Thủ pháp mượn lời nhân vật để làm bật ra một mục đích nào đó còn đang bị giữ kín vốn không mới trong nghệ thuật kể chuyện. Cách này được khái quát thành khái niệm trong tự sự học là “kịch hóa trần thuật”, nhân vật tự kể, tự phơi bày ