Ở tiết học trước, các em đã được tìm hiểu văn bản “Tức nước võ bờ” trích trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Dưới ngòi bút hiện thực của nhà văn, chúng ta đã hiểu được một phần nào hiện thực xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945 qua gia cảnh nhà chị Dậu. Trong xã hội đó, những người nông dân phải chịu một ách hai tròng, họ không chỉ chịu nội khổ về sưu thuế mà còn còn vô vàn những ách áp bức bất công khác. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm một nhân vật nông dân điển hình của xã hội đó, đó chính là tác phẩm Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.
Nội dung bài viết
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
- Nam Cao (1915 – 1951), quê làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
- Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc với những truyện ngắn và truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người tri thức sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ.
- Sau cách mạng, Nam Cao chân thành, tận tụy sáng tác phục vụ kháng chiến. Ông đã hy sinh trên đường công tác ở vùng sau lưng địch.
- Nam Cao được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
- Tác phẩm chất: Chí phèo (1941); Trăng sáng (1942); Đời thừa (1943); Lão Hạc (1943); Tiểu thuyết Sống mòn (1944);…
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ: Lão Hạc là một truyện ngắn xuất sắc viết về người nông dân của Nam Cao, đăng báo lần đầu năm 1943.
b. Bố cục: 2 phần
- Phần 1: Từ đầu … đáng buồn: Những việc làm của Lão Hạc trước khi chết
- Phần 2: Còn lại: Cái chết của Lão Hạc
c. Tóm tắt đoạn trích “Lão Hạc” – Nam Cao
Lão Hạc là một lão nông nghèo trong làng. Vợ lão mất sớm, đề lại cho lão một đứa con trai và một mảnh vườn do bà cố công tích góp mãi mới mua được. Vì nghèo quá, lão không có tiền để cưới vợ cho con, con trai lão vì thất tình nên quyết tâm vào đồn điền cao su đi làm kiếm tiền để không bị người ta coi khinh nữa.
Vậy là một mình lão ở nhà với con Vàng (con chó của người con trai để lại), lão có một người hàng xóm tốt bụng là ông giáo. Chuyện gì của lão, lão cũng kể với ông giáo. Rồi lão bán con Vàng, được bao nhiêu tiền lão đưa hết cho ông giáo giữ để lo ma chay cho mình với để cho con trai lão. Lão gặp Binh Tư và xin ông ta một ít bả chó, vài ngày sau lão chết. Cái chết của lão rất đau khổ, vật vã, những cơn đau hành hạ lão tận hai giờ đồng hồ. Trong làng không ai hiểu vì sao lão chết, chỉ có ông giáo và Binh Tư mới hiểu.
II. Tìm hiểu văn bản
1. Nhân vật lão Hạc
a. Gia thế của lão Hạc
- Vợ lão mất sớm, nhà nghèo, lão phải chịu cảnh gà trống nuôi con.
- Nhà nghèo, vì không đủ tiền cưới vợ cho con, con trai lão đã phẫn chí nên bỏ đi làm ăn xa, lão sống một mình và chỉ có con chó vàng làm bạn.
=> Lão Hạc sống một cuộc sống cô đơn, bất hạnh và đáng thương.
b. Trước khi bán chó:
- Tình yêu thương của lão Hạc với cậu Vàng:
+ Lão Hạc gọi con chó vàng là Cậu vàng và xưng là ông đã thấy ông rất yêu quý nó.
+ Hằng ngày, lão chăm sóc nó không khác gì người cha, người ông, chăm chăm sóc người con, người cháu nhỏ (tắm, bắt giận, cho ăn bằng bát như nhà giàu), trò chuyện tâm tình thủ thỉ, gắp thức ăn cho nó như người bạn tâm giao ngồi nhắm rượu. Đôi lúc lão còn mắng yêu, dọa yêu như đứa cháu nhỏ: “bố mày về thì nó giết” rồi lại xoa dịu, nói nựng như dỗ dành “À không! À không! Không cho giết cậu Vàng đâu nhỉ! Ông để cậu Vàng ông nuôi…”
=> Có thể nói, tác giả đã dùng biện pháp độc thoại và nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật hết sức thành công để làm nổi bật tình yêu thương sâu sắc của lão Hạc dành cho con chó Vàng. Qua đó ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân yêu thương loài vật.
- Nguyên nhân bán chó: Có 3 nguyên nhân:
+ Sau trận ốm hai tháng mười tám ngày thì số tiền lão Hạc dành dụm cho đứa con trai đã tiêu hết vào việc mua thuốc và ăn uống.
+ Sau trận ốm đó, lão Hạc đã yếu người đi ghê lắm, không thể cày thuê, cuốc mướn được nữa mà việc nhẹ thì đàn bà tran nhau làm hết rồi. Lão rơi vào cảnh thất nghiệp, đói deo đói dắt, không thể có hai hào đến ba hào để đong gạo nuôi miệng thì làm sao nuôi được con chó, trong khi con Vàng ăn khỏe hơn lão, mỗi ngày phải mất hai hào mua gạo.
