Nội dung bài viết
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
– Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9 – 1912, mất 11 tháng 11 năm 1940, là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn. Ông sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình; lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong gia đình theo đạo Công giáo, ông được rửa tội tại Nhà thờ Tam Tòa với tên thánh là Phanxicô.
– Hàn Mặc Tử mang vóc mình ốm yếu, tính tình hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Do cha ông là Nguyễn Văn Toản làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở, nên Hàn Mặc Tử cũng đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Quy Nhơn, Bồng Sơn (1921–1923), Pellerin Huế (1926).
– Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm khi mới 16 tuổi. Đến Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.
– Các sáng tác của Hàn Mặc Tử, gồm có: Lệ Thanh thi tập (gồm toàn bộ các bài thơ Đường luật), Gái Quê, Thơ Điên, Xuân như ý,…
2. Hoàn cảnh sáng tác
– Hàn Mặc Tử thời kì làm ở sở Đạc Điền – Quy Nhơn đã thầm yêu Hoàng Cúc, con một viên chức cao cấp. Hoàng Cúc là một người phụ nữ mang vẻ đẹp dịu dàng kín đáo, còn giữ được nhiều nét chân quê. Thi nhân yêu nhưng chỉ dám đứng từ xa để nhìn ngắm Hoàng Cúc, bởi tính rụt rè và bẽn lẽn. Tất cả mối chân tình ấy, Hàn Mặc Tử gửi vào tập “Gái quê”. Sau đó, Hoàng Cúc theo cha về Vĩ Dạ – Huế, thi nhân tưởng như nàng đã đi lấy chồng.
– Mùa hè năm 1939, người anh họ của Hoàng Cúc là Hoàng Tùng Ngâm (bạn Hàn Mặc Tử) viết thư về Huế cho Cúc biết Tử mắc bệnh nan y (bệnh phong), khuyên Cúc viết thư thăm Tử để an ủi một tâm hồn trong trắng bất hạnh. “Thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái danh thiếp. Trong ảnh có mây, có nước, có cô gái chèo đò với chiếc đò ngang, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm Tử rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau một thời gian, tôi nhận được bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” và một bài thơ nữa do Ngâm gửi về” (Thư Hoàng Cúc gửi Quách Tấn ngày 15.10.1971).
3. Chủ đề
– Bài thơ là dòng hồi ức về bức tranh phong cảnh thiên nhiên, con người, tình người xứ Huế và nỗi buồn sâu kín trong sự cảm hạnh phúc chia xa và lòng thiết tha với cuộc đời của nhà thơ.
II. Trọng tâm kiến thức
1. Bức tranh thôn Vĩ Dạ lúc bình minh
– Mở đầu bài thơ là một câu hỏi:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
+ Câu hỏi tu từ dùng với nhiều ý nghĩa. Có thể là hỏi han, trách móc nhẹ nhàng, lời mời mọc của cô gái Huế đối với nhà thơ. Đó cũng là lời nhà thơ tự hỏi mình, trách mình, tự giãi bày nỗi ước ao được trở về thôn Vĩ. Đó cũng là cái cớ để khơi dậy những kỉ niệm sâu sắc về thôn Vĩ.
+ Về chơi chứ không phải về thăm gợi sắc thái thân mật, tự nhiên, chân thành chứ không xã giao, khách sáo. Không về chứ không phải chưa về gợi nỗi xót xa, vì chưa về là có thể, sẽ trở về. Còn không về như một sự tuyệt vọng, thôn Vĩ giờ đây chỉ còn trong hoài niệm.
+ Câu thơ đầu tiên cho thấy nỗi ao ước trở về thôn Vĩ vừa lãnh liệt vừa uẩn khúc, khó nói vì mang đầy mặc cảm về khả năng thực hiện của thi nhân.
– Về thôn Vĩ để được nhìn thấy cảnh vật quen thuộc, đáng yêu đã một thời gắn bó với nhà thơ, mà trước hết là những hàng cau trong nắng sớm:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
+ Nắng hàng cau gợi ra cái đẹp của thôn Vĩ là do sự hài hòa giữa ánh nắng vàng rực rỡ trên hàng cau tươi xanh. Nắng mới lên gợi ra vẻ đẹp tinh khôi của buổi sớm mai. Cau là thứ cây cao (có thể cao nhất) trong vườn nên cũng là thứ cây đầu tiên đón nhận những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Điệp từ nắng nhắc lại hai lần trong câu thơ đã gợi đúng đặc điểm nắng nhiều, chói chang, rực rỡ ngay từ lúc bình minh của nắng miền Trung.
