Là người đã có lần chấp bút viết chương trình dạy môn ngữ văn trung học phổ thông năm 2000 và tham gia chủ biên SGK THCS và tổng chủ biên SGK trung học phổ thông, tôi buộc phải trả lời câu hỏi nêu lên trong đầu đề.

Có nhiều cách trả lời câu hỏi trên. Nào dạy văn là dạy người, dạy học lễ trước khi học văn…, các cách hiểu ấy có thể phù hợp chỗ này chỗ khác trong mục tiêu dạy học chung, nhưng nó chung chung, trừu tượng, không thể kiểm chứng, bởi học lễ, học làm người học sinh có thể học cả ở trong gia đình và ngoài xã hội, không nhất thiết phải chỉ trong một môn, không thể kiểm soát được. Nếu hiểu các môn học đều phải dạy phẩm chất con người thì mối môn phải dạy một phương diện của phẩm chất con người ấy, như thế môn văn học dạy cho được con người biết tư duy bằng ngôn ngữ, văn bản,  biết đọc hiểu, biết viết văn, biết nói năng, biết truyền thống văn học dân tộc và qua đó biết văn hoá dân tộc. Vậy sát nhất với nhiệm vụ của bộ môn Ngữ văn (trước quen gọi là môn văn, văn học, văn học và tiếng Việt), và  là điều có thể kiểm tra được, theo tôi, dạy văn là dạy đọc văn và dạy làm văn. Môn văn là môn học cơ bản trong nhà trường, có nhiệm vụ đào tạo cho người học năng lực đọc hiểu các văn bản và viết được các văn bản thông dụng, từ đó hoàn thiên năng lực tư duy, năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nắm bắt chính xác các thông tin qua các văn bản, tích cực tham gia vào quá trình giao tiếp xã hội. Trong nhà trường phổ thông học tốt môn văn là điều kiện để học tốt tất cả các môn khác, bởi tiếng Việt là nền tảng để tiếp nhận mọi tri thức trong nhà trường. Đó chính là cái năng lực người cực kì quan trọng mà không bộ môn nào có thể thay thế được môn văn. Không phải vô cớ mà nhà nước đã cấp cho môn văn một vị trí quan trong trong chương trình phổ thong, từ tiểu học đến trung học.

Trước hết nói về việc dạy học đoc văn. Trước đây trong nhà trường có môn tập đọc để học đánh vần, tập đọc trơn, đọc nhanh, tiến tới đọc diễn cảm, chứ không có môn đọc hiểu văn bản văn học. Ngược lại có môn giảng văn (còn gọi là giảng bình, bình giảng), là môn dạy học sinh hiểu văn thông qua việc giảng và bình của thầy. Học sinh sẽ hiểu bài văn qua phân tích của thầy. Cách này cũng gợi hứng tốt cho học sinh. Nhiều em suốt đời không quên lời bình hay của thầy. Nhưng cách này biến học sinh thành người đọc thụ động, quen dựa dẫm vào người khác, biết khen thầy, phục thầy, mà tự mình thì không  phát hiện điều gì mới trong tác phẩm. Cách này chưa dạy cho học sinh năng lực đọc hiểu văn một cách độc lập sáng tạo. Văn học được viết ra cho từng người đọc thuởng thức, và người đọc phải tự mình khám phá, không có chuyện người khác thưởng thức hộ cho mình. Trong xã hội cũng có nhà phê bình trợ giúp cho người đọc, nhưng nhà phê bình cũng không thể thay thế hoàn toàn người đọc được. Mỗi học sinh trưởng thành từ nhà trường phải tự mình trở thành người đọc tự giác. Nghĩa là họ phải được học để biết văn thế nào là hay, là có nghệ thuật, có thị hiếu thẩm mĩ tốt, biết lựa chọn sách để đọc và học suốt đời. Do đó môn văn trong nhà trường phải đào tạo năng lực đọc cho học sinh. Để dạy học sinh đọc hiểu, nhà trường dạy cho học sinh đọc hiểu từ ngữ, hiểu nghĩa từ dưới các hình thức tu từ, chơi chữ, hiểu nghĩa từ theo văn cảnh, tiến lên hiểu bố cục, mạch lạc của bài văn và nắm được chủ đích của bài văn. Tiến thêm một bước học sinh sẽ học cấu trúc của các thể loại: tự sự, trữ tình, kịch, truyện ngắn, tản văn, thơ trữ tình, các thể loại truyện dân gian như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, câu đố, ca dao, dân ca, vè, đồng dao, các thể thơ trung đại như thơ luật, hát nói, truyện nôm, ngâm khúc, cáo, chiếu, biểu, văn tế, hịch, truyện sử, các thể văn xuôi như du kí, bút kí, tuỳ bút, kí sự, phóng sự, bài báo, văn chính luận… Trong 12 năm học ở nhà trường học sinh sẽ làm quen và đọc hiểu hầu hết các thể loại văn học thông dụng có trong kho tàng văn học dân tộc, để khi ra đời các em sẽ không xa lạ. Để giúp học sinh đọc hiểu văn bản văn học nhà trường sẽ dạy cho học sinh biết đặc điểm của văn học là biểu đạt gián tiếp, thông qua các hình tượng nhân vật, phong cảnh, các biện pháp tu từ bóng gió, khác với cách nói năng giao tiếp bộc trực hàng ngày. Học sinh làm quen với các thể thơ, thơ luật, thơ lục bát và song thất lục bát, phú. Đối với thơ ca học sinh sẽ đọc hiểu các kiểu câu song hành, đối, tương phản. Đối với truyện kể học sinh sẽ tập đọc hiểu các motif, cốt truyện, các kiểu kết cấu, nhận ra các kiểu người kể chuyện, giọng điệu, điểm nhìn trần thuật, sự chuyển đổi điểm nhìn từ nhân vật này sang nhân vật khác và ý nghĩa của chúng. Đó là các hình thức mang nội dung của văn học.

