Nguyễn Khải là cây bút xuất sắc trong nền văn học hiện đại Việt Nam vào thế kỷ XX, với phong cách sáng tác cũng như quan điểm nghệ thuật độc đáo, ở mỗi trang viết mang tên ông luôn tồn tại hơi thở nồng đậm của cuộc đời và nổi bật lên đó là những vẻ đẹp về trí tuệ, tinh thần.

Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Khải

Nguyễn Duy Khải là tên thật của tác giả, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình sa sút ở Hà Nội, vì mẹ nhà văn là vợ lẽ nên ngay từ lúc nhỏ, Nguyễn Khải đã phải trải qua một tuổi thơ chìm trong sự mặc cảm và cô đơn.

Bởi Nguyễn Khải trưởng thành trong thời kỳ đất nước loạn lạc nên khi cùng gia đình chuyển về sống ở quê ngoại thì ông đã tham gia vào đội tự vệ chiến đấu sau đó trở thành bộ đội, y tá và làm việc cho báo Quân Đội Chiến Khu, cũng từ đó cuộc đời viết báo, viết văn của Nguyễn Khải bắt đầu.

Năm mười tám tuổi, nhà văn được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông tiếp tục làm báo và viết ký sự cho quân đội, từ đó thấy được Nguyễn Khải đến với văn chương bằng con đường chính thống, luôn cầm bút cho sự nghiệp xây dựng tổ quốc.

Là cái tên xuất hiện từ cuối Cách mạng tháng Tám đồng thời trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ và công cuộc xây dựng đất nước, Nguyễn Khải bước chân vào văn đàn không hề náo động mà rất lặng lẽ, chậm rãi chứng minh tên tuổi của bản thân.

Ngòi bút Nguyễn Khải luôn tràn đầy sự nhiệt huyết và cái nhìn tỉnh táo trước thế sự đương thời, đọc văn của ông, người ta vẫn thường thấy được một thế giới đa dạng về con người, xã hội đồng thời cũng là ít nhiều thái độ của nhà văn về thời kỳ đổi mới đất nước.

Sau Cách mạng tháng Tám, cuộc đời tác giả bước sang một trang mới, những tác phẩm đầu tay chủ yếu hướng đến sự giải phóng con người về cả thể xác lẫn tinh thần đồng thời tôn vinh, ngợi ca vẻ đẹp của nhân dân trong thời kỳ chiến tranh. 

Ông xác định rõ ràng phong cách sáng tác và trách nhiệm của nhà văn, ngòi bút mang tên Nguyễn Khải luôn khai thác hiện thực một cách triệt để, từ đó giúp cho nhân vật trong tác phẩm cũng như độc giả chiêm nghiệm được những giá trị mà cuộc sống đem lại.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Nguyễn Khải đã hướng bản thân đến một lối đi riêng, ông thường xuyên thay đổi những quan điểm nghệ thuật sao cho phù hợp với bối cảnh thời đại, chúng ta thấy rõ điều đó trong tiểu thuyết Xung đột đến Gặp gỡ cuối năm và cuối cùng là các tập truyện ngắn.

Thành công với nhiều thể loại như bút ký, truyện ngắn, ghi chép hay tiểu thuyết, các tác phẩm mang tên Nguyễn Khải đều chứa đựng những chân lý xã hội đồng thời bộc lộ được rõ ràng quan điểm yêu ghét, khinh trọng và cả sự trải đời trên từng trang viết.

Tác phẩm đầu tay của ông là Mùa xuân ở Chương – Mỹ, sau đó ngòi bút Nguyễn Khải bắt đầu nhận được sự chú ý từ tiểu thuyết Xung đột đến Mùa lạc và một số quyển sách khác như Xung đột phần II, Một chặng đường, Hãy đi xa hơn nữa hay Người trở về và Đường trong mây.

Là một nhà văn đồng thời là một người chiến sĩ, Nguyễn Khải có ý thức lớn lao trong việc cầm bút để chiến đấu, con người ấy không chối từ bất cứ góc khuất nào để rồi những trang viết mang tên ông luôn hiện lên hình ảnh của nhân dân, xã hội và cả thời đại.

Đó có thể là Thời gian của người, Cách mạng vẽ lên câu chuyện đời sống miền Nam sau giải phóng hay cận cảnh công cuộc xây dựng đất nước được tái hiện lại trong Chuyện người tổ trưởng máy kéo, Tầm nhìn xa và cả những chuyển biến sau thời kỳ đổi mới ở Cái thời lãng mạn, Người kể chuyện thuê.

Nguyễn Khải luôn bám sát với thời cuộc, dù ở đâu, nơi nào, chúng ta vẫn cảm nhận được sức ảnh hưởng và sự đóng góp vô cùng to lớn của tác giả trên văn đàn hiện đại Việt Nam.

