I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Kim Lân quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm. Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảyTrung Bắc chủ nhật. Một số truyện (Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Vịa,…) mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân thời kỳ đó.

– Ông được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê (đánh vật, chọi gà, thả chim…).

– Các truyện: Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn… kể lại một cách sinh động những thú chơi kể trên, qua đó biểu hiện một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám – những người sống cực nhọc, khổ nghèo nhưng vẫn yêu đời, trong sáng, tài hoa.

– Sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn và vẫn viết về làng quê Việt Nam – mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Những tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).

– Trong cả hai giai đoạn sáng tác, tuy viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay. Là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng.

2. Hoàn cảnh sáng tác

– Tác phẩm đề cập đến nạn đói năm 1945. Năm 1940 Nhật xâm chiếm Đông Dương bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay. Bọn thực dân sau khi thua ở Đông Dương thì ra sức bóc lột nhân dân để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mới, bọn cường hào địa chỉ ở nông thôn ngày càng ức hiếp dân lành. Mất mùa vì hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên. Bởi thế, đến xuân Ất Dậu năm 1945, nạn đói chưa từng có trong lịch sử đã cướp đi hơn hai triệu đồng bào ta. Những cảnh chết đường chết chợ, tha phương cầu thực diễn ra hết sức thê lương. Trong hoàn cảnh đó, con người biết chia sẻ cho nhau miếng ăn là cả một nghĩa cử đầy hào hiệp.

– Truyện ngắn Vợ nhặt tiền thân là một truyện dài nằm trong dự định của Kim Lân – tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Nhưng sau đó mất bản thảo, thất lạc và Kim Lân muốn dồn động lại nội dung ý tưởng trong một tập truyện ngắn, đó là lý do Vợ nhặt ra đời. Sau khi hòa bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết truyện ngắn này. Tác phẩm được hoàn thành ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công. Truyện được in trong tập Con chó xấu xí (1962).

3. Tóm tắt tác phẩm Vợ nhặt – Kim Lân

Truyện lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945. Tràng – một thanh niên nghèo, lại là dân ngụ cư, trong một lần đẩy hàng đã tình cờ có được vợ. Cô vợ nhặt đã tình nguyện theo Tràng chỉ sau một câu nói đùa và bốn bát bánh đúc. Tràng đưa “thị” về giữa cảnh đói khát đang tràn đến xóm ngụ cư. Bà cụ Tứ thấy con có vợ thì vừa mừng vừa tủi cho thân phận nghèo khó của mình và thương con, thương nàng dâu đói khổ. Họ sống với nhau trong cảnh đói nghèo nhưng hạnh phúc và tin rằng: Việt Minh về làng, họ sẽ đi phá kho thóc Nhật, lấy lại thóc gạo để cứu sống mình.

4. Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt

– Nhan đề gợi tình huống éo le, kích thích trí tò mò người đọc. Thông thường, người ta có thể nhặt thứ này, thứ khác, chứ không ai “nhặt vợ”. Bởi dựng vợ gả chồng là việc lớn, thiêng liêng, có ăn hỏi, có cưới xin theo phong tục truyền thống của người Việt, không thể qua quýt, coi như trò đùa.

– “Vợ nhặt” là điều trái khoáy, oái ăm, bất thường, vô lí. Song thực ra nó lại rất có lí. Vì đúng là anh Tràng đã nhặt được vợ thật. Chỉ một vài câu bông đùa của Tràng mà có người đã theo về làm vợ. Điều này đã thực sự khiến một việc nghiêm túc, thiêng liêng trở thành trò đùa và ngược lại, điều tưởng như đùa ấy lại chính là sự thực. Từ đây, bản thân nhan đề tự nó đã gợi ra cảnh ngộ éo le, sự rẻ rúng của giá trị con người. Chuyện Tràng nhặt được vợ đã nói lên tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.

5. Tình huống truyện

– Tình huống truyện: Anh Tràng vừa nghèo, vừa xấu lại là dân ngụ cư thế mà lấy được vợ ngay giữa lúc đói khát, ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh.

– Tình huống lạ, độc đáo: người như Tràng mà lấy được vợ, thậm chí có vợ theo ! Thời buổi đói khát này, người như Tràng nuôi thân chẳng xong mà dám lấy vợ ! Chẳng phải thế mà việc Tràng có vợ đã tạo ra sự lạ lùng, ngạc nhiên với tất cả mọi người trong xóm ngụ cư, với bà cụ Tứ, thậm chí đã có những thời điểm chính Tràng cũng chẳng thể nào tin được vào điều đó.