Môn đọc hiểu văn bản văn học không chỉ có nội dung dạy năng lực đọc thuần tuý, mà còn có nội dung văn học. Nghĩa là chương trình cần cung cấp cho học sinh một hệ thống văn bản văn học chuẩn gồm văn học Việt Nam và văn học thế giới. Nhà trường chính là nới đề xuất việc lựa chọn các tác phẩm, tác gia kinh điển của văn học dân tộc và văn học thế giới, giúp học sinh định hướng một số kiến thức văn học tối thiểu ở mức phổ thông. Các chương trình trước đây đã rất coi trọng kiến thức văn học sử, và sắp xếp các kiến thức ấy theo trật tự thời gian của các giai đoạn văn học. Theo đó văn học dân gian phải học đầu tiên, tiếp theo là văn học cổ điển bằng chữ Hán với những bản dịch, cuối cùng mới đến các áng văn chương cận, hiện đại và đương đại. Tình trạng đó khiến các học sinh đầu cấp như lớp 6 và lớp 10 phải đánh vật với các văn bản khó, học tập ít hiệu quả. Chúng tôi đã từng đề nghị bỏ việc sắp xếp các văn bản theo thứ tự văn học sử, những không được chấp thuận. Tuy vậy tôi vẫn chủ trường rằng, một mặt, học sinh cần học các áng văn kinh điển, và mặt khác không nhất thiết phải xếp chúng theo thứ tự văn học sử. Các lớp đầu cấp có thể và cần học các văn bản hiện đại dễ tiếp nhận, lên các lớp trên các văn bản khó dạy xen với các văn bản quốc ngữ hiện đại. Các văn bản quan trọng như Đại cáo bình Ngô, Truyện Kiều có thể phân phối dạy ở các lớp 11, 12.Nếu chúng ta bỏ hẳn hệ thống các văn bản kinh điển trong SGK thì có cơ các tác giả SGK không coi trọng nó, mà thay bằng các loại văn bản khác, tuy có thể học sinh dễ học, có hứng thú, mà kết quả sau khoá học học sinh thiếu hụt tri thức phổ thông về văn học dân tộc và văn học thế giới.

Thứ tự sắp xếp các văn bản trong chương trình có thể tuân thủ theo 5 trình độ ý thức về văn học của nhân loại mà GS người Nga là V. Tiupa đề xuất như sau: 1. Văn học là sáng tạo kí hiệu; 2. Văn học là sáng tạo thẩm mĩ; 3. Văn học là hoạt động sáng tạo; 4. Văn học là hoạt động nhận thức; 5. Văn học là hoạt động giao tiếp. Các trình độ này phân biệt nhau nhưng không tách bạch quá rạch ròi. Đại thể, ở trình độ các học sinh lớp 5, 6, cung cấp cho các em nhiều thể loại văn học, thơ ca với các thể thức, dấu hiệu nhận biết, phân biệt nhau,  mà chưa cần quá đi sâu vào tìm hiểu ý nghĩa của thể loại. Trình độ lớp 7 nhấn mạnh tới tính chất và giá trị thẩm mĩ của văn học, vẻ đẹp của hình tượng và ngôn từ. Lớp 8 hướng các em khám phá giá trị sáng tạo của các văn bản, đặc biệt các văn bản hư cấu, lãng mạn, mang đậm cá tính. Lớp 9 chú trong khám phá giá trị nhận thức của các văn bản văn học. Học sinh sẽ biết qua văn bản mà nhận thức đời sỗng xã hội, sự đối lập giàu nghèo, sự áp bức bóc lột, thiếu bình đẳng bác ái trong xã hội. Ba năm của trình độ trung học phổ thông sẽ lặp lại ba tính chất chính của văn học là tính sáng tạo, tính nhận thức và hoạt động giao tiếp, đối thoại. Đến đây học sinh sẽ phát triển năng lực phân tích, đối thoại, phản biện lại các ý kiến trong các tác phẩm. Một sự phân biệt như thế sẽ đưa học sinh học văn vào quá trình tiếp nhận từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với lứa tuổi. Mỗi trình độ có thể phân biệt thành một số chuẩn cần đạt để tác giả SGK hay thầy cô giáo đứng lớp lưu ý thực hiện. Trong kiến thức văn học sẽ cung cấp một hệ thống tri thức đọc hiểu để học sinh và thầy cô dựa vào, nhưng không phải là tri thức bắt buộc học sinh phải học thuộc và kiểm tra. Các tri thức về tác gia, tác phẩm được thể hiện dưới hình thức cước chú hoặc tiểu dẫn ngắn gọn, mà thầy cố không bắt buộc phải giảng thành bài, thành mục như lâu nay đã làm rất nặng nề.

Môn đọc hiểu sẽ thay thế cho môn giảng văn truyền thống, bởi giảng văn chỉ dạy theo một lối duy nhất của thầy, còn đọc hiểu khi lên đến các lớp trên cho phép các học sinh phát huy những cách hiểu khác nhau, có thể trao đổi, tranh luận. Cơ sở lí thuyết cho sự thay đổi này là lí thuyết tiếp nhận, người học là chủ thể sáng tạo, là đối tượng mà nhà trường phải giúp họ trưởng thành trong năng lực đọc, viết. Theo lí thuyết này nội dung, ý nghĩa của văn bản không có sẵn trong văn bản, mà trong đó chỉ có các sự kiện tạo nghĩa, học sinh cần phát hiện ra chúng và dựa vào đó để kiến tạo ra nghĩa của văn bản.

Đọc hiểu văn bản phải trải qua ba giai đoạn. Thứ nhất là đọc hết, đầy đủ văn bản ngôn từ đoạn trích, hoặc tác phẩm ngắn, tương đối ngắn tuý theo lớp, để nắm toàn bộ thông tin của văn bản. Năng lực đồng cảm của học sinh thể hiện chủ yếu ở khâu này. Khi đọc phát huy sức tưởng tượng, nhìn thế giới nghệ thuật theo điểm nhìn của người kể chuyện hay điểm nhìn của nhân vật chính,  để cảm nhận hết con người và tình huống, tâm trạng nhân vật trong tác phẩm. Bước hai, đứng cao hơn nhân vật,  nhận ra tác giả hàm ẩn trong văn bản, tìm hiểu ý nghĩa, thông điệp mà văn bản gợi ra cho người đọc. Bước ba, có thể liên hệ với các văn bản cùng loại (nguyên tắc liên văn bản) để nhận ra điểm giống hoặc khác, tính sáng tạo. Các lớp dưới có khi chỉ cần đọc theo bước một, từ lớp 7, 8 trở lên mới yêu cầu bước hai và lớp trên nữa mới yêu cầu đủ cả ba bước.Đây chỉ mới phác hoạ đề hình dung, chưa phải là ấn định chính xác.

