Năm 2017, khi quan sát hành trình phát triển của thơ Việt trên mạng internet, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu nhận thấy có 2 chặng: 10 năm đầu thơ xuất hiện trên tạp chí điện tử với những thử nghiệm cách tân và 10 năm kế tiếp thơ phát triển mạnh trên blog cá nhân, thiên về lối viết đại chúng. Sự sinh sôi này của dòng thơ đại chúng gắn liền với sự phổ biến của mạng xã hội, với những đặc trưng cơ bản của văn học thị dân là tính giải trí và thương mại.
1. Những nhà thơ “best-seller” và công chúng
Tập thơ Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt tạo nên một hiện tượng trong giới xuất bản cuối năm 2012 khiến nhiều người hồ hởi mong đợi một sự hồi sinh của thị hiếu dành cho thơ, khi mà những nỗ lực cách tân ngày càng khiến thơ đương đại trở nên xa lạ với công chúng. Đúng như dự doán, nhiều tập thơ từ đó ồ ạt ra kệ sách. Số lượng ấn bản thơ được tiêu thụ đủ để một số cây bút thơ trẻ trở nên quen thuộc với công chúng. Mật độ xuất bản thơ của những tác giả này rất dày. Nguyễn Phong Việt (1980) mỗi dịp Giáng sinh đều ra mắt một tập thơ mới: Từ yêu đến thương (2013), Sinh ra để cô đơn (2014), Sống một cuộc đời bình thường (2015)…; Nguyễn Thiên Ngân (1988) khởi nghiệp với truyện nhưng sau đó lại gặt hái tiếng tăm từ thơ với các tập Mình phải sống như mùa hè năm ấy (2012), Lạ lùng sao đớn đau này (2013)…; Trần Việt Anh (1989) có Rẽ lối nào cũng gặp nhớ thương (2014) dẫn đầu danh mục sách bán chạy của trang web bán hàng Tiki. Du Phong Nguyễn Tuấn Trung (1991) mỗi năm ra 2 tập thơ: Đừng gọi anh là người yêu cũ (2015), Có anh ở đây rồi hạnh phúc cũng ở đây (2015), Những gì đã qua đừng nghĩ lại quá nhiều (2016), Nắm tay anh rồi bình yên sẽ tới (2016)… Nhiều tập thơ trong số kể trên được tái bản nhiều lần, có tập đạt đến hàng vạn bản in.
Khu vực thơ viết bằng tiếng Anh cũng nổi lên những hiện tượng mạng xã hội tương tự. Gây chú ý nhất là nhà thơ Canada gốc Ấn Rupi Kaur (1992) với gần 3.7 triệu lượt theo dõi trên instagram. Tập thơ đầu tay của cô Milk and Honey (2014) có tên trong danh sách bán chạy của The New York Times suốt 103 tuần, được dịch ra 40 thứ tiếng và tiêu thụ hơn 3.5 triệu bản trên toàn thế giới (Myers, 2019). Rupi Kaur và những nhà thơ khác trên mạng xã hội như Lang Leave, Atticus, Amanda Lovelace… tạo ra một dòng thơ mới, gọi là instapoetry. Khái niệm này không chỉ dùng để gọi thơ (poetry) xuất hiện và lưu truyền trên instagram (insta) mà chỉ chung thơ ca trên mạng xã hội, nhấn mạnh tính chất tức thời (instant) của nó: sáng tác tức thời và lưu hành tức thời. Instapoetry thu hút nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Có người tin rằng instapoetry là sự hồi sinh của thơ trong một dạng thức mới, như Monique View trong bài “Thơ ca đại chúng và thế giới tương lai: thơ mạng xã hội của thế hệ mới”, Faith Hill – Karen Yuan trong bài “Instagram đã cứu thơ như thế nào”, Jessica Myers trong “Thơ instagram: mạng xã hội đã phục sinh một loại hình nghệ thuật lâu đời như thế nào”… Ở chiều ngược lại, rất nhiều người cho rằng instapoetry không phải là thơ vì sự đơn giản và thô sơ quá mức trong câu chữ, hình ảnh, có khi trùng khít với lời nói thông thường. Thậm chí Andrew Lloyd còn tự tạo một tài khoản instagram để đăng các bài thơ dở tệ của mình lên – và lạ thay, chúng vẫn thu hút công chúng trên instagram – để chứng minh rằng thành công của instapoetry nằm ngoài các giá trị thẩm mĩ.
