Năm tháng trôi đi như cuốn theo hàng tấn tro bụi phủ mờ lên hình hài con người đã đứt ruột sinh tôi ra, khiến mớ ký ức ngổn ngang trong tiềm thức cứ họa hoằn lúc có lúc không  của nỗi nhớ hay nói đúng hơn là nỗi ám ảnh về bà. Lắm khi tôi lại ngô nghê ước rằng bà là một người qua đường thoáng nhớ rồi quên, để ngóc ngách nào đó trong lòng, với tôi bà vẫn là người quen-bình thường-không thân thuộc…

Cũng đã rất lâu tôi không được gọi bà là “Mẹ” mà đúng ra là không còn quyền để gọi bà theo cách thiêng liêng như thế! Nhưng ngẫm lại thẳm sâu trong tâm khảm của mình, tôi vẫn còn thương bà nhiều hơn là hận.

Cầm tấm bằng Đại học sư phạm trong tay và lòng đang hân hoan chờ ngày trở về ôm ba thật chặt, để ăn món canh chua tuy mặn nhưng tôi cho đó là “vị riêng” của ba, được trông nhìn cái dáng còm cõi vì tháng năm vất vả lo cho tôi ăn học, tôi thèm được như thế! Rong ruổi trên những nẻo đường Sài Gòn nắng gió này với tôi đã thành lệ, vẫn là con đường đến quán cơm tôi làm thêm nhưng hôm nay đã là ngày coi như cuối cùng tôi đi đến đó, chỉ để nhận lương và quay về quê.

 Lướt qua mắt tôi là người phụ nữ sang trọng, mặc đầm tây, đeo nhiều trang sức và bên cạnh là đứa con tầm nhỏ hơn tôi ba tuổi, họ đang mua bánh kem bên tiệm ven đường- thứ bánh xa xỉ mà trước nay tôi chưa bao giờ được nếm qua. Bất giác, những mảnh vụn ký ức trong tôi bất chợt ùa về, nhớ lại tấm ảnh ba đưa cho tôi rồi bảo tôi đi tìm mẹ cách nay bốn năm, bà ta trông hao hao như thế. Đưa chân xuống đường chống cho chiếc xe đạp cũ kĩ đứng vững, tôi thấy mình sống lại ngày trước…

Cái ngày bóng tối ảm đạm trùm lên những số phận con người sống mỏi mòn trong xóm nghèo quê tôi- mảnh đất mà người ta đã đè ngửa ra gọi là “đất chết” khi hết hạn hán rồi lại ngập mặn kéo dài, số người rong ruổi bỏ đất, bỏ quê đi tha phương cầu thực, số khác sống lay lất trong bệnh tật, đói nghèo. Nhìn đi ngoảnh lại, nơi đây chỉ còn những căn nhà xiêu vẹo, người già và trẻ nhỏ cưu mang nhau mà sống, đói nghèo đối với vùng này đã là một nỗi ám ảnh xưa nay, giờ lại thêm dịch bệnh, bất lực nhìn đồng ruộng trỏng trơ không thể cấy cày, tất cả những thứ ấy đã in rõ mồn một vào tâm trí tôi thuở mới lên năm. Nhưng không riêng gì thiên nhiên khắc nghiệt, mà lòng người cũng chính vì đói nghèo làm cho chai sạn, mẹ tôi đoạn đành dứt áo ra đi trong đêm trăng vằng vặc giữa trời như thể để minh chứng cho mối tình tan vỡ, minh chứng cho một con người mất đi thiên chức làm mẹ, một con người mất đi hơi ấm tình thương khi tuổi còn quá nhỏ và một gia đình đỗ vỡ giữa cái mặn chát của đất, nước nơi này. Tôi trách sao hôm đấy ba uống nhiều rượu thế, để  không đủ tỉnh táo ngăn bước mẹ rời đi… Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu quá nhiều thứ khiến ba mẹ tôi cãi nhau nhiều hơn trước nhưng giá mà mẹ giận dỗi ra đi trong những lúc ấy thì tôi phần nào cảm thông cho bà. Còn đêm nay, tôi đã thấy ba cặm cụi ngoài vườn chặt tre giũa thành chiếc kẹp tóc nhỏ, vừa làm vừa hát, tôi biết chắc là ba muốn tặng mẹ vào ngày sinh nhật chỉ còn cách hai ngày.

