I.

“Thừa giấy mần chi chả vẽ trâu
Bị ăn ba thước mộng thêm sầu”
(Nguyễn Phong Nhã)

Năm lớp 4 (hệ 10 năm), trong một bài tập làm văn với đề bài “Hãy tả phong cảnh quê hương em” nhà cháu bị thầy giáo tên Lý cho 1 điểm và phê “bịa tạc vô căn cứ”. Không chỉ thế, bài văn “thần thánh” của nhà cháu bị đọc trước lớp tạo nên những trận cười ầm ĩ.

Là bởi trong khi các bạn cùng lớp nhất nhất làm bài theo kiểu quê hương em ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, có hàng tre xõa bóng xuống dòng sông Bùi trong xanh. Đường đê tím ngắt cỏ may. Cánh đồng làng em nhỏ xinh, mùa lúa chín vàng ươm…. theo gợi ý của thầy; hoặc có bạn còn thật thà hơn tả dọc con đường đê hôm mưa thường lầy lội có những lò nung vôi khói bay nghi ngút… thì nhà cháu lại mơ màng đến… một miền quê khác.

Miền quê ấy có hàng dừa nghiêng mình soi tóc xuống xuống gương kênh, có những chiếc ghe chở đằm hoa trái, có tiếng hò của trai gái trên cánh đồng mênh mang sóng nước…

Nếu chỉ có thế chắc thầy Lý chỉ có thể phê nhà cháu là người mơ mộng. Nhưng nhà cháu đã đọc một vài cuốn truyện Nam bộ, vì quá yêu và tò mò về một miền đất mới có nhiều hình ảnh lạ nên đã… chu du về phương Nam để viết “Quê em đẹp tựa một bức tranh, nhưng bức tranh ấy vẫn còn đôi chỗ xấu xí. Đó là những đồn bốt giăng kín dây thép gai mà Mỹ – ngụy lập ra để đàn áp phong trào cách mạng, những bãi xe cháy, những quả bom quả mìn chưa nổ như những thần chết chực chờ đe dọa mạng sống của chúng em.”

Những ngày ấy nhà cháu cực kì đau khổ, vì cứ đến trường là bị bạn bè châm chọc; thậm chí đi chăn trâu cũng bị đám mục đồng khích bác. Những anh cấp 2 đã được học lịch sử nên hay trêu: “Ê, Mỹ đưa quân ra đóng ở quê mình năm nào thế?” và lập tức đám trẻ trâu hùa theo “Chúng mày ơi, đi vào đồn bốt Mỹ – ngụy chơi đê!” Nhà cháu đã cố công giải thích rằng tao viết thế là vì không muốn viết như chúng mày, chục bài như một, nhưng lũ trẻ làng Bùi vẫn không buông tha.

Dính “đòn văn” khá đau, nhưng nhà cháu vẫn không bỏ được cái tật tưởng tượng, hễ tập làm văn là lại… bịa. Cái này có lẽ do ảnh hưởng từ bà nội.

Từ ngày bé tí nhà cháu đã được bà nội kể chuyện hàng đêm. Ban đầu là chuyện cổ tích với những hình ảnh thần tiên, rồi tới những tích truyện thấm đẫm nhân tình Tống Trân – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Quan âm Thị Kính… Những câu chuyện có cốt, nhưng mỗi lần kể bà lại có cấu trúc khác. Kiểu kể chuyện “mở” này có chỗ cho vị “thính giả tí hon” là nhà cháu đồng sáng tạo, tương tác trong mỗi tác phẩm. Không chỉ nghe mà thi thoảng còn nhắc bà chi tiết này, câu thoại kia…, được bà thừa nhận “à à bà quên” là nhà cháu rất khoái, thấy mình lâng lâng bay bổng trong bầu trời tưởng tượng vô bờ bến.

Có thể nói, giường ngủ của bà nội chính là cái nôi nuôi dưỡng tính mơ mộng của nhà cháu. Nhưng tính mơ mộng ấy không được chấp nhận ở cái thời văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa lên ngôi.

Bị chê nhiều, nhưng môn văn của nhà cháu không tiến bộ. Bởi hễ cứ nghe những lời giảng khuôn sáo của thầy Lý là nhà cháu lại buồn ngủ. Thế là nhà cháu quay sang… vẽ. Một lần đang hí hoáy vẽ những hình trâu bò hoa lá vào cuốn vở tập làm văn thì… “vút, vút, vút”, ba nhát roi của thầy Lý đánh văng cây bút trong tay nhà cháu.

