên) (2007), Văn học Việt Nam thế kỉ X – XIX, những vấn đề lí luận và lịch sử, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Thân Tải Xuân (1998), Thọ Nhân (dịch), “Đạo giáo và truyền kì đời Đường”, Tạp chí Hán Nôm, số 4.
- Lê Thu Yến (tuyển chọn) (2003), Văn học Việt Nam – Văn học trung đại những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Phạm Thu Yến (chủ biên) (2004), Giáo trình Văn học dân gian, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.