Bắt trẻ đồng xanh là quyển sách hỗn loạn và rối nùi như cái cách tuổi trẻ diễn ra, thoạt tiên có thể gây hoang mang cho độc giả nhưng sau những trang sách, tất cả tuổi trẻ sẽ được phô bày một cách chân thực và rực rỡ.
Danh tác bị ruồng bỏ
“Bắt trẻ đồng xanh” là tác phẩm văn học nổi tiếng có số phận khá hẩm hiu so với các danh tác khác. Ngay từ khi xuất bản, tác phẩm đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi do nội dung nhạy cảm được đề cập trong tác phẩm và câu từ trần trụi được sử dụng. Quyển sách dầy đặc tiếng lóng, từ chửi bậy, thể hiện tâm lý bi quan, chán chường, bất mãn xã hội của một người trẻ lạc lối.
“Bắt trẻ đồng xanh” đã lột tả chính xác tâm lý hỗn loạn và nhạy cảm của người trẻ, chạm đến góc tối nhất trong quãng thời gian thanh xuân của đời người. Ai cũng từng có khoảng thời gian trẻ trung, sôi nổi, tràn đầy sức sống muốn làm những điều lớn lao, nhưng cũng rất dễ rơi vào trạng thái bi quan, tuyệt vọng, có cảm giác bị cả thế giới bỏ rơi. Nhân vật Holden Caulfield trong tác phẩm chính là một điển hình như vậy, đại diện cho tuổi trẻ ngông nghênh, bất cần, tràn đầy mâu thuẫn và thù địch, nhưng trên tất cả, sâu thẳm trong tâm hồn cậu vẫn là một trái tim nhân hậu, ấm nóng dễ bị tổn thương.
Đọc “Bắt trẻ đồng xanh” gợi cho độc giả liên tưởng đến những Joe, Britta, Monica, Cato, Yigal và Gretchen trong “Sáu người đi khắp thế gian”. Cùng miêu tả về cuộc sống và diễn biến tâm lý phức tạp, nổi loạn của người trẻ nhưng “Sáu người đi khắp thế gian” lại được đón nhận nhiệt liệt, trở thành biểu tượng và nguồn cảm hứng cho một thế hệ khi ra đời đúng giai đoạn nước Mỹ đang sa lầy vào cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ngược lại, “Bắt trẻ đồng xanh” không nhận được sự ủng hộ do bối cảnh của tác phẩm. Quyển sách đã lột tả xã hội Mỹ phát triển mạnh mẽ, hào nhoáng, nhưng thực dụng, chỉ ưu ái kẻ lắm tiền nhiều của, ngay cả trường học, pháo đài của tri thức cũng trở thành một phiên đấu giá lớn như lời nhận xét của nhân vật Holden Caulfield “Trường đó, chắc các bạn đều nghe tiếng. Không chừng các bạn còn được nhìn thấy cả ảnh chụp trên các mẫu quảng cáo. Vẫn đăng trên cả ngàn tờ tạp chí, chụp một thằng đại láu cá, mặt mày vênh váo, cưỡi trên lưng một con tuấn mã đang tung vó,…Rồi ngay bên dưới thằng nỡm láu cá nọ, họ còn trưng thêm cả cái câu này nữa: “Kể từ năm 1888, trường chúng tôi đã đào tạo được bao chàng trai can đảm và cao thượng!”. Láo toét! Trường ấy chưa bao giờ đào tạo được đứa nào ra hồn. Mà các trường khác nữa cũng thế…”
Việc khắc họa chân thực xã hội Mỹ cũng như miêu tả trần trụi tâm lý bất cần của tuổi vị thành niên khiến “Bắt trẻ đồng xanh” liên tục bị độc giả chỉ trích cho đến khi khẳng định được giá trị vượt thời gian của mình.
Triết lý nhân sinh sâu sắc ẩn sau vẻ ngoài xù xì
Nếu chăm chăm vào câu chữ để lên án và chỉ trích nội dung tác phẩm thì độc giả sẽ chỉ cảm thấy đây là cuốn truyện “dở hơi”, “chán ngắt” về cuộc sống của một cậu nhóc đang tuổi ẩm ương. Muốn hiểu và cảm nhận được cốt truyện tác giả gửi gắm, người đọc hãy nhìn Holden Caulfield bằng đôi mắt bao dung như đối xử với đứa con đang tuổi vị thành niên của mình. Người không thích thấy “Bắt trẻ đồng xanh” đầy rẫy từ ngữ thô tục, nhưng nếu chỉ toàn thứ bỏ đi thì quyển sách đã không khiến giới phê bình tốn nhiều giấy mực đến như vậy. Tác giả đã gửi gắm nhiều triết lý sâu sắc của cuộc sống ẩn dưới con chữ xù xì, xấu xí.
Holden Caulfield là cậu nhóc tự ti, có tâm hồn đặc biệt nhạy cảm, cậu luôn mang trong mình nỗi ám ảnh đối với cái chết của người anh trai đã mất. Để trốn tránh sự dằn vặt, cậu tự biến mình thành kẻ lập dị, một con mọt sách hay bị bắt nạt trong trường học. Holden Caulfield có sở thích đọc sách, chúng giúp cho thế giới quan của cậu mang nét độc đáo riêng và rất đỗi tinh tế, tuy nhiên, điều đó càng khiến cậu thấm đẫm nỗi cô đơn và đau đớn trước một xã hội xa hoa đầy dối trá. Suy nghĩ của Holden Caulfield là lời chỉ trích mạnh mẽ trước xã hội “làm bộ làm tịch”, coi trọng vật chất, lối sống hưởng thụ, xem nhẹ giá trị đạo đức.
