Tên tuổi Nguyễn Tuân gắn liền với trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam những năm Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đây là lúc những yếu tố tích cực, tiến bộ trong văn học lãng mạn ngày càng mờ nhạt dần, và cùng với sự tác động của nhiều loại thế giới quan duy tâm, siêu hình, những biểu hiện của cái tôi cực đoan, bệnh hoạn, suy đồi xuất hiện ngày càng rõ nét. Cái tôi lãng mạn không còn thoát ly vào thế giới của dĩ vãng và mơ mộng nữa, mà đang rơi vào sự bế tắc, điên loạn. Tình yêu lãng mạn và mơ mộng kiểu Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng) và Đôi bạn (Nhất Linh) được thay thế bằng tình yêu xác thịt, đồi truỵ và đam mê trong Thanh Đức (Khái Hưng), Bướm trắng (Nhất Linh). Tâm trạng cá nhân tách biệt khỏi đời sống xã hội, cùng với quá trình tha hoá đã đem lại cho các nhà văn lãng mạn một loại người cô đơn, tuyệt vọng, chán chường. Họ luôn cảm thấy bức bối, muốn tìm sự giải thoát bằng những chuyến đi vô định, hay vùi đầu vào cuộc sống truỵ lạc để lãng quên.

Nguyễn Tuân đến với văn học vào thời kỳ này do bất hòa với cái xã hội “ối a ba phèng” ô trọc, ông phóng to cái “Tôi” của mình lên như một phương tiện để chống trả. Cùng với thời gian, cái “Tôi của Nguyễn Tuân ngày càng đối lập với xã hội kim tiền ô trọc. Ông đào sâu, bới kỹ cái “Tôi” bản ngã để tự mình chiêm nghiệm và để người khác phải nhìn ngắm. Trong nhiều trường hợp, Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng sâu sắc  quan điểm triết học và mỹ học duy tâm của Bergon và chủ nghĩa cá nhân cực đoan của André Gide. Chủ nghĩa cá nhân tư sản cực đoan của Gide dạy người ta phải sống khác người, phải chống lại cộng đồng xung quanh. Nhân vật Nguyễn Tuân tự coi mình là người khác thường, sống lập dị với xung quanh: “Là người lỗi lạc, sống một cách đặc biệt, không giống ai và không cho ai bắt chước được mình, chết là mang cả cái bản chính đi chứ không để lại một bản sao nguyên cảo nào”.

Ngay từ năm 1939, khi mới bước vào văn đàn, cái tài của Nguyễn Tuân đã lù lù một cách chướng tai gai mắt. Sống hay viết với Nguyễn nhiều lúc chỉ là để tìm mình, để thực hiện cái cá nhân mình cho đến cùng. Cái “tôi” cá nhân, chủ nghĩa lạc quan, thoát ly và cô độc ấy luôn luôn đòi hỏi… “phải làm cho trọn cái bổn phận tối thiểu của những thằng người đời. Nghĩa là phải sống. Sống với thị dục. Sống bằng giác quan. Sống bằng xác thịt. Chỉ có thể nói là hợp với ý muốn của đấng sáng tạo tối cao tối linh đã sinh ra hết thảy nhân vật trên thế gian này” (Phong vị tỉnh xép, Tiểu thuyết thứ Bảy, số 213, 1939).

“Chính cái triết lý sống chủ quan hưởng lạc, sa đoạ này đã có những tác động tai hại đến sáng tác của Nguyễn Tuân. Nó hạ thấp giá trị nhận thức của nhiều tác phẩm của ông về thế giới quan. Và cái “tôi” tách rời hiện thực, rúc sâu mãi vào bên trong, đến một lúc nào đấy sẽ trở nên trống rỗng, vô nghĩa, và càng bế tắc”.

Trong chủ nghĩa lãng mạn, những nhân vật lý tưởng thường mang hình bóng của chính tác giả. Những nhân vật của Nguyễn Tuân cũng vậy, dù có tên gọi khác nhau, nào là Vi, Bạch, Hoàng,… nhưng đều chỉ là những biến dạng của anh chàng Nguyễn – một con người “chưa hề có một phút giây trịnh trọng đối với nhân sinh”. Cái chàng Nguyễn ấy luôn luôn “tin ở điều mà mình nghĩ, và trên con đường đời y lượm những hò đá thực to, ném lung tung, bất kể là trúng đích hay trật sang bên cạnh.