Cây bút có suy nghĩ và nhận thức lớn trước cuộc sống đang không ngừng thay đổi

Nhắc đến những nhà văn tiên phong cho phong trào đổi mới, chúng ta bắt gặp một số cái tên nổi bật như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng và trong số đó không thể bỏ qua Nguyễn Khải, con người luôn có cái nhìn hiện thực vào mỗi góc độ trong đời sống thường nhật của nhân dân.

“Họ đang tìm cách thích ứng với chế độ mới, cách sống, cách làm việc, cả cách nói năng nữa.” – Một người Hà Nội

Văn xuôi dần thích ứng với thời bình và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thế sự đạo đức, bản thân Nguyễn Khải là nhà văn nỗ lực hòa nhập cũng như thấu hiểu suy nghĩ của nhân dân nên cây bút sung sức này luôn thu hút được đông đảo độc giả ở mọi thời kỳ.

Giống với Nguyễn Huy Thiệp, xã hội hiện lên trong văn chương Nguyễn Khải luôn nói đúng sự thật như chính nhận thức con người trước chế độ mới, tùy bút chính trị Đi tìm cái tôi đã mất là ví dụ điển hình cho triết lý, quan điểm sống của những thế hệ hiện đại lúc bấy giờ.

“Cái buồn cười là cái trái nghịch trong cùng một người, kẻ vô luân nói chuyện đạo đức, tên ăn cắp dạy dỗ phải bảo vệ của công, người hống hách lại là tên nịnh bợ bậc nhất. Con người có con mắt nhìn đầy triết lý.” – Đi tìm cái tôi đã mất

Mỗi trang viết của Nguyễn Khải luôn mang đậm hơi thở nồng nàn của cuộc sống, từng câu chữ như muốn lôi kéo chúng ta đi sâu hơn để thấu hiểu những nỗi niềm trăn trở mà nhà văn muốn gửi gắm, đồng cảm và sẻ chia.

Từ sau năm 1975, việc con người thích nghi như thế nào đối với hoàn cảnh là một câu hỏi lớn được đặt ra cho toàn xã hội, trong đó có cả người cầm bút làm văn chương nên Nguyễn Minh Châu cho rằng, sáng tác văn học chính là sự săn đuổi nhân cách con người.

Nguyễn Khải thể hiện thái độ thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm trước những gì mình đã viết, trong Gặp gỡ cuối năm, ông không hề kiêng nể khi nói đến giai cấp vô sản, chuyện làm chính trị mà ai ai cũng phải ngồi bàn bạc và rồi những chuyện được xem là lớn lao ấy cũng có lúc khiến cho nhân dân chán nản.

“Vứt mẹ nó chuyện chính trị đi! Từ năm năm nay cái nhà này không bàn chuyện chính trị. Thiếu gì chuyện để nói cứ phải nói chuyện chính trị.” – Gặp gỡ cuối năm

Tác giả là người luôn tự nguyện để văn chương gắn liền với sự thật, đồng hành cùng cuộc sống để rồi nói lên sự bất mãn và cách nhân dân tiếp nhận như thế nào về những biến đổi nhanh chóng trước sinh hoạt đời thường ngày càng phồn tạp.

Nhà văn luôn xem quan niệm nghệ thuật là lịch sử của lòng người đồng thời là khoa học thể hiện lòng người, sau mỗi con chữ, Nguyễn Khải luôn trăn trở khi đối diện trước cái phức tạp, tinh vi từ đó mỗi nhân vật trong tác phẩm đều có sự nhận thức về cuộc đời.

Tác giả chậm rãi để chúng ta kịp thời lý giải được hai mặt khác biệt mà hiện thực mang lại, những tác phẩm của ông mang đậm tính thời sự chắc chắn, khẳng định thứ mà con người ta bấy lâu nay vẫn luôn phải đối mặt.

Học cách sống qua những trang văn

Văn học là một trong những hành trình khiến cho nhân loại ngày càng tiến bộ, nó giúp con người sống tốt đẹp hơn cũng như dần hoàn thiện nhân cách của bản thân và Nguyễn Khải đã chinh phục chúng ta qua mỗi trang sách.

Không chỉ giúp đọc giả có nhận thức nhiều hơn đối với cuộc đời mà còn học được cách sống trọn từng khoảnh khắc, trong Một người Hà Nội, tính cách nhân vật ở tác phẩm được xây dựng vô cùng thực tế, một đời của họ chưa từng mắc phải cám dỗ, kể cả chế độ.

“Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ còn sau này muốn sống ra sao là tùy”.” – Một người Hà Nội

Vào thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Nguyễn Khải tập trung sâu hơn trong việc truyền bá, từ đó giúp con người giữ gìn lối sống đạo đức và hoàn thiện bản thân, bởi ông vốn dĩ là người có tính cách ngay thẳng, chính trực nên lời văn cũng vô cùng đanh thép.