 Nhưng rồi cái giây phút định mệnh đã đến, giữa khuya mẹ trở dậy, lấy túi đồ giấu sẵn dưới gầm giường rồi lách cửa ra đi, tôi vội vàng chạy theo mà không dám khóc mặc dù cơn nấc nghẹn đã ứa đầy lên cổ. Mẹ ôm tôi vào lòng, thì thào: “Con gái thương mẹ thì hãy để mẹ đi, Tết năm sau mẹ sẽ về mua cho con thật nhiều đồ chơi và quần áo mới”.

Tôi khóc đến không nói thành lời, trong màn đêm giăng kín các ngõ ra xóm, mẹ tôi đã khuất bóng tự khi nào. Mẹ ơi còn chiếc kẹp ba vẫn chưa cài được lên mái tóc thơm mùi bồ kết của mẹ, còn vô vàn tình cảm ba hằng trao gửi bên trong ấy, mẹ có còn muốn thấy nữa không?

Tôi chỉ biết lẳng lặng quay vào nhà ôm lấy chiếc gối còn đượm mùi mồ hôi của mẹ mà khóc, cố khóc thật nhỏ để ba không nghe thấy tiếng nức nở của mình. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi không gọi ba chạy theo ngăn mẹ lại nhưng chắc có lẽ tôi đủ để hiểu rằng, níu kéo một người không thuộc về nơi đây sẽ chỉ giữ được thể xác họ chứ phần hồn thì lang thang đâu đó mất rồi, hơn thế tôi còn tin vào lời hứa quay về của mẹ và niềm tin về mái ấm sum hợp vào tết Nguyên Đán năm sau.

Tính đến nay đã là mười tám năm tôi sống trong những ngày không có mẹ, mười tám năm tôi chênh vênh trong nỗi nhớ niềm thương vô hạn về bà và cũng ngần ấy năm tôi ao ước một ngày sum họp viên mãn như ánh trăng rằm. Và tôi vẫn ghét, ghét đến cay đắng những vết nhăn in hằn lên khuôn mặt ngày càng gầy sọp, già đi của ba, ghét trông thấy biết bao nỗi cơ cực đổ dồn lên đôi vai con người đã sống hết nửa đời mình trong buồn khổ. Tôi lại càng xót xa nhìn thấy cảnh ba uống nhiều rượu rồi nằm vắt chân ngoài hiên cất lên mấy lời hát khàn khàn nghe như xát muối vào lòng, thỉnh thoảng ba lại lấy trong túi ra tấm ảnh trắng đen của mẹ và chiếc kẹp dở dang ba không buồn làm nốt. Những lúc như thế, tôi rất sợ, tôi sợ ba sẽ đốt đi những kỷ vật cuối cùng về mẹ, nhưng không, ông cất chúng vào chỗ cũ rồi lủi thủi ra sau vườn. Có lẽ cái đau đớn tột bậc nhất trong mỗi đời người không hẳn là sự mất mát mà chính là nỗi ám ảnh, dằn vặt đeo bám dai dẳng, chốc chốc lại chọc một nhát thật sâu vào vết thương mới vừa thôi rỉ máu…