Chàng hãy cứ biết là phải ném đã. Chàng đã ném đá vào đầu vào mặt rất nhiều người. Cả người quen nữa. Có nhiều hòn đá lại dính máu cả người thân trong nhà. Viên đá quăng có khi là một tiếng cười phẫn nhưng thường thì đấy là những lời khóc than”.

Bằng thái độ khiêu khích với xung quanh ấy, Nguyễn Tuân muốn khẳng định cái “tôi” bản ngã của mình trước những lễ nghi, phép tắc, đạo lý thông thường của xã hội. Đây thực chất là thái độ phản ứng cực đoan của Nguyễn Tuân đối với xã hội. Nhưng do không có một mục đích, một lý tưởng rõ ràng nên ngòi bút của ông có khi lệch hướng. Có lúc ông quất mạnh vào bọn người trọc phú học đòi, hãnh tiến hay những kẻ phàm phu tục tử, đầu óc nô lệ, nhưng nhiều khi ông lại quay ra dè bỉu một cách không công bằng đám chúng nhân bình thường nhưng ít ra hãy còn lương thiện. Nguyễn chế giễu từ ông ký ga già hom hem, lụ khụ ngồi bấm vé một chỗ mà nhìn thiên hạ chảy xuôi theo dòng đến những cô Thuý Vân trong mắt không có hoàng hôn và ánh lửa, thậm chí cả những bà vợ dịu dàng căn cơ chỉ biết có nồi thịt đông và niêu cơm nếp. Nguyễn khinh bạc, kiêu ngạo ngay cả với những bạn bè xung quanh mình, những người tuy “cũng là bó đuốc thật đấy, nhưng chỉ đủ dùng để bắt một con ếch ở một thuở ruộng xâm xấp nước mà thôi”. Những con người này theo ông thiếu bản lĩnh cá nhân, không có gì khác người, cuộc đời của họ thật bình lặng, và nếu chết đi cũng chỉ để lại vài dòng chữ ngoằn ngèo trên một chí mà thôi.

Cuối cùng, sau khi đào bới mãi trong cái tôi phá phách của mình, Nguyễn Tuân đã quay về với căn bệnh cố hữu của chủ nghĩa lãng mạn: bệnh cô độc. Phá phách mãi, khinh bạc mãi, rốt cuộc Nguyễn cảm thấy mình trở nên “một người goá bụa, hoàn toàn goá bụa, góạ vợ con thân thích, anh em bạn bè, goá nhân loại, goá hết cả – bát cơm và vào miệng chỉ là những miếng thê lương” (Chiếc lư đồng mắt cua).

Vị đắng cay chua chát, tâm trạng chán chường, tuyệt vọng, cô đơn đã thể hiện qua lời thú nhận của chàng Nguyễn: “Chúng ta chỉ là hai cây liễu kết làm hàng xanh ở ven hồ. Lúc nào gió vỗ sóng hồ, hai cây liễu chắp cành lại tưởng như không bao giờ rời nhau. Nhưng dông tố đã qua. Hai cây liễu vẫn tách biệt nhau như tự bao giờ. Và cứ như thế, hai gốc liễu vị kỷ rủ riêng cái bóng của mình an nhàn trong hồ” (Tuỳ bút I).

Các nhân vật của Nguyễn Tuân đều là hình bóng của cái tôi cá nhân chủ nghĩa của ông. Họ thường đặt mình ở thế đối lập với xã hội, phản ứng chống đối với mọi thứ nề nếp, phép tắc, mọi thứ “đạo lý” thông thường của xã hội. Thái độ bất hoà với xã hội một cách cực đoan ấy được thể hiện qua mấy mảng đề tài quen thuộc của Nguyễn Tuân, đó là đề tài giang hồ xê dịch, lý tưởng hoá quá khứ và đề tài truỵ lạc.