+ Trận bão kéo đến phá hết hoa màu trong vườn nên lão Hạc không có gì để bán. Nếu để con chó lại thì nnos sẽ không có ăn, nó sẽ gầy đi.
=> Như vậy, xuất phát từ tình thương con, thương loài vật, lão đành quyết định bán con chó mà lão yêu quý. Những lời lão Hạc tâm sự với ông giáo cho thấy lão thật đáng thương và cũng đáng trọng. Dù rơi vào hoàn cảnh đói khổ không còn cái ăn những trong lòng vẫn hướng về đứa con trai nơi xa cách.
c. Sau khi bán chó:
- Lão cố làm ra vui vẻ nhưng trong tâm rất đau đớn: Cười như mếu, mắt ầng ậc nước.
- Diện mạo, cử chỉ thì thật đáng thương: mặt co rúm lại, nếp nhăn xô lại, đầu nghẹo về một bên, miệng móm mém.
- Tiếng khóc hu hu như một đứa trẻ oan ức điều gì đó.
- Tự cho mình là kẻ khốn nạn, lừa con chó.
- Tưởng tượng con chó đang kêu ư ử là đang chửi mình: “A! lão già tệ lắm! tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?”
=> Đây là lời nói, hay chính là lời xám hối, lời tự thán, tự trách mình quá phũ phàng, tàn nhẫn của một tấm lòng nhân hậu. Từ nét ngoại hình quằn quoại đến những lời ăn năm, sám hối này, lão Hạc quả là một con người nặng tình, nặng nghĩa, thủy chung và vô cùng trung thực.
- Nam cao đã sử dụng hàng loạt từ ngữ, hình ảnh để tả thái độ, tâm trạng của lão Hạc sau khi đã buộc lòng phải bán cậu Vàng.
+ Ầng ậc: nước mắt dâng lên sắp tràn ra ngoài mi – khóc từ trong gan, trong ruột, trong lòng khóc ra.
+ Khóc hu hu là cái khóc bình thường: hu hu khóc, tác giả đảo từ tượng thanh huhu lên trước “khóc” nhấn mạnh tiếng khóc của lão Hạc, lão khóc – tiếng khóc òa vỡ tức tưởi – tiếng lòng đau đớn xót xa, ân hận vì lão đã lừa dối cậu Vàng.
=> Tác giả đã lột tả được sự đau đớn, hối hận, xót xa, thương tiếc… tất cả đang trào lên, đang òa vỡ trong lòng một ông già giàu tình thương, giàu lòng nhân hậu. Nhà văn đã thể hiện thật chân thực, thật cụ thể và chính xác, tuần tự từng diễn biến tâm trạng đau đớn cứ dâng lên như không thể kìm nén nổi nỗi đau, rất phù hợp với tâm lý, hình dáng và cách biểu hiện của những người già.
=> Nam Cao thành công với nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, khắc họa tâm trạng của con người qua nét mặt, cử chỉ và lời nói. Qua đó, ca ngợi tấm lòng nhân hậu của một người nông dân nghèo khổ mà yêu thương loài vật như con đẻ của mình vậy. Đó chính là giá trị nhân văn của tác phẩm, khơi gợi được ở người đọc lẽ sống lương thiện, nhân ái.
=> Xung quanh việc bán chó, ta còn nhận thấy tình cảm đáng thương của những người nông dân trước cách mạng tháng tám: đói kém, nghèo khổ bởi nạn đói và thiên tai.
2. Cái chết của lão Hạc
- Nguyên nhân dẫn tới cái chết của lão Hạc:
+ Nạn đói, thiên tai đưa lão Hạc rơi vào hoàn cảnh đói khổ, có khi ăn rau má, sung luộc, bữa trai, bữa ốc nhưng rồi tất cả những thứ đó cũng không còn, nên không thể tồn tại.
+ Lão có thể bán đi mảnh vườn để sống qua ngày nhưng lão quyết không bán, quyết định chọn cái chết.
=> Nguyên nhân là do đói khổ và thương con.
- Thu xếp trước khi chết:
+ Viết văn tự gửi ông Giáo giữ hộ mảnh vườn để sau này con trai lão về có đất làm ăn.
+ Gửi ông giáo ba mươi đồng để khi có chết thì nhờ ông giáo và hàng xóm lo ma giúp.
=> Việc làm ấy của lão Hạc cho thấy là người giàu lòng tự trọng. Lão sống có trách nhiệm, lo lắng cho tương lai của con trai chứ không theo quan niệm của một số người “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Lão không muốn trở thành gánh nặng của những người xung quanh vì lão biết họ cũng nghèo khổ, nheo nhóc như mình cả. Cách sống đó của lão thật đáng trân trọng.
