Tao đàn – Với tôi, Huy Cận (1919 – 2005) trước sau vẫn là nhà thơ số một trong các nhà thơ mới (1932 – 1945). Sự xuất hiện của ông trên thi đàn Thơ mới có thể ví như mạch sóng ngầm, trầm buồn xiết chảy mạnh mẽ giữa sôi sục của cơn hồng thủy Thơ mới đang cuồn cuộn dâng trào, hòng cuốn bay đi bức tường thành thơ nghìn năm cổ kính Đông phương mà dường như chưa có hồi kết. Cái hồn buồn trong thơ Huy Cận là cái hồn buồn của chàng trai 19 tuổi đầy sức sống mãnh liệt. Chính cái hồn buồn trẻ trung đầy sức sống ấy đã làm nên sự trường cửu trong thơ ca của ông.

Tròn 100 năm tính từ ngày nhà thơ Cù Huy Cận ra đời (ông sinh ngày 31-5-1919) trong một gia đình nhà nho nghèo dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Tuổi thơ ông gắn liền với bờ ao, mảnh ruộng nghèo khó trên quê hương – nơi mà đại thi hào Nguyễn Du rồi Nguyễn Công Trứ đã từng cất lên những vần thơ trác việt giữa đất trời sông núi. Lớn lên, ông vào Huế học trung học, đậu tú tài, sau đó ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Canh nông. Ông sống ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu, sau chuyển về 24 Cột Cờ (nay là phố Điện Biên Phủ). Ông tham gia cách mạng từ năm 1942, là thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc. Ông cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, từng giữ các chức vụ: Bộ trưởng kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ cách mạng lâm thời 1945, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ trưởng đặc trách văn hóa tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng… Tháng 8-1945, ông là một trong 3 thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) đi vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Sau này ông về làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ủy ban chấp hành UNESCO, Viện sĩ Viện Hàn lâm thế giới về thơ, Chủ tịch Đại hội Văn hóa thế giới năm 1968… Ông mất ngày 19-2-2005, tại Hà Nội.

Huy Cận có thơ đăng báo từ năm 1936. Ông cho in tập thơ đầu “Lửa thiêng” năm 1940 và lập tức trở thành tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Tập “Lửa thiêng” bao trùm một nỗi buồn mênh mang da diết. Thiên nhiên trong thơ ông bao la, hiu quạnh, đẹp và buồn. Nỗi buồn của phận người, của cuộc đời, buồn về quê hương đất nước. Các tập thơ sau này của ông tuy có cố gắng hòa vào mạch sống âm thầm trong vũ trụ và cõi đời, nhưng vẫn phảng phất một nỗi buồn man mác.

Tập “Lửa thiêng” chỉ gồm 50 bài thơ, nhưng lại ghi một dấu ấn sâu đậm, trở thành bước ngoặt quan trọng cho con đường đi của thơ ca dân tộc giữa cao trào Thơ mới lúc ấy. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi mà loại thơ quy phạm viết theo lối Đường luật cổ xưa cũ kỹ đã quá chật chội, bức bối, không còn đủ khả năng phô diễn những tâm trạng, cảm xúc mới trong cõi thẳm sâu của tâm hồn, thì cũng là lúc nhiều nhà thơ đương thời mạnh dạn viết nên những bài thơ mang âm hưởng mới của thời đại, với những cách tân mạnh mẽ về cả nội dung và hình thức thơ. Nhiều tranh luận giữa mới và cũ diễn ra sôi nổi, thậm chí rất quyết liệt. Đúng lúc đó, một tập thơ mang tính cách tân triệt để xuất hiện, đó chính là tập “Mấy vần thơ” của Thế Lữ. Với “Mấy vần thơ”, người đọc lần đầu tiên được biết đến một phong vị thơ hoàn toàn khác lạ, một trải nghiệm mới với một cảm xúc mới, tâm hồn mới, cách nhìn mới. Bởi thế, ngay lập tức, “Mấy vần thơ” được tôn vinh như là sự khởi xướng, một sự bắt đầu của thời đại mới trong thi ca. Nó chấm dứt mọi tranh cãi giữa cũ và mới, mở ra một thế giới khác lạ đầy sôi động và háo hức, để rồi sau đó hàng loạt tập thơ gây tiếng vang lớn trên thi đàn liên tiếp ra đời: “Điêu tàn” (năm 1937) của Chế Lan Viên; “Thơ thơ” (năm 1938) của Xuân Diệu; “Tiếng thu” (năm 1939) của Lưu Trọng Lư; “Thơ say” (năm 1940) của Vũ Hoàng Chương… Cũng chính vào lúc cao trào Thơ mới đang dâng lên chót vót với đỉnh cao Xuân Diệu là đại diện, thì hình như trong sâu thẳm đâu đó, người đọc vẫn cảm thấy còn cái gì gờn gợn, chưa trọn vẹn. Cái sự gờn gợn, chưa trọn vẹn ấy là gì, người ta chưa thể minh định rạch ròi chính xác, nhưng cảm nhận thấy cái mới ấy đã đi quá xa chăng? Xa đến mức mới quá, Tây quá… Và đó cũng là lúc “Lửa thiêng” ra đời. Sự ra đời của “Lửa thiêng” giống một mặt hồ rộng lớn tĩnh lặng, cổ kính Đông phương, như muốn kéo chậm lại dòng chảy Thơ mới đang gầm gào cuộn xiết giữa muôn hình vạn trạng thác ghềnh, với những ồn ào náo động đậm chất Tây phương xa lạ, muôn vẻ sắc màu. Hình như trong thẳm sâu tâm hồn của thi hào Huy Cận, sự rộng lớn, khác lạ, mới mẻ của phương Tây cũng không đủ để ông bày tỏ những xúc cảm nhiều trắc ẩn, chân thực, thăm thẳm của cõi lòng ông. Có phải vì lẽ đó mà sau những bài thơ đậm chất Tây phương, ông lặng lẽ trở về với nỗi buồn vạn cổ Đông phương. Cái hồn thơ ấy thẳm vời về sâu xa ký ức ngàn năm dân tộc. Ông cô đơn một mình giữa mênh mông Thơ mới, cô đơn trong chính cõi lòng, trong chính sự ồn ào náo động Thơ mới. Phải chăng chính nỗi niềm ấy đã biến chàng trai đang tràn trề sức của tuổi hai mươi lại mang trong mình một tâm hồn thơ vạn cổ, nhưng đầy cuốn hút, trẻ trung.

Cảm hứng trong thơ Huy Cận khác hẳn với vẻ ồn ào nồng cháy trong thơ Xuân Diệu. Ông không dấn mình lạc sâu vào thế giới Tây phương, mà âm thầm bộc bạch một cách trung thực nhất cõi lòng mình, cái cõi lòng không biết từ bao giờ đã bao trùm một nỗi buồn xa xăm u tịch, cổ kính mà thâm trầm sâu sắc. Những vần thơ của ông cất lên như tự một cõi xa xăm nào đó của cố nhân: “Một hôm trận gió tình yêu lại/ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” (“Học sinh”). Nhà thơ chợt giật thót mình trước cơn cuồng phong mê sảng của Thơ mới, nên bần thần, ngơ ngác trông vời ký ức đẹp đẽ đang trôi qua đi mất. Bởi vậy, khi tĩnh tâm trở lại thì: “Lòng êm như chiếc thuyền trên bến/ Nghe rét thu về hạ bớt mui” (“Mưa”). Chao ôi! Nỗi buồn ấy sao mà mênh mông diệu vợi hắt hiu đến thế. Nỗi buồn ấy cũng chính là tâm trạng của thi sĩ sau những ồn ào náo động, lặng lẽ trở về với chiều sâu tĩnh lặng thâm trầm của tri âm cổ kính ngàn xưa.

Cảm nhận vẻ đẹp u hoài, có thể ví như những bức tranh thủy mặc Đông phương trong thơ Huy Cận, để ta biết một hồn thơ thâm trầm lặng lẽ giữa vũ trụ bao la nhưng hoang vắng đơn côi. Trong tập “Lửa thiêng”, những bài thơ trác việt nhất là những bài mang màu sắc thâm u huyền bí Đông phương… Với Huy Cận, “cái đẹp bao giờ cũng hơi buồn”. Bởi thế, ví như cái buồn trong “Tràng giang” của ông cứ tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau như những đợt sóng xô dạt vào bất tận. Bản thân cái tên “Tràng giang” đã gợn lên một nỗi buồn xa xăm thầm kín mà âm vang mênh mông. Ngay từ câu thơ đầu “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” đã cho một thông báo về nỗi buồn sâu, chảy dài bất tận. Từ nỗi buồn điệp điệp chuyển sang nỗi buồn hai ngả “Con thuyền xuôi mái nước song song” rồi bỗng vỡ òa ra “trăm ngả”, bởi tâm thế “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Từ nỗi buồn “điệp điệp” đến “song song” rồi òa ra “trăm ngả” đã trào dâng một nỗi buồn cùng tận, nỗi buồn ẩn chứa bao đau đớn, xót xa. Một nỗi buồn chơ vơ không nơi bấu víu, bị dồn đến bước đường cùng trong vô định thời gian “lạc mấy dòng”… thì còn đâu có chỗ cho sự hồ hởi, vui tươi náo động kiểu “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” như Xuân Diệu nữa.