Xê dịch là một đề tài quen thuộc, chiếm một mảng quan trọng trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng Tháng Tám, nó in dấu ấn của một loạt tác phẩm: Một chuyến đi (1938), Tuỳ bút I, Tuỳ bút II, Thiếu quê hương,… Chủ đề này phù hợp với tâm hồn lãng mạn, tự do, phóng túng, ghét sự gò bó câu thúc trong văn chương cũng như trong cuộc sống của Nguyễn Tuân. Phá phách, nổi loạn, truỵ lạc mãi rồi cũng chán – chán cảnh, chán người, sống giữa quê hương mà vẫn cảm thấy “thiếu quê hương” – Nguyễn lao vào giang hồ, xê dịch để “thay thực đơn cho giác quan”, hồ hưởng cho hết những sinh thú bất thình lình và những cảm xúc không chờ đợi. Đối với Nguyễn, sống ở đời phải phơi mình ra nơi đường trường gió bụi. Chiếc vali mà nhẵn nhụi, sạch bóng  quá sẽ mất đi cái “vẻ đẹp của phong trần”. Nguyễn coi khinh những người mượn cớ phiêu liêu để đạt một mục đích, hoài bão nào đó trong đời mình. Anh ta cho rằng: “Đời cho được đi là một cứu cánh”, đi để mà đi chứ không phải để mà đến và ước ao cuộc đời mình như hòn bi cứ lăn tròn mãi không bao giờ dính rêu. Quan niệm đi để mà đi phảng phất cái triết lý “hành động để hành động”, hành động cũng là một cách thoát ly của André Gide.

Trong những thiên tuỳ bút Những ngày Thanh Hoá, Cửa Đại, Chiếc va li mới, Một lần đi thăm nhau… (được tập hợp trong Tuỳ bút I và Tuỳ bút II), chủ nghĩa xê dịch đã được Nguyễn Tuân nâng lên thành một triết lý sống. Ông chủ trương “lấy sự hoàn toàn phát triển giác quan của mình làm lẽ chính cuộc sống”. Với ông Đi là “hình thức tốt đẹp nhất của sự thoát ly”, thoát ly khỏi cái tủn mủm của cuộc sống hàng ngày”. Trong Cửa Đại, Nguyễn Tuân “tự cho mình là một con cò, đất có lành thì tôi đậu lâu, đất không lành thì tôi lại cất cánh bay đi ngay. Là một đổi khách chỉ muốn sống với cảnh đẹp luôn luôn đổi thay, tôi chỉ muốn lòng tôi sớm chiều đều rung một điệu nhẹ nhõm vui vẻ”. Tuy nhiên phải đến tác phẩm Thiếu quê hương, chủ nghĩa xê dịch của Nguyễn Tuân mới được thể hiện một cách tập trung và nhất quán. Ngay trang đầu tiên của tác phẩm là một đề từ ông mượn của Paul Morand “Ta muốn sau khi ta chết đi có người thuộc da ta làm chiếc va li”. Nhân vật chính của truyện dài này là Bạch, một con người mắc bệnh xê dịch, nghĩa là luôn luôn thèm đi, đi không cần mục đích “lấy nguyên cái việc đi là một thú ở đời”. (Thiếu quê hương) Hễ không được đi, Bách lấy làm đau khổ vô cùng, và “Bạch cảm thấy mình bây giờ đã hết là mình rồi và những ngày sống chỉ còn là rất dài và rất nhạt thôi”. Với Bạch, hình ảnh một bến nước, một sân ga, một tiếng còi tàu, một người bạn ra đi, thậm chí cả mùi của khói than đá chợt thoảng đến cũng đã khơi lên nỗi nhớ, nỗi khát khao được đi của chàng. Với Bạch, cái hạnh phúc ấm êm và bình lặng của cuộc sống gia đình không có ý nghĩa gì. Bạch hối hận vì đã lấy vợ, đẻ con để vướng chân, bận mình không được xê dịch. Chàng tìm mọi cớ, mọi lý do để có thể ghét Dung, người vợ hiền lành, giản dị, rất mực yêu thương chồng con, để chàng có thể dễ dàng ly dị vợ. Bạch nghĩ: “Chỉ có ly dị gỡ thoát đời Dung ra khỏi cuộc sống của Bạch thì mới hết bận bịu, thì Bạch mới trở lại bản ngã của Bạch được”.

