Trong bát tú của Tự lực văn đoàn ngoài ba anh em ruột Nhất Linh, còn lại năm người không cùng dòng tộc. Trong số ấy có một người nhiều tuổi nhất là Khái Hưng.

Khái Hưng là con quan Tuần phủ Trần Mỹ, cử nhân Hán học, từng có thơ in trên Nam Phong, quê làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ Tuần có 5 người vợ. Bà cả sinh được ba trai một gái. Người con trai đầu Trần Xuân là thương tá nhưng mất sớm, đã đôn Khái Hưng lên thành con trưởng trong gia đình, là anh của Trần Tiêu và Trần Thị Ngọc.

Sinh năm 1895, thuở nhỏ Khái Hưng tên là Trần Dư (Giư). Chỉ vì thích tính cách của vị tướng đời Trần là Trần Khánh Giư, nên ông tự thêm chữ Khánh làm đệm thành Trần Khánh Giư. Ông tháo rời các chữ cái trong hai chữ Khánh Giư ra, rồi ghép lại thành bút danh Khái Hưng. Hồi nhỏ ông học chữ Hán, sau mới chuyển sang học chữ Tây, trường Anbe Sarô. Lấy bằng tú tài phần một ban cổ điển, ông về Ninh Giang mở đại lý bán dầu hỏa. Đây là phố phủ chứa nhiều hình mẫu số phận con người mà sau này ông xây dựng nên cuốn tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa mang tên Thoát ly gây tiếng vang. Ông say mê thể thao, mê quần vợt, bơi ếch rất tài, thích đi bộ. Sau ra Hà Nội dạy học tại trường tư thục Thăng Long, tham gia viết cho tờ Văn học của anh em ông Dương Bá Trạc và Dương Tụ Quán. Cũng trong khoảng thời gian 1930 đến 1932, Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Nhất Linh để ý tới một bài khảo luận ngắn trên báo Văn học, ký tên Bán Than, rất có cảm tình. Về sau mới biết bài ký đó là của Khái Hưng người cùng trường và là một người kín đáo, dễ mến và tin cậy. Nhất Linh cũng thấy Khái Hưng có những khả năng hiếm có về văn chương, có đủ điều kiện và thế lực ra làm quan, mà từ chối để sống cuộc sống bình thường. Nhất Linh kết bạn với Khái Hưng và mau chóng trở thành một cặp tác giả nổi tiếng.

Trong văn chương của Khái Hưng có hai phần: Văn học cổ điển và văn học Âu châu cấp tiến. Vốn là người học hành căn bản lại từng trải cho nên văn ông vừa bao quát không khí mới mẻ, lại vẫn giữ được nét truyền thống phương Đông trữ tình lãng mạn.

Khái Hưng lấy vợ là con gái vị Thượng thư, từng đậu cử nhân triều Nguyễn, từng là Tổng đốc Bắc Ninh. Bà tên là Lê Thị Hòa, biệt hiệu Nhã Khanh. Ngày vu quy, nhà gái còn cho vợ chồng Khái Hưng hơn 50 mẫu ruộng ở miền Quế Phương, chợ Cồn – Nam Định để làm vốn. Con nhà quan, lại thông thạo Hán văn, viết chữ nho rất đẹp, bà tâm đầu ý hợp với chồng, thường đàm đạo văn chương. Khi sáng tác nếu có chương đoạn nào viết về các bà phái thượng lưu, Khái Hưng thường hỏi thêm ý kiến vợ cho cẩn thận. Có lần Khái Hưng viết truyện Bông cúc huyền có đoạn “đôi ủng đan bằng kim tuyến” bị vợ chê là sai, bởi kim tuyến không thể đan được, phải sửa. Vợ chồng sống với nhau thuận hòa, rất thương yêu như vậy nhưng Khái Hưng không có con. Nhất Linh đã cho người con trai của mình là Nguyễn Tường Triệu làm con nuôi Khái Hưng, và sau này đổi tên là Trần Khánh Triệu. Vì thế, Khái Hưng được con gọi là “papa tòa báo” để phân biệt với “cậu Nhà Bè” là Nhất Linh, cha đẻ…

Văn chương Khái Hưng chủ yếu là tiểu thuyết, mà ái tình là đề tài chính. Hầu như tác phẩm của ông thường xoáy vào chủ đề: đề cao tình yêu tự do, chống lễ giáo phong kiến, một phần cải cách xã hội.

Nói như Vũ Ngọc Phan thì Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam, cũng như Alfed de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa.

Khái Hưng rất hiểu tâm lý phụ nữ, cả tuổi trẻ và tuổi già. Trong truyện của ông phần kết bao giờ cũng gây cảm giác bâng khuâng, man mác cho bạn đọc. Vũ Ngọc Phan nhận xét: Khái Hưng viết truyện ngắn tuyệt hay, linh hoạt và cảm người ta hơn là truyện dài. Vì nó vui tươi và rộng mở. Khái Hưng quan sát tinh tế và dùng ngòi bút tài tình. Truyện ngắn Khái Hưng có một đặc biệt là ông tìm ra ý nghĩa của mọi việc trên đời, dùng ngôn ngữ giản dị trong sáng ghi lại, làm cho người ta cảm nhận chứ không gò ép cám dỗ người ta bằng lý trí.

Là một người từng trải, tài hoa, Khái Hưng viết đủ các thể loại, mà đều gây ấn tượng. Là một người thông minh, nhạy cảm, Khái Hưng từng làm cho mọi người bất ngờ. Năm 1993, một lần cùng anh em tòa báo đi lễ chùa ở Bắc Ninh, Khái Hưng đã xúc động trước con người và phong cách, để rồi ít lâu sau ông cho ra đời tiểu thuyết, hay còn gọi là một bản tình trường thật độc đáo: Hồn bướm mơ tiên. Đây là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng, cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự lực văn đoàn. Câu chuyện tình xảy ra ở chốn chùa chiền, đã cuốn hút thanh niên vào tình ái lý tưởng, với đủ tâm trạng, cung bậc.

Khái Hưng là nhà văn của thanh niên trí thức thành thị. Mọi góc cạnh cuộc đời, mọi tình huống đời sống đều thành tác phẩm. Nửa chừng xuân là chuyện về con người và gia đình bị kẹp vào luân lý, lễ giáo, nên tình yêu giữa Lộc và Mai phải lìa nhau. Gánh hàng hoa là tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp ngây thơ, hết lòng yêu chồng của cô gái quê trẻ đẹp tên Liên nhưng lại chịu nhiều bất hạnh. Đời mưa gió lại là một câu chuyện tình rùng rợn giữa anh giáo Chương và cô gái giang hồ tên Tuyết. Trống mái kể chuyện yêu đương giữa Hiền cô gái Hà thành và chàng Vọi thanh niên ngư dân. Mỗi người có vẻ đẹp riêng bù đắp cho nhau cùng tận hưởng những giờ phút tuyệt vời giữa thiên nhiên phóng khoáng.

Khái Hưng có cái nhìn cuộc đời đầy khám phá, tìm tòi sáng tạo. Chỉ một lần đi thăm cảnh một ngôi chùa, có những ngôi tháp cổ kính đầy huyền bí, vậy mà sau đó ông đã tạo ra bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết lịch sử Tiêu Sơn tráng sĩ, gồm 50 chương, có 81 nhân vật với một không gian rộng dài, đồ sộ. Ban đầu cuốn sách được đăng tải từng kỳ trên báo Phong hóa năm 1934, rồi in thành sách năm 1935, từng gây bao tranh luận, tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu văn học sử một thời…

Tuy là con quan, nhưng ngay từ tấm bé Khái Hưng đã phải chịu cảnh hành hạ của bà dì ghẻ khắc ghiệt, nên để lại trong ký ức ông những nỗi xót xa. Từ vốn sống ấy về sau ông viết nên hai cuốn tiểu thuyết Thoát ly và Thừa tự…

Thực vậy, Thoát ly là tấn bi kịch chuyện gì ghẻ con chồng trong những gia đình phong kiến.

Thoát ly được lấy bối cảnh từ phố phủ Ninh Giang, thời Khái Hưng còn làm đại lý dầu hoả. Ngày ấy phố phủ có nhiều hạng người: Quan thì có quan Phủ, quan Đốc, quan Chủ, quan Huấn và quan Phán đầu tòa. Kế đến xã hội mô phạm của các nhà giáo, bọn tổ tôm một đồng, xã hội trưởng phố rất hách dịch đối với những nhà buôn nhỏ và quá lễ phép nhiều khi khúm núm nữa đối với những bề trên. ấy là chưa kể một xã hội khách trọ tả pí lù, chiếm đến một phần tư dân số… và xã hội tài xế, khách hàng rất trung thành và rất hào phóng.

Chính ở cái phố phủ ấy, đội xếp có thể tự do tung hoành cùng quản phố bắt giải lên phủ bất cứ người nữ sinh nào đang đêm nói chuyện với nhân tình trong sân trường. Hồng mồ côi mẹ khi 6 tuổi, và từ khi là thiếu nữ cô đã bị cha lạnh lùng, dì ghẻ cay độc đay nghiến. Hai con người ấy về hùa với nhau để ruồng rẫy đánh đập cô… Đang học trường Nữ sư phạm, Hồng bị cha và dì ghẻ gọi về Ninh Giang, bắt nhuộm răng đen và tước đoạt các nhân quyền, kể cả quyền hôn nhân. Hồng bị dì ghẻ tìm mọi cách phá đám các mối tình của cô, rồi gả ép cô cho đứa cháu của mình, đó là một tên lêu lổng và dốt nát…

Số phận con người bị đẩy dồn đến cùng đường, Hồng phải thốt lên chua xót: Làm gì cũng được, kể cả gái giang hồ, nhưng đừng ở trong gia đình có một người dì ghẻ như dì ghẻ của tôi!

