“Lâu Đài” được xuất bản năm 1926, hai năm sau khi Kafka chết, do bạn thân của ông Max Brod biên tập lại cho việc xuất bản. Tác phẩm là một bản thảo chưa hoàn thiện trước khi Kafka chết, giống như hai tiểu thuyết còn được giữ lại của ông là “Vụ Án” và “Người mất tích” (The Man Who Disappeared).

Sinh thời, Kafka không có tên tuổi trong giới văn học nhưng sau khi các tác phẩm của ông được biết đến rộng rãi hơn, Kafka trở thành “thần tượng của các thần tượng”. Người ta còn muốn gán cả thế kỷ XX thành “thế kỷ của Kafka”. Đáng tiếc 90% số lượng sáng tác của ông đã bị ông tiêu hủy trước khi mất. Chúng ta còn cơ hội đọc một số tiểu thuyết của ông cũng nhờ vào người bạn thân của ông, Max Brod, đã đi ngược lại di nguyện của ông trong việc hủy đi các tác phẩm của mình. 

Bàn về sự phi lý trong chủ nghĩa hiện sinh

Franz Kafka là người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh và tác phẩm của ông phản ánh rõ nét sự phi lý trong tư tưởng chủ nghĩa hiện sinh. Đó là sự phi lý giữa cuộc đương đầu giữa con người với xã hội, sự cam chịu của con người trước bộ máy công quyền không tưởng, và sự phí lý trong nhận thức vấn đề của con người với con người. Cụ thể ở đây, chính là cuộc đương đầu của nhân vật K. với hệ thống công quyền Lâu Đài. Đó biến cố bất hạnh của gia đình Barnabas trước sự đòi hỏi phi lý của tên viên chức Sortini và sự ghẻ lạnh của người dân trong làng.

K. đến làng với tư cách là một người đạc điền. Nhưng người ta lại không giao cho K. bất cứ công việc gì mà cho rằng đó là một sự nhầm lẫn trong quá trình xử lý văn bản và phân công nhiệm vụ từ những người quản lý cấp trên. Trong khi đó, K. vẫn nhận được những lá thư về lời khen cho công việc “không làm gì” của mình từ ngài Klamm, một công chức có quyền trong Lâu Đài, người có trách nhiệm với một số công việc trong làng.

Sự phi lý này còn phản ánh qua câu chuyện của gia đình Barnabas, mong muốn xóa bỏ những định kiến và ghẻ lạnh của người làng sau khi cô con gái út của họ, Amalia, xé vụn bức thư của tên viên chức Sortini với những lời lẽ nhục mạ nhân phẩm của cô. Họ ra sức tìm cách tiếp cận được tên viên chức Sortini và tìm kiếm người đưa thư nhiều năm trời trong vô vọng. Còn người dân trong làng thì cho hành động của Amalia là sự nhục mạ đối với người trong công quyền, một sự ghê tởm không thể chấp nhận được. Cái phi lý ở đây chính là nhận thức của con người trao công lý cho kẻ gây hại và bản án cho kẻ bị hại. 

Những hiện thực về số phận con người 

Đằng sau tác phẩm ta thấy sự đơn độc, những nỗi đau, tuyệt vọng, mong muốn được kết nối của con người. Những như cầu cơ bản của con người như tình dục, sự tôn trọng và thấu hiểu. 

Đó là sự đơn độc của K. trong hành trình tìm việc sự thừa nhận cho bản thân, muốn người ta công nhận cho công việc và chỗ đứng của anh trong làng. K. vật lộn với tầng tầng lớp lớp những lá chắn để tiếp cận được với người có khả năng đưa ra phán quyết cho công việc của mình. Không những không nhận được sự giúp đỡ mà K. còn bị cô lập, ngăn cản và ngay cả người vợ sắp cưới của mình, Frieda, cũng rời bỏ K. chỉ vì những xúi giục và cám dỗ bên ngoài. K. đã cố gắng níu kéo mối quan hệ với Frieda vì mong muốn về một cuộc sống gia đình, có người yêu thương, chăm sóc.

Đó là sự tuyệt vọng của bà chủ quán Bên Cầu trong câu hỏi bao năm không thể trả lời được đó là tại sao bà ta không được ngài Klamm, gọi đến nữa. Bà ta bám víu vào những thứ xin được từ chỗ ngài Klamm trước kia để làm điểm tựa sống tiếp. 