Tuỳ theo yêu cầu đọc hiểu khác nhau mà các câu hỏi, bài tập đọc hiểu, bài kiểm tra, bài thi  cũng sẽ thiết kế phù hợp tương ứng.

Viết văn bản (còn gọi là tạo lập văn bản) là nhiệm vụ quan trọng thứ hai của môn văn. Hóc sinh sẽ được học viết các văn bản từ đơn giản đến phức tạp, từ mô phỏng theo mẫu đến sáng tạo, từ dung lượng ngắn đến dung lương dài. Có hai hệ văn bản. Một là các văn bản gắn với thao tác tư duy, như văn bản miêu tả, tự sự (kể chuyện), thuyết minh, biểu cảm, nghị luận,hai là hệ văn bản hành chính công vụ, thường viết theo mẫu, như thư từ, đơn từ, báo cáo, biên bản, thông báo, tường trình…Viết văn là hoạt động giao tiếp trong đời sống. Học sinh khi viết phải bắt đầu có ý thức viết cho ai, nhằm mục đích gì, hình thức viết (loại văn bản, cách xưng hô, cách dung từ ngữ – phép tu từ), biết tự kiểm tra bài viết theo yêu cầu đề ra. Viết văn trong nhà trường chủ yếu là hình thức giả định. Học sinh khi học viết phải biết hình dung bằng tưởng tượng đối tượng giao tiêp, nhu cầu giao tiếp và phương thức giao tiếp. Sự hình dung càng cụ thể thì bài văn càng cụ thể và sinh động. Chương trình làm văn hiện nay có thể nói đã có sự hình dung khá toàn diện các hình thức và bố cục, các thao tác biểu đạt. Giáo viên phải dạy cho học sinh khi tìm hiểu đề, thực hành tập giả định tình huống giao tiếp cụ thể thì học sinh mới lập ý, sinh ý và lập dàn ý dược. Coi nhẹ khâu này thì làm văn không thành công. Chấm bài và trả bài cũng là khâu không được coi nhẹ, phải giúp học sinh sửa bài thì học sinh mới có thể tiến bộ từ bài này sang bài khác. Cho đến nay trong nhà trường chỉ coi trọng làm văn nghị luận. Theo quan niệm của tôi, học sinh lớp 8.9. 10, 11, 12 cũng cần học văn kể chuyện, bởi loại văn này vừa giúp phát triển tư duy trực giác vừa phát triển tư duy logic. Tự sự đòi hỏi sức bao quát và ý thức logic rất tốt. Có thể yêu cầu kể lại nôi dung các tác phẩm đã đọc, không nhất thiết bắt học sinh phải viết truyện. Chỉ kể lại truyện đã đọc cũng đòi hỏi học sinh phải biết lọc lấy cái chính, bỏ qua cái phụ để kể lại câu chuyện có ý nghĩa.

Dạy học văn (đọc và viết) là một hoạt động và quá trình rất công phu, phải dạy cho từng người học trưởng thành trong năng lực đọc và viết, vì thế phương thức dạy và sự tham gia trực tiêp của học sinh vào quá trình này có ý nghĩa quyết định then chốt đối với thành công của bộ môn. Hệ thống hoạt động dạy học, các hoạt động trên lớp của học sinh ngày càng được đánh giá cao. Điều quan trọng là tuyệt đối tránh lối diễn, đóng giả hoạt động. Mọi hoạt đông giả, có tính biểu diễn đều không có giá trị gì, không giúp ích  gì cho học sinh và môn học, phải kiên quyết bài trừ.