Để chuyển tải nội dung Khái Hưng viết bằng kỹ thuật tinh xảo, bố cục truyện giản dị khéo léo nên rất hấp dẫn người đọc. Tình tiết truyện thưa ít, động tác nhân vật ngắn gọn. Nhân vật trong truyện thường có tác phong cử chỉ thanh thoát, lời nói hóm hỉnh duyên dáng, hoa lệ của tầng lớp trí thức. Ông không quen tả nhân vật tâm trạng căng cứng tàn ác, đen tối,  hay tả nỗi niềm bâng khuâng êm dịu thầm kín… Văn ông có chất thơ, giàu trí tưởng tượng, bay bướm, có hình ảnh nhạc điệu, hợp với truyện tâm lý. Có nhiều trang viết đẹp như tranh, tươi mát cảnh làng quê Việt Nam, ví như truyện Gia đình, có đoạn tả thế này: Những cây cau thân thẳng và mảnh toả từng buồng hoa vàng xuống một mùi thơm phảng phất, thanh thanh của hoa chè: hai hương vị của nơi thôn dã.

TrongTrống mái, là những câu văn chứa chất hội họa: Mặt trời vừa mọc và ẩn sau đám mây tím trái ngang trên làn nước đủ màu, từ màu lam sẫm, lam nhạt ngoài xa cho đến các màu hồng, màu vàng ở gần bờ. Trên nền trời sắc da cam chói lọi, những vạch đỏ thẫm xòe ra như bộ nan quạt là bằng ngọc lựu…

Là một trong những người sáng lập Tự lực văn đoàn, cũng là một trong những cây bút chính của nhóm, ông viết cho tờ Phong hóa, Ngày nay, thường giữ mục Câu chuyện hàng tuần. Thời kỳ đầu, Tự lực văn đoàn có 6 người, Khái Hưng đã giới thiệu người em là Trần Tiêu, giáo viên trường huyện, đang viết tiểu thuyết Con trâu gia nhập, được anh em trong đoàn nhất trí thành Thất tinh – 7 ngôi sao.

Về sau theo đề nghị của Nhất Linh, kết nạp thêm Xuân Diệu thành bát tú. Vậy là trong bát tú ấy, có ba anh em nhà Nhất Linh, và hai anh em Khái Hưng.

Theo Trần Khánh Triệu (Nguyễn Tường Triệu) kể, thì Khái Hưng thường viết văn sáng sớm, hoặc về khuya. Nếu trời lạnh, ông xếp bằng trên ghế mây, trước hết gây cảm hứng bằng cách ngâm nga vài câu chèo cổ hay trống quân, rồi nhả khói thuốc thành vòng tròn trên trần nhà. Khái Hưng dùng bút máy ngòi vàng loại Watermann, giấy dùng pelure dày để sáng tác. Khái Hưng yêu con vật nhưng lại thích mèo, ghét chó, vì ông cho rằng chó là loài nịnh bợ, bị đá vào mồm mà nó vẫn ve vẩy đuôi, hí hởn, lè lưỡi liếm ngoen ngoét. Còn mèo thái độ dứt khoát, ai yêu nó, nó âu yếm, ai trêu nó, nó cào hoặc gầm gừ.

Có thể nói trong Tự lực văn đoàn, Khái Hưng là nhà văn viết nhiều nhất. Tính từ năm 1934 đến 1942, ông đã xuất bản trên hai mươi cuốn sách, gồm 12 truyện dài, 5 truyện ngắn, 3 vở kịch, 4 tập truyện thiếu nhi. Ngoài ra viết chung với Nhất Linh ba tiểu thuyết nổi tiếng: Anh phải sống, Gánh hàng hoa, Đời mưa gió, đã làm cho tên tuổi ông sáng lên và chiếm được tình cảm của bạn đọc, nhất là bạn đọc thanh niên. Tú Mỡ kể rằng, khi viết chung Đời mưa gió, hai người thường gặp nhau vào tối thứ bảy tại tòa soạn – số 80 phố Quán Thánh. Họ bàn nhau xem số này cho Chương và Tuyết làm gì, gặp nhau ở đâu. Rồi phân công thay nhau chấp bút cho kịp bài lên mặt báo. Tiểu thuyết Đời mưa gió đăng dần trên báo Phong hóa trước, sau mới in thành sách.