Một khía cạnh nhân văn khác của tác phẩm là góc nhìn nghiêm khắc, phê phán cách hành xử của người lớn đối với những cô cậu vị thành niên. Không khó để nhận ra sự tương đồng trong cách đối xử đó ở xã hội hiện nay. Trong gia đình, bố mẹ Holden Caulfield thể hiện sự quan tâm đối với cậu bằng cách chi tiền để “tống cổ” cậu vào ngôi trường được coi là tốt nhất dành cho cậu. Ngôi trường mà theo Holden Caulfield chỉ là tấm màn nhung đẹp đẽ che đậy những thứ tầm thường, nó chỉ xoắn xuýt, coi trọng những cậu ấm, cô chiêu bố mẹ lắm tiền nhiều của.
Ngay cả đến người giáo sư già Spencer mà Holden Caulfield kính trọng, đáng lẽ phải là người nâng đỡ, là chỗ dựa tinh thần cậu trong lúc tuyệt vọng cũng ném cho cậu một lời khuyên phũ phàng, trần trụi: “Cuộc đời là một ván bài, em phải chơi theo đúng luật lệ”. Khi nghe những lời của ông thầy Spencer, Holden đã cay đắng thốt lên trong tâm hồn: “Hừm, bài với chả bạc, nếu ở phía bên có những quân tốt thì ví đời là canh bạc cũng chả sao, thử đặt mình vào bên chẳng có quân nào ra hồn xem lúc đó còn đấu điếc gì nữa”.
Đối với cậu chỉ còn cô em gái Phoebe bé bỏng và ngây thơ là chỗ dựa cuối cùng, cô bé như một dòng suối mát trong lành gột rửa tâm hồn cậu, là nơi cậu có thể tâm sự và tìm đến những khi tuyệt vọng.
Nếu đọc hết tác phẩm mà độc giả vẫn chưa cảm nhận ý nghĩa câu chuyện, hãy đọc lại một lần nữa. Nếu đã đọc lại nhiều lần vẫn chưa hiểu, độc giả hãy thử mày mò nguyên tác. Với một quyển sách được viết bằng trái tim như “Bắt trẻ đồng xanh”, độc giả luôn được khuyến khích đọc bằng ngôn ngữ gốc để cảm nhận trọn vẹn nội dung ẩn sau mỗi câu chữ.
Hành trình phá kén để trưởng thành của tuổi trẻ
Bất kể bước ngoặc cuộc đời nào cũng khiến người ta phải đấu tranh để hoàn thiện bản thân với bản ngã trọn vẹn nhất, trong số đó, giai đoạn trưởng thành luôn đầy ắp khó khăn, trắc trở. Những cô cậu bé con quen được chở che, bao bọc bắt đầu phải học cách làm quen với cuộc sống tự lập để đối mặt với thế giới rộng lớn vô vàn sóng gió.
Nhân vật Holden Caulfield đang phải đối mặt với sự thay đổi quá nhanh cả về tâm sinh lý của tuổi vị thành niên lẫn sự xa lạ của xã hội người lớn. Một môi trường không còn “vô trùng” chỉ xoay quanh việc học hành, các mối quan hệ bạn bè trong sáng đã khiến Holden Caulfield luôn rơi vào trạng thái cô đơn và lạc lõng. Cậu như con tằm giãy giụa tìm cách phá tan tổ kén chật chội để được tự do bay lượn vào khoảng trời lý tưởng của bản thân.
Cũng giống những thiếu niên cùng tuổi, khi đối mặt với cuộc sống đầy rẫy khó khăn, không đúng theo ý muốn, Holden Caulfiend phản ứng lại bằng cách nổi loạn, dùng những từ tục tĩu, cay độc nhất để thể hiện sự phản kháng của mình. Đằng sau cái vẻ bất cần, chán nản, hàng loạt từ ngữ dung tục và hành động ngông cuồng của Holden Caulfield, người đọc lại cảm nhận được một tâm hồn trong sáng, đầy yêu thương, xúc cảm đối với cuộc đời. Cậu cay đắng, bất bình trước những thói hư tật xấu của cậu bạn được các cô gái săn đón, sững sờ, run rẩy bởi thói đạo đức giả của một số người lớn, xấu hổ và đồng cảm với cô gái điếm trong khách sạn.
Sau cuộc hành trình “bỏ học đi bụi”, trải qua trận ốm nặng bởi cơn mưa rào tuổi trẻ, Holden Caulfield rồi cũng trở lại với cuộc sống thường ngày. Trái ngược những dữ dội ở phần đầu quyển sách, đọng lại với độc giả là dư vị ngọt ngào, nhẹ nhõm, đó cũng là điều tuyệt vời nhất của tuổi trẻ khi luôn có thể bắt đầu lại từ đầu. Tuổi trẻ là cánh đồng xanh mát bất tận mà ai cũng có thể thỏa sức vẫy vùng, có thể ngã và đứng dậy bất cứ lúc nào.
“Bắt trẻ đồng xanh” không chỉ có tuổi trẻ bồng bột, xù xì, mà nó còn là bức tranh hiện thực để người lớn cùng đọc và suy ngẫm về cái cách mà họ ứng xử, từ đó, có cái nhìn tôn trọng đối với người trẻ.
Nguyễn Bảo