- Một cái chết dữ dội và đau đớn:
+ Lão Hạc chết thật bất ngờ; bất ngờ với tất cả. Sự bất ngờ của cái chết ấy càng làm cho câu chuyện thêm căng thẳng, thêm xúc động. Mâu thuẫn bế tắc được đẩy lên đỉnh điểm và kết thúc một cách bi đát và tất yếu.
+ Cái chết của lão Hạc thật dữ dội và kinh hoàng. Vì đó là cái chết do bị trúng độc bả chó.
+ Lão Hạc chết trong đau đớn, vật vã ghê gớm, cùng cực về thể xác: người giật mạnh, đầu tóc rũ rượi, bọt mép sùi ra, mắt long sòng sọc, miệng tru tréo, quần áo xộc xệch… vật vã gần hai giờ đồng hồ.
+ Lão Hạc đã chọn một cách giải quyết đáng sợ nhưng là một cách như để tạ lỗi cùng cậu Vàng.
- Cái chết của lão Hạc có ý nghĩa thật sâu sắc:
+ Một mặt, góp phần bộc lộ rõ số phận và tính cách của lão Hạc, cũng như tính cách và số phận người nông dân nghèo trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng tám: nghèo khổ, bế tắc cùng đường, giàu tình yêu thương và lòng tự trọng.
+ Mặt khác, cái chết của lão Hạc có ý nghĩ tố cáo hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến cách chúng ta hơn nửa thế kỷ – cái xã hội nô lệ tăm tối, buộc những người nghèo, đưa dẫn họ đến đường cùng. Họ chỉ có thể hoặc sa đọa, tha hóa, hoặc giữ bản chất lương thiện, trong sạch, tìm lại tự do bằng cái chết của chính mình.
3. Nhân vật ông Giáo – người kể chuyện
- Ông Giáo là một người trí thức nghèo sống ở nông thôn, cũng là một người giàu tình thương, lòng tự trọng: Ông Giáo tỏ ra thông cảm, thương xót cho hoàn cảnh của lão Hạc, tìm nhiều cách an ủi, giúp đỡ lão Hạc.
- Ông Giáo rút ra triết lý về nỗi buồn trước cuộc đời và con người: Một mặt ông tỏ ra thông cảm với nỗi khổ tâm của vợ, vì sao mà vợ ông lại không chịu giúp đỡ lão Hạc. Mặt khác, ông Giáo buồn vì lòng tự ái của lão Hạc, của mình đều rất cao, nên hai người cứ xa nhau dần.
- Khi biết lão Hạc xin bả chó của Binh Tư, nghe câu nói đầy vẻ mỉa mai thì ông giáo nghĩ : Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn. Vì ông thất vọng trước sự thay đổi cách sống không chịu đựng được, đói ăn vụng, túng làm càn của một người trong sạch, đầy tự trọng đến như lão Hạc.
- Nhưng cái chết bất ngờ và dữ dội của lão Hạc thì tâm trạng của ông Giáo lại chuyển biến. Ông nghĩ: Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, nhưng lại đnasg buồn theo một nghĩa khác:
+ Chưa hẳn đáng buồn vì vẫn có những cái chết đầy hy sinh và bi phẫn như cái chết của lão Hạc: Nhân tính vẫn chiến thắng, lòng tự trọng vẫn giữ chân con người trước bờ vực của sự tha hóa.
+ Nhưng đáng buồn theo một nghĩa khác: Những người tốt như lão Hạc, đáng thương, đáng trọng, đáng thông cảm cuối cùng vẫn rơi vào bế tắc, vô vọng, vẫn phải tìm đến cái chết như là sự cứu cánh duy nhất.
=> Thông qua nhân vật ông Giáo, nhà văn bày tỏ những trăn trở suy nghĩ về lẽ sống và hiện thưc cuộc đời, hướng con người tới cái thiện, cái tốt đẹp.
III. Tổng kết
1. Nội dung
- Thể hiện một cách chân thực, cảm động số phận đau thương và phẩm chất cao quý của người nông dân cùng khổ trong xã hội thực dân nửa phong kiến ở nước ta trước cách mạng tháng 8 – cái xã hội mà “Hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người này co thì người kia bị hở”.
- Nhà văn đã thể hiện lòng thương yêu, thái độ trân trọng đối với những con người bất hạnh nhưng vẫn cao thượng chất phác, đôn hậu và đáng kính.
2. Nghệ thuật
- Kết hợp tự sự, miêu tả và biểu cảm.
- Kể chuyện tự nhiên, linh hoạt, khách quan.
- Xây dựng nhân vật: tiêu biểu, điển hình.
- Kết hợp triết lý và trữ tình.