Khái Hưng còn là một dịch giả rất lão luyện. Bài Tình tuyệt vọng ông dịch từ thơ của Félex Arvers rất nổi tiếng:

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Mấy chục năm qua, đã có biết bao bài nghiên cứu về văn chương Khái Hưng. Chỉ một cuốn sách “Khái Hưng nhà tiểu thuyết xuất sắc” có tới ba chục bài viết của gần ba chục tác giả: Vũ Ngọc Phan, Trần Khánh Triệu, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Vu Gia, Nguyễn Vỹ… nghiên cứu đánh giá.

Vu Gia trong bài: Khái Hưng- nhà tiểu thuyết xuất sắc, cho rằng kết cấu tiểu thuyết của ông đạt đến mức điêu luyện tinh vi.

Trương Chính trong Dưới mắt tôi, ca ngợi Khái Hưng có lối văn giản dị thanh tao, bóng bẩy nhưng trong sáng, nhịp nhàng nhưng không mất vẻ tự nhiên. Nhiều câu văn phảng phất âm điệu thơm tho, thấm vào hồn ta như mùi hương đượm… Ông có thể thu một cảnh bằng vài nét đơn sơ, nhưng mềm mại, nhưng trong trẻo và tình tứ. Ông kết tinh được cả cái hồn thơ man mác bao trùm cảnh vật và ghi được màu sắc rất hay biến đổi bằng một ngòi bút điêu luyện… Vào hồi 1933 một quyển như Hồn bướm mơ tiên là một hòn châu báu. (Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 24 B- NXB KHXH – 1997)

Còn đây: Với Khái Hưng, đó là một nhà tiểu thuyết có biệt tài, và người ta có thể gọi ông là nhà văn của thanh niên. ông rất am hiểu tính tình tuổi trẻ. Phần đồng thanh niên trí thức việt Nam là những độc giả trung thành của ông và phụ nữ chiếm số đông nhất (Nhà văn hiện đại, tập 2 – NXB KHXH, 1989).

Có lẽ ít người biết Khái Hưng từng tham dự Đại hội văn hóa cứu quốc (tháng 10/1946 – KHL chú). Sự việc này đã đăng trên báo Tiền phong số 22: Khi thấy Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi bắt tay Khái Hưng đến dự thính Đại hội văn hóa cứu quốc thì có đồng chí sung sướng đến rơi nước mắt và viết “Trong cử chỉ ấy, phải nhận là có một chút huyênh hoang của cả hai bên, ai cũng muốn tỏ ra mình quân tử”. Trong cuốn “Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại 1930-1945, tác giả Vũ Đức Phúc phê phán là cái nhìn hết sức lẫn lộn.

Trong Đại chiến thế giới thứ hai, Khái Hưng tham gia hoạt động chính trị, có chân trong đảng Đại Việt dân chính, nên bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam. Ban đầu giam tại Sở Liêm phóng, sau vài ba tháng thì bị đưa đi trại An Trí ở Vụ Bản. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3 năm 1945) mới được thả.

Ông cùng Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách cho ra tờ Ngày nay kỷ nguyên mới.

Về cái chết của Khái Hưng, có nhiều nguồn nói ông mất ngày 19/12/1946. Chúng tôi đọc bài “Papa tòa báo” của Trần Khánh Triệu, con nuôi Khái Hưng mới biết rằng sau tết Đinh Hợi, ông còn về với gia đình: “Rồi tết qua đi trong chán nản, kinh hoàng. Sau tết một thời gian tàu Pháp chạy dọc theo sông Hông bắn phá dữ dội, trong làng đang rục rịch tản cư thì bất chợt papa trở về…”. Qua đoạn hồi ký này có thể khẳng định, tài liệu viết Khải Hưng mất tại huyện Xuân Trường, Nam Định ngày 19/12/1946 là không chính xác.

Người đời sau chẳng ai nhớ có một cậu ấm Trần Dư, con quan tuần phủ, nhưng người ta ghi mãi trong lòng một nhà văn Khái Hưng.

Khúc Hải Linh


CÁC TÁC PHẨM CỦA KHÁI HƯNG

Tiểu thuyết:

  • Hồn bướm mơ tiên (1933) – Link mua sách: https://www.hangcao.info/san-pham/hon-buom-mo-tien/
  • Đời mưa gió (cùng Nhất Linh, 1933)
  • Nửa chừng xuân (1934)
  • Gánh hàng hoa (cùng Nhất Linh, 1934)
  • Trống mái (1936)
  • Gia đình (1936)
  • Tiêu sơn tráng sĩ (1937)
  • Thoát ly (1938)
  • Hạnh (1938)
  • Đẹp (1940)
  • Thanh Đức (1942)
  • Băn khoăn

Truyện ngắn:

  • Anh phải sống (cùng Nhất Linh, 1934)
  • Tiếng suối reo (1935)
  • Đợi chờ (1940)
  • Cái ve (1944)