Thế nhưng, với Nguyễn Tuân trong sự đi cũng có nhiều mâu thuẫn. Có lúc tác giả hô to, tâng bốc chủ nghĩa xê dịch: “đi tức là hạnh phúc”, “đi để thay đổi thực đơn cho giác quan”, “đi mới gợi được ý nghĩa của đời sống thích đáng”. Lúc thì tỏ ra buồn nản, thất vọng “ta đi để mà đau khổ cả lúc đi lẫn lúc nghỉ, ối ta ơi là ta ơi”. Khi thì đinh ninh: “Phải gây nên những thứ đoạn tuyệt – đoạn tuyệt với vợ con, với nhà, với quê hương bản quán”, nhưng rồi lại băn khoăn về một người có quyền nhớ mình, có quyền buồn bã vì mình và nếu người ly phụ ấy lại ốm tương tư nữa thì bao nhiêu trách nhiệm sẽ đổ lên đầu tên lữ khách đã phạm vào cái tội lãng mạn thèm nhớ một con đường dài, mơ tưởng đến một vùng nước rộng” (Quê hương). Đây phải chăng là tiếng kêu của một tâm hồn mệt mỏi và chán chường vì sự nổi loạn của chính mình? Có lúc Nguyễn Tuân đã phủ định cái thuyết lý xê dịch: “Không bao giờ người ta có thể nâng sự xê dịch lên đến thành một lý tưởng được”. Xét cho cùng thì chủ nghĩa xê dịch của Nguyễn Tuân là một hình thức thoát ly vào khôn gian, là một cách phản ứng lại cái môi trường xã hội tù đọng, trì trệ, buồn tẻ, một cách phủ nhận thực tế xã hội, thực dân nô lệ tủi nhục, khiến người dân mất nước sống giữa quê hương mà vẫn thấy xa lạ, vẫn cảm thấy “thiếu quê hương”.

Thất vọng trước hiện tại, Nguyễn Tuân lại quay ra tìm kiếm một con đường khác – con đường tìm về quá khứ, tìm kiếm trong quá khứ những gì có thể mang lại đôi chút hơi ấm, soi rọi ít nhiều tia nắng và niềm tin cho cuộc sống đang lạnh lẽo, tối tăm. Quay về quá khứ, tưởng nhớ quá khứ là một khía cạnh của chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực. Nó cũng biểu hiện cho một thái độ bất mãn, phủ nhận xã hội thống trị đương thời của các nhà văn lãng mạn quay lưng lại thực tại.

Các tác phẩm viết về đề tài quá khứ của Nguyễn Tuân đăng rải rác trên các tạp chí Tao đàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Thanh nghị và hai tập Tuỳ bút I, Tuỳ bút II nhưng tập trung và đậm nét hơn cả vẫn là trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời – tác phẩm được tặng giải thưởng của Nhà xuất bản Alecxandre de Rhodes – một nhà xuất bản có khuynh hướng phục cổ của bọn thực dân.

Vang bóng một thời làm sống lại nét “đẹp xưa” của thời phong kiến suy tàn, thời có những ông Nghè, ông Cử, ông Tú sống nhàn tản với  những thú vui phong lưu cầu kỳ. Đó là ông cụ Kép làng Mọc trong truyện Hương Cuội chăm chút mấy chục chậu hoa lan một cách cầu kỳ. Cụ nghĩ rằng mình “chỉ là một anh nho sống vào giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất cả quan niệm cũ, làm tiêu mất bao nhiêu giá trị tinh thần”. Chẳng làm được gì để thay đổi thời cuộc, “cụ Kép nguyện đem cái quãng đời xế chiều của nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý”, “lấy cái chí thành, chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không biết lên tiếng kia”. Lối uống rượu thưởng hoa của ông cụ Kép này với mấy người bạn già tâm giao cũng thật là cầu kỳ, công phu, khác đời: uống rượu nhắm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha, ướp với hoa lan ủ kín trong lồng bàn phất giấy, khi cuộc rượu bắt đầu, mở lồng bàn ra thì mùi hương lan bay toả khắp vườn cây, cơn gió nhẹ sẽ pha loãng hương thơm đặc vào không gian. Các cụ vừa uống rượu, vừa ngâm thơ, tiệc rượu thanh lương đạm bạc, chỉ có nhắm với những viên kẹo mạch nha bọc đá cuội, ướp hương lan “rồi mỗi chén rượu ngừng là một bài thơ nhâm trong trẻo. Cứ thế cho tàn hết buổi chiều”. Hay cụ Ấm trong truyện Chén trà trong sương sớm nhấm nháp chén trà buổi sớm mai với tất cả nghi lễ thiêng liêng, với bao công phu chăm chút tỉ mỉ, từ cách dóm bếp, đun nước, pha trà, đến cách chọn giờ uống trà, chọn bạn uống trà để cùng đàm đạo chuyện thơ văn, “chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”. Còn cụ Sáu trong truyện Những chiếc ấm đất nghiện trà tàu nhưng phải xin cho được nước giếng của nhà chùa ở đồi Mai xa làng nửa ngày đường gánh về mới chịu pha trà. Cụ Sáu tâm sự với nhà sư: “Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng nhà chùa đấy. Tôi sở dĩ không đi đâu xa được cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà”.