+ Câu thơ gợi sự tinh khôi, trong trẻo, thanh khiết của ánh ban mai soi chiếu qua những hàng cau thẳng tắp.
– Nếu hình ảnh hàng cau hiện lên qua cái nhìn từ xa tới thì vẻ xanh non, tươi mát của những khu vườn thôn Vĩ lại hiện ra thật gần:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
+ Câu thơ không có hình thức của một câu hỏi, nhưng ngữ điệu nghiêng về hỏi.
+ Tình từ mướt (chứ không phải mượt) gợi vẻ tươi tốt, đầy sức sống của những khóm hoa cây cảnh vườn thôn Vĩ, giúp người đọc có thể hình dung ra sự sạch sẽ, láng bóng của từng chiếc lá dưới ánh nắng mặt trời.
+ Ý thơ vườn ai mướt quá như một lời cảm thán ngợi ca vẻ xanh tươi của vườn cây xinh xắn bao bọc xung quanh nhà ở Vĩ Dạ. Cấu trúc vườn – nhà chính là cái thần thái của thôn Vĩ.
+ Phép so sánh đầy gợi cảm xanh như ngọc vẽ nên hình ảnh lá cây xanh mướt, mượt mà được ánh nắng ban mai chiếu xuyên qua trở nên có màu xanh trong suốt và ánh lên như ngọc.
– Nhớ về thôn Vĩ, nhà thơ không chỉ lưu giữ những hình ảnh thiên nhiên đẹp mà còn giàu tình cảm với con người nơi đây:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
+ Hình ảnh con người xuất hiện làm cho bức tranh trở nên sinh động và có hồn hơn. Cụm từu mặt chữ điền gợi ra hình dung một khuôn mặt đẹp, phúc hậu, ngay thẳng, đó có thể là chủ nhân của vườn ai. Hình ảnh lá trúc che ngang làm nổi bật vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng của con người xứ Huế. Trước khuôn mặt ấy, lá trúc phải che ngang để tôn rõ thêm nét chữ điền. Cách sử dụng ngôn từ thật tinh tế của thi nhân.
+ Cảnh xinh tươi, người phúc hậu, thiên nhiên và con người hài hòa với nhau trong vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. Phải là người có một tình yêu tha thiết với thiên nhiên, cuộc sống và có ân tình sâu đậm với thôn Vĩ mới lưu giữ trong tâm trí những hình ảnh sống động và đẹp đẽ như thế.
– Cũng có thể hiểu, gương mặt chữ điền thấp thoáng sau lá trúc ấy là của chính thi nhân. Sự nép mình, thầm lén, e dè ấy vừa là biểu hiện cho một tình yêu mãnh liệt muốn trở về thôn Vĩ, vừa là nỗi mặc cảm đớn đau về thân phận của Hàn Mặc Tử. Khát vọng trở về thôn Vĩ, hay chính là khát vọng được hòa nhập với con người và cuộc đời của thi nhân dường như vô cùng mãnh liệt và cháy bỏng nhưng càng khao khát thì nỗi mặc cảm về bệnh tật lại khiến nhà thơ càng tuyệt vọng, đau thương hơn.
– Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Cảnh đẹp thế, người đáng yêu thế sao đã lâu anh không về chơi? Đâu chỉ là sự mời chào, hay lời nhẹ trách mắng còn hàm chứa cả niềm tiếc nuối, bâng khuâng cảu thi sĩ. Trên cái nền phong cảnh đầy hương sắc ấy, vương vấn một hoài niệm, một tiếng thầm thì của tình yêu. Người đọc tưởng như nhà thơ đang đi tìm bóng hình giai nhân, bóng hình cô gái Huế sau lá trúc của vườn ai mờ sương khói nơi Vĩ Dạ.
