LƯU QUANG VŨ

(1948 – 1988)

Nhà thơ Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, con trai cả của nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Thuận. Trong thế hệ nhà thơ xuất hiện những năm 70, Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh và kiệt suất. Sau này khi trở thành một kịch gia nổi tiếng khắp nước thì sự nghiệp chính của ông vẫn là thi ca. Lưu Quang Vũ mất năm 1988 cùng với vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai nhỏ trong một tai nạn giao thông bi thảm, để lại sự thương tiếc vô bờ bến trong lòng đồng nghiệp và độc giả.

Cho đến nay, sau gần ba thập niên nhà thơ Lưu Quang Vũ qua đời, sự nghiệp thi ca đặc biệt của ông vơi những đóng góp lớn cho nền thơ đương đại vẫn chưa được khai sáng và đánh giá đầy đủ những chân giá trị của nó. Thời gian đi qua, thời gian khắc nghiệt, nhưng thời gian vẫn là thước đo sòng phẳng nhất, công bằng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo tinh thần của con người. Với Lưu Quang Vũ, vượt lên trên tất cả những mất mát, cái còn lại là những câu thơ.

Trong thơ Việt thời gian qua, không ít những bài thơ vui rất giả, rồi buồn cũng rất giả. Ngôn ngữ thơ ấy như một thứ hàng dởm làm người đọc hết sức khó chịu và phải quay lưng. Phải chăng độc giả của thơ ngày một ít đi cũng bởi lẽ ấy. Hơn ba thập niên đã trôi qua, biết bao bài thơ con người đã xoá quên, đã loại khỏi trí nhớ mình. Cũng ngần ấy năm đi qua, kỳ lạ thay, không ít bài thơ vẫn còn nguyên giá trị nhân văn, với sức lay động lòng người da diết, vẫn hội nhập được với đời sống tinh thần con người hôm nay. Và những bài thơ còn lại của Lưu Quang Vũ viết từ những năm bảy mươi cho đến giờ vẫn không chịu cũ, vẫn có được những cảm xúc được chia sẻ nơi độc giả, vẫn làm rung động một thế hệ mới. Tôi coi ông là một trong những nhà thơ sáng giá nhất của thế hệ nhà thơ những năm bảy mươi. 5 năm sau khi nhà thơ qua đời, năm 1993, tập thơ Bầy ong trong đêm sâu của Lưu Quang Vũ được NXB Hội Nhà văn ấn hành và được nhiều độc giả thơ đón nhận. Qua suốt tập thơ, nỗi buồn của Lưu Quang Vũ rất thật, nó mệt mỏi nhức đau như chính cuộc đời vậy:

Chiếc cốc tan, không thể khác đâu em
Anh nào muốn nói những lời độc ác
Như dao cắt lòng anh như giấy nát
Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu
Tiếng bán mua tiếng cãi chửi ồn ào
Những nhà cửa nhỏ nhoi những mặt người bụi bẩn.

Thơ của Lưu Quang Vũ có một giọng thủ thỉ tâm tình giàu chất tự sự. Ông kể lại bằng ngôn ngữ của thơ những xúc động, những phát hiện, những ghi nhận của mình trong cái chuỗi ngày mệt mỏi và lận đận. Và điều ấy đã làm một phong cách Lưu Quang Vũ không thể trộn lẫn:

Những dòng thơ giằng xé dày vò
Là mây trắng của một đời cay cực
Vượt lên trên những mái nhà chật hẹp
Em em là mây trắng của đời tôi
Em ở đâu? bao năm tháng qua rồi
Người ta bảo rằng em đã chết
Người ta bảo quên đi đừng phí sức
Hãy chấp nhận những vách tường có sẵn
Em làm gì có thật mà mong.

Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh rất đặc biệt và độc đáo. Bản năng thi sĩ của ông giàu có trong những nỗi buồn, trong nỗi cô đơn và khổ hạnh. Khi bị dồn vào chân tường, trong những khoảnh khắc chập chờn sáng tối, những vần thơ ám ảnh của ông tung bứt lên như muốn đối mặt với buồn đau. Nhưng ông là một người yếu đuối và đa cảm, bởi thế tình yêu và thi ca như một cứu cánh còn lại qua những dằn vặt u ám. Gần ba chục bài thơ (trong số 40 bài thơ của tập Bầy ong trong đêm sâu) ông viết cho tình yêu. Thơ tình Lưu Quang Vũ với những câu thơ say đắm và mê sảng, trong sáng và sầu muộn, ưu tư và tội nghiệp – thực sự ông đã “thếp vàng” cho thể thơ tám chữ với những câu thơ tình lay động nhiều con tim:

Ta lớn lên cửa sổ thay màu
Nghe tiếng chim không thấy mùa nắng nữa
Con thuyền giấy nát nhàu sau trận gió
Thành phố nghèo hơn và cũng buồn hơn.

