Sáng tạo văn học là hành trình tìm kiếm chính bản thân mình trong thế giới xúc cảm đầy vi diệu. Đọc thơ Huy Cận, có cảm giác chỉ khi nào ông đến với không gian đất trời, núi sông thì lúc ấy chàng thanh niên ấy mới đích thực là chính mình. Người con của xứ Hương Sơn, Hà Tĩnh ấy sớm dà dặn hơn so với tuổi đời đích thực, bởi dường như anh ta đang mang tâm lí của một kẻ tha hương trên chính quê hương mình; kẻ sinh ra đã lắng nghe thấy tiếng khóc đau đớn và tủi nhục từ đời sống dân tộc vọng về từ trong bom đạn; kẻ mang nặng nỗi sầu nhân thế trong chặng dừng chân trên một lãnh thổ đã không còn âm vang của chủ quyền đất nước … Dường như bàng bạc đâu đâu trong sự nghiệp thơ ca của Huy Cận trước năm 1945, khi sao tháng Tám chưa soi rọi trên dải đất hình chữ S lắm bão tố, thiên tai và nhân tai địch họa, đều là những nỗi sầu ảo não vọng về từ quá khứ và hiện tại; là nỗi niềm cô đơn, sầu tủi của một cái tôi thơ mới trước không gian của tràng giang, của mênh mông đất trời … Đó quả thực là cảm thức bao trùm, là ám ảnh không gian chi phối toàn bộ Tràng giang với cảnh sắc bao la của bốn bề sông dài, trời rộng …

1) Từ tư duy phủ định …

Ám ảnh bởi tiếng khóc dài trong văn học lãng mạn Pháp theo dấu chân xâm lược của thực dân trong những năm đầu thế kỉ XX lại đồng hiện cùng lúc với sự thức tỉnh về ý thức và giá trị cá nhân, thấu cảm được nỗi nhục của thân phận mất nước, Huy Cận đã sớm có thói quen lang thang dọc những sông hồ, biền bãi … để lắng nghe những thanh âm vọng về từ cội nguồn sông núi, từ sâu thẳm hồn mình. Chàng thanh niên trẻ tuổi ấy đã bắt gặp trong không gian tràng giang bảng lãng ấy đầy những tư duy phủ định:

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu

Thế giới nhân sinh sao mà xa vắng quá! Nằm trong hệ quy chiếu của tư duy phủ định, những âm thanh của thế giới nhân sinh bên ngoài từ tiếng làng xa, tiếng chợ chiều đã được phủ định tuyệt đối. Vốn dĩ những vang vọng ấy cũng đã chẳng gợi lên mấy xúc cảm về sự vui vẻ, sum vầy bởi cái thưa thớt, xa xôi. Nhưng dẫu sao có còn hơn không! Nó còn giúp cho con người ta có cảm giác cuộc sống bớt đi phần hiu quạnh. Ấy vậy mà ở đây, tư duy phủ định đã triệt tiêu triệt để sự hiện hữu của âm thanh, chỉ còn lại sự tịch mịch đến đáng sợ. Cảm giác chỉ còn lại một con người trong tâm thế đối diện với sự bủa vây của cái hoang vắng, thê lương, ảm đạm, nhuốm màu tang tóc. Cảm giác cô đơn ấy như một tất yếu vẫy gọi đâu đó về khao khát sum vầy, nối kết:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Nhưng trong sự thăm thẳm của vũ trụ không cùng, cái mơ ước về sự gắn kết sum vầy ấy rồi cũng tan loãng vào thinh không với sự phủ định đến mức tuyệt đối: không cầu; không đò ngang. Sự kết nối đôi bờ, nỗi niềm thân mật với thế giới của cõi nhân sinh đã hoàn toàn bị bẻ gãy, còn lại đây một cá nhân với nỗi sầu thăm thẳm giữa bản hòa tấu của sắc màu thê lương, ảm đạm, rã rời, héo úa:

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Và trong sự mờ xa dần đến tít tắp của không gian, cảnh vật, nhân vật trữ tình đã ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta, cùng ngắm nhìn vào thẳm sâu của tâm trạng:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Ôn cố để tri tân, Huy Cận đã làm sống dậy không khí Đường thi của một bài thơ cổ cách đó cả ngàn năm. Cũ mà vẫn mới, lấy cái phủ định để nói cái tồn tại, quả thực là những đặc trưng thi pháp đậm đặc sắc màu cổ điển. Giữa không gian, thời gian mang sắc màu hoài cổ vẫn lừng lững một cái tôi thơ mới hoàn toàn không trộn lẫn. Cái buồn của lòng người trong Tràng giang là cái buồn tự thân, tự nó phả vào không gian, vào vũ trụ, dường như muốn gửi vào trời đất sự suy ngẫm về ý nghĩa của kiếp người, về cõi nhân sinh hoang vắng, về cái cô đơn rợn ngợp mang màu sắc triết học về một cuộc đời làm sao cho có ý nghĩa. Những câu hỏi ấy mang mang trong trời đất, theo con nước dợn dợn chảy từ quá khứ đến hiện tại và sẽ còn chảy tới tương lai chừng nào kiếp sống con người còn tồn tại …

2) … đến sự đối chọi giữa những thái cực tương tranh …

Tràng giang đích thực là sự đối chọi gay gắt giữa những thái cực tương tranh: nhỏ và lớn; hữu hạn và vô hạn; ước muốn và hiện thực; quá khứ cùng hiện tại … cứ đan cài, xoắn xuýt:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng

Rộng, dài, mênh mông, trăm ngả … là những thanh âm đọng lại trong lòng ta khi bước chân vào thế giới của tràng giang. Những con sóng chồng gối lên nhau vỗ bờ nhưng dòng nước chỉ gợn, không đủ sức làm vui không gian mà dường như đánh thức trong tâm tưởng nhà thơ nỗi buồn trùng điệp. Thuyền xuôi mái trong sự phó mặc; nước ở lại trong nỗi sầu vạn cổ. Cái nhìn của lòng người đã phả vào sự vật, phá vỡ sự gắn kết mà lâu nay người ta đã ngầm mặc định nó là chân lí. Sự đối chọi giữa cành củi khô héo với sự mênh mông sóng nước gợi cảm giác không những về sự nổi trôi vô định mà còn tạo ấn tượng tội nghiệp về sự lạc loài, vô nghĩa lí của kiếp vật, kiếp người trong cõi nhân sinh đầy hoang vắng …Không chỉ vậy, đó còn là một không gian của cõi người đầy le loi, ảm đạm:

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu

Tất cả sự vật trong khổ thơ dường như đang chuyển động theo những mối quan hệ trái chiều: cồn nhỏ, thưa thớt; gió đìu hiu trong sự tang tóc, tịch mịch với bên kia là nắng xuống, trời lên; là sông dài; trời rộng như nuốt chửng con người. Ở đó, bản thân chữ sâu đã mở ra một không gian đa chiều kích: dài – rộng – xuống – lên … để gói gọn một con người trong sự vô cùng vô tận của không gian, thời gian đất trời, vũ trụ. Thế giới của cõi nhân sinh mở ra với sự cô liêu, sầu thảm. Tâm thế ấy được chính tâm hồn của một cái tôi thơ mới phả vào tràng giang, phả vào cảnh sông dài trời rộng. Hình ảnh cồn nhỏ với sắc điệu của những cơn gió đìu hiu; một phiên chợ chiều đã vãn; hình ảnh làng xa ẩn hiện và một bến cô liêu đó chính là những thanh âm vọng về từ hồn thơ Huy Cận. Bởi vậy, trong khổ thơ, có cảm giác nhân vật trữ tình đang đối diện với những thái cực nằm trong đà vượt ngưỡng: nhìn lên, quá cao; cúi xuống, quá rợn ngợp; nhìn ngang, quá xa xôi, mờ mịt; chỉ còn lại một cái tôi cô đơn đang suy ngẫm về ý nghĩa của sự tồn tại trước cuộc đời. Như một trường liên tưởng tự nhiên về cái vô nghĩa lí, tâm thức chàng thi sĩ của những điệu nhạc sầu ấy đọng lại ở hình ảnh những cánh bèo trôi dạt:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Vẫn là không giạn của cái mênh mông trái ngược với những thân phận bèo trôi nổi. Cấu trúc của kiểu câu nghi vấn: Bèo dạt về đâu … tự thân đã làm nhòe mờ đi nét nghĩa của cụm từ hàng nối hàng (nhiều về số lượng; liền mạch về gắn kết), chỉ còn đọng lại ấn tượng về sự vô định, mênh mang của cõi nhân sinh dâu bể. Bản hòa tấu về màu sắc rút cục lại cũng là sự tương tranh trong lặng lẽ giữa những sắc màu chủ đạo: xanh – vàng mà dường như sắc vàng, sắc của sự úa tàn, rơi rụng đang chiếm phần ưu thế. Con người trở nên lạc lõng, bơ vơ trước một dòng sông không cầu, không đò, không bến đợi. Đứng trong tâm thế ấy, chủ thể trữ tình tất yếu quay trở về với cảnh đối diện đàm tâm:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Cánh chim chiều mải miết bay trong ráng chiều vội vã. Cái chao nghiêng của đôi cánh báo hiệu thời gian trôi chảy? cái mỏi mệt của hành trình mưu sinh? hay cả gánh nặng của ráng chiều đang đè trĩu lên đôi cánh gầy của chú chim đầy tội nghiệp …? Nghĩ theo trường liên tưởng nào thì đích đến của sự gặp gỡ vẫn là nỗi thảng thốt, vội vã của sự vật trước sự điềm nhiên, lạnh lùng của vũ trụ. Hoàng hôn buông, chim chiều đập cánh, mây chồng gối lên nhau đe dọa con người. Ta tưởng như trước mắt mình là cảnh chiều ngột ngạt; là cánh chim vội vã cùng hội tụ lại để bóp nghẹt con người. Không gian rộng nhưng bức bối; ngày đã tàn nhưng không có cảm giác sum vầy, tụ họp, chỉ còn lại một cá nhân như một triết gia đang lặng yên ngắm nhìn thời gian trôi chảy. Dòng nước lớn đang lặng trôi để chuyên chở nỗi lòng yêu quê hương xứ sở của nhà thơ xuôi về một chân trời xa xăm, vô định. Sự tương tranh giữa những yếu tố đối chọi đã góp phần tô đậm sự hoang vắng, cô liêu của những tâm hồn tịch mịch trong hành trình đi tìm ý nghĩa đích thực của sự tồn tại, của sự sống trong thời gian miên viễn và sự xa xôi, mờ mịt của đất trời, vũ trụ.

3) …và sự ám ảnh của những kiếp người nổi trôi …

  Cái mênh mang từ nhan đề, từ không gian mở ra với nhiều chiều, nhiều hướng … tự bản thân nó đã gợi ám ảnh ở người đọc về sự nổi trôi, bèo bọt của những kiếp nhân sinh giữa dòng đời cuộn chảy. Trước tràng giang mải miết, con người sẽ chỉ còn lại là một cành củi khô lênh đênh, trôi dạt:

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng

Sự tương tranh gay gắt giữa dòng nước muôn nẻo ngược xuôi với một cành củi khô nhỏ nhoi, héo úa cũng tàn tạ như những cái tôi thơ mới đang quẫy đạp một cách vô vọng trong nỗi niềm của một dân tộc nô lệ. Và cứ thế, cái nổi trôi gọi dậy cái nổi trôi; cái nhỏ bé gọi dậy cái vô nghĩa. Cành củi khô, cái lơ thơ của cồn nhỏ, cái đìu hiu vọng về từ miền hoang lạnh của cơn gió cuối chiều, đó cũng chính là thân phận, là xúc cảm tàn tạ của chính hồn thơ Huy Cận. Con người ấy đang đối diện với không gian đa chiều của trời đất, cảm nhận rõ sự rợn ngợp, vô nghĩa của kiếp người trong cái mênh mang của càn khôn vũ trụ:

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu

Và như một hệ quy chiếu của những sự vật nhỏ bé, vô định, từ hình ảnh cành củi khô giữa dòng chảy tràng giang đã gọi dậy những cánh bèo trôi dạt:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Việc sử dụng cấu trúc của câu hỏi tu từ: bèo dạt về đâu khiến cho số lượng nhiều hay ít của sự vật dường như đã trở nên vô nghĩa. Không cầu, không đò, tự thân đã phá vỡ các mối liên hệ, ràng buộc giữa đôi bờ tràng giang, chỉ còn lại những bọt bèo giữa bốn bề sông nước trong những sắc màu của sự úa tàn, rơi rụng:

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Nỗi buồn ảo não trong cái nhìn không gian theo chiều ngang đã khiến cho chàng thanh niên Huy Cận khao khát kiếm tìm một điểm tựa. Ánh mắt ấy sẽ dần dần hướng lên cao để dõi theo dáng bay của một cánh chim chiều:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Nhưng dẫu có hướng ánh mắt về phương nào đi chăng nữa thì cảm thức chủ đạo chi phối toàn bộ tràng giang vẫn là sự ám ảnh bởi không gian. Cánh chim chiều thảng thốt, giật mình nghiêng cánh khi cảm nhận được sức nặng của buổi chiều đang lặng lẽ buông dần. Tầng tầng lớp lớp những đám mây xuất hiện như tăng thêm sự ngột ngạt của không gian đất trời. Và phải chăng, cái tôi thơ mới, cái vô nghĩa của kiếp trí thức trước cách mạng cũng đang mải miết bay theo cánh chim chiều như để chạy đua với thời gian vô tận. Chỉ còn lại dòng sông rộng lớn lặng lẽ chảy từ quá khứ đến hiện tại với sự chi phối của nỗi buồn nhớ quê hương ngay trên chính quê hương mình:

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Trong cái thanh âm của lòng quê dợn dợn ấy, người ta tưởng chừng như nghe được cả cái rùng mình se lạnh, cái cô đơn hoang hoải đến tột độ của con người. Bóng hoàng hôn hay khói sóng đến lúc này thực chất cũng không còn nhiều ý nghĩa, bởi nỗi hoang lạnh từ tâm hồn của một cái tôi thơ mới đã trở thành xúc cảm chủ đạo, bao trùm cả không gian, cảnh vật. Tâm trạng se sắt trong nỗi nhớ nhà ấy là nỗi lòng của một kẻ tha hương; là sự chi phối của thơ ca lãng mạn phương Tây thế kỉ 19, nền thơ ca coi nỗi buồn chính là hình tượng thẩm mĩ đầy khoái cảm; nhưng hơn hết, đó là tiếng gọi đàn, là khúc hát quê hương để dọn lòng cho tình yêu Tổ quốc thầm kín khi dám cất lên nỗi nuối tiếc cho một quá khứ độc lập, có chủ quyền đã qua, giờ chỉ còn là một dạng ảo ảnh xa mờ, xa xót trong vang vọng tâm hồn của cả một thế hệ trí thức nặng lòng với quê hương xứ sở những năm trước cách mạng tháng Tám 1945!

Chọn lối đi cho mình bằng dòng thơ đậm chất suy tưởng, Huy Cận thường đặt con người trong tương quan với thế giới vô cùng của đất trời, vũ trụ. Trước cái dường như bất biến, vĩnh hằng của bức tranh tạo hóa, người ta dễ có suy tư về cái bé nhỏ, hữu hạn của kiếp nhân sinh. Tràng giang, dòng sông đẫm bóng hoàng hôn, dù không bảng lảng trong khói sóng chiều buông;  không hiên ngang chảy giữa lưng chừng trời, nhưng quả thực, đó là dòng sông như mạch nguồn chảy mãi trong tâm hồn người đọc nhiều thế hệ. Một thế giới của những thái cực: xa vắng và đìu hiu; cô liêu và tan tác; bé nhỏ và hữu hạn trong miên man tình yêu và sự nặng lòng dành cho quê hương xứ sở, chính là những dòng chảy chủ đạo tạo nên sức sống của Tràng giang, thắp lên ánh sáng để Huy Cận sống mãi với thế giới của Lửa thiêng đầy suy tư và ước vọng!

Thái Văn Phú
Giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 2, Quỳnh Lưu, Nghệ An

Đọc thêm bài viết của tác giả: Thương vợ và nhân cách Trần Tế Xương