Hình ảnh cây liễu trước nhà Thạch Lam dường như có một mối tương giao kì lạ nào đó với chủ nhân trong cuộc sống thanh bần. Sự mềm mại, dịu dàng của liễu đồng điệu với một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, trĩu nặng yêu thương với đời, với người của nhà văn xứ Cẩm Giàng – Hải Dương. Cuộc sống dưới cái nhìn hồn hậu của ông tuy còn khó khăn, tàn tạ nhưng bao giờ cũng thấm đẫm tình thương. Nguồn chân cảm chân thành từ một nhà văn có tâm hồn đôn hậu ấy đã giúp Thạch Lam sáng tạo nên một truyện ngắn xuất sắc trong văn học Việt Nam hiện đại – truyện ngắn “Hai đứa trẻ” – dòng cảm xúc lấp lánh chất thơ!

1) Đọc truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, người đọc có cảm giác Thạch Lam là một nghệ sĩ đang viết văn xuôi bằng tư duy của một thi sĩ. Truyện ít sự kiện mà chỉ là một dòng xúc cảm chảy tràn trên mặt giấy. Thời gian vận động xung quanh những mảng màu: chiều tà – chợ tàn – đêm khuya và chuỗi xúc cảm cũng tương tác liên hoàn với sự vận động thời gian ấy. Những dòng văn mở đầu truyện ngắn “Hai đứa trẻ” như là một tiếng kêu, một lời thổn thức, là tiếng thở dài trước sự luân chuyển của dòng thời gian vũ trụ: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve …”. Cuộc sống dưới cái nhìn của nhà văn Thạch Lam dường như đang thu mình lại trong những thanh âm nhỏ – lặng – vắng – tắt. Trong khoảnh khắc của buổi chiều tà ấy, ông đã để cho trái tim cô bé Liên cất lên tiếng nói của riêng mình: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Nỗi buồn của một cô bé mới lớn không chỉ là sự tinh nhạy của một tâm hồn đa sầu, đa cảm trước sự lặng tắt của một ngày mà dường như đằng sau đó, cô bé Liên đang dự cảm được sự tiếp diễn của nỗi buồn trong một ngày như mọi ngày đã qua! Thời gian vẫn trôi, hoàng hôn vẫn buông và cảnh chợ tàn cũng đến. Nguồn cảm xúc nảy nở trong Liên giờ đây rõ rệt hơn. “Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi của cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”. Trong cảnh chợ tàn, mọi sự kiện dường như thu mình lại nhường chỗ dòng cảm xúc của Liên. Cô thấy “động lòng thương” những đứa trẻ nghèo như một “nỗi thương vay” bởi “chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó”. Và khi màn đêm buông, vạn vật chìm vào trong yên lặng, cuộc sống của những người dân nơi phố huyện nghèo nàn, tăm tối này lại chuyển sang một mảng màu mới: chị Tí dọn hàng, gia đình bác xẩm chờ khách, bác Siêu tất tả gánh hàng phở đi trong đêm khuya, chỉ còn lại dòng xúc cảm của Liên trôi chảy khi cô lặng ngắm cuộc sống của những cư dân phố huyện về đêm. Có khi cô cũng như họ, đang “mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ” diễn ra hàng ngày; có khi cô lại lặng mơ về một “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo” để rồi lặng nhìn theo đoàn tàu phóng vút vào đêm tối để mà mơ tưởng. Dòng xúc cảm của cô bé Liên cứ phóng vút theo đoàn tàu đi vào đêm khuya. Trong giấc ngủ của cô, phố vẫn tịch mịch và đầy bóng tối. Ánh sáng của đoàn tàu như vẫn ẩn hiện trong giấc chiêm bao về một cái gì không rõ rệt, chỉ biết rằng đó là giấc mơ “bận bịu” cho một khao khát đổi thay nhịp điệu uể oải của cuộc sống “không đổi nhưng mà trôi cứ trôi”.

2) Thạch Lam là nhà văn của những sự kiện bình thường, những con người bình thường trong cuộc sống đời thường. Người nghệ sĩ mang nặng nỗi lòng thương vay với cuộc sống ấy dường như cứ lặng lẽ kiếm tìm, lặng lẽ gom nhặt biết bao khoảnh khắc, biết bao số phận “chìm chìm nhạt nhạt” mà mang đầy nỗi niềm u uẩn để kết thành thơ. Đọc “Hai đứa trẻ”, lòng ta thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng yêu quê hương sâu mát và thầm kín”. Hai đứa trẻ đích thực là một bài thơ thăng hoa và kết tinh từ nhưng giọt nước mắt xót thương cho những thân phận con người trên một vùng đất đang bị lãng quên, đang lụi tàn dần cả về thời gian và sinh khí. “Chiều, chiều rồi” đâu chỉ là một tiếng thở dài, đó còn là một tiếng kêu thảng thốt, một nỗi buồn mơ hồ khi một ngày nữa như mọi ngày lại đến, lại lụi tàn và sắp sửa chìm vào một không gian “tịch mịch và đầy bóng tối”. Từ sự trôi chảy của thời gian, nhà văn xứ Cẩm Giàng như đang lặng lẽ ngắm nhìn những kiếp người nổi trôi trên dòng đời của bầu trời phố huyện. Từ những đứa trẻ con nhà nghèo, cụ Thi điên, chị Tí cho đến gia đình bác xẩm, bác phở Siêu và cả hai chị em Liên và An cũng dường như đang được bao bọc trong một “bầu không khí” của “lòng cảm thương chân thành”. Những con người ấy hợp thành một vòng tròn đồng tâm quanh quẩn đầy uể oải. Đám trẻ vẫn nhặt rác, cụ Thi vẫn uống rượu, chị Tí vẫn dọn hàng, chị em Liên vẫn chờ đợi, bác phở Siêu vẫn ngóng trông và gia đình bác xẩm vẫn hát cho dù không có khách nghe. Cuộc sống của họ ngày nào cũng thế, tẻ nhạt và vô vị. Song từ thẳm sâu tấm lòng giàu trắc ẩn, Thạch Lam vẫn chờ đợi, vẫn ngóng trông, vẫn ao ước “chừng ấy người sống trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Thạch Lam đâu chỉ có lòng xót thương mà lòng cảm thương chân thành của ông còn mải miết dõi theo ánh sáng của đoàn tàu đi về nơi xa, chìm khuất trong màn đêm yên tĩnh nhưng vẫn còn hi vọng, bởi sau bóng tối của màn đêm còn gì khác ngoài sắc hồng của ánh bình minh?