– Tình huống truyện không chỉ tạo ra một hoàn cảnh “có vấn đề” cho câu chuyện mà còn nén trong đó ý đồ nghệ thuật của nhà văn đồng thời gợi mở các khía cạnh giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Nhân vật Tràng

– Tràng được khắc họa nổi bật trong bối cảnh ngày đói vô cùng thê thảm ở nông thôn Việt Nam do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra năm 1945. Những người năm đói được miêu tả với: khuôn mặt hốc hác u tối, những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Trong không gian của thế giới ngổn ngang người sống kẻ chết ấy, tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết cùng với mùi gây của xác người càng tô đậm cảm giác tang tóc thê lương. Cái đói hủy diệt cuộc sống tới mức khủng khiếp.

– Tràng là dân lao động ngụ cư, làm nghề kéo xe bò thuê. Anh xấu xí, thô kệch, hai con mắt nhỏ tí, cái đầu trọc nhẵn, lưng to rộng như lưng gấu. Là người không bình thường, ngờ nghệch, vừa đi vừa nói, ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch. Ăn nói thô lỗ, chỉ là những câu đối đáp ngắn, thậm chí thô tục làm đếch gì có vợ.

– Là người hiền lành, vui vẻ nên trẻ con trong xóm rất mến anh. Trang nhân hậu, mời người đàn bà xa lạ bốn bát bánh đúc. Tràng cho Thị ăn không phải vì để trả ơn hay lợi dụng mà vì sự cảm thông, vì tình người.

– Tràng nhặt vợ thật dễ dàng, chỉ bằng câu nói nửa đùa, nửa thật: này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về. Khi người phụ nữ quyết định theo mình, Tràng nghĩ: thóc gạo thế này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bồng. Cuối cùng anh quyết định liều lĩnh dẫn Thị về.

=> Nghĩa là anh khao khát có hạnh phúc gia đình, khao khát lứa đôi, điều mà trong hoàn cảnh bình thường, với Tràng chỉ là mơ ước.

– Mặc dù người vợ hắn nhặt về, nhưng Tràng không hề rẻ rúng, khinh miệt thị. Trái lại, Tràng vô cùng trân trọng, coi chuyện lấy Thị là một điều nghiêm túc. Khát vọng mái ấm gia đình đã khiến Tràng vượt qua lo lắng về cái đói: đến thân còn chẳng lo nổi, lại còn đèo bòng. Tràng chậc lưỡi kệ cái đói, mua cho Thị cái thúng con, vài xu dầu và dẫn Thị về căn nhà lụp xụp rách nát của mẹ con mình.

– Trên đường về nhà, thái độ của Tràng có nhiều khác lạ:

+ Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Đó là niềm vui mộc mạc của người đàn ông nghèo, lần đầu được đi bên một người phụ nữ.

+ Trước con mắt tò mò của người dân xóm ngụ cư: Tràng thấy vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình.

– Khi dẫn Thị vào nhà:

+ Xăm xăm bước vào trong nhà, dọn dẹp nhà cửa, thanh minh về cảnh nhà bừa bộn vì thiếu tay đàn bà.

+ Ngượng nghịu đứng ngây ra giữa nhà chợ mẹ về. Cũng vì Tràng và Thị chưa hiểu gì về nhau. Hơn nữa, Tràng sợ Thị đổi ý vì gia cảnh quá nghèo. Cũng có thể Tràng sợ mẹ không chấp nhận.

– Khi thấy mẹ về:

+ Tràng reo lên như một đứa trẻ, mờ mẹ vào trong nhà, trình bày ngắn gọn câu chuyện lấy vợ đặc biệt của mình và cũng là để xin phép mẹ. Và khi được mẹ đồng ý thì Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi… bước từng bước dài ra sân.

– Buổi sáng hôm sau, Tràng thấy khoan khoái như người từ trong giấc mơ đi ra. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Đó là điều thật bình dị nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc đời Tràng. Hắn thấy hắn nên người. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Một niềm vui thật cảm động, lẫn cả hiện thực lẫn giấc mơ.

– Chi tiết: Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà là một đột biến quan trọng, một bước ngoặt thay đổi cả số phận lẫn tính cách của Tràng: từ khổ đau sang hạnh phúc, từ chán đời sang yêu đời, từ ngây dại sang ý thức. Tràng đã có một ý thức bổn phận sâu sắc: hắn thấy hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này. Tràng thật sự phục sinh tâm hồn, đó là giá trị lớn lao của hạnh phúc.

