HOÀNG CẦM
(1922 – 2010)
Nhà thơ Hoàng Cầm tên khai sinh là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922, quê Thuận Thành, Bắc Ninh, tham gia Việt Minh từ năm 1944, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Đã xuất bản gần hai chục tác phẩm, gồm: truyện ngắn, truyện vừa, thơ, kịch, thơ dịch, truyện thơ. Trong đó có các tập thơ nổi tiếng: Bên kia sông Đuống, Về Kinh Bắc, Tiếng hát quan họ, Lá diêu bông, Mưa Thuận Thành, Men đá vàng, 99 tình khúc,…
Nếu như thơ Trần Dần được coi như một ngọn Thi sơn của những ý tưởng lớn thì thơ của Hoàng Cầm hẳn phải là một trường giang thơ mênh mang cảm xúc. Ngoài bài thơ nổi tiếng Bên kia sông Đuống đã đưa Hoàng Cầm lên vị trí sáng chói của thơ ca Kháng chiến, thì một số bài thơ viết trong khoảng ba chục năm gần đây đã khẳng định ông là một trong số ít những tên tuổi lớn của nền thơ cách tân đương đại. Hoàng Cầm có một ảnh hưởng khá lớn và thơ ông có một lượng bạn đọc đông đảo. Tôi coi ông là ngọn cờ đầu của trường phái duy mỹ trong thơ Việt ba chục năm qua. Phải chăng chính vì sự khơi nguồn mạch chảy của thơ từ những cảm xúc duy mỹ nên ông đã rung động được lòng trắc ẩn của người đời:
Ta con bê lạc dáng chiều xanh
Đi mãi tìm sim chẳng chín
Ta lên đồi thông nằm miếu Hai cô
Gặm cỏ mưa phùn
Dóng dả gọi về đồng sương
Đôi ba người lận đận
Đêm nay mẹ chẳng về chuồng
Ta con chào mào khát nước
Về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm
Cây ổi giơ xương
Chống đỡ mùa đông sập về đánh úp
Ô này tám đỏ ra hoa
Ta con chim cu về gù rặng tre
Đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
Đưa mây lành những phương trời lạ
Về tụ nóc cây rơm
Ta ru em
Lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa
(Thơ Hoàng Cầm)
Có nhiều người cho rằng Hoàng Cầm là ông hoàng của thơ tình, theo tôi, trước hết Hoàng Cầm là ông hoàng của thơ trữ tình duy mỹ và những sáng tác thơ của ông trong hơn nửa thế kỷ qua đã nói lên điều ấy. Thơ trữ tình của Hoàng Cầm có một phong thái rất đặc biệt và đặc thù, tên tuổi của ông đã làm rạng danh cả một vùng Kinh Bắc – cái nôi của nền văn hoá sông Hồng. Theo tôi, những câu thơ trữ tình của ông được ủ bằng một chất men đặc biệt, trong đó có thể thấy cái ngậm ngùi thương nhớ của những câu ca vùng quan họ còn bịn rịn đâu đây, cái bình yên siêu thoát của những tiếng chuông chùa vẫn bảng lảng ngân nga trong xa vắng và cái gần gũi với hồn người Việt trong tục ngữ, ca dao:
Về Kinh Bắc phải đâu em nhắm mắt
Gài mảnh gương thiên lý đợi tua rua
Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch
Tượng Quan m má ửng bồ quân
Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
Câu kinh tê tê mười ngón tay măng
Mõ đêm hè cuốc lội
Ao mưa dằng dịt lá trường sinh
Gió vào trăm cửa
Gió ra hồng da trinh nữ
Gió vào xanh quan lục
Gíó ra vàng thớ mít
Ong bay vai tiểu áo thon mình
Trưa hè gẫy rắc cành hoa đại
Mái hậu cung bồ các tha rơm
Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả
Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân
Tờ kinh đắp mặt ru bươm bướm
Chuối chín cây đổ gục đứt dây bìm
(Chùa Phật Tích)
Chính cái men-văn-hoá vùng Kinh Bắc ấy đã để cho thơ Hoàng Cầm làm say người đọc bằng một thứ rượu-thơ của một miền tinh hoa cổ kính. Phải chăng, chính vì Hoàng Cầm không cố tình cách tân nên thơ ông mới cách tân đến thế, tương tự, Hoàng Cầm cũng không cố tình làm thơ hay nên thơ ông mới hay đến thế? Tài năng ông là ở chỗ tìm tòi đổi mới thơ mà bản ngã truyền thống vẫn không suy chuyển, nâng cao tư duy thơ mà giọng điệu vẫn không xa lạ với mọi người:
Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc
Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông
Đê mười tám khúc Văn Giang
Chuông Bách môn đỏ xô gò má
Mây thành thổi lửa
Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân
Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xoã ngủ
Thoắt chìm
Gấu đẩy đá Thiên thai
Đi đâu
Trăng mày xếch vòng cung
Bắn nát chiều mai ráng đỏ
Châu chấu ma vờn cổ yếm xây
Không gặp người quen
Hờ
Ngõ cũ
Đêm xuống
Làm lầu hoang
Trò chuyện gì ai đâu
Mồ tháng giêng mưa song
Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu
Bưởi Nga My sao mẹ bắt đèo bòng
(Đêm thổ)
Trong bài thơ trên, tôi nghe thấy Hoàng Cầm đã tấu lên một nhạc điệu mới, một thứ nhạc nội tại kết dính những câu thơ lại với nhau bằng một thứ nhịp vô hình. Và nhà thơ, với những ngón đàn đầy hứng thứ và lão luyện đã bắt nhịp cho những con chữ bổng trầm theo một thang âm cách điệu của riêng ông. Khi ấy, người đọc thơ Hoàng Cầm không cần phải biết tới cái nghĩa bóng-nghĩa đen của những con chữ này mà vẫn có thể nắm được cái sắc diện tinh thần của mỗi câu thơ.