=> Phải là một con người yêu Huế mãnh liệt, nồng nàn, gắn bó máu thịt với thôn Vĩ, sông Hương, thi nhân Hàn Mặc Tử mới lột tả cảnh và người xứ Huế có hồn đến thế. Nhưng cái đẹp nhất của đoạn thơ là tâm hồn tác giả luôn hướng về cái thánh thiện, khát khao với cái đẹp của tình người, tình đời dù xa xôi mờ ảo.
2. Cảnh trời, mây, sông nước thôn Vĩ đêm trăng.
– Nhà thơ hướng đến một hình ảnh không thể tách rời thôn Vĩ, đó là dòng sông Hương êm đềm, thơ mộng chảy qua:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
+ Hình ảnh gió theo lối gió, mây đường mây cùng nhịp thơ 4/3 làm cho câu thơ như bị bẻ đôi, tách rời, gợi ra sự chia tách, đứt đoạn, ngang trái.
+ Hình ảnh mây gió chia lìa, xa cách mang đến cho ta cảm nhận sự phi lí, phi hiện thực vì thói thường gió thổi mây bay, mây và gió trên thực tế luôn gắn liền nhau. Như vậy, cách nhìn và cách cảm nhận này hoàn toàn không phải là cái nhìn của thị giác mà bằng cái nhìn của mặc cảm – mặc cảm chia lìa. Đó là mặc cảm của một người yêu tha thiết cuộc đời nhưng sắp phải chia lìa, từ giã cuộc đời vì bệnh tật. Vì thế, con người ấy nhìn thấy sự chia lìa ngay cả trong những sự vật tưởng chừng như không thể chia lìa.
+ Hình ảnh nhân hóa dòng nước buồn thiu vừa gợi ra vẻ êm đềm, thơ mộng của dòng Hương nhưng trong cảm nhận của thi nhân dòng sông trôi lững lờ như mang nỗi buồn nặng trĩu.
+ Đồng từ lay gợi ra chuyển động nhẹ nhàng, khẽ khàng của hoa bắp bên bờ sông. Có lẽ gió, mây, dòng nước đều ra đi, lìa bỏ chốn này, chỉ còn lại hoa bắp trơ trọi, nên trong cái dáng lay kia có gì đó buồn tủi biết bao! Chỉ có cảm nhận bằng mặc cảm chia lìa mới thấu hiểu được nỗi buồn tủi, cô đơn khi bị bỏ rơi như thế.
+ Câu thơ vẽ ra một bức tranh đẹp nhưng vắng lặng, hiu hắt, phảng phất tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ trước sự thờ ơ, xa cách của cuộc đời đối với mình.
– Hai câu sau, cảnh từ thực chuyển sang ảo:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
+ Hình ảnh sông trăng, thuyền trăng nhuốm màu huyền ảo. Con thuyền vốn có thực trên dòng sông trở thành một hình ảnh của mộng tưởng, nó đậu trên bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ.
+ Câu thơ cũng gợi ra vẻ mộng, huyền ảo của dòng sông Hương dưới trăng. Trước cảnh vật chia lìa, phiêu tán, thi nhân cảm thấy như mình bị bỏ lại, bỏ rơi, chỉ còn biết bám víu, trông đợi vào trăng.
+ Trăng cũng là ẩn dụ biểu tượng cho hy vọng, hạnh phúc, tình yêu, tình đời, tình người. Trăng vốn là bạn, là người tình tri kỉ trong thơ Hàn Mặc Tử và giờ đây, trăng là điểm tựa, là niềm an ủi duy nhất của nhà thơ trước nỗi cô đơn. Theo đó, thuyền chở trăng là con thuyền chở hi vọng, hạnh phúc, sự sống và bến sông trăng là bến bờ hạnh phúc, của cõi sống.
+ Từ kịp và tối nay hé mở tâm tư và thân phân đầy bi kịch của nhà thơ. Hai từ này cho thấy tình yêu tha thiết của nhà thơ với Huế, với cuộc đời, mong muốn được gửi gắm, giãi bày cùng trăng, con thuyền chở trăng về kịp tối nay – một buổi tối buồn bã, cô đơn, chứ không phải tối nào khác.