II.

Lên lớp 5, thầy giáo Ngọc Anh, người vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Văn về làm chủ nhiệm lớp nhà cháu. Và trường hợp “học sinh cá biệt đã dốt văn lại còn nghịch ngợm” đã được thầy “để ý”.

Trong một giờ trả bài, đề văn “Hãy thuật lại một tác phẩm văn học mà em đã đọc”, bài văn của nhà cháu lại bị thầy Ngọc Anh đọc trước lớp. Khi thầy đọc, cả lớp hướng về nhà cháu với những ánh nhìn giễu cợt và thương hại. Nhà cháu ngó lơ ra cửa sổ, nơi có những cánh bướm đang chấp chới trên vạt cải hoa vàng. Chỉ đến khi thầy Ngọc Anh nói “Đây là một bài văn xuất sắc, thầy cho điểm 9” thì nhà cháu mới giật mình quay vào.

Nhà cháu có nghe nhầm không? Cả lớp có nghe nhầm không? Khi thầy Ngọc Anh nhắc lại, cả lớp bỗng xôn xao. Bạn Tĩnh, vốn là học sinh giỏi văn nhất lớp thời cấp 1 của thầy Lý đứng lên: “Thưa thầy, bài văn đó là mở sách chép lại, chứ một người dốt văn như bạn Thụy thì không thể kể lại theo trí nhớ như thế được!”

Trước làn sóng đấu tranh dâng cao ngùn ngụt đòi sự công bằng, thầy Ngọc Anh đã nghĩ ra cách xử lí. Thầy yêu cầu nhà cháu đứng lên kể lại tác phẩm bằng miệng. Tình huống thật trớ trêu. Nhà cháu hơi run, nhưng vì danh dự, đã hít sâu một hơi rồi đứng lên tự tin kể lại câu chuyện in trong sách giáo khoa.

Chuyện viết về một em bé Nam bộ tên Xuyến bị giặc bắt dẫn đi tìm hầm bí mật của Việt Cộng. Em bé đó đã cương quyết không chỉ nên bị bắt trói vào gốc cây chứng kiến cảnh những tên lính dùng thuốc nổ phá bụi tre trên hầm bí mật. Khi nhà cháu kể đến câu: “Thằng lính đã đào được một cái ục nông choèn” thì thầy Ngọc Anh cảm động nói “Thôi, thầy mời em ngồi xuống. Các bạn trong lớp còn ý kiến gì không?”

Cả lớp im phăng phắc. Thầy giáo điềm đạm nói: “Thầy cho em Thụy điểm 9 là bởi thầy biết bạn Thụy đã đọc đi đọc lại tác phẩm này, đọc đến mức nhập tâm nên khi thuật lại, bạn ấy chỉ giữ cốt truyện, những chi tiết và lời thoại, còn văn kể là của bạn ấy, giọng điệu là của bạn ấy. Nó hoàn toàn khác với những bài các bạn mở sách ra chép lại, đúng đến từng dấu phảy.”

Đây là một giờ học đáng nhớ, mở ra một thời kì “huy hoàng” trong môn văn của nhà cháu. Tất cả các bài làm văn của nhà cháu đều đạt điểm cao, được đọc không chỉ trước lớp, mà còn được thầy Ngọc Anh mang đi đọc trước các lớp khác cùng khối. Năm lớp 7 nhà cháu được chọn vào đội tuyển đi luyện thi học sinh giỏi văn cấp huyện.

Tối trước ngày đi thi, nhà cháu ra khu tập thể thăm thầy Ngọc Anh. Thầy bảo “Em đi thi cho biết thôi. Còn… khó đoạt giải lắm!” Câu nói như một xô nước lạnh dội vào ngọn lửa hưng phấn khiến nhà cháu ngồi xụi một đống. Thấy vậy thầy Ngọc Anh vội cười rồi nói chân tình: “Thầy nói thế là bởi biết tính em. Suốt ba năm qua, chưa bao giờ thầy thấy em viết câu ‘Chúng em thật hạnh phúc được là thế hệ học sinh ra trong hòa bình, được học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Em nguyện sẽ ra sức học hành để mai này mang sức mình xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thỏa lòng Bác Hồ mong ước’ như trong các bài văn mẫu. Mà như thế thì… chưa đi thi đã biết trượt rồi còn gì!”