Có ý kiến cho rằng, trong thơ Hoàng Cầm thấp thoáng có những nét chạm khắc tinh hoa của kiến trúc đình-chùa vùng Kinh Bắc, nó mang hơi thở và dấu ấn sáng tạo tuyệt kỹ của những nghệ nhân dân gian. Tôi lại thấy, trong những bài thơ của mình, Hoàng Cầm không chỉ là một nghệ nhân kỳ tài đang say sưa khắc họa cả một vùng không khí lễ hội, mà nhà thơ còn chuyển hóa cung điệu trữ tình này sang tình cảm đôi lứa trong những trò chơi dân gian hồn nhiên và gần gũi với nhiều thế hệ:
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây!
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì
Đứa được
chinh truyền xủng xoẻng
Đứa thua
Đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em
Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen, nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị
võng mây trôi
Em đứng nhìn theo, Em gọi đôi.
Có thể nói, trong thơ Việt Nam hiện đại, Hoàng Cầm đã tạo ra một trường-thẩm-mỹ mới, nó vừa mang trong mình cốt cách văn hoá của vùng Kinh Bắc, vừa mở ra một không gian lớn của thơ trữ tình với những tìm tòi nhằm đưa cái đẹp dân gian vào hơi thở của mỗi bài thơ. Và chính điều này đã làm nên một trường-giang-thơ lộng lẫy của riêng Hoàng Cầm-ông hoàng của thơ trữ tình duy mỹ đương đại.
CUỘC TRÒ CHUYỆN SAU CÙNG CỦA NHÀ THƠ HOÀNG CẦM
Vào hồi 9 giờ 13 phút sáng 6.5.2010, nhà thơ của Bên kia sông Đuống đã từ biệt cõi trần ở tuổi 89. Nghe tin dữ, tôi chạy ngay đến chỗ ở của gia đình ở phố Lý Quốc Sư. Gia đình cho biết, ông ra đi sau 4 ngày nằm cấp cứu vì sốt viêm phổi ở Bệnh viện Việt -Xô, tang lễ nhà thơ sẽ được Hội Nhà văn tổ chức dự kiến vào ngày 12.5. Điều trăn trở lớn nhất của gia đình là chưa biết đến bao giờ cuốn hồi ký của nhà thơ Hoàng Cầm được xuất bản. Cuốn hồi ký này đã ký hợp đồng xuất bản với NXB Phương Nam mấy năm nay nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa được ra mắt bạn đọc.
Mấy năm gần đây, nhà thơ Hoàng Cầm sau tai nạn bị gãy chân, hầu như không ra khỏi nhà. Gia đình cho biết, khoảng hơn một năm trở lại đây, ông không còn sáng tác và không còn minh mẫn để đối thoại với bạn bè, để kể lại những thăng trầm của một đời thơ lừng lẫy từng “vang bóng một thời”. Trước thời điểm đó, tôi may mắn được hầu chuyện Hoàng Cầm trong một buổi chiều tĩnh lặng, trên căn gác vắng vẻ của gia đình ông ở phố Lý Quốc Sư. Tôi cũng không ngờ, đấy là lần sau cùng, nhà thơ Hoàng Cầm còn ngồi dậy được, để trả lời những câu hỏi phỏng vấn của tôi với tư cách là một nhà báo. Lần đó, sau một hơi thuốc lào khá say sưa, Hoàng Cầm phả khói lên không và chậm rãi nói:
– Dạo này mình ngày một yếu, bữa ăn được bát cháo ninh xương, mệt cả ngày. Đêm chỉ ngủ vài ba tiếng, ngày không ngủ được, cứ toàn nằm thao thức. Muốn đi thăm bè bạn cũng không được. Cái tuổi già nghĩ khổ lắm. Tôi đã gửi cuốn băng ghi âm ghi những lời tôi kể về cuộc đời tôi đưa cho NXB Phương Nam để họ làm cuốn hồi ký. Hiện tại thì tôi không viết được nữa, tuy có những xúc cảm về thơ nhưng cầm bút lên thì không viết được nữa. Mình cũng đang định viết một cái ký về tình bạn của mình với Nguyễn Đình Toán (nhiếp ảnh gia) trong mấy năm cuối đời mà cũng chưa viết được. Toán là một người bạn rất tận tụy, không viết được mình cũng ân hận lắm.
