Chợ làng tháng họp mười phiên
Mẹ tôi đi chợ không tiền cũng đi
Mớ rau mua chịu cô dì
Tép tôm mua chịu người đi chợ làng.
Tình người chẳng lụy hèn sang
Thiệt hơn thì cũng lọt sàng xuống nia
Không đâu nài ép tranh chia
Mua năm đây để ra kia bán mười.
Mồ hôi ướt sũng chợ rồi
Đẫm trong hạt gạo củ khoai trái cà
Cái cân cái đấu thật thà
Tín tâm trải nghiệm đã qua bao đời
Lều xiêu mưa nắng mặc trời
Chợ phiên mà ngỡ giữa nơi hội làng
Việc đời bao chuyện hợp tan
Cổ kim ai thấy chợ làng vỡ đâu.

(Chợ làng – Lê Huy Khôi)

Lời bình:

Bước vào “Chợ làng”, người ta dễ dàng bắt gặp được những nét sinh hoạt văn hóa, theo năm tháng đã gói trọn vào tâm thức của người Việt:

“Chợ làng tháng họp mười phiên
Mẹ tôi đi chợ không tiền cũng đi”

Không ai biết một cách chính xác chợ được hình thành từ khi nào, bởi xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, họ chỉ biết “tháng họp mười phiên”. Có lẽ, cái danh từ “chợ phiên” cũng bắt đầu ra đời từ khi ấy. Và cũng chính vì đã trở thành phiên, thành lệ, thành sinh hoạt văn hóa nên “mẹ tôi đi chợ không tiền cũng đi”.

Chợ phiên thì vùng nào cũng có, không kể miền ngược hay miền xuôi, vùng đồng bằng hay vùng sông nước. Nhưng đọc “Chợ làng”, ngay ở những câu thơ đầu tiên người đọc dễ dàng hình dung ra những nét chợ phiên rất riêng của vùng đồng bằng Bắc bộ.

Trong những phiên chợ làng Bắc bộ ấy, chính tình cảm bà con lối xóm và niềm tin chân thành đã trở thành sợi dây vô hình để buộc chặt, để gắn kết, để sẻ chia, chứ không chỉ là sự được – thua, hơn – thiệt:

“Mớ rau mua chịu cô dì
Tép tôm mua chịu người đi chợ làng
Tình người chẳng lụy hèn sang
Thiệt hơn thì cũng lọt sàng xuống nia”

Hành động “mua chịu” của người mua được điệp 2 lần đi liền với đối tượng bán được mở rộng (từ “cô dì” là những người thân thuộc đến những người xa lạ, chỉ quen biết đơn sơ – “người đi chợ làng”) để nhấn mạnh niềm tin của người được mua – kẻ được bán. Đặc biệt, tác giả sử dụng linh hoạt thành ngữ, tục ngữ “lọt sàng xuống nia” để diễn tả tình cảm của những con người thôn quê sống trọn vẹn nghĩa tình, không phân biệt hèn – sang, giàu – nghèo, được – thua, hơn – kém.

Chân chất, mộc mạc từ lâu đă trở thành phẩm chất để định danh khi nói về những con người mà cả đời gắn liền với hình tượng: con trâu đi trước, cái cày theo sau. Và trong những phiên chợ làng của Lê Huy Khôi, phẩm chất này đã được tác giả tô đậm thêm qua cách bán hàng rất “nông”, rất thật:

“Không đâu nài ép tranh chia
Mua năm đây để ra kia bán mười”

Hay:

“Cái cân cái đấu thật thà
Tín tâm trải nghiệm đã qua bao đời”

“Nài ép tranh chia”, “mua năm bán mười” vốn là những “thủ đoạn” buôn bán của những hạng con buôn “lõi đời”. Và đã là những kẻ đi buôn thì không thể thiếu những phẩm chất đó. Còn những “kẻ đi buôn” bước ra từ trong thơ của Lê Huy Khôi lại mang những phẩm chất thật lạ, thật trái những lẽ thường tình: “Không đâu nài ép tranh chia”, “Cái cân cái đấu thật thà”. Nhưng nếu hiểu, cuộc đi chợ này thật ra chỉ là một cuộc vui, một hoạt động sinh hoạt sinh hóa mang tính thường niên đã đi vào quy luật của những “người chân đất”, bước ra từ đồng chiêm, nước trũng thì nó không kỳ lạ chút nào.