Có thể nói trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân dường như cố quên đi cái hiện thực mà ông đang sống, cái hiện thực mà theo ông đầy những xấu xa, bon chen, đố kỵ. Ông thực sự say sưa tỉa tót, tô đậm thêm cái nét xưa đã mờ nhạt, nét vẻ của những ngày đã qua, một thời đã tàn. Nguyễn Tuân cũng hiểu rằng, cái thời đó đã qua và không bao giờ trở lại nữa, vì vậy ông không khỏi biểu lộ niềm nuối tiếc của mình. “Trên mặt nước sông thu, tiếng ngâm của một câu thơ được cuộc, tiếng ngâm một câu thơ thua cuộc mất ăn tiền, những tiếng đó đều âm hưởng trên làn nước lạnh, thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội tao đàn nào”. Suy cho đến cùng thì Vang bóng một thời cũng là một thứ “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Những sinh hoạt của đời thường hàng ngày (uống trà, đánh cờ, chơi hoa,…) được tỉa tót một cách cầu kỳ, trang trọng như một thứ lễ nghi, một thứ đạo, một thứ lý tưởng sống, trong khi đó người ta quên đi bao nhiêu chuyện to lớn trong cái xã hội tối trời tối đất của những năm dài nô lệ. Mặt khác Nguyễn Tuân không phải là người cố tình muốn khôi phục lại thời phong kiến suy tàn, trong con người ông những ảnh hưởng của phương Tây (André Gide, Marcel Proust, Đôtôiépxki…) dường như sâu đậm hơn.

Thái độ phủ nhận xã hội một cách cực đoan còn dẫn Nguyễn Tuân đi vào con đường thoát ly tiêu cực, lao vào cuộc sống truỵ lạc với bàn đèn thuốc phiện, tiếng hát ả đào như một con người hư hỏng. Về mảng đề tài truỵ lạc, Nguyễn Tuân có các phóng sự Ngọn đèn dầu (1939), Tàn đèn dầu lạc (1941), và các tuỳ bút Chiếc lư đồng mắt cua (1941).

Hai thiên phóng sự Ngọn đèn dầu lạc và Tàn đèn dầu lạc viết về tâm trạng của những người nghiện thuốc phiện. Tác giả đã lý giải những hành vi tâm địa thấp hèn như nói xấu nhau, dối trá lừa lọc nhau, ích kỷ đến độ trắng trợn của những kẻ nghiện hút. Nguyễn Tuân miêu tả những cảnh huống và tâm trạng ấy một cách sinh động, với giọng văn tài hoa và kinh bạc vốn có của mình.

Tập tuỳ bút Chiếc lư đồng mắt cua, như lời ông thú nhận trong phần Thay lời tựa của tác phẩm này, “là những trang tuỳ bút chép lại một ít tâm trạng của tôi trong những ngày phóng túng hình hài”. Đó là vào khoảng đầu những năm ba mươi, ông vừa mới được ra tù, chỉ khao khát được chơi bời: “… cảnh bất cứ chỗ nào của thiên nhiên. Người bất cứ là ai, bất cứ hạng nào”.

Trên văn đàn công khai những năm 1940 – 1945 có nhiều cây bút viết về đề tài truỵ lạc, chứ không riêng gì Nguyễn Tuân. Nhưng Nguyễn Tuân viết không với bất cứ nào người khác. Ông không miêu tả truỵ lạc để nhằm khêu gợi sự tò mò tục tĩu theo lối tự nhiên chủ nghĩa. Ông không lên án nó như các nhà văn hiện thực phê phán đương thời, nhưng cũng không tạo cho nó cái chất thơ mộng bay bổng như nhiều cây bút lãng mạn khi miêu tả những thú vui hành lạc. Chiếc lư đồng mắt cua dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân là một thiên thần sám hối, lời thú tội của của một con người trót nhúng sâu vào con đường truỵ lạc. Đây là một con người chưa hoàn toàn mất hết nhân cách, có lúc vẫn ngoảnh lại để tự thẹn với mình, tự thấy con người mình trở nên “xấu xa ê chề”, thấy đạo đức của mình cứ bị mài mỏng đi trong những cuộc tình đồi truỵ nhơ nhớp và đã nhiều phen anh ta muốn từ bỏ nó. Nhưng cái tôi hưởng lạc ích kỷ trong con người anh ta vẫn tồn tại một cách ngang bướng, bởi anh ta vẫn còn luyến tiếc nó, chưa dứt khoát đoạn tuyệt với nó. Ý nghĩ rời bỏ nó chỉ là ý muốn hời hợt, thoáng qua, nên hễ có một sự mời chào, một lời đưa đón là anh ta lại quay về với cái nếp sống cũ. Chiếc lư đồng mắt cua không ca ngợi truỵ lạc, nhưng cũng không biểu lộ thái độ phê phán nghiêm khắc lối sống vô trách nhiệm, buông thả theo những ham muốn cá nhân tích kỷ. Nhân vật tôi trong tác phẩm thực chất là một thanh niên trí thức tiểu tư sản bất mãn với xã hội, nhưng thiếu ý chí nghị lực, thiếu phương hướng hành động, chỉ biết mượn rượu, trà, thuốc phiện và đàn bà để giải toả nỗi u uất trong tâm hồn, để lấp cho đầy những tháng ngày vô nghĩa là trống rỗng. Nội dung Chiếc lư đồng mắt cua rõ ràng là tiêu cực, cách thoát ly xã hội theo kiểu như vậy là cực đoan, vô chính phủ và vô trách nhiệm với cả chính bản thân mình nữa.

Tuy nhiên, cái tôi của Nguyễn Tuân không chỉ có hưởng lạc, thoát ly, cô đơn và bế tắc mà còn có nhất điểm lương tri của một thiên lương chưa xuống hết. Mặc dù rơi vào chủ nghĩa cá nhân cực đoan nhưng ít ra Nguyễn Tuân còn có một bản lĩnh, ngay cả những khi chán chường tuyệt vọng nhất Nguyễn Tuân vẫn có những cái gì đó thuộc về quê hương, đất nước, thuộc về cố hữu dân tộc. Cái tôi đó muốn khác người, muốn chống trả lại cái xã hội ô trọc, nhưng không có phương tiện bèn thổi phồng cái tôi làm vũ khí. Tất nhiên phản ứng này là cực đoan và không giải quyết được gì về phương tiện thực tế, Nguyễn phê phán cái xã hội kim tiền ô trọc không phải dưới góc độ của những vấn đề xã hội mà dưới sự bình giá của cái tôi “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nguyễn thù ghét bọn con buôn và những ông lãnh binh lại sính làm thơ vì bọn họ chà đạp lên cái Đẹp, lên Nghệ thuật. Nguyễn khinh ghét kiểu quan hệ con buôn: “Ai nói với tôi những chuyện kinh doanh kèn cựa không những tôi dửng dưng mà con khinh ghét nữa” (Chiếc lư đồng mắt cua). Tuy có ở trong vòng truỵ lạc nhưng Nguyễn Tuân không đam mê đến độ “Hãy lịm người trong thú đau thương”. Sau những “Cuộc vui đầy tháng, trận cười thâu đêm”, Nguyễn đã tự ngắm lại mình “tôi tự ngắm đi ngắm lại cái mình tôi, lấy làm ê chề đau tủi vô cùng tưởng rằng không thể nào trở lại xóm Yên Hoà được nữa, mặc dầu ở đây có một trăm ông Thông phu và một ngàn cô Tâm. Tôi lại nhủ tôi rằng thôi, cái lần này là lần cuối cùng”. Ý định làm lại cuộc đời đến với Nguyễn không chỉ một lần. Đã có lúc Nguyễn Tuân thốt lên chân thành: “Lập lại cuộc đời! Nghe hai tiếng lập lại cuộc đời sao mà gợi cảm và vui khoẻ thế” (Quê hương). Nhưng lập lại bằng cách nào thì Nguyễn không biết, chính vì vậy ông cứ rơi vào vòng luẩn quẩn để rồi những lúc chán chường, thiên lương bừng tỉnh lại xót xa thốt lên: “Ối ta ơi là ta ơi! Ối ta ơi là ta ơi”. Chung đung mãi với loại người đểu cáng, xấu xa, Nguyễn đâm ra hoài nghi đạo đức của người đời, hoài nghi cả chính mình. Từ chỗ hoài nghi, Nguyễn có ý thức muốn chống trả, muốn đối lập cái tôi của mình với xã hội xung quanh. Thái độ kênh kiệu, giọng điệu khinh bạc của Nguyễn Tuân chính xuất phát từ sự hoài nghi ấy và nó trở thành nét cố hữu của cái tôi Nguyễn Tuân trước Cách mạng.

Hà Minh Đức