Có người bảo, đọc “Không ai qua sông” tự nhiên thấy đời buồn quá xá. Buồn dấm dẳng miên man như những ngày miền Tây vào kì nước nổi, mưa xiên ngang phủ trắng đất trời. Cũng đúng thôi, vì Nguyễn Ngọc Tư đã ướp vào con chữ cái hiu quạnh đơn côi của lòng người, cái chấp chới chông chênh của phận đời, cái quặn mình thổn thức của đất quê. Tư đã dệt nên một nỗi buồn rất đẹp trên từng trang viết. Độc giả mê đắm nỗi buồn ấy, thành thử rấm rứt ở lại bên này sông cùng Tư mà ngó vọng sang bên kia sông.

“Đứng khuất trong bóng cánh cửa
Là những lời không còn chữ”

Hai câu trên được trích từ tiểu thuyết bestseller của Murakami “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương”. Có một sự liên hệ khá thú vị khi lời câm – “lời không còn chữ” mà nhà văn Nhật Bản từng nhắc đến lại thấp thoáng bóng dáng trong trang viết của một nhà văn Việt Nam. Trong “Không ai qua sông”, lời câm xuất hiện vào lúc đối thoại đã mất đi vai trò kết nối, người nói miễn cưỡng nói mà người nghe cũng chẳng thiết tha nghe.

Lời câm

Biết mở lời làm sao khi mà chỉ qua một đêm, mọi vun vén cho một cuộc tình viên mãn bỗng dưng đứt phựt – như con diều gập cánh ngang trời. Khi gã trai quê “gần như trườn sát đất dưới từng thằng người khẳng mùi bia, mùi nước tiểu, mùi tinh trùng một nắng” dưới cái nhìn “tê dại” của bạn gái. Biết trả lời như nào trước mấy chục phóng viên đang hồ hởi hỏi về tấm huy chương vàng maraton thế giới. Chả nhẽ lại thật thà thừa nhận: “Tôi chạy giỏi như vầy là nhờ mẹ lấy đòn gánh rượt đánh tôi hoài”. Những lời thiệt tâm đáng lẽ phải được nói ra cho bằng hết đã bị ẩn nhẫn nuốt gọn vào trong. Chúng rơi vào khoảng không thinh lặng, chúng lẩn khuất sau cánh cửa nội tâm đầy sóng gió, cho đến một ngày, khi cánh cửa kia không còn đủ sức níu giữ, mọi thứ sẽ vỡ tuôn. Để rồi những “lời có chữ” thốt ra lúc ấy còn bén ngót hơn cả lưỡi dao:

“Mắc cười, bộ biểu tình thì không bị đánh nữa sao?”

“Tôi mà đi theo anh rồi thì thằng vô lương sẽ thảnh thơi đã đời, vậy đâu được.”

“Nuôi con c*! Đầu gối trơn lùi thì biết gì chuyện mùa màng của bọn này.” 

“Tổ cha mày, Nhí. Tao say quá nên lỡ tay thôi. Tao xin lỗi mày Nhí ơi, mụ nội mày.”

Muôn vàn những kiểu lời câm khác nhau lần lượt xuất hiện trong tập truyện ngắn này. Lời của hận thù mài nhẵn trên cái nút áo giựt được từ kẻ hãm hiếp. Lời của tự vấn“miết thành rãnh trong đầu” mỗi khi ngang qua nhà người yêu cũ. Lời của ẩn số không thể giải mã vì người ta đã gói ghém mang theo trước lúc gieo mình từ lầu cao. Lời lạnh tanh mùi máu của bánh xe xích nghiền nát đất ruộng Nhơn Thành. Lời bải hoải giữa mùa chán chết sắp tàn cuộc nhậu mắm lòng khế chua. Thi thoảng, mới lẫn vào đấy một vài lời câm êm dịu ấm tình, như ánh nhìn “tem tẻm” của Mười ngồi nhìn Cao Bồi ăn từ bữa này qua bữa khác (truyện “Nhổ quán”).

“Mình có hay không, ma hay người?”

Tư trăn trở vì người ta dần “nghiện” giữ lại những lời câm cho riêng mình. Họ không dám nhìn thẳng vào mắt nhau mà hỏi về sự thật, họ đánh mất phản xạ quăng lấy câu chửi thề để xả tuôn bực dọc; họ thừa thời gian để hoài nghi nhưng lại thiếu kiên nhẫn để trải lòng về mối ngờ vực. Và khi bấm chốt cánh cửa chôn vùi lời câm, họ không thể ngờ rằng, sự thinh lặng ấy có sức tàn phá khủng khiếp. Nó có thể biến một người lành như đất thành kẻ sát nhân (truyện “Giữa mùa chán chết) và biến một kẻ tội nhân trở thành “bất tử” (truyện “Nút áo”). 

Nếu độc giả thường đọc tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư sẽ nhận ra Tư luôn khắc khoải về cách mà con người kết nối với nhau. Còn lại gì ở phía bên kia những lời không còn chữ nếu không là những thương tổn không thể chữa lành, những gãy đổ không thể hàn gắn? Tư day dắn nỗi bất an ấy thành niềm trăn trở trên từng trang viết về mảnh đất Nhơn Thành. Nhơn Thành cũng giống như một xã hội thu nhỏ mà ở đó, trên cái nền xáo trộn của nhịp sống đầy biến động, con người dường như quên mất mình đang nói cùng một thứ ngôn ngữ. Thành thử người không chạm được đến người, và người thường khát cầu nghe tiếng của nhau.

Lúc đó Tây mười bốn tuổi, cảm thấy không ổn chút nào những lần vô thức hỏi mẹ ơi đồng phục con đâu, mà không tiếng ai vọng lại.” (“Chỉ gió trả lời câu hỏi”)

“Người cha bỏ đũa cười, nói “ờ phải, con đào hát thì học cũng chẳng tới đâu”. Lời không dễ nghe nhưng thằng nhỏ mừng húm cha in bóng nó vô mắt, dù là khoảnh khắc.” (“Đất”)

Không ai qua sông mở đầu bằng “Vực không đáy”, một truyện ngắn khá “hiền” bởi không cài cắm tình tiết éo le, không đưa đẩy xung đột cao trào; sự dữ dội của tập truyện cứ thế tăng dần rồi khép lại bằng một nút thắt nghẹt thở mang tên “Đất”. Một cái kết day dứt với dấu chấm hỏi trôi lửng lơ trên trang sách cuối cùng

“Mình có hay không, ma hay người?”

Mình có hay không, nghe thấy tiếng của nhau?

An Quy