Ngoài ra, những đối thoại dài trong tác phẩm khiến người đọc có cảm giác như các nhân vật đang giãi bày tâm sự. Nhưng điều mà bao lâu nay họ không thể nói với ai. Ngay lúc đó K. xuất hiện, họ như những kẻ chết đuối với được sợi dây leo. 

Châm biến chế độ công quyền 

Tác phẩm có những nét tương đồng với “Vụ Án” về một bộ máy công quyền (Lâu Đài) không tưởng, không tưởng cho cách thức hoạt động chặt chẽ mà lỏng lẻo, những tên viên chức tài năng, liêm khiết mà vô lại, ngu xuẩn. Mới đầu người ta sẽ nghĩ đó là một bộ máy có tính hệ thống cao, phân chia quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng, nhất quán. Mọi việc được giải quyết đúng đắn hợp lý, không phạm phải các sai sót và có tính bảo mật cao. Thế nhưng nó lại cồng kềnh, thừa thãi, máy móc và chung quy lại không có sự hiệu quả dẫn đến cả người dân lẫn công chức đi trong một hệ thống mù mịt, bế tắc.

Những người tiếp dân thì sợ hãi thấy bộ mặt của đương sự, khiến họ mới tổ chức nó vào ban đêm. Trong bức tranh nửa sáng nửa tối, họ không nhìn rõ ai đang đối thoại với mình, rồi sau đó không bị họ ám ảnh. Vừa khiến họ trở nên mẫn cán mà có được sự thanh thản. Tất cả các thông tin được lập thành biên bản, mà đôi khi một người không cần phải có mặt tại cuộc hội ý hay họp mặt vẫn có thể ghi biên bản theo lời nói từ một bên kể lại. Rồi truyền qua truyền lại thành tam sao thất bản. Người liên quan thì ngán ngẩm với số lượng quá lớn các thông tin cần xem xét xử lý. Thật lạ là những người dân ở đây họ coi những viên chức như những vị thánh, mọi điều họ làm đúng tuyệt đối và giống như ban ân

K. là người lạ và không quen với cách thức vận hành hệ thống công quyền nên phải vật lộn với nó liên tục trong suốt 6 ngày đêm kể từ khi bước chân vào làng. Để rồi đến ngày thứ bảy thì chết vì kiệt sức (theo lời kể lại về cái kết từ Max Brod vì Kafka đã dừng lại trước khi mọi chuyện ngã ngũ). Nhân vật này giống như nhân vật K. trong “Vụ Án”, cả hai đều tranh đấu đến cuối cùng cho quyền lợi của mình và không chấp nhận những bất công xã hội hay lùi bước trước thế lực từ bộ máy công quyền.

Nếu Lâu Đài là sợi xích trói buộc con người, thì K. là đại diện cho người đấu tranh phá bỏ xiềng xích.

Nghệ thuật đối thoại trong tác phẩm văn học

Trong nhiều tác phẩm về việc sáng tác văn học, các tác giả có đề cập đến việc viết hội thoại trong tiểu thuyết là một trong những phần khó nhất vì nó yêu cầu lời thoại có sức hấp dẫn, không lan man làm nản chí người đọc, cần súc tích giữ được chất giọng riêng của nhân vật, đồng nhất và thể hiện được tính cách, nét đặc trưng riêng của họ. Vậy thì hãy đến với tác phẩm của Kafka. Các đoạn hội thoại dài hàng trang giấy, và tưởng chừng như không ai ngăn họ lại thì họ cứ ngồi đó mà nói đến hết cuộc đời cũng chưa xong. Những cuộc đối thoại này có sự nghịch lý của việc vừa hấp dẫn lại vừa nhàm chán. Chúng lôi cuốn, khiến người đọc khó lòng dứt ra và cần đọc tỷ mẩn xem họ đang nói gì và nói đến đâu rồi. Nhưng vì nó quá dài, khiến người ta có cảm giác đang nghe bài diễn thuyết ở đâu đó mà không liên quan đến mình. Câu chuyện của họ lại còn vừa hài hước vừa nực cười. Vừa mới cười phá lên thì lại phải đăm chiêu ngay sau đó.