– Câu kết truyện: Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phất phới chứa đựng bao sức nặng về nghệ thuật và nội dung cho thiên truyện. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng là tín hiệu thật mới mẻ về một sự đổi thay xã hội rất lớn lao, có ý nghĩa quyết định với sự đổi thay của mỗi số phận con người. Đây là điều mà các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 không nhìn thấy được. Nền văn học mới sau Cách mạng tháng Tám đã đặt vấn đề và giải quyết vấn đề số phận con người theo một cách khác, lạc quan hơn, nhiều hy vọng hơn.

2. Nhân vật Thị

– Thị xuất hiện trong trang văn của Kim Lân không có tên, không có gia đình, quê hương, bị cái đói đẩy ra lề đường: Mỗi bận qua cửa nhà kho là thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra đấy. Họ ngồi đấy nhặt hạt vãi ra hay ai có công việc gì gọi đến thì làm.

– Với ngoại hình tố cáo rõ hiện thực cái đói và tội ác của bọn phát xít thực dân: Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

=> Thị chẳng khác gì con ma đói. Thị là nạn nhân của cái đói. Cái đói không chỉ tàn phá ngoại hình Thị mà còn cả tính cách. Cái đói ấy đã đẩy Thị trở nên chao chát, chỏng lọn, đanh đá, liều lĩnh, mất lòng tự trọng.

– Khi nghe Tràng hò, thị cong cớn, rồi vừng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng. Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến, rồi sưng sỉa nói. Thị lại gạ ăn: Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu. Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chạp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở. Thị chỉ tin vào câu nói nửa đùa nửa thật của Tràng, theo Tràng về làm vợ. Chỉ bằng bốn bát bánh đúc và những lời nói bông đùa, Thị theo không Tràng về làm vợ.

– Trên đường trở về nhà Tràng, nét dịu dàng của thị được trở lại. Thị có vẻ rón rén, e thẹn, vẻ cong cớn vừa nãy biến đâu mất: Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Khi biết xung quanh người ta đang nhìn đổ cả về phía mình, thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia.

– Về đến nhà Tràng, thị đảo mắt nhìn xung quanh căn nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài. Thị thấy, Tràng cũng không hơn gì mình. Nhưng thị không chạy trốn. Có lẽ bởi khát khao một mái ấm gia đình. Thị ngồi mớm ở mép giường, lo âu, băn khoăn, lo lắng, hồi hộp, không biết bà cụ Tứ sẽ đối xử với mình ra sao. Nhưng khi cảm nhận được tình yêu thương của bà cụ, thị đã tự nhiên hơn được một chút.

– Buổi sáng hôm sau, thị dậy sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, quét tước nhà cửa. Có bàn tay thị căn nhà trở nên gọn gàng, sáng sủa, đầm ấm hơn: Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

– Tràng nom thị hôm nay khá lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực, không có vẻ gì chao chát, chỏng lọn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh. Thị chính là người thắp sáng trong Tràng niềm tin vào tương lai: Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Không chỉ thế, nhân vật Thị còn nâng cao giá trị tác phẩm ở phần kết.

=> Cùng viết về người nông dân trước cách mạng tháng Tám, nếu như Tắt đèn là hình ảnh chị Dậu chạy trong tắm tối, Chí Phèo khao khát được làm người giết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình. Các tác phẩm đều kết thúc tăm tối, không lối thoát của người nông dân. Nhưng với Vợ nhặt thì khác, Thị đã gợi đến chuyện người Bắc Giang không còn phải đóng thuế nữa, kết thúc tác phẩm là lá cờ đỏ sao vàng.

3. Nhân vật bà cụ Tứ

– Bà cụ Tứ là một người phụ nữ nông thôn nghèo: Tài sản của bà chỉ mái nhà tồi tàn ở xóm ngụ cư, và đứa con trai khờ khạo.

– Hình dáng: Lọng khọng, xuất hiện vào một buổi chiều tàn tạ, trời nhá nhem của ngày đói cùng với tiếng húng hắng ho. Kim Lân rất khôn khéo khi lựa chọn thời điểm thích hợp để bà cụ Tứ xuất hiện, không phải là đầu câu chuyện mà lại ở giữa câu chuyện. Tác giả muốn gợi lên cái nghèo đói đến thê lương của xóm ngụ cư này, lấy nó làm nền, làm đòn bẩy để đi sâu vào phân tích diễn biến tâm lý, nội tâm của người đàn bà này. Bà Tứ xuất hiện từ khi Tràng đưa vợ về nhà, và diễn biến tâm lý của bà cụ thay đổi liên tục từ khi có một người đàn bà khác xuất hiện trong ngồi nhà của mình.