3) Hai đứa trẻ viết về cuộc sống mỏi mòn của những kiếp người lay lắt trong một cái phố huyện nghèo trước Cách mạng tháng 8 – 1945, nhưng không hiểu sao, ấn tượng đọng lại trong lòng người đọc lại là chất thơ bàng bạc cất lên từ câu chữ. Tạng văn của Thạch Lam không phù hợp với những xung đột xã hội gay gắt, dữ dội, quyết liệt. Qua những trang văn của mình, ông như đang thủ thỉ tâm tình với tất cả chúng ta về những xúc cảm của một con người hay nghĩ ngợi. Ông viết Hai đứa trẻ bằng một giọng văn tinh tế, nhẹ nhàng, tràn đầy xúc cảm và thấm đẫm chất thơ. Thạch Lam vốn là một nhà văn không thích sự ồn ào, ông chỉ lặng lẽ kiếm tìm, gom nhặt những gì nhỏ nhặt, có khi tầm thường của cuộc sống, nhưng đằng sau đó, người đọc cảm nhận được cả một thế giới sâu kín của vạn vật và lòng người mà nhiều lúc, trong sự cuồn cuộn của dòng đời, ta không hề để ý. Câu văn trong Hai đứa trẻ mềm mại, thấm đẫm cảm xúc, thường sử dụng nhiều vần bằng và những thanh âm dịu nhẹ, mang âm hưởng của những vần thơ đầy nỗi niềm u uẩn:

“Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.”

Hay: “Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”

Và: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”

Cấu trúc câu văn trong Hai đứa trẻ không phải là cấu trúc sự kiện mà là những cấu trúc tâm trạng. Sự hấp dẫn và ám ảnh đằng sau câu chữ là những vỉa tầng xúc cảm. Thời gian của truyện vận động xoay quanh ba khung cảnh: chiều tàn – chợ tan – đêm tối và tâm trạng của nhà văn cũng xoay quanh ba cấu trúc không gian và thời gian ấy. Một nỗi buồn thấm thía trước buổi chiều quê bởi sự tàn tạ, heo hắt: những đám mây ánh hồng như những hòn than sắp tàn, văng vẳng tiếng ếch nhái, muỗi bắt đầu vo ve, bóng tối ngập đầy dần … toàn những thứ đang bắt đầu tàn lụi; một nỗi buồn mơ hồ nhưng tha thiết với tình đất, tình người: chợ vãn, tiếng ồn ào mất, mùi của rác rưởi lẫn với mùi của đất bốc lên cùng hơi nóng còn lại của một ngày … cảnh nghèo đến xơ xác vậy mà sao ám ảnh và thân quen đến lạ. Có lẽ vì khung cảnh ấy gợi nhắc trong ta một mảnh đời, một mảng trời riêng của bầu trời xứ Việt. Một con người hờ hững với quê hương xứ sở đâu dễ có những xúc cảm thiết tha đến thế; và để rồi sau đó đọng lại ở một nỗi buồn thương cho những kiếp người trong đêm khuya: cụ Thi già nua, trĩu nặng; chị Tí nghèo khổ; gia đình bác xẩm rách rưới; bác phở Siêu mỏi mòn … Cấu trúc câu văn tự thân nó đã chuyên chở thành công cho những giai điệu trong sắc màu tâm trạng của nhà văn Thạch Lam. Bởi thế, dẫu là kết cấu của những câu văn xuôi, song Hai đứa trẻ vẫn thấm đẫm chất thơ bởi để chuyên chở nỗi bận bịu vô hạn về một tấm lòng yêu quê hương sâu mát và thầm kín”

Sẽ vẫn còn có rất nhiều tao nhân mặc khách tìm về “vườn Bùi chốn cũ ngày xưa”, lặng ngắm một hồ Tây lãng đãng trong khói sương trầm mặc, để cùng sẻ chia với nhà văn Thạch Lam những vần thơ cất lên từ biết bao rung cảm đời thường. “Một thức quà của lúa non – cốm”, một mùi hương dịu nhẹ, thanh khiết của cây hoàng lan âm thầm rủ bóng hay những xúc cảm tế vi của vạn vật và lòng người ở trong cái phố huyện nghèo trong  “Hai đứa trẻ” – dòng cảm xúc lấp lánh chất thơ!

Xem thêm: Cái đẹp trong văn Thạch Lam

Thái Văn Phú
Giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 2 – Quỳnh Lưu – Nghệ An