Chả hiểu sao khi thầy nói xong câu ấy thì trò lại phá lên cười. Và rồi đúng như thầy Ngọc Anh dự đoán, kì thi học sinh giỏi Văn huyện Chương Mỹ năm 1984, đề phân tích khổ thơ trong bài Theo chân Bác của Tố Hữu “Như đỉnh non cao tự giấu mình/ Trong vườn xanh lá, ghét hư vinh/Bác mong con cháu mau khôn lớn/ Nối gót ông cha bước kịp mình” bài của thí sinh Đỗ Tiến Thụy đã bị loại từ vòng sơ khảo.

Cú thất bại này khiến nhà cháu sợ môn văn hẳn.

III.

Nhà cháu lên cấp 3 thì hệ giáo dục 10 năm chuyển sang 12 năm, lớp 8 cũ được chuyển thành lớp 10. Giáo viên dạy văn là cô Hoan mới tốt nghệp Đại học Sư phạm Văn Hà Nội. Cô rất xinh, nhưng điều đó không đủ để giờ văn hấp dẫn nhà cháu. Sẵn mối ác cảm với môn Văn, nhà cháu đã bày đủ trò nghịch phá trong giờ của cô.

Và hôm ấy, khi cô vừa nắn nót viết xong hai chữ “Chí Phèo” lên bảng thì cả lớp rồ lên. Một cuộc tháo chạy tán loạn. Vừa tháo chạy, vừa bịt mũi. Cô Hoan đứng chết trân trên bục giảng kinh ngạc hồi lâu. Rồi cô đã hiểu.

Cô lên phòng Ban Giám hiệu. Lát sau cô trở lại cùng thầy hiệu trưởng.
Khi lớp đã ổn định trở lại, thầy hiệu trưởng nghiến răng quắc mắt hét:
“Ai?”
Cả lớp lặng phắc.
Cô Hoan cười buồn, cái cười hơi nhếch mép ẩn chứa sự khinh bỉ:
“Ai làm việc đó thì dũng cảm đứng lên xem nào!”

Vì cái cười và câu nói ấy mà nhà cháu đã đứng lên.
“Bốp”, một cái tát của thầy hiệu trưởng giáng biêng mặt.
“Vù”, cặp sách của nhà cháu bị ném ra sân cùng tiếng thét dài “Cu.u.u.út!” của thầy hiệu trưởng.

Nhà cháu lầm lũi cuốc bộ về nhà, lòng không buồn, không hận.
Mình bị đánh, bị đuổi là đáng đời. Khi nhận gói giấy cùng chiếc bật ga từ thằng bạn cùng bàn đưa cho, nhà cháu đã biết bên trong là hạt phượng thối (giờ thì biết thêm nó chính là hạt cây sưa). Nhưng nhà cháu vẫn đốt. Không hiểu vì sao lại hành động thế. Vì chán ghét môn văn? Hay vì muốn trêu chọc cô giáo trẻ? Có lẽ cả hai.

Thấy con nghỉ học mấy ngày liền, mẹ hỏi nhưng nhà cháu im lặng. Còn bố, người luôn giữ quan điểm về việc học của con cái là “học được thì ấm vào thân, không học được thì về hót phân” nên không nói năng gì.

Có lẽ nhà cháu đã trở thành kẻ thất học nếu như không có buổi chiều hôm ấy. Khi vừa lùa con bò kéo về chuồng thì nhà cháu giật mình đánh thót vì thấy cô Hoan đang nói chuyện với bố trong nhà. Nhà cháu đã tính lỉnh, nhưng bị cô Hoan gọi giật vào.

Nhà cháu ngồi khép nép trên tràng kỉ cụp mắt tránh ánh nhìn giận dữ của bố. Cô Hoan thấy thế khẽ khàng:
“Bác bình tĩnh để cháu nói chuyện với em.”

