1. Thế nào là học giỏi Ngữ văn? Câu hỏi tưởng như đơn giản mà câu trả lời thật không dễ chút nào. Thử nghĩ, liệu một học sinh làm được thơ, viết được truyện có phải là học giỏi Ngữ văn? Một học sinh khác đọc rất nhiều sách, nhớ rất lắm và hiểu rất sâu sắc tác phẩm văn học nhưng không biết làm thơ, viết truyện… liệu đấy có phải là học sinh giỏi Ngữ văn? Một bạn biết làm thơ, hiểu được cái hay, cái đẹp của tác phẩm nhưng lại không làm thế nào diễn đạt (nói và viết) ra một cách sáng sủa để người khác cùng hiểu như mình… liệu có phải là đã học giỏi Ngữ văn ? Hoặc giả một học sinh có đủ các phẩm chất trên nhưng chữ viết “ma chê, quỷ hờn”, cẩu thả, sai chính tả, trình bày luộm thuộm, lôi thôi, bài viết tẩy xoá, đầy rẫy những con chữ nhì nhằng… người ấy có phải là một học sinh giỏi môn Ngữ văn? Đó là chưa kể đến những điều băn khoăn như biết làm thơ và viết truyện liệu có chắc chắn là viết được bài phân tích, bình giá tác phẩm văn học tốt hay không ? Có phải cứ nói rất lưu loát trôi chảy là viết được bài văn hay ? …vv và vv … Chúng tôi cho rằng để trả lời được câu hỏi trên, trước hết cần phân biệt năng lực văn học và năng khiếu văn chương.

Năng khiếu văn chương là loại tài năng”thiên bẩm”,”trời cho”. Người ta thường vẫn nói, người này, người nọ sinh ra là để làm thơ, viết văn . Với Nguyễn Bính làm thơ là cái nghiệp “giời bắt”,“giời đầy”:”Riêng tôi giời bắt làm thi sĩ”. Đã là cái nghiệp”giời đầy”,”giời bắt” thì đâu phải cứ muốn là được. Lê-nin cũng từng nói:”Cứ lột da tôi, tôi cũng chịu, đến hai câu thơ cũng không làm nổi “(1). Như thế năng khiếu là lĩnh vực chỉ có cố công, gắng sức thôi không đủ, ở đây cần phải có tài. Có lẽ vì thế mà nhà văn Thạch Lam nói: “Người ta sinh ra đã là nghệ sĩ hay không chứ không thể học tập mà thành được “(2). Tất nhiên khái niệm năng khiếu và nghệ sĩ ở đây phải hiểu theo nghĩa đích thực. Theo nghĩa này không phải cứ có thơ đăng trên báo, thậm chí in ra mấy tập sách rồi mà chưa chắc đã là nghệ sĩ, chưa chắc đã có năng khiếu đích thực. Ông Hoài Thanh cho biết để làm cuốn Thi nhân Việt Nam ông đã phải đọc một vạn bài thơ và trong số ấy “có đến non một vạn bài dở “. Khi đã chọn ra được hơn 40 nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ Mới lãng mạn rồi ông vẫn cho rằng trong số ấy “may mắn ra 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế “(3). Nếu năng khiếu văn chương là chuyện trời phú, trời cho, muốn có cũng không được, không thể đem sức ra mà có, học mãi mà thành, thì năng lực văn học lại có thể đào tạo được, rèn luyện và cố gắng là có được. Năng lực văn học là khả năng chiếm lĩnh khoa học về văn, khả năng diễn đạt và trình bày, thể hiện cho người khác cùng hiểu như mình… Năng lực văn học thuộc phạm trù khoa học còn năng khiếu văn chương thuộc phạm trù nghệ thuật .