Trong phiên chợ, họ đi đâu phải chỉ để mua, để bán, để vui mà còn để sẻ chia, thấu hiểu, cảm thông cho những tần tảo, vất vả, một nắng hai sương của nhau:

“Mồ hôi ướt sũng chợ rồi
Đẫm trong hạt gạo củ khoai trái cà”

Hình ảnh những giọt mồ hôi từ lâu đã đi vào trong văn chương để cụ thể cho những lam lũ, nhọc nhằn của người nông dân:

“Cánh đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”

(Ca dao)

Hay:

“Mồ hôi mà đổ xuống đồng
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương
Mồ hôi mà đổ xuống vườn
Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm
Mồ hôi mà đổ xuống đồng
Cá lội phía trước, rau nằm phía trên
Mồ hôi xuống, cây mọc lên
Ăn no đánh thắng, dân yên nước giàu”

(Giọt mồ hôi – Thanh Tịnh)

Cứ ngỡ, những hình ảnh hay nhất, đẹp nhất, cụ thể nhất về những giọt mồ hôi của người nông dân trong văn chương đã chắp bút, đâu còn đất để “gieo” để “diễn”. Thế nên, khi bắt gặp hình ảnh thơ: “Mồ hôi ướt sũng chợ rồi” người đọc không khỏi ngỡ ngàng trước sự tài tình của tác giả. Những giọt mồ hôi, những nỗi vất vả ấy dường như không gì có thể đong, đo nhưng đã được Lê Huy Khôi cụ thể bằng một hình ảnh thơ đầy sức gợi và liên tưởng. Và những giọt mồ hôi ấy đằm trong những “hạt gạo”, “củ khoai”, “trái cà”. Đó là những sản phẩm, những thành quả lao động mà họ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà thành.

Và cuối cùng, Chợ làng chính là nơi gắn kết, hội ngộ và giao lưu văn hóa:

“Lều xiêu mưa nắng mặc trời
Chợ phiên mà ngỡ giữa nơi hội làng
Việc đời bao chuyện hợp tan
Cổ kim ai thấy chợ làng vỡ đâu.”

Kết thúc bài thơ, Lê Huy Khôi đã đưa người đọc liên tưởng bằng một hình ảnh so sánh, “chợ phiên” với “hội làng”. “Hội làng”, nơi hội tụ những nét văn hóa của người Việt và đã có từ lâu đời. Mặc cho những đổi thay của thời gian, mặc cho những xê dịch của cuộc đời, đến những thay đổi tự nhiên “mưa”, “nắng” hội làng vẫn tổ chức, chợ phiên vẫn họp đều và đi vào quy luật.

Nhưng cũng thật kỳ lạ, đất nước còn bao lần đổi thay, giang sơn còn bao lần đổi chủ ấy vậy mà “chợ làng” kia, “hội làng” kia, tự cổ chí kim vẫn trơ trơ tồn tại như một sự thách thức với bao quy luật khắc nghiệt của thời gian.

Lê Huy Khôi đã dẫn người đọc, người nghe vào một phiên chợ quê truyền thống. Phiên chợ ấy còn giữ được đầy đủ những mộc mạc, dung dị, chân quê. Ông đã dựng lên được những hình ảnh và ngôn ngữ thơ hết sức gần gũi, dung dị mà giàu sức gợi. Lựa chọn thể loại Lục bát – thể thơ truyền thống của dân tộc để làm phương tiện để truyền tải dụng ý nghệ thuật của mình chính là sự khôn khéo của tác giả. Bởi Lục bát luôn gần gũi với đời sống dân gian Việt Nam.

Bước vào “Chợ làng” của Lê Huy Khôi chúng ta như được trũng mình vào dải sông quê đỏ đọng phù sa tần tảo, khoác lên tấm áo nâu sồng để dự phiên chợ làng. Phiên chợ đó không màu mè, hào nhoáng, nhưng bước vào đấy ta như gặp lại hồn dân tộc mình, để cái bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn cứ nhói mãi lòng ta./.

Phạm Trung Tình