Rủ nhau đi cấy, đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa…

Đây là một bài ca dao ngắn gọn, giản dị và rất hay. Nó hay vì chỉ qua bốn câu lục bát, bài ca dao đã vẽ lên một khung cảnh lao động quen thuộc, điển hình và rất đáng yêu của làng quê Việt Nam xưa. Bài ca dao còn là một lời khuyên chí lí đối với nhà nông (và xa hơn, với mọi người nói chung): Công việc đồng áng vất vả thật đấy nhưng nếu chăm chỉ thì sau này cuộc sống sẽ phong lưu, an nhàn.

Nhưng hình như mọi người trong lúc say sưa thưởng thức nên đã quên một chi tiết phi logic nếu phân tích 2 câu cuối (Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa) từ góc độ hiện thực và cấu trúc cú pháp.

Câu đầu “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu” chắc không có gì khó hiểu. Đó là không gian lao động thân thuộc mà ta có thể bắt gặp bất cứ đâu ở nông thôn Việt Nam. “Đồng cạn”, “đồng sâu” là hai khu vực trồng trọt khác nhau về độ cao thấp. “Đồng cạn” là đồng trên, cao ráo, ít bị ngập nước, có thể để trồng lúa cạn hoặc trồng màu (khoai, ngô, đậu, rau các loại…). “Đồng sâu” là chân ruộng trũng, còn gọi là ruộng rộc, nước ngập quanh năm, chỉ có thể trồng lúa nước (cao cây, dài ngày) chứ không canh tác màu được. Dĩ nhiên, đã là nông dân thì phải làm lụng hết thảy trên các loại ruộng quê. Đồng sâu, ruộng cạn đều quen thuộc đối với họ.

Nhưng tới câu “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” thì quả thực có vấn đề.

Đối tượng được nói đến ở đây là 3: chồng, vợ và con trâu. Anh chồng – người đàn ông khỏe mạnh xốc vác đảm đương công việc cày bừa. Điều đó hiển nhiên. Cô vợ – người phụ nữ đảm đang, khéo léo, chăm chỉ làm công việc cấy hái. Điều đó cũng hiển nhiên không kém. Theo quy trình thì khi làm đất, người ta phải cày và bừa qua nhiều công đoạn (cày vỡ, cày ngả, cày lật, cày úp…; bừa vỡ, bừa san, bừa nhuyễn… tùy loại đất) để có mặt ruộng phù hợp rồi cắm cây mạ xuống. Hai anh chị, ai nấy vào làm, đúng người đúng việc. Rất hợp lí.

Cái không hợp lí chính là “nhân vật” thứ ba: anh chàng trâu. Ở đây theo tác giả bài ca dao thì anh trâu “đi bừa”. Chắc chắn không được. Trâu là gia súc nuôi để lấy sức kéo. Anh trâu chỉ có thể kéo cày hay kéo bừa theo sự điều khiển của con người. Anh ta sẽ trở nên vô tích sự nếu không có ai đứng sau (Con trâu đi trước, cái cày theo sau). Xét cho cùng, trâu (hay bò) cũng chỉ là công cụ lao động (kết hợp với cày, bừa) để giúp người làm đất trồng trọt. Không có người thì trâu có giỏi mấy cũng chỉ là… trâu gặm cỏ mà thôi.

Nếu phân tích về mặt cú pháp, ta có 3 chủ thể vào vai chủ ngữ (chồng, vợ, con trâu). Vị ngữ là: cày, cấy, bừa. Ba câu đơn này có mô hình là một cụm chủ – vị đơn giản (chồng cày, vợ cấy, con trâu (đi) bừa). Có 2 sự phi lí ở đây: 1) Chồng cày phải có trâu (trong khi con trâu trong bài còn mải đi bừa); 2) Trâu đi bừa với ai nhỉ? (Ai đứng sau chỉ huy trâu? Chả lẽ trâu tự mình đi bừa sao?). Phân công lao động ở đây rõ ràng là không hợp lí, do vi phạm nguyên tắc kết hợp tương ứng “người nào vào việc người ấy”.Chẳng hạn trong bài ca dao:

Ngày ngày sau bữa cơm chiều
Dưới đèn một cảnh thương yêu quây quần
Mẹ em sàng gạo dưới sân
Cha nghe em đọc rõ ràng từng câu
Bé em chạy trước chạy sau
Quàng vai rồi lại vò đầu bên cha
Con mèo nằm gọn giữa nhà
Xanh xanh đôi mắt như là thuỷ tinh;

ta thấy mỗi người trong gia đình nọ (cha, mẹ, em, bé con, con mèo) người nào việc nấy, có chủ thể và hành động rõ ràng, tương hợp).

Có vẻ tác giả bài thơ đã bí vần nên để cho anh trâu làm một công việc “bất khả kháng” vì mình anh làm sao kham nổi cơ đồ. Giả sử nhà nọ có tới hai con trâu thì trong khi “chồng cày vợ cấy” với một con trâu thì chú trâu còn lại chỉ có thể đứng chơi hoặc tung tăng đi gặm cỏ (chờ mọi người xong việc ra dắt về).

Nếu câu cuối này viết là “Chồng cày, vợ cấy, con dâu đi bừa” (ông chồng, bà vợ, con dâu mỗi người một việc) hoặc “Chồng cày, vợ cấy, con trâu cùng làm” thì sẽ hợp logic hơn và cũng giúp “tháo gỡ bế tắc” cho các nhà cú pháp.

Nhưng nếu sửa như thế thì còn đâu là ca dao nữa. Sự trục trặc mang hơi hướng “bí vần ghép đại” đã để lại cho đời sau một bài ca dao phải đọc đi đọc lại cho tỏ vấn đề. Đọc mãi mà vẫn thấy hay.

Cũng vì mải với cái hay
Người ta quên mất việc này với trâu
Vợ chồng ruộng cạn ruộng sâu
Trên bờ bỏ mặc con trâu nó lồng…

Xem thêm: Lạm bàn về câu “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”

Phạm Văn Tình