Thơ Việt trên mạng xã hội không đơn giản, thô sơ đến mức trùng khít lời nói đời thường như instapoetry vì đa phần chúng vẫn được viết theo các thể thơ truyền thống ít nhiều đòi hỏi dụng công trau chuốt, nhưng thành công về mặt doanh số của các nhà thơ mạng xã hội Việt Nam giống các instapoet phương Tây ở chỗ họ đã tạo nên một cộng đồng văn hóa đại chúng của riêng họ trên các nền tảng mạng xã hội. Mạng xã hội dung chứa và nuôi dưỡng cùng lúc thơ dân gian đương đại và thơ đại chúng. Cả hai đều do người dùng đương đại sáng tác và lưu truyền, nhưng nếu thơ dân gian mang tính ẩn danh, phi lợi nhuận, mang nét giễu nhại, giải thiêng thì thơ đại chúng đặc biệt lăng-xê tác giả, có tính thương mại và chiều theo thị hiếu đám đông.
Nhìn vào số lượng tiêu thụ ấn bản đáng kinh ngạc của dòng thơ đại chúng sinh thành từ mạng xã hội, người ta dễ đặt câu hỏi rằng người mua những tập thơ ấy là ai. Vận dụng khái niệm phục trang bản ngã (self-fashioning), Trần Ngọc Hiếu giải thích rất thuyết phục tâm lí của không chỉ người sáng tác mà cả người thụ hưởng các tác phẩm thơ đại chúng trên mạng. Mỗi người luôn biểu hiện những chân dung/ tổ hợp tính cách (persona) khác nhau trong các tương tác xã hội khác nhau và những tổ hợp tính cách này được “đọc” thông qua các tín hiệu về hình thức (fashion) do bản thân (self) người đó tạo nên một cách có chủ đích. Trên mạng xã hội, người dùng xây dựng chân dung chỉ là một phần con người thật của họ. Người viết xây dựng chân dung để hấp dẫn người đọc, người đọc trích dẫn hoặc chia sẻ tác phẩm như một phần trong việc xây dựng chân dung cho mình, để cho thấy mình thuộc một nhóm xã hội nào đó mà họ muốn thuộc về. Từ phân tích của Trần Ngọc Hiếu có thể mở rộng giải thích việc người đọc đổ xô mua các tập thơ nổi tiếng trên mạng xã hội. Phục trang bản ngã là một vấn đề tâm lí – xã hội nói chung nhưng nó biểu hiện rõ nét trên không gian mạng, nơi các chân dung được xây dựng nếu không đẹp đẽ hoàn hảo thì cũng khiếm khuyết một cách hấp dẫn để gửi đi một thông điệp nào đó, chẳng hạn “ế trong tư thế ngẩng cao đầu”, “phụ nữ cần mạnh mẽ dù cô đơn”… Phục trang bản ngã đặc biệt thu hút tuổi thanh thiếu niên, độ tuổi khách hàng tiềm năng của các ấn phẩm thơ mạng xã hội. Ở tuổi này, con người thường có hình mẫu lí tưởng mà họ xây dựng trong đầu. Nếu gặp một chân dung trùng khít với tưởng tượng của mình, họ sẽ lập tức trở thành người hâm mộ. Hơn nữa, hiệu ứng đám đông cũng tác động mạnh đến tuổi thanh thiếu niên, là kết quả của nhu cầu thể hiện chân dung ở tuổi này nhằm khẳng định sự thuộc về một nhóm xã hội mong muốn. Điều này giải thích cho hiện tượng ăn theo xu hướng và sùng bái thần tượng đại chúng của giới trẻ, kể cả trong âm nhạc, phim ảnh lẫn văn chương.