Mục tiêu chính của nhà trường phổ thông ở tất cả các cấp của Việt Nam không đặt ra vấn đề đào tạo ra những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ ngôn từ. Còn như sau này nhiều học sinh trở thành nhà văn, nhà thơ thì lại là chuyện khác. Nhà văn nào chẳng có thời ngồi trên ghế nhà trường . Học vấn nhà trường không tạo ra năng khiếu văn chương cho họ nhưng giúp cho năng khiếu ấy phát triển mạnh mẽ hơn . Điều đó cũng có nghĩa là biết sáng tác văn học ( viết văn, làm thơ ) và học giỏi môn văn là hai chuyện khác nhau, có những yêu cầu và mục đích khác nhau, tuy vậy chúng có mối liên quan rất chặt chẽ. Có giai thoại kể lại, khi nhà văn nổi tiếng Honoré de Balzac ( 1799-1850) còn sống, người ta đưa tới cho ông một cuốn vở học sinh, chữ nghĩa nguệch ngoạc, viết lách cẩu thả và hỏi: liệu học sinh này có trở thành nhà văn được không? Balzac xem qua và nói quả quyết: không bao giờ. Ông không ngờ đó lại là cuốn vở của chính mình do một cô giáo dạy ông ngày nhỏ còn giữ được . Chúng ta đều biết, tuổi thơ của nhà văn lớn Maksim Gorky trôi trong cay đắng tủi hờn, không được học hành cẩn thận, ông đã phải lần mò kiếm sống và coi cuộc đời rộng lớn lắm chuyện lành, nhiều chuyện dữ là trường đại học của mình. Ở Việt Nam không ít nhà văn đầy tài năng nghệ thuật mà trình độ học vấn nhà trường không cao như Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh …vv . Nhưng những nhà văn ấy, sở dĩ đã phát huy được năng khiếu của mình đến thế là nhờ họ đã hết sức cố gắng, cố gắng tới mức quyết liệt để học tập vốn văn văn hoá từ sách vở và nhất là từ cuộc đời để bù lại sự thiếu hụt của giáo dục học đường . Và dĩ nhiên, nếu những nhà văn ấy có điều kiện học cao hơn, có hệ thống hơn, thì chắc chắn tài năng của họ sẽ còn được phát huy hơn nữa.

Trong chương trình làm văn ở nhà trường phổ thông, có hai loại bài rất cần đến sự hỗ trợ của năng khiếu sáng tác. Một là những bài viết theo thể văn miêu tả, kể chuyện ( tự sự ), hai là những bài viết phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học. Để viết được những bài văn miêu tả hoặc kể chuyện hay về con người, cảnh vật, sự việc, thì học sinh phải có óc quan sát, tưởng tượng giỏi, ngôn ngữ phong phú, biết cách trình bày thuật lại, kể lại câu chuyện một cách hấp dẫn… Trong trường hợp này thực chất học sinh đang viết những trang văn hình tượng như là các nhà văn vậy . Cũng như thế, nếu bạn có năng khiếu sáng tác, bạn sẽ cảm thụ và phân tích tác phẩm văn học một cách sâu sắc hơn. Trong thực tế rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã trở thành các nhà phân tích, phê bình văn học hết sức tinh tế và tài hoa như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa … Không ai có thể dạy cho bạn năng khiếu viết văn được, nhưng để giúp bạn học giỏi môn văn trong nhà trường thì hoàn toàn có thể .

Do mục đích như trên cho nên đánh giá kết quả học tập môn văn người ta chủ yếu tập trung đánh giá năng lực văn học của học sinh. Trong tất cả các kì thi, kiểm tra ở môn học này, học sinh chưa bao giờ phải làm một bài thơ hoặc viết một truyện ngắn cả mà chủ yếu là phải viết một bài văn theo một yêu cầu nhất định nào đó cả về nội dung cũng như kiểu bài trong phạm vi nhà trường . Vậy thế nào là một bài văn hay ?

2. Một bài viết của học sinh giỏi văn là một bài viết phải đạt yêu cầu như thế nào? Chúng tôi cho rằng bài văn ấy phải kết hợp được hài hoà hai phương diện :

– Thứ nhất : bài viết phải có ý ( yêu cầu về ý )

– Thứ hai : bài viết phải có chất văn ( yêu cầu về văn )

Yêu cầu ý nghiêng về nội dung ( tìm tòi, lựa chọn, phát hiện và nêu lên những nội dung); yêu cầu chất văn nghiêng về cách trình bày, diễn đạt . Nói nghiêng nghĩa là không chỉ có hình thức trình bày, diễn đạt . Thực ra cái gốc chất văn là nội dung tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ. Văn sáng tác đã đành là như thế, ngay cả văn nghị luận cũng cần có nội dung ấy ở một chừng mực nhất định. Trong thực tế có những bài viết rất đủ ý, thậm chí có những phát hiện mới mẻ về nội dung nhưng văn viết lại chưa hay. Ngược lại có những bài viết mới đọc lên thấy hay, nhưng xem kĩ thì thấy chẳng có ý gì sâu sắc, mới mẻ cả. Ý nghiêng về việc tác động tới lí trí, văn nghiêng về tác động tới tình cảm . Có ý mà thiếu chất văn, bài viết đôi khi nặng nề khô khan, thiếu truyền cảm. Có văn mà ý nông cạn, hời hợt hoặc chẳng có ý gì, bài viết dễ rơi vào mòn sáo ” làm xiếc ngôn từ ” như Xuân Diệu từng cảnh báo.

Như thế, bài văn hay là bài văn có những ý tứ sâu sắc, mới mẻ lại được diễn đạt bằng những lời văn sáng, câu văn đẹp, giàu hình ảnh, tự nhiên, giản dị, lập luận chặt chẽ mà có sức truyền cảm mạnh mẽ .