Cần phải bài trừ lối dạy văn thụ động, tiêu cực, chỉ xem học sinh như là cái túi để thầy giáo trút kiến thức, niềm say mê văn chương của mình vào đấy. Yếu tố giảng giải, phân tích, bình chú và niềm say mê của thầy cô vẫn rất có ích đối với học sinh. Vận dụng đúng liều lượng, đúng chỗ sẽ kích thích niềm hứng thú cho trò. Nhưng bản chất môn đọc văn không phải là giảng văn, thầy giáo không thế chỗ của chủ thể học sinh, càng không được thủ tiêu nó. Ngược lại tìm mọi cách gây cho cây chủ thể đọc văn nơi người học trò ngày một lớn lên, đâm hoa, kết trái. Lúc đầu học sinh khó tranh ngây ngô. Ngờ nghệch, nhưng thầy uốn nắn, các em sẽ trưởng thành, không ngoan.Thầy dạy văn không nên là nhà chuyên gia, không nên là đấng toàn tri, mà chỉ nên là người bạn đọc giàu kinh nghiệm, không đứng trên, mà đứng cùng để khi cần có thể giúp khơi gợi cho học sinh đọc hiểu, chứ không phải kẻ làm thay họ. Cần tìm tòi các phương pháp kích thích học sinh chủ động tham gia vào qía trình đọc, hoạt động đọc, tham gia quá trình kiến tạo nghĩa. Phải sáng tạo tình huống, hoặc gợi ý để tạo nên sự gặp gỡ giữa học sinh với các sự kiện trong văn bản, từ đó giúp học sinh ngộ ra nghĩa của văn bản và kiến tạo nên nghĩa.

Môn văn ở đại học là bộ môn dạy nghiên cứu văn học. Thầy không phải là người công bố kết quả, mà là người bày ra trạng thái chưa giải quyết của vấn đề, dẫn dụ học sinh vào đấy để họ tham gia giải quyết. Trình bày các cách hiểu và đánh giá, những ưu và khuyết của các cách hiểu ấy, hướng tới một cách giải quyết hoàn thiện hơn, hợp lí hơn. Dạy văn học ở đai học về căn bản là dạy nghiên cứu văn học, chỉ ra những vấn đề chưa giải quyết, những chỗ khó chưa thể vượt qua, giống như dạy toán là dạy các bài toán chưa giải được. Học văn ở đại học cũng không thoát ly với việc đọc văn và làm văn. Có điều tài liệu cần đọc ở đại học nhiều hơn, sinh viên không chỉ đọc tác phẩm mà còn đọc cả các công trình nghiên cứu, đọc các công trình có tầm phương pháp luận mới mẻ, đọc để tìm cách hiểu các vấn đề chưa giải quyết xong xuôi. Viết văn lúc này là ghi chép các dữ liệu, các tư liệu, ghi chép những suy nghĩ tìm tòi, tập nghiên cứu để viết những bài báo nêu giả thiết mới hoặc giải pháp mới. Đáng tiếc là nhiều thầy dạy văn đại học bây giờ còn thiếu tầm nghiên cứu. Nhiều em học sinh yêu văn, khi vào đại học rồi, mới năm thứ nhất đã thấy thất vọng, vì thầy lại dạy lối áp đặt, giảng văn theo kiểu “cấp bốn”, học trò mất hứng thú.

Trên đây là quan niệm của tôi về công việc dạy văn, trả lời câu hỏi dạy văn dạy gì, có thể nói đó là một lí tưởng cao đẹp. Từ ngày bắt đầu dạy văn ở đại học tôi đã bắt đầu có ý thức dạy nghiên cứu. Một số học trò học tôi đã nhắc lại những kỉ niệm này. Tôi đã từng dự lớp nghe thầy Nguyễn Tài Cẩn dạy về ngôn ngữ học. Đó đúng là mẫu mực của vệc dạy học nghiên cứu. Nghe thầy dạy ta như đứng trước các vấn đề khoa học đang mở ra, ý tưởng của thầy cũng chỉ giải quyết một phần, thầy còn chỉ ra những chỗ chưa giải quyết hết. Tôi cũng đã học theo cách đó, nhưng tri thức của tôi hạn hẹp hơn nhiều, việc nêu các vấn đề cũng hạn chế hơn nhiều. Nhưng đó phải là con đướng của người thầy dạy học ở đại học. Nếu người thầy dạy đại học mà không nghiên cứu, việc dạy của anh ta chẳng khác gì một giáo viên cấp bốn kiểu cũ.

Trần Đình Sử