Sức hút chân dung của người sáng tác và nhu cầu xây dựng chân dung cho bản thân không phải là động cơ tâm lí duy nhất của công chúng thơ mạng xã hội. Sự hấp dẫn của thơ mạng xã hội với công chúng trẻ hiện nay còn có thể giải thích dựa vào đặc trưng không lặp lại của thế hệ Y và lứa đầu của thế hệ Z. Thế hệ Y ở các nước Âu – Mĩ gồm những người sinh khoảng từ đầu thập niên 80 đến giữa thập niên 90 của thế kỉ XX, nhưng ở Việt Nam muộn hơn, khoảng từ giữa thập niên 80 đến cuối thế kỉ XX. Đây là thế hệ tiếp xúc với thế giới ảo trong quá trình trưởng thành, nhưng vẫn có hoài niệm về một thế giới không có các thiết bị kĩ thuật số. Tuy nhiên, thế hệ Y chỉ là công dân nhập cư của thế giới ảo chứ không phải là công dân bản xứ của thế giới này như thế hệ Z (ra đời trong thập niên đầu thế kỉ XXI) và thế hệ alpha (sinh trong khoảng thập niên thứ hai của thế kỉ XXI) không có kí ức về thế giới phi kĩ thuật số. Thế hệ Y mang tâm trạng cô đơn lưỡng phân đặc thù. Họ vừa hài lòng với thế giới ảo tốt đẹp, tiện nghi nơi mình đang định cư vừa nuối tiếc thế giới phi kĩ thuật số vì nó gắn với thời thơ ấu trong lành. Trên bình diện kinh tế, thế hệ Y ở Việt Nam lớn lên trong thời kì Đổi mới chịu rất nhiều áp lực ở tuổi trưởng thành khi phải tìm cách chen chân vào một thị trường lao động có sự cạnh tranh khốc liệt khi đất nước góp mặt vào quá trình toàn cầu hóa. Những điều này khiến thế hệ Y được nhận diện là một thế hệ tràn ngập nỗi buồn, sự cô đơn nhưng vẫn chứa chan mộng tưởng. Đặc điểm này gặp gỡ đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn, tạo nên một làn sóng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm văn học lãng mạn ở thế hệ này trên quy mô đại chúng. Phần lớn tác giả thơ Việt đại chúng trên mạng xã hội thuộc thế hệ Y. Thơ của họ xoay quanh hạnh phúc, buồn đau trong tình yêu: Chúng mình quên được nhau chưa? Hay còn tuyệt vọng như vừa qua nhau?! (Nguyễn Thiên Ngân); ý thức về sự mong manh của niềm vui trong cuộc đời: Muốn đưa tay níu thời gian/ Để đời mình có thêm ngàn khắc vui (Du Phong). Những cảm xúc và nhạc điệu của dòng thơ này vừa giống Thơ mới 1932-1945 vừa mang dấu ấn đương đại từ ngôn từ đến lối sống: Em đã có nửa tháng tư xa cách/ chiều hôm qua lướt facebook thấy buồn/ ở trên mạng người ta thay nhau trách/ ôi, những ngày chỉ muốn bỏ đi luôn (Linh Tumblr); đến cảm giác căng thẳng, mệt mỏi rất đặc trưng của thanh niên thế kỉ XXI: Nếu một ngày nào đó trong đời/ Tôi gửi đi một tin nhắn cầu cứu/ Bạn có đến tìm tôi? (Trần Việt Anh). Những nội dung và cách diễn đạt này bắt được tần số của đông đảo công chúng thế hệ Y vừa hiện đại vừa hoài cổ.