Trong việc viết văn nói chung, có được một ý mới mẻ và sâu sắc của riêng mình là rất khó . Ngay cả đối với những người cầm bút lâu năm cũng không dễ dàng tìm thấy ngay được những ý tứ tân kì, độc đáo. Chính vì thế mặc dù chúng ta không hạn chế những phát hiện và khám phá sâu sắc của học sinh nhưng cũng cần giới hạn yêu cầu này ở một chừng mực nhất định, vừa phải, phù hợp với trình độ và năng lực của học sinh . Có thể nêu lên hai mức độ về ý của một bài văn hay:

– Mức thứ nhất : Người viết biết tiếp thu, học hỏi ý kiến của người khác về một vấn đề nào đó, biết lựa chọn và trình bày các ý ấy theo cách của mình để làm sáng tỏ yêu cầu của đề ra .

– Mức thứ hai: Suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện, nêu được những ý của riêng mình.

Đối với học sinh nói chung, mức độ thứ nhất thường thấy khi các em phải viết loại bài phân tích một vấn đề văn học sử, lí luận văn học hoặc phân tích, bình giảng một tác phẩm văn học quen thuộc, nổi tiếng nào đó . Bởi vì văn học sử hay lí luận văn học là những vấn đề học sinh khó có thể nêu lên được những nhận xét và đánh giá mới mẻ. Ở đây chủ yếu đòi hỏi các em thuộc bài, hiểu và tập hợp được ý kiến của người khác rồi trình bày theo cách của mình để đáp ứng được yêu cầu của đề bài . Với những tác phẩm quen thuộc, nổi tiếng thì lại có quá nhiều bài viết hay của các nhà phê bình, nghiên cứu, các em lại đã được học kĩ trên lớp, chính vì thế yêu cầu có được những ý mới mẻ riêng biệt cũng rất khó. Tất nhiên nói như thế không phải là không có những bài viết xuất sắc của học sinh, nêu lên nhiều ý tứ và phát hiện mới mẻ, thú vị.

Với mức độ thứ hai, học sinh có điều kiện bộc lộ cái riêng, sự độc đáo, mới mẻ của mình thường ở loại văn mang nhiều yếu tố sáng tác như miêu tả, kể chuyện, trần thuật sáng tạo… hoặc khi phân tích, bình giảng một số tác phẩm chưa được học ngoài chương trình và cũng chưa được đọc nhiều tài liệu tham khảo. Chính vì thế, khi muốn đánh giá cho thật khách quan, chính xác năng lực hiểu và cảm thụ văn học của học sinh, một trong những cách tốt nhất là cho các em chỉ ra cái hay, cái đẹp cuả một tác phẩm văn học nào đó còn rất mới mẻ đối với người viết . Nhiều học sinh rất lúng túng khi phải viết về một tác phẩm chưa được học, được đọc… Nhưng nếu bạn có một năng lực cảm thụ tốt, lại chú ý qua các bài giảng của thầy cô giáo trên lớp để nắm được cách phân tích, đánh giá, cách bình giảng một tác phẩm văn học thì bạn hoàn toàn có thể làm chủ được bài viết, thậm chí khi đó bạn còn có niềm vui náo nức, say sưa trong việc tìm tòi, khám phá cái hay, cái đẹp của những tác phẩm tưởng chừng như “xa lạ” ấy. Điều này cũng giải thích được vì sao nhiều khi trong giờ làm văn có bạn trúng tủ 100 % thế mà kết quả vẫn không cao . Trong trường hợp này, những vấn đề quen thuộc, những tác phẩm nổi tiếng đã có quá nhiều ý kiến về chúng, dễ làm người viết không “nổi hứng”, dễ bị ” bão hoà” trong cảm xúc và cuối cùng thường dễ bị “lệ thuộc” vào ý kiến của người khác

Sau khi đã có ý rồi thì vấn đề quan trọng hơn cả là biết diễn đạt hay. Tức là biết diễn đạt một cách khéo léo những ý tứ của bài viết thành lời văn cụ thể. Nhiều khi cùng là một ý, nhưng do cách diễn đạt khác nhau mà một đằng thì thành văn hay còn đằng kia chỉ là những câu văn bình thường, thậm chí ngô nghê, nhợt nhạt và non nớt . Có rất nhiều cách viết, cách diễn đạt để có được những câu văn hay, những lời văn đẹp “hàng hàng châu ngọc, lời lời gấm thêu” nhưng đó lại là một vấn đề khác, đành hẹn gặp nhau ở một bài khác.

Hà Nội, 10-03-2015

Chú thích :

(1) Xem : Lênin : Bàn về văn hoá văn nghệ -Văn học .1977, tr.459
(2) Xem : Thạch Lam : Theo giòng -Văn học.1968
(3) Xem : Hoài Thanh : Nhỏ to-Thi nhân Việt Nam – Văn học 1988, tr. 370