– Bà cụ Tứ là một người mẹ nhân hậu, vị tha, giàu yêu thương: Niềm khao khát mong ước duy nhất của người mẹ là hi vọng con mình có vợ. Nhưng vì cái nghèo quẩn quanh, đeo bám mà bà không có tiền cưới vợ cho con, điều này luôn là nỗi áy láy thường trực trong trái tim người mẹ. Khi anh Tràng đưa người vợ nhặt về nhà, tâm lí bà cụ đã có những thay đổi liên tục.

– Bà cụ Tứ là một người mẹ bao dung và thấu hiểu cuộc đời:

+ Bà nghĩ đến cái cảnh người ta dựng vợ gả chồng cho con cái trong lúc ăn nên làm ra, đằng này con trai bà lấy vợ trong cảnh bần hàn, thiếu thốn đủ đường thế này. Bà thương mình bao nhiêu thì bà thương cho con gấp bội phần, bà cảm thấy tủi nhục khi không thể mang lại ấm no và hạnh phúc cho đứa con trai tội nghiệp. Bà thương cho người đàn bà héo hon kia cũng vì đói, vì không còn gì nên mới theo Tràng về làm vợ. Kim Lân đã rất thành công khi phác họa hình ảnh bà cụ Tứ đầy ám ảnh trong lòng người đọc đến như vậy.

+ Diễn biến tâm lý của bà cụ Tứ thay đổi rất đột ngột, nhưng sự thay đổi đó là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ rằng bà đã chấp nhận người vợ nhặt của đứa con, cũng giống như việc chấp nhận sẽ gánh thêm cái khổ, cái đói, cái nghèo cùng với các con. Cái cách bà cụ Tứ dặn dò đôi vợ chồng trẻ thật khiến cho người ta cảm phục: Nhà ta nghèo, liệu mà bảo nhau làm ăn. Khi anh Tràng bước ra sân, bà động viên nàng dâu: Rồi may ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Rồi ra thì con cái chúng mày về sau.

=> Sự ân tình, chu đáo của người mẹ nghèo khiến đôi vợ chồng trẻ cảm động, không biết nói gì hơn, bà đã chấp nhận người vợ mới của đứa con, chấp nhận cả cái đói nghèo mà gia đình bà mang.

+ Bà ân tình với con dâu, nói cho con dâu yên lòng rằng nhà nghèo, nếu có thì làm dăm ba mâm nhưng nhà mình nghèo nên động viên con dâu cố gắng. Chi tiết này cho thấy sự đồng cảm giữa một người phụ nữ nghèo vơi một người phụ nữ nghèo. Sự gắn kết này sẽ mang lại một hơi ấm và sức sống cho gia đình này.

+ Hình ảnh nồi cháo cám ngày đói mà người mẹ này mang đến thực sự khiến chúng ta cảm động đến rơi nước mắt. Nồi cháo cám ấy không còn nguyên giá trị như nó vẫn mang, nó hiện thân của tình yêu thương con vô bờ bến, đức hy sinh lớn lao của người mẹ nghèo dành cho những đứa con. Nồi cháo cám là chi tiết cực kỳ đắt giá của câu chuyện, nhân phẩm và lòng vị tha, yêu thương của bà cụ Tứ cũng từ chi tiết này mà được nhân lên gấp vạn lần.

– Bà cụ Tứ là một người mẹ rất biết lạc quan: Bà kể toàn chuyện vui cho các con nghe với hi vọng có một tương lai đỡ khổ, đỡ nhọc nhằn hơn. Một tình yêu đáng ngưỡng mộ trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Hiện thực dường như không thể đánh gục được tình yêu thương giữa con người với con người với nhau.

III. Nghệ thuật

– Xây dựng tình huống truyện độc đáo.

– Lối trần thuật tự nhiên, hấp dẫn làm nổi bật sự đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách nhân vật.

– Tạo không khí và dựng thoại rất hấp dẫn, ấn tượng.

– Nhân vật được khắc hoạ sinh động đặc biệt là ngòi bút miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế.

– Ngôn ngữ: Bình dị, đời thường nhưng có chắt lọc kỹ lưỡng, có sức gợi và đậm chất Bắc Bộ.