Thế là hết năm này đến năm nọ qua đi, tôi với ba đã đón bao nhiêu là cái tết trong nỗi trông ngóng mỏi mòn về mẹ. Khi ba càng rộng lòng tỉ mẫn trau chuốt cho chiếc kẹp thêm đẹp, thêm bóng thì tôi lại càng uất hận mẹ nhiều hơn. Giá mà ba mặc nhiên để cái tết trôi qua với nồi thịt kho tàu nóng hổi mà tôi chắt chiu lắm từ công việc làm thêm mới có thể mua được thì chắc là tôi sẽ nhẹ lòng hơn…

Ba yêu mẹ theo cách mà khó ai có thể hiểu được từ cái nhìn bên ngoài, với tôi, ba cũng như thế. Cứ mỗi độ từ Sài Gòn về thăm nhà, ba luôn dúi vào tay tôi ít tiền trước lúc tôi đi, rồi dặn dò việc ăn uống, ngủ nghỉ. Cái cảm giác khi ấy khác hẳn với lúc tôi bị ba đánh mạnh vào mông độ lên mười vì cứ khóc òa đòi mẹ, nhưng tôi biết, chính những lúc ấy lòng ba đau gấp vạn lần những vết đỏ trên da thịt tôi.

Cơn mưa rào bất chợt đến giữa độ Sài Gòn đang oi bức khiến tôi choàng tỉnh, có nên chăng khi cho mình sống về quá khứ khi mà dì ba đã bảo rằng mẹ giờ đang hạnh phúc bên ông chủ xưởng chao và có được một cuộc sống đầy đủ hơn tôi đã từng cầu chúc cho bà. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ nâng bước chân tôi quay về mà không cố tìm gặp lại mẹ sau bao ngày xa cách, tôi không muốn làm xáo trộn cuộc sống của bà hiện tại cũng như không muốn làm nỗi đau trong lòng ba mới vừa chợp mắt lại bừng tỉnh, cựa quậy và dằn vặt tâm hồn ông.

 Tôi đi nhanh đến tiệm cơm rồi quay về thu dọn đồ đạc, ôm theo con lợn đất đầy ắp những đồng tiền mà ba đưa cho, tôi không tiêu đồng nào kể từ khi tìm được việc làm thêm. Tôi dự định sẽ dùng số tiền ấy sửa lại căn nhà và để ba dưỡng già, ý nghĩ ấy an ủi tôi phần nào…Căn nhà im ắng, chỉ nghe tiếng lá xào xạc rơi ngoài hiên. Tôi lặng người đi khi thấy ba đang lom khom chăm tưới cho mấy gốc mai già trổ hoa vàng rực, cầm thêm chiếc chổi con quét lá mai khô. Đây- mảnh vườn tuổi thơ tôi đã bao lần ngồi khóc khi bị ba đánh hay khi qua tết mà mẹ vẫn chưa về. Bao nhiêu năm tôi không đoái hoài để ý, giờ đây nhìn lại mấy gốc xoài đã cao lớn hẳn, tỏa bóng mát khắp sân vườn,  dù đã qua bao mùa thay lá, trên thân cây vẫn hằn sâu từng dòng chữ:”Con yêu gia đình này” mà ngày xưa tôi đã từng dùng mảnh chai khắc mạnh. Vết chổi va vào lá nghe buồn xao xác, chính giây phút này đây, tôi cảm nhận được hạnh phúc bình dị của đời mình cùng người cha đã sống hết nửa đời người với nỗi cô đơn. Tôi vẫn muốn gọi đây là một gia đình- một gia đình với tôi là hoàn hảo dù cho chỉ có tôi và ba mà thôi…

Chuỗi ngày tuổi thơ của tôi trôi qua như thế đấy, có những cơn mưa bất chợt đến rồi cũng vội vàng đi, có những tia nắng tình thương ấm áp chốc chốc lại lóe lên rồi vụt tắt, để lại trong lòng họa hoằn bao cảm xúc ngổn ngang, mờ mịt tựa sương mù. Sương giăng mắc khiến hồn người chùn bước hay sương vô tình xoa dịu những vết thương?

Đồng Tháp, tháng 08 năm 2016
Giàu Dương