Con người trong cuộc sống mới bắt đầu thích nghi nhưng ở họ vẫn còn nhiều bâng khuâng và bỡ ngỡ, tác phẩm của ông luôn xuất hiện kịp thời khi hiện thực vẫn còn mới mẻ, đầy bộn bề và nhiều vấn đề khác đang không ngừng nảy sinh.

Đọc những trang văn trong Mùa lạc, chúng ta sẽ chiêm nghiệm được triết lý cốt lõi mà thế giới đem đến, mùa xuân mang trên mình thương tích của chiến tranh đã kết thúc, mùa xuân thứ hai lại đến, cuộc sống vĩ đại được đánh thức và bản thân sẽ nhận ra rằng, dù có trải qua bao nhiêu năm tháng thì trái tim vẫn luôn trẻ trung và đong đầy.

“Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” – Mùa lạc

Hay trong Một cõi nhân gian bé tí, giọng văn của Nguyễn Khải lúc nào cũng đậm chất triết lý và chiêm nghiệm, nhân vật ở tác phẩm để chúng ta học được cách thích ứng với hoàn cảnh, sống vừa lòng bản thân thì mới chính là sống.

Đối với nhà văn, cái danh cái lợi rất có sức quyến rũ, qua nhiều năm tháng nó bất giác trở thành tiêu chuẩn quan trọng nhất để sống với vợ con, bạn bè, làng xóm và cả xã hội, họ mơ mộng nhiều và trở nên thui chột cả tuổi trẻ.

“Sướng nhất là cái anh không nghĩ, thiên hạ chê là ngu đần, mặc xác thiên hạ, miễn là lúc nào cũng hả hê, cũng sung sướng là được.” – Một cõi nhân gian bé tí

Mỗi trang trang viết là một mùa vui, là mùa đón chờ những suy nghĩ và nhận thức mới, Nguyễn Khải dù có đi đâu về đâu thì cây bút tràn đầy sinh lực ấy vẫn luôn để chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của đời, của người và những quan điểm nhân sinh sâu sắc.

Ở Nguyễn Khải luôn có một trái tim với dòng máu nóng để yêu thương, trao đi và nhận lại, nhà văn hướng cái nhìn đến với con người, từ đó làm nổi bật lên hai mặt khác nhau của xã hội, vào những năm cuối đời, ông đã từng tâm sự rằng:

“Đời người là bể khổ, những khao khát về tinh thần của con người là vô cùng nên mới cần có văn chương và nghệ thuật để bù lại.”

Chính vì vậy mà trong Tìm lại cái tôi đã mất, cho dù đã bước qua một thời quá vãng, nhà văn vẫn luôn xem chuyện văn chương như thứ hương vị thơm ngát được kết tinh từ hơn bảy mươi năm được sống, chiến đấu và cầm bút.

Nhân vật trong hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Khải luôn tự ý thức về bản thân và hiện thực đời sống trước mắt, những cuộc đối thoại đã góp phần giúp cho nhà văn truyền bá được tư tưởng cũng như giá trị sâu sắc đến với mỗi độc giả.

Nguyễn Khải luôn là người không ngừng đổi mới tư duy nghệ thuật nhằm khiến cho cách nhìn về thế giới rộng lớn trở nên sáng suốt hơn bao giờ hết, có thể nói sự nghiệp văn chương của nhà văn là quá trình vận động liên tục trong ý thức và cách nhìn nhận cuộc sống.

Ông không chỉ đưa con người đến gần hơn với hiện thực thông qua các tác phẩm mà còn góp phần giúp cho đời sống văn học hiện đại trở nên sôi động, phong phú hơn bao giờ hết.

Đa phần các tác phẩm của ông đều khiến cho con người thay đổi cách nhìn để tồn tại và phát triển, bằng thái độ khách quan, Nguyễn Khải vừa lên tiếng phê phán chế độ cũ đồng thời thẳng thắn phơi bày những mâu thuẫn trong cuộc sống hôm nay.

Là người có tầm nhìn xa và hiểu biết sâu rộng, ngòi bút Nguyễn Khải luôn không ngừng sáng tạo cũng như đổi mới phong cách sáng tác để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách mà xã hội đặt ra.

Đối với ông, viết văn không chỉ là việc làm công ăn lương mà cầm bút còn để giải bày những nỗi bức xúc, khôn khuây trong trái tim đồng thời thể hiện mong muốn được trao trả lại cái vô hạn của hiện thực phồn tạp đang nhanh chóng đổi thay.

Với cảm hứng tinh thần dân chủ và nhân bản, Nguyễn Khải luôn lý giải đúng đắn về suy tư của những vấn đề được xã hội đặt ra trong cuộc sống, ở mỗi trang viết ấy vẫn luôn nồng đậm hơi thở giá trị nhân cách con người.

Minh Minh