2. Mạng xã hội như một trường lực của thơ đại chúng
Nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu hình dung văn học và các thiết chế xã hội khác như những trường (field) vật lí trong đó các tác tố (agent) được hình dung như các ion dương và ion âm, phóng những lực tác động ngược chiều nhau lên các tác tố khác, chi phối sự di chuyển của tác tố trong trường. Với lí thuyết này, Bourdieu muốn giải thích các vấn đề của khoa học xã hội một cách khách quan như khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, ông không hoàn toàn loại bỏ vai trò của con người nên đã tính luôn vào hợp lực những lực phát ra từ chiến lược (strategy) sử dụng vốn (capital) của tác tố con người. Mạng xã hội cũng có thể hình dung như một trường lực mà các tính năng kĩ thuật của mạng, người dùng, cùng những nội dung được tạo ra và chia sẻ là những tác nhân vừa phóng lực vừa chịu lực từ những tác nhân khác trong trường và từ các trường lân cận. Hợp lực từ những tác nhân này đã hình thành, thúc đẩy sự phát triển và định hình đặc trưng của thơ đại chúng mạng xã hội.
Lực kĩ thuật – công nghệ tác động đến thơ xuất phát từ các tính năng đặc thù của mạng xã hội mà không gian sáng tạo thơ truyền thống ít hỗ trợ hoặc thậm chí không có. Nổi bật trong số đó là kĩ thuật truyền thông đa phương tiện giúp tạo nên các sản phẩm nghệ thuật đa phương tiện (multimedia art). Những nền tảng như facebook, instagram… đều tạo điều kiện để người dùng đăng nhiều hình ít chữ. Lực này tác động lên tác giả khiến họ có lúc ít dụng công hơn trong từ ngữ, có nhiều câu thơ như ngẫu hứng viết ra: Ngày nào đó hạnh phúc/ Xin đừng ngang qua nhà/ Tôi đâu còn ở đó/ Tôi mang tim đi xa (Nồng Nàn Phố). Đặc biệt lực này khiến thơ tự do và thơ văn xuôi ngày một phổ biến hơn: Anh đừng nói xin lỗi em nghe đã đủ rồi, nếu nói chỉ cho có vậy thì đừng nói thì hơn (Du Phong). Ở phía người đọc, truyền thông đa phương tiện làm giảm sức mạnh khơi gợi trí tưởng tượng của ngôn từ. Trong một lượt thưởng thức, tranh vẽ hoặc hình chụp và video lấp vào khoảng trống lẽ ra là chỗ của trí tưởng tượng, lâu dần làm mòn năng lực cảm thụ ngôn từ của người đọc, khiến họ chỉ cảm thấy dễ chịu với những câu từ, hình ảnh thơ đơn giản, quen thuộc.
Một lực kĩ thuật khác của mạng xã hội nhưng thật ra lại bắt nguồn từ lực thương mại là hiệu ứng buồng phản âm (echo chamber). Khái niệm này chỉ việc người dùng mạng xã hội phát ra thông tin gì thì thuật toán của mạng xã hội sẽ lọc những thông tin tương tự để cung cấp cho họ. Thuật toán này ban đầu được tạo ra nhằm thu thập thông tin nhu cầu người dùng để bán lại cho các nhà quảng cáo. Một lần nhấn nút thích (like) đôi câu thơ của một nhà thơ trên facebook rất có thể dẫn đến việc người dùng bị bao vây trong thế giới ngập tràn những câu thơ, bài thơ tương tự. Lâu dần, họ có thể từ từ ngấm và gia nhập cộng đồng thơ này.