Rồi cô nhẹ nhàng thông báo, rằng việc đuổi học đâu phải đơn giản thế. Phải có bản tường trình, bản kiểm điểm của học sinh vi phạm, biên bản của ban cán sự lớp… rồi hội đồng kỉ luật của trường mới có thể họp ra quyết định. Trước mắt, thầy hiệu trưởng yêu cầu phụ huynh lên gặp.

Khi cô Hoan nói xong, nhà cháu liếc nhìn bố. Một gương mặt lam lũ hằn lên những nét đau khổ. Nhà cháu hiểu tính bố, từ trước tới giờ không quỵ lụy xin xỏ ai cái gì. Chắc bố sẽ nói lỗi ai người ấy chịu, nhà trường cứ theo luật mà làm. Nhưng không. Bố ngồi thừ bặm môi nghĩ ngợi hồi lâu rồi buông một câu nhẫn nhục:
“Vâng, mai tôi sẽ lên trường!”

Kết quả của chuyến đi “thiếu nước lấy mo che mặt” như lời bố, nhà cháu chỉ bị kỉ luật ở mức cảnh cáo trước lớp.

Ân hận vì đã làm bố khổ tâm, gây phiền hà cho cô giáo, nhà cháu quyết tâm học hành nghiêm túc. Giờ văn nhà cháu đã chăm chú hơn và nhận ra cô Hoan giảng quá hay. Ngoài những phần đã có trong sách giáo khoa, khi thấy lớp có “triệu chứng buồn ngủ” là cô mở rộng sang “lĩnh vực chưa cho phép”, đó là những bài thơ thuộc thời kì Thơ Mới. Tuổi mười lăm, hồn như dây đàn đã so, chỉ cần chạm nhẹ là ngân rung. Giai hoi đang tù túng mà được nghe “Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt” với lại “Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan” thì chao ôi, cứ gọi là… phê tê bốc. Gái cốm đang rạo rực mà được nghe “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi” với “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi người ấy có buồn không” thì chỉ có mà… mê lu! Cách giảng này đã khiến giờ văn là một giờ được trông đợi không chỉ của riêng nhà cháu.

Và giờ làm văn tại lớp hôm ấy, khi nhà cháu đang hứng thú mải mê phân tích hình tượng bát cháo hành Thị Nở thì một giọng nói reo vui bên cạnh:
“Chữ nghĩa thế này mà sao nghịch thế!”

Nhà cháu ngước lên và bắt gặp ánh mắt trìu mến của cô Hoan. Cô đã lặng lẽ đứng bên đọc những gì nhà cháu viết bằng một nguồn cảm xúc tươi mới, thành thực nhất. Tan buổi học đó, cô Hoan bảo nhà cháu đợi một lát. Cô về khu tập thể mang lên cho nhà cháu mượn cuốn Tuyển tập Nam Cao. “Cô tin em sẽ học được nhiều ở cuốn sách này.” Nhà cháu đã cảm động đến run người. Và cuốn sách đó đã được ngốn ngấu bất kể khi nào nhà cháu có thời gian. Đọc xong, dù rất muốn giữ lâu hơn, nhưng nhà cháu vẫn phải mang trả để mượn cuốn khác.

Nhờ những cuốn sách cô Hoan cho mượn, môn Văn của nhà cháu khá dần lên. Những bài văn của nhà cháu luôn được điểm cao, được cô Hoan mang đi khoe với đồng nghiệp…

Nhưng, quá bất ngờ, cô Hoan lấy chồng và xin chuyển về dạy ở một trường gần quê. Bắt đầu lớp 11 nhà cháu phải học văn với một thầy giáo nguyên là giáo viên dạy sử. Tuy hụt hẫng nhưng nhà cháu vẫn mê môn văn. Ngọn lửa văn chương cô Hoan truyền cho nhà cháu vẫn sẽ cháy, dù học với thầy cô nào.

Thế nhưng mọi chuyện đã trở nên tồi tệ khi trong một buổi trả bài, bài văn với đề bình luận câu “Hoa thường hay héo cỏ thường tươi” bị điểm 3, nhà cháu đã uất ức xé ô điểm cho vào miệng nhai, nước mắt ứa ròng ròng. Nhà cháu tự tin mình đã hiểu đúng tinh thần câu thơ của Nguyễn Trãi. Rằng hoa và cỏ trong câu thơ này không phải những bông hoa ngọn cỏ sinh học, mà là những ẩn dụ về nhân tình thế thái. Cái Đẹp thường tồn tại ngắn ngủi, còn cái Tầm Thường lại được sống lâu… Và tất nhiên, trong cảm xúc xót xa trước cái Đẹp bị vùi lấp, nhà cháu đã viết những dòng cảm khái, khinh mạn.

Hành vi của nhà cháu không qua được mắt thầy giáo. Biên bản được lập và nhà cháu, sau khi đã kí tên còn gằn bút gạch một đường hất dài rách giấy. Chữ kí này đã chấm hết cho niềm hứng thú học văn của nhà cháu.

Chu kì được lập lại, nhà cháu biến những giờ văn nhàm tẻ thành giờ… hội họa. Nhà cháu vẽ đủ thứ, từ người, động vật, cây cối… và được bạn bè khen “giống lắm”. Niềm say mê văn học đã chết, nhường chỗ cho niềm say mê mĩ thuật lên ngôi. Nhà cháu đã vẽ, vẽ, vẽ và tự tin đăng kí thi vào trường họa, bỏ ngoài tai những lời khuyên hội họa là một bộ môn khó, đòi hỏi nhiều điều kiện, khối người con nhà nòi thi còn trượt.

Nhà cháu đi thi với một bộ bút dạ 12 màu. Vào tới trường thi thấy sĩ tử ai ai cũng bê lễ mễ bột màu, giá vẽ…, nhà cháu đã ngạc nhiên nhưng vẫn tự tin thi và tin mình sẽ đỗ, vì trong các bài thi vẽ tĩnh vật và phong cảnh, nhà cháu chỉ phẩy mấy phát là xong, tự ngắm tranh mình sao mà… đẹp thế! Nhìn các bạn cùng phòng loay hoay tám tiếng đo đo ngắm ngắm tẩy tẩy xóa xóa…, nhà cháu cười khẩy. Sao mà họ vẽ chậm, vẽ xấu đến thế!

Thế mà nhà cháu trượt. Trượt thẳng cẳng. Tổng điểm cho hai môn năng khiếu chỉ có 3,18. Trong cơn “đệ nhất buồn” nhà cháu đã nghĩ đến một sự nhầm lẫn, một sự tiêu cực nào đó. Nhưng đến giờ, sau khi được chơi với nhiều họa sĩ, học hỏi thêm nhiều kiến thức về mĩ thuật thì nhà cháu hiểu rằng, cái “vẽ giống” thực ra mới là một khả năng được gọi tên là hình họa. Để trở thành một họa sĩ còn cần thêm rất rất nhiều phẩm chất.

Tại Trại sáng tác Mĩ thuật Tuyên Quang 2019, khi nghe nhà cháu tiết lộ đã từng thi trượt vào trường họa, các họa sĩ đã đùa vui: “May mà ông trượt, chứ ông mà đỗ thì đất nước lại thêm một… đại họa!”

Sau khi mộng họa sĩ tan tành, nhà cháu đăng kí nhập ngũ. Thế rồi 10 năm sống nơi rừng xanh núi thẳm, làm đủ thứ công việc, gặp nhiều cảnh sắc, tiếp xúc với nhiều dạng người, đến một ngày có cái gì đó cựa quậy. Và cái mầm mơ mộng, trí tưởng tượng được ươm từ thời ấu thơ ấm áp trong lòng bà nội đã bừng trỗi. Nhà cháu đã viết và viết. Rồi trở thành tác giả. Có lẽ những câu chuyện về thời học văn phổ thông sẽ không bao giờ được nhớ đến nếu nhà cháu không thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Giở học bạ ra làm hồ sơ, nhà cháu phát hiện ra một điều ý nghĩa: Bảng điểm văn thời phổ thông của mình có biểu đồ hình sin. Ở cái biểu đồ ấy mỗi đường lên hay xuống gắn với một thầy cô giáo dạy văn cụ thể.

Thi vào trường viết văn nhưng các môn văn hóa vẫn phải theo đề thi đại học chung. Nhà cháu mua cuốn “99 bài văn mẫu dành cho thi đại học”, đọc qua vài đề. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng.
Thi hay bỏ?

Tất nhiên là thằng đàn ông 30 đã thừa láu cá để có bài thi đủ điểm vào trường.

Đỗ Tiến Thuỵ