* Cháu có biếu bác cuốn sách Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975 – 2005 viết về 45 nhà thơ Việt Nam đương đại. Bác đọc chưa?
– Mình đọc rồi, thấy có một số phát hiện rất hay về Dương Tường, Đặng Đình Hưng… vì thứ thơ ấy những độc giả bình thường ít người cảm nhận được. Phải là người hiểu thơ và có tình cảm nào đó với tác giả thì mới hiểu được. Mình thấy cậu rất chăm chú và phát hiện.
* Theo cháu, thế hệ các bác là những người đầu tiên đặt nền móng cho sự cách tân thơ Việt Nam sau giai đoạn thơ Tiền chiến nhưng không được mấy người nhắc tới?
– Họ quên thì cũng chịu thôi, nhưng mình tin vẫn có những người như cậu, rồi hàng trăm năm nữa người ta sẽ nhắc lại.
* Bác đánh giá thế nào về nhóm nhà thơ cách tân đầu tiên ở thế hệ bác như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tường?
– 5 người chúng tôi không chỉ là một nhóm thơ cùng chí hướng mà còn là tình bạn gắn bó lắm. Tất cả những bài thơ mới viết, chúng tôi đều đọc cho nhau nghe, không ai giấu ai cái gì, tất cả đều vì thơ ca. Vì là bạn thân nên chúng tôi hiểu được những điều muốn nói của nhau trong thơ, cái mà người khác có khi không hiểu được.
* Bác đánh giá thế nào về những cách tân thơ của nhà thơ Trần Dần?
– Trần Dần là số 1, ông ấy lù lù như núi Thái Sơn về cách tân thơ và có rất nhiều đóng góp cho thơ hiện đại. Trần Dần chủ định đổi mới thơ và tìm tòi, cân nhắc trong từng câu chữ. Trần Dần lặng lẽ kiên trì đổi mới thơ sao cho bài sau phải khác bài trước theo một cách làm khác người. Trần Dần đổi mới ngay từ trong kháng chiến khi viết bài thơ dài Việt Bắc. Ông Trần Dần quyết định chôn “Thơ mới Tiền chiến”. Thật ra, “Thơ mới Tiền chiến” cũng có đóng góp lớn cho nền thơ Việt Nam nhưng nếu chúng ta cứ nhai đi nhai lại mãi thì cũng nhàm chán. Do vậy Trần Dần phải cách tân.
* Còn về Đặng Đình Hưng với 2 tập thơ Bến lạ và Ô mai, thưa bác?
– Đến Đặng Đình Hưng thì thơ thật mới lạ. Sau khi đọc tập Bến lạ của Đặng Đình Hưng, thì Trần Dần khen hết lời. Ông bảo tôi: “Mày phải đọc Đặng Đình Hưng đi, thằng này mới là ghê, là lớn đấy”. Tôi đọc mới đầu cũng thấy thơ ông Hưng hơi lủng củng, khó hiểu nhưng sau rồi đọc kỹ mới thấy lạ, thấy hay thật vì cách dùng chữ mới lắm, nó cứ bắt buộc người ta phải đọc lại, không thể bỏ qua được mà phải đọc đi đọc lại tới bốn, năm lần mới vỡ ra được. Và đọc Đặng Đình Hưng không phải dễ đâu. Đến tập Ô mai thì là một truyện thơ trữ tình với những suy nghĩ của Đặng Đình Hưng khi gặp một cô gái ở trong một quán rượu.
* Hôm cháu gặp bác Lê Đạt, bác ấy nói với cháu về thế hệ thơ cách tân đầu tiên như thế này: Trần Dần là trưởng môn phái, còn Hoàng Cầm thì giời cho ông ấy thơ, ông ấy không cố tình cách tân mà thơ vẫn cách tân. Bác đánh giá thế nào về thơ cách tân của Lê Đạt?