Lực thương mại tác động lên thơ ca trong trường mạng xã hội là loại lực rất mạnh tạo nên dòng thơ đại chúng trực tuyến này. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các công ti sách tư nhân khiến trường văn học Việt Nam thế kỉ XXI nghiêng hẳn về cán cân thương mại. Với chuyên môn kinh doanh, họ nhanh chóng xác định được đối tượng khách hàng tiềm năng là thế hệ Y và những người ở tuổi thiếu niên (thế hệ Z), biết khai thác bản thảo bằng cách lùng sục các trang mạng xã hội, tận dụng hiệu ứng buồng phản âm để quảng cáo, hỗ trợ tác giả xây dựng các chân dung (persona) trên mạng như cách mà truyền thông xuất bản gọi Du Phong là “hoàng tử thơ tình”. Đặc biệt, các công ti sách giúp tác giả tập hợp, chăm sóc một cộng đồng người hâm mộ (fan) trung thành trên mạng xã hội. Các tác giả trẻ nổi tiếng của dòng thơ đại chúng đều có tài khoản ở nhiều mạng xã hội khác nhau và có trang người hâm mộ (fanpage). Nguyễn Thiên Ngân có tận 3 trang người hâm mộ là Nomad Nguyễn Thiên Ngân, Thơ Nguyễn Thiên Ngân và Trang thơ Nguyễn Thiên Ngân. Nguyễn Phong Việt cũng có 3 trang người hâm mộ là Nguyễn Phong Việt, Thơ Nguyễn Phong Việt và Trang thơ Nguyễn Phong Việt. Dưới tác động của hiệu ứng buồng phản âm, người hâm mộ đến lượt họ cũng chia sẻ lại các câu thơ của các tác giả đại chúng mình yêu thích. Đặc biệt hơn, người hâm mộ chuyển vai trò từ người tiêu thụ sang người sản xuất khi họ không chỉ chia sẻ các nội dung đã được soạn sẵn, mà họ tái sản xuất một đơn vị nghệ thuật đa phương tiện trên mạng xã hội bằng cách tách những đoạn thơ, câu thơ họ thích và gắn cho nó những bức ảnh hoặc đoạn phim khác, thậm chí chèn thêm cho nó một câu chuyện hay hoàn cảnh khác. Ở khía cạnh này, văn hóa đại chúng tiệm cận văn hóa dân gian nhìn từ góc độ tái sáng tạo sản phẩm nghệ thuật, nhưng nó khác với văn hóa dân gian ở chỗ sự tồn tại của các từ khóa đảm bảo quyền sở hữu và tăng giá trị thương mại cho tác giả, tác phẩm.
Trong trường văn học, lực thẩm mĩ ngược chiều với lực thương mại. Tác phẩm càng bán chạy thì càng ít khả năng làm thỏa mãn nhóm người đọc chuyên nghiệp đã trải qua giáo dục đặc thù về văn học, càng không có sức đẩy văn học thuần túy lên bước phát triển mới. Với tác động mạnh của lực công nghệ và lực thương mại, lực thẩm mĩ trong trường mạng xã hội tất yếu giảm xuống. Dòng thơ đại chúng tiếng Việt trên mạng xã hội hầu như không có cách tân hay nỗ lực đổi mới kĩ thuật, phương thức phản ánh. Tóm lại, không thể trông chờ sự phát triển về chuyên môn, chất lượng nghệ thuật của dòng thơ đại chúng trên mạng xã hội.
Thơ là thể loại có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI. Bị chi phối bởi lực kĩ thuật công nghệ, lực thương mại và lực thẩm mĩ, dòng thơ đại chúng Việt trên mạng xã hội cuốn vào trong nó không chỉ người sáng tác mà cả người thưởng thức cùng tham gia sáng tạo những giá trị mang tính nghệ thuật – thương mại. Xu thế này không chỉ xuất hiện trong không gian mạng tiếng Việt, cho thấy tác động của mạng xã hội đến việc sáng tạo và thưởng thức thơ ca của nhân loại nói chung, đặc biệt lôi cuốn sự tham gia của thế hệ Y và lứa đầu của thế hệ Z. Với sự tiến bộ đến chóng mặt của khoa học công nghệ, thế giới ảo từng ngày đổi dạng, thế hệ Y và Z rồi sẽ đi qua thời niên thiếu, tuổi trẻ của họ, nên dòng thơ này rất có thể sẽ mất đi hoặc tự biến hóa, mang những thanh sắc khác trong tương lai.
Nguyễn Thị Phương Thúy