Cái buồn của “Tràng giang” cứ lơ thơ tan loãng đìu hiu từ cồn cát nhỏ lan sang tận nơi chợ chiều phía làng xa, rồi phát triển mở rộng đến: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Lớp lớp nỗi buồn triền miên trên con đường vô định “Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng” để trở về với “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Cái buồn sao mà vắng lặng, hoang vu đến thế, cái buồn của nỗi day dứt khôn nguôi về tình người, tình đời giữa sa mạc cô đơn, dường như vắng bóng mọi sinh linh trên mặt đất. Nó chặn đứng mọi khát vọng mong manh của con người trên con đường vô định…

Có lẽ trong tất cả các nhà thơ mới, Huy Cận là người mang trong mình niềm trắc ẩn thầm kín sâu xa nhất. “Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn” (“Buồn đêm mưa”). Cái sự nghe nỗi buồn này không phải nghe bên ngoài, nghe bằng tai mà nghe bằng tâm cảm thẳm sâu của thi sĩ. Chỉ là giọt nước rơi trên mái nhà mà “Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la”. Chính bản thân Huy Cận tự nhận: “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm”. Nhưng cái sầu, cái buồn của Huy Cận lại mang vẻ đẹp thâm trầm của Đông phương, của dân tộc. Đọc thơ ông, tự sâu thẳm lòng ta dào lên niềm xúc động cảm thương sâu sắc. Đi suốt tập “Lửa thiêng”, ta bắt gặp triền miên nỗi buồn mênh mang sâu thẳm. Nỗi buồn Huy Cận thường là bột phát, vô cớ mà tự nhiên như chính con người ông. Nỗi buồn được coi là “ảo não bậc nhất” ấy, đậm sâu mà vẫn thanh thoát lạ thường. Nó không gay gắt, bực bội kiểu “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật(Vội vàng – Xuân Diệu) hay “Người ta khổ vì cố chen ngõ chật/ Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào/ Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao/ Không muốn chữa, không chịu lành thú độc” (Dại khờ – Xuân Diệu). Cái buồn của Huy Cận là cái buồn đẹp, cái buồn mang khuynh hướng lãng mạn, của lý tưởng thẩm mỹ trong chính con người cá nhân nhà thơ. Cái buồn về thân phận con người giữa vũ trụ bao la. Nó chính là cái đẹp, là sự chiến thắng của thơ. Nỗi buồn ấy là cảm thức về con người thiên nhiên, vũ trụ, luôn khao khát vươn lên đi tìm ánh sáng của sự sống dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lần theo “Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi” mà nghe “Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ” (“Buồn đêm mưa”) để nhận ra tiếng tiền nhân cổ xưa vang vọng trong thơ ông. “Vạn lý sầu lên núi tiếp mây” (“Vạn lý tình”), “Buồn gieo theo gió veo hồ”, “Phất phơ buồn tự thuở xưa thổi về” (“Chiều xưa”). Hồn thơ thi sĩ lặng lẽ trôi về miền xa xăm, mà ngẩn ngơ níu giữ: “Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về/ Sắc trời trôi nhạt dưới khe/ Chim đi lá rụng, cành nghe lạnh lùng” (“Thu rừng”). Cái nỗi buồn ấy thăm thẳm chùng xuống đến tận đáy: “Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung/ Có ai đàn lẻ để tơ chùng?” (“Nhớ hờ”)…

Hồn buồn Huy Cận không ngẫu nhiên mà có. Chúng ta biết vào thời bấy giờ, xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn ngổn ngang muôn nỗi. Cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến dẫn đến tâm trạng u uất, buồn rầu, lạc lõng giữa thế gian của các nhà thơ. Bản thân Huy Cận cũng mệt mỏi, ngột ngạt giữa hiện thực của người dân bị mất nước, tràn ngập thói hư tật xấu, bức bối nên tự nó đã dẫn tâm hồn thi sĩ của ông trở về đắm mình trong tòa lâu đài thi ca cổ kính nơi tiền nhân. Cái buồn, sự trống rỗng, cô đơn trong thơ ông là cái buồn mang đậm truyền thống thẩm mỹ thơ ca dân tộc. Nếu Xuân Diệu luôn mộng mơ, cứ bám riết vào đất mà nồng nàn say đắm thì Huy Cận vừa sâu sắc thâm trầm, vừa cao xa thăm thẳm…

Tiếng thơ của ông cất lên như tiếng vọng từ ngàn năm trước. Vẻ đẹp của tiếng thơ ông nghe như khúc độc huyền cầm vút lên giữa đêm trăng thu tĩnh lặng bên hồ Ngọc Bích. Một ai đó nhận xét: Chính bằng nghệ thuật kỳ ảo, vừa thông thái vừa giản dị, vừa vũ trụ vừa ngày thường, mà thơ ông đã đạt đến tính phổ biến của nhân loại…

Huy Cận – nhà thơ buồn nhất trong các nhà thơ mới và cũng là nhà thơ với những kiệt tác thơ còn sống mãi cùng thời gian.

TRẦN ANH THÁI