Trang sách tình yêu có ngôi sao lên
Không giống với cuộc đời thô bạo
Vì ta lầm đường hay vì trời nổi bão
Thương bạn bè ngơ ngác ngóng tin nhau.

Những day dứt, trăn trở trước cuộc đời đã để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự khắc nghiệt của cuộc sống mà anh phải nhìn thấy, phải nếm trải, phải hứng chịu đã dội đập vào thơ anh đến tức ngực, nhưng cũng đã làm thơ anh bừng tỉnh:

Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn
Một tấm gương chẳng biết soi gì
Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì
Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng
Thành phố đầy bụi bặm
Những mặt người lì nhẵn chen nhau.

Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu
Tôi chẳng còn điếu thuốc nào
Đốt lên cho đỡ sợ
Yếu đuối đến cộc cằn thô lỗ
Tôi xấu xí mù loà như đứa trẻ mồ côi
Tình yêu trong lòng tôi chẳng ích lợi cho ai
Những gì mọi người cần, tôi chẳng thiết
Tôi khao khát yêu người
Mà không sao yêu được
Cuộc đời như một mụ già dâm đãng
Một núi giây thừng bẩn thỉu rối ren
Tôi chán cả bạn bè
Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới
Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại
Tôi đi một mình trong phố vắng ban đêm
Tôi chẳng dám về gian phòng nhỏ của em
Tấm áo đẹp của em và chiếc đồng hồ em xinh xắn
Mặt tôi âm u như khu rừng rậm
Nghe em cười giữa bè bạn đông vui.

Có lẽ những năm qua chúng ta chưa đánh giá đầy đủ những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho nền thơ hiện đại. Theo tôi, anh là một gương mặt thơ tiêu biểu và chói sáng lặng lẽ qua thời gian bên cạnh những gì mờ nhạt và thiếu sức sống ngôn ngữ. Thơ Lưu Quang Vũ có vẻ đẹp lạ kỳ của ngôn ngữ thơ mang tính đặc thù của riêng anh với những câu thơ tám chữ đậm nét tài hoa và giàu cảm xúc. Những câu thơ vang lên trong tâm tưởng người đọc một nhạc điệu mê hồn với những thi ảnh được chọn lọc một cách tinh tế và giàu tính hội hoạ:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

Những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển của thơ hiện đại khá đa dạng, nó không chỉ nằm ở bình diện phát hiện các vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ mà sự đóng góp ấy còn thể hiện ở việc khắc hoạ chiều sâu những rung động suy tư của tâm trạng con người trong đời sống hiện đại:

Bao bài ca xáo trộn trong tôi
Có tiếng khóc của con chim gẫy cánh
Tiếng đau rên của ngôi nhà đổ sập
Tiếng con thuyền không về được bờ quen
Tiếng mưa rơi trên ngọn cỏ yếu mềm…
Nhưng đêm hội này, chỉ một lần tôi được hát
Chỉ sống một cuộc đời giữa vô cùng năm tháng
Chỉ một lần gặp bạn, bạn yêu thương
Chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn.

Tôi biết anh Quang Hoà một thầy giáo toán cấp III ở Hà Nội hễ cứ ngồi đàm đạo thơ ca lại rưng rưng đọc những câu thơ say đắm, buồn thương của Vũ một thời, người bạn ấy cho rằng: nhớ những câu thơ ấy rồi thì khó mà nhớ thêm được ít câu thơ nào đó của những người cùng thế hệ với Lưu Quang Vũ. Có thái quá chăng? Nhưng chỉ cần với những người yêu thơ mình như vậy, Lưu Quang Vũ với những giá trị sáng tạo ông để lại cho cuộc đời vẫn còn sống mãi cùng thời gian:

Ðã chết rồi ơi chú ong nâu
Ðể hoa rụng mùa thu thương nhớ bạn
Anh là con ong bay giữa trời lận đận
Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao
Em ở đâu, em ngủ ở phương nào
Môi em thở những điều gì khe khẽ?

Ðêm như biển không bờ bóng tối rất thẳm sâu
Ðời cũng giống như biển kia anh lại giống con tàu.

Nguyễn Việt Chiến

Thơ Việt Nam tìm tòi – cách tân (1975 – 2015)