PHÙNG QUÁN

(1932 – 1995)

Nhà thơ Phùng Quán sinh năm 1932, quê Thuỷ Dương, Hương Thuỷ, Thừa Thiên – Huế. Năm 1945, ông tham gia quân đội trong thời kỳ chống Pháp, sau chuyển sang làm công tác văn hoá.

Phùng Quán nổi tiếng với những tác phẩm văn xuôi và thi ca. Tác phẩm đầu tay tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1955; tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội được trao giải A năm 1987; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Phùng Quán mất năm 1955 và tập ký Ba phút sự thật in sau khi ông mất được dư luận văn chương đánh giá cao và tái bản nhiều lần theo yêu cầu của bạn đọc.

Trước hết, nhà văn Phùng Quán là con người có số phận đặc biệt và ông đã có những tác phẩm để đời ở cả lĩnh vực tiểu thuyết, bút ký, thơ và trường ca. Cuộc đời thăng trầm của ông đã để lại những trang viết thấm đẫm máu lính trận và hơi thở nhọc nhằn của mô hôi trong những năm dài mưu sinh khốn khó. Thơ của ông như được chắt gạn ra từ nỗi khổ đau của quê hương, xứ sở trong chiến tranh cùng sự lầm than của kiếp người, nhưng vượt lên tất cả là tình yêu đất nước luôn cháy bỏng trong con tim của một cựu chiến sĩ Vệ quốc quân năm 1945:

Ngày ra trận
Tóc tôi còn để chỏm
Nay trở về
Đầu đã hoa râm…
Sau cuộc trường chinh ba mươi năm
Quỳ rạp trán xuống đất làng
Con tạ…

Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao!

Con tạ ơn cha
Đã yêu đằm thắm mẹ con
Con tạ ơn mẹ
Đã sinh con đúng lúc
Con tạ trời
Tạ đất
Đã mưa thuận gió hoà đêm mẹ lên giường sinh
Con tạ bà mụ vườn
Tạ lưỡi liềm cùn cắt rốn
Đã đỡ con ra đời
Vẹn toàn, sung sức…
Con tạ
Manh chiếu rách con nằm
Con tạ
Bát cơm nghèo mẹ con ăn
Con tạ
Câu dân ca mẹ con hát….
Tất cả thành sữa ngọt
Nuôi con ngày trứng nước…
Để hôm nay con được sống
Được lớn khôn…

Được chiến đấu hết mình
Vì tự do của Tổ Quốc
Được ca hát hết mình
Tổ Quốc thành thơ!

(Tạ – thơ Phùng Quán)

Có thể nói tình yêu thi ca đã mang đến cho Phùng Quán một chân trời mới, một nguồn lực mới cho sáng tạo và một sức sống mới để vượt qua quãng ngày khổ ải, thăng trầm “cá trộm, rượu chịu, văn chui” của ông ở chiếc “chòi ngắm sóng” ven Hồ Tây, khi nhà văn phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới các bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Mời rượu là một trong những bài có tứ thơ khá độc đáo của Phùng Quán viết trong những ngày thăng trầm ấy khi ông từ mặt Hồ Tây trong cơn say, ngẩng mặt ngắm núi Ba Vì và dâng rượu mời “Bác núi” xuống cụng ly cùng với nhà thơ:

Mời bác Ba Vì xích lại đây
Ta cùng tuý luý ngắm sóng say
Tôi đùa bác đấy đừng tưởng thật
Bác xích lại gần tôi cũng gay

Bác là Ba Vì tôi Phùng Quán
Bác đông khách tôi càng lắm bạn
Toàn bợm rượu coi trời bằng chai
Họ nhầm lung tung bác với tôi…

Bác đẹp ngang tàng tóc còn xanh
Gái Đông Đô sướt mướt thư tình
Gửi nhầm địa chỉ tôi chết dở
Bà vợ tôi sẽ nổi cơn ghen

Thôi, bác cứ ngồi yên ở đó
Còn tôi cứ tĩnh toạ ở đây
Tôi thì làm thơ bác làm núi
Nhớ nhau tưới rượu xuống Hồ Tây.

(Mời rượu – thơ Phùng Quán)

Bài thơ trên cũng cho thấy bản lĩnh thơ khá đặc biệt với khẩu khí ngang tàng, nghĩ hiệp của một tráng – sĩ – thơ như Phùng Quán. Bài thơ bảy chữ tuy nhịp điệu cũ, âm điệu cũ nhưng hình ảnh thơ và tinh thần thơ thì mới mẻ, ghê gớm lắm đấy khi những “bợm rượu coi trời bằng chai” đến độ như Phùng Quán thường xuyên phải mua rượu chịu cũng đành cắn răng thưa với núi Ba Vì rằng: “Tôi thì làm thơ bác làm núi/ Nhớ nhau tưới rượu xuống Hồ Tây”.

Đã nhắc đến thơ Phùng Quán thì không thể không nói đến bài thơ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe. Đây là  một tuyệt tác của thơ Việt Nam năm chữ khi nỗi đau đớn không cùng của hai thi nhân ở Việt Nam và Trung Hoa tuy không sống cùng thời nhưng đã gặp nhau trong nỗi niềm tâm sự thương cảm, day dứt:

Ngoài trời trăng như tuyết
Trắng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thoả thích…Hồ khuya sương tĩnh mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi…Tựa lưng ghế cành ổi
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan…Đỗ Phủ tự Tử Mỹ
Thường xưng già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn nămThơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn ngàn bàiChỉ hơn ngàn bài thôi
Nỗi đau đã Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật!…

Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết…

Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất

Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi làm chuồng gà…
Đọc lên trào nước mắt!

Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối.

Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói!…

Giật mình trên tay vợ
Bỗng nẩy một hạt sương
Hạt nửa rồi hạt nửa
Tôi nghẹn dừng giữa trang.

Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi!…

Vụng về… tôi dỗ vợ:
Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương…Miệng nói nhưng lòng nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!…Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơNgàn năm cháy như lửa:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt
Em ơi, nếu Tử MỹNhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm

Mưa thu mái nhà tốc
Em ơi, nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe

Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc
Bà cụ xóm Thạch Hào

Gái quê tân hôn biệt…
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng

Thơ chết áo đắp mặt!
Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết

Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải viết
Những Hành qua Bành Nha
Vô gia Thuỳ Lão biệt…

Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải chết
Giữa tuyết, trong đò con…
Đắp mặt áo bông sờn.

Đừng buồn nữa em ơi
Chuyện ngàn năm… ngàn năm.

Trong bài thơ trên, mỗi câu thơ như một tiếng nấc, mỗi câu thơ là một giọt nước mắt xót xa, mỗi câu thơ như một giọt máu ứa ra từ đau đớn làm cảm động chúng sinh khắp thế gian này. Hoá ra, thi nhân ở thời nào, ở xứ nào cũng vậy, như Phùng Quán từng xác quyết: Ôi thân phận nhà thơ/ Khác nào thép không rỉ/ Ngàn năm cũng thế thôi!/ Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác. Những năm cuối đời, thơ Phùng Quán vẫn hành trình chung thỷ đầy trăn trở với nỗi đau và mơ ước của nhân dân mà những bài thơ không vần, thơ tự do mang trong mình một mỹ cảm mới, một tinh thần mới của ông đã lay động trái tim nhiều thế hệ bạn đọc.

Nguyễn Việt Chiến

Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân (1975 – 2015)