+ Đồng thời, ta cũng cảm nhận được tâm thế sống ngắn ngủi, vì thế phải chạy đua với thời gian vì quỹ đời còn quá ít ỏi, cái chết đã cận kề. Nếu trăng không về kịp tối nay thì con người đang đau khổ ấy sẽ rơi vào tuyệt vọng, vĩnh viễn đau thương. Xuân Diệu cũng luôn bị ám ảnh bởi sự trôi chảy của thời gian và sự hữu hạn, ngắn ngủi của đời người để cất lên những lời thơ giục giã, vội vàng sống hết mình, tận hưởng và tận hiến cho cuộc đời. Còn Hàn Mặc Tử, trong bệnh tật giày vò, đang phải sống cách li với cuộc đời như một tù đày, chỉ mong được sống là một hạnh phúc lớn lao, bởi thần chết đã về gần.
=> Lời thơ mang nỗi niềm khắc khoải, lo âu, phấp phỏng, mong ngóng của nhà thơ với tình đời, tình người. Càng mong ngóng, lo âu, lời thơ càng hiện rõ tình yêu tha thiết, mãnh liệt với cuộc đời, con người trong nỗi đau đớn của bệnh tật và chờ đợi cái chết.
3. Tâm sự của nhà thơ và người con gái xứ Huế
– Từ thế giới của cõi mộng, sang khổ thơ thứ ba, thi nhân đưa ta tới thế giới cõi hư. Đó là thế giới mang vẻ đẹp huyền ảo của xứ Huế và chất chứa tình đời, tình người thiết tha nhưng xa xăm vô vọng của nhà thơ.
+ Điệp ngữ khách đường xa là lời nhấn mạnh về nỗi xót xa và cũng là lời tâm sự của nhà thơ với chính mình. Giờ đây, với xứ Huế nhà thơ đã là một người khách quá xa xôi. Hàn Mặc Tử không còn cơ hội để trở về với nó, nếu còn cũng chỉ là người khách trong những giấc mơ.
+ Xứ Huế cảnh đẹp ban ngày, cảnh mộng ban đêm. Xứ Huế nhiều mưa, nhiều nắng nên cũng nhiều sương khói. Sương khói làm tăng thêm vẻ hư ảo, mơ mộng của Huế nhưng sương và khói đều màu trắng và áo em cũng trắng nên chỉ thấy bóng người thấp thoáng mờ ảo. Hình ảnh sương khói đó tượng trưng cho cái huyền hoặc của cuộc đời đang làm cho tình người đang trở nên xa vời. Giờ đây giữa nhà thơ và người con gái xứ Huế là một khoảng cách mịt mù khói sương, muôn ngàn xa cách.
+ Câu thơ cuối bài mang chút hoài nghi mà lại chan chứa nỗi niềm thiết tha với cuộc đời. Tác giả đã sử dụng thành công đại từ phiếm chỉ ai để mở ra hai ý nghĩa của câu thơ: Nhà thơ làm sao biết được tình người xứ Huế có đậm đà hay không, hay cũng mờ ảo như sương khói nơi đây và người xứ Huế có biết được tình cảm sâu sắc, tha thiết mà tác giả dành cho mảnh đất và con người nơi đây. Cả hai cách hiểu đều làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong tâm hồn nhà thơ.
III. Tổng kết
1. Nội dung
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ hay, thiên nhiên đẹp và tình người với những mơ ước, những dè dặt, tình đời như nửa thực nửa hư. Bài thơ bộc lộ tấm lòng của tác giả, một nhà thơ mang theo nhiều nỗi niềm mơ ước và cũng hiểu rõ giới hạn mà mình có thể tìm đến với cuộc đời. Nhà phê bình Lê Đình Kỵ nhận xét: “Hai bài thơ được thừa nhận rộng rãi đến thành cổ điển của Hàn Mặc Tử: Mùa xuân chín và Đây thôn Vĩ Dạ không xa lạ với những trình tự quê hương và vào loại trong sáng nhất của Thơ Mới”.
2. Nghệ thuật
Ngôn ngữ điêu luyện, phép điệp ngữ khéo léo, bút pháp vừa lãng mạn vừa tượng trưng, hình ảnh hiền hòa và thơ mộng, đã tạo nên một bức tranh thật đáng yêu về quê hương và xứ sở, cũng như hình ảnh của một hi nhân nặng trĩu nỗi buồn đang hiện ra trong lòng người đọc.