– Có thể nói Lê Đạt là một nhà thơ “bạo phổi”, nếu có một cái mới nào đó đưa được vào thơ mình là ông ấy bất chấp dư luận xung quanh và đấy chính là một ưu điểm của Lê Đạt. Tôi làm thơ là theo bản năng và tôi không định làm một cái gì cả. Tôi không bao giờ thích lý luận về thơ ca, làm thơ thì cứ làm thế thôi. Tập thơ về Kinh Bắc nhiều người khen ngợi quá tôi cũng thấy ngượng. Thỉnh thoảng có Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo lại chơi. Vừa rồi có một đoàn làm phim từ Mỹ về có đến quay phỏng vấn tôi mấy lần.
Thấy nhà thơ có dấu hiệu mệt mỏi, tôi không dám hỏi chuyện ông nhiều nữa. Buổi chiều hôm ấy, khi chia tay, tôi còn nhớ mãi dáng vẻ của ông với mái tóc bạc lãng đãng như khói sương cổ kính. Hôm nay, Hoàng Cầm đã từ bỏ chúng ta để trở về “bên kia sông Đuống”.
Nội dung bài viết
THƠ HOÀNG CẦM
LÁ DIÊU BÔNG
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông
Mùa đông sau em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…ới diêu bông…!
VỀ VỚI TA
Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
Đi mãi tìm sim chẳng chín
Ta lên đồi thông nằm miếu Hai Cô
Gặm cỏ mưa phùn
Dóng dả gọi về đồng sương
Đôi ba người lận đận
Đêm nay mẹ chẳng về chuồng
Ta con chào mào khát nước
Về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm
Cây ổi giơ xương
Chống đỡ mùa đông xập về
Đánh úp
Ô này tám đỏ ra hoa
Ta con chim cu
Về gù dặng tre
Đưa nắng ấu thơ
Về sân đất trắng
Đưa mây lành những phương trời lạ
Về tụ nóc cây rơm
Ta ru em
Lớn lên em đừng tìm mẹ
Phía cơn mưa
Ta con phù du ao trời chật chội
Đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao
Uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ
Vừa rụng chiều nay
Dềnh mặt nước hương sen
Ta soi
Chỉ còn ta đạp lùi tinh tú
Ngủ say rồi
Đôi cá đòng đong.
TÔI NGƯỜI LÀNG QUAN HỌ
Tôi người làng quan họ
Quê mẹ bên này sông
Cách quê cha một dòng nước trắng
Cô gái làng Xim mười bảy tuổi
Hát hay nổi tiếng khắp vùng
Khi cất lời ca
Những lứa hợp tình chuốt rơm bện ổ
Những vợ trái duyên chồng
khăng khăng giả của
Lại có anh học trò
Bổi hồi bồi hồi
Xăm xăm một bước vượt sông
Trầu cau chẳng kịp cốm hồng
Xác pháo đã vùi ngõ mưa lầy lội
Bà mối nhai trầu bỏm bẻm
Chưa vợi chùm cau thường têm trầu cánh phượng
Đã nghe tin cô ả chê chồng
Ứ hự… từ đâu?
Chồng nói chồng yêu, chẳng hội chẳng hè
Vợ cúi mặt vò nhàu ngực yếm
Dựa cột nhà nhịn thở lắng nghe.
Gió đưa tiếng chị tiếng em
Đến phá cửa buồng cài then khóa giọng.
Đã lạy đã van đã giàn nước mắt
Tiếng hát vẫn không ra thóat cửa buồng tằm
Ngảnh mặt không ăn nằm
Vợ chờ tua rua chỉ lối
Bỏ đi theo người trai
Chở thuyền hát lặn những đêm giăng.
Mười năm sau ngày cưới
Chồng nhớ hội yếm đào
Mê tìm theo đám hội
Van mình ơi, thương tôi mình về
Tay vân vê sợi tóc bạc đầu tiên
Lẫn dưới vành khăn tròn trặn
Hai người chợt tiếc mùa xuân
Vội chắp lại đêm xuân thứ nhất
Nhờ đó tôi ra đời
Mẹ quấn quanh tã mỏng
Giọng hát bắt đầu rơi rụng
Theo từng giọt sữa vắt nuôi con.
Tôi lớn lên
Mang giọng mẹ tròn
Trong đôi mắt sáng…
CỎ BỒNG THI
Chị đưa Em đến bến này
Cheo leo mỏm đá
Trước vực
Sau khe
Thòng lọng tơ gì quấn gót
Tua khăn buông còn buộc búp hoa lan
Ù ù gió thổi
Em vọng ai đâu mà hóa đá
Không trói mà không đi
không canh gà
không thu không
Mắt không mở
đừng khép
Kìa dây muốn dại kín Em rồi
Lắc đầu hoa tím rụng
ngó rừng xanh Em hỏi ngọn nguồn
Biết rồi
Thôi
nghe hoa tím hát
Ngày mười bảy tuổi
Chót chơi đố cỏ Bồng Thi
Cỏ Bồng Thi phải cheo leo mỏm đá
Ù ù gió thổi
Không canh gà
Không thu không.