Một tác phẩm văn học dễ dàng bị lướt qua nếu nó không có những chi tiết đắt giá. Những chi tiết đắt giá giúp tác phẩm thăng hoa và là điểm nhấn quan trọng để tác phẩm có sức nặng hoặc được lưu giữ trong trí nhớ độc giả.
“Xóm Rá” là cuốn tiểu thuyết dữ dội nhất của nhà văn Ngọc Giao về một xóm “làm đĩ” ở Sài Gòn cũ. Sách có vô số những cảnh ăn chơi trụy lạc của đám người có tiền và những cảnh cùng khố, khốn quẫn của những cô gái làm nghề “bán trôn nuôi miệng.” Cả một bè như thế, đọc trang nào cũng đầy những uất ức, đen tối của những người sống dưới đáy xã hội. Nhưng các cô gái khốn khổ ấy cũng đầy lòng nhân từ và khoan dung.
Chương cuối cùng là đỉnh cao của cuốn sách và có thể biến nó thành một kiệt tác. Nhàn, nhân vật chính trong cuốn sách bị bệnh nan y và quyết tự tử vì không muốn truyền căn bệnh chết chóc cho khách làng chơi nữa. Nhàn treo cổ ngay trong nhà thổ, xác của cô bị đem đến bệnh viện để mổ pháp y và sau đó bị quẳng xuống nhà xác như một mớ giẻ. Bọn ma cô nhà xác lột truồng Nhàn lấy quần áo mang bán. Khi các cô gái nhà thổ đến tìm xác Nhàn, họ kinh hoàng khi phát hiện ra người bạn của mình đã bị người ta lột truồng. Không thể để một người trần truồng cho vào quan tài. Các cô gái điếm bắt đầu quyên góp quần áo, người cởi si líp, kẻ bỏ áo ngoài cho bạn nhưng rốt cuộc vẫn thiếu một cái quần dài cho người chết. Một người bạn thân của Nhàn, Na đã quyết định tự lột truồng mình để nhường quần cho bạn. Đám ma được rước đi, trên xe thổ mộ có một chiếc quan tài và trong đám người đẩy xe có một cô gái cởi truồng!
Chi tiết nhân vật nữ cởi quần nhường cho bạn và để truồng đi trong đám tang cực kì đắt giá. Nó tố cáo tội ác và sự khốn nạn của xã hội đã đẩy con người vào mức cùng cực nhưng đồng thời cũng tôn vinh sự hi sinh và tâm hồn cao thượng của các cô gái sống ở đáy xã hội. Họ sống trong dơ bẩn nhưng sãn sàng ở truồng nhường quần cho bạn. Đó là những chi tiết đầy ám ảnh của tác phẩm và tôi cho rằng với “Xóm Rá”, Ngọc Giao có thể đứng ngang hàng với những Vũ Trọng Phụng với “Số đỏ”, Nam Cao với “Chí Phèo” hay Nguyễn Tuân với “Chùa Đàn”… Nhưng số phận của “Xóm Rá” đã không được may mắn như những tác phẩm nói trên, nhưng đó là chuyện khác, sẽ bàn ở một dịp khác.
Tôi muốn tiếp tục với Ngọc Giao vì có lẽ ông là một tác giả lớn đã bị lãng quên quá lâu. Trong cuốn tiểu thuyết “Nhà quê” của ông có một chi tiết thế này: một bà vú già lấy trộm hai cái nem rán và ăn vụng cùng với con chó. Khi phát hiện ra mất cái nem, mụ chủ đã cạy mồm cả bà vú già và con chó ra để khám xét! Chi tiết quá ấn tượng và nói lên tất cả. Nghèo đói quá, thèm khát quá nhưng người ta vẫn không quên nhau, thậm chí là tình bạn với một con vật. Và người ta cạy cả mồm chó lẫn mồm người để truy tìm hai cái nem rán bé xíu! Tác giả không cần bình luận gì và người đọc quá thấm thía!
Tôi tiếp tục với một tác phẩm vĩ đại của văn học Đức, “Cái trống thiếc” của Günter Grass. Trong tác phẩm này có rất nhiều cảnh ấn tượng và có những chi tiết khiến tôi nhớ mãi. Chi tiết ấn tượng đầu tiên mở đầu cuốn tiểu thuyết, một tên ma cà bông ăn trộm một món đồ và hắn bị cảnh sát truy đuổi. Khi chạy đến giữa cánh đồng, hắn thấy một cô gái đang nướng khoai tây, khói mù mịt. Tên trộm chỉ mất nửa giây suy nghĩ và chui tọt vào dưới bảy tầng váy của cô gái và trốn luôn trong đó. Cảnh sát đến và chỉ nhìn thấy cô gái đang nướng khoai, tên trộm đã mất tích, họ lục tung cả đống lửa để tìm tên trộm nhưng không thấy.Tên trộm vẫn đang trốn ở dưới bảy tầng váy của cô gái. Hắn làm gì trong đó? Trong khi tốp cảnh sát vẫn còn đang loay hoay truy tìm thì hắn đã kịp “giao cấu” với cô gái ngay dưới váy và kết quả cô gái đã sinh ra một đứa con trai, gã đó sau này trở thành bố của nhân vật chính trong tiểu thuyết: thằng bé Oskar.
Tôi muốn nhấn mạnh chi tiết này, thằng trộm trốn dưới váy một cô gái, giao cấu với cô và đứa bé được thụ thai. Mở màn tác phẩm, Günter Grass đã báo hiệu cho độc giả biết tác phẩm của ông sẽ đầy chuyện li lì và quái dị, thậm chí phi lí. Nhưng không dừng ở đó, tác giả còn lặp lại chi tiết này một cách cố ý ở đoạn sau. Khi bố của thằng bé Oskar đang làm tình với một cô hầu trên ghế sô pha và cô gái đã cảnh báo người đàn ông không được xuất tinh trong người cô vì rất dễ dính bầu. Thằng bé “giời đánh” Oskar không chịu lớn thêm từ lúc ba tuổi đã nghe thấy điều đó và nó hành động. Oskar đã nhảy tót lên lưng ông bố và ghìm chặt không cho ông động cựa, và hậu quả là nó có thêm một đứa em bất đắc dĩ nữa. Chi tiết này cộng với chi tiết mở đầu sách dễ làm người ta nghĩ đến những đứa trẻ được sinh ra trong những hoàn cảnh bất bình thường và liệu sự giao cấu và sinh sôi quái lại này có gợi chút liên tưởng nào tới sự ra đời của chủ nghĩa phát xít? Nhớ rằng “Cái trống thiếc” viết về thời kì phát xít Đức và hậu chiến. Nó khiến ta vừa đau đớn phẫn uất về một thời kì đen tối cùng cực của lịch sử loài người vừa thấy sự mỉa mai cay đắng về dân tộc đã tạo sinh ra nó.
Günter Grass còn có một chương cực kì đặc sắc trong cuốn tiểu thuyết chứa đựng những chi tiết có tính khái quát và biểu tượng rất cao, chương “Hầm Hành.” Người dân nước Đức sau chiến tranh đã không còn khóc được nữa. Họ không đủ nước mắt hay không còn cảm xúc để khóc? Không ai biết. Họ phải đến “Hầm Hành” thái thật nhiều hành, cho tinh dầu hành cay bắn vào mắt để khóc! Chi tiết quá đắt giá và chứa đựng tinh thần uy mua (hài hước) cực cao. Người đọc có thể quên rất nhiều thứ trong cuốn tiểu thuyết nặng kí của Günter Grass nhưng những chi tiết kể trên thật khó quên và nó đã góp phần tạo nên cuốn tiểu thuyết lớn nhất của văn học Đức kể từ sau thời của Thomas Mann.
Ai cũng biết chi tiết là phần rất nhỏ trong một tác phẩm nhưng có vai trò rất quan trọng. Ví dụ có những truyện ngắn rất dở nhưng nó “đứng” được chỉ vì có một chi tiết hay. Nếu không có một chi tiết sáng giá thì một tác phẩm trung bình có thể sụp đổ hoàn toàn. Một người bạn của tôi làm công tác biên tập, khi đánh giá về một tác phẩm bị “đổ” anh luôn nói rằng: truyện không có những chi tiết hay, không có thứ gì neo vào lòng độc giả, không có cái gì làm cho người ta nhớ…
Tất nhiên tôi có thể phản biện được nhận định trên dễ dàng. Một tác phẩm văn học hiện đại không nhất thiết phải có chi tiết hay, thậm chí nó còn không có cả cốt truyện nữa là. Nó có thể chỉ có không khí, cái tinh thần, chất văn để làm nên tác phẩm. Những người viết kiểu đó vẫn có những tác phẩm hay và có giá trị nhưng người đọc có thể sẽ không bao giờ nhớ được hoặc tóm tắt nổi tác phẩm. Nó là một khối đặc quánh hoặc mờ ảo khó nhận dạng từng đường nét. Một tác phẩm có chi tiết hay có ưu điểm nó sẽ làm cho người đọc nhớ lâu hơn và dễ hình dung về tác phẩm. Và chẳng phải người viết luôn mong muốn người đọc sẽ nhớ tác phẩm của mình và càng nhớ được tỉ mỉ thì càng tốt hay sao!
Chắc hẳn ai đọc truyện “Chí Phèo” của Nam Cao đều nhớ chi tiết bát cháo hành của Thị Nở dành cho Chí Phèo. Chính bát cháo hành là một bước ngoặt góp phần thay đổi suy nghĩ và cuộc đời Chí Phèo. Nếu không có bát cháo hành ấy, rất có thể đời anh Chí sẽ rẽ sang một hướng khác. Chi tiết giản dị nhưng đầy nhân văn này đã làm cho tác phẩm của Nam Cao lớn hơn. Thậm chí nó thành một biểu tượng khi đôi lúc ta nghe thấy ai đó nói về “bát cháo hành của Thị Nở” trong những hoàn cảnh tương tự. Chi tiết nhỏ, giản dị nhưng nếu đặt đúng chỗ sẽ mang lại những hiệu quả rất lớn.
Nhưng một tác phẩm có quá nhiều chi tiết và chi tiết nào cũng ngang bằng nhau thì truyện sẽ loãng và không có điểm nhấn. Cái gì dẫu hay nhưng nhiều quá sẽ nhàm và ít tác dụng. Trong tác phẩm cần có những chi tiết chính, chi tiết phụ hoặc có những chuẩn bị để đưa chi tiết ra thật “đắc địa”. Chi tiết đắc dụng giống như “thần nhãn”, tự nó toát lên tinh thần và ý nghĩa của tác phẩm mà tác giả không cần phải nói nhiều. Các nhà văn cổ điển luôn là những người thích dùng chi tiết. Sở dĩ có rất nhiều truyện ta đọc từ rất lâu rồi mà vẫn kể được vanh vách vì tác phẩm ấy có nhiều chi tiết hay và dễ nhớ. Chi tiết trong tác phẩm văn học giống như ánh mắt nụ cười của một người ta tiếp xúc lần đầu, ta có nhớ về họ hay không phần nhiều nhờ vào những thứ rất nhỏ ấy. Rất nhỏ nhưng rất quan trọng vì nó biểu hiện thái độ và cảm giác của người ấy với ta. Và theo quan sát của tôi những người chăm chút về chi tiết sẽ dễ có tác phẩm hay hoặc ít nhất là không dở.
Sáng tạo một tác phẩm văn học luôn là một quá trình phức tạp, dù ngắn hay dài. Từ việc lên ý tưởng, thiết kế, chọn vật liệu và thi công. Chi tiết trong tác phẩm đôi khi chỉ là một cái côn sơn (console) đỡ mái trong một ngôi nhà. Nhưng cái côn sơn ấy, nếu làm khéo và tinh tế, nó sẽ làm sang trọng và sáng giá cả ngôi nhà hoặc thậm chí cả ngôi nhà ấy, điểm đáng chú ý nhất chỉ là cái chi tiết rất giản dị đẹp đẽ ấy. Người ta sẽ yêu mến những cái rất lớn đôi khi từ những cái rất nhỏ.
Uông Triều
Xem thêm: Một cách tiếp cận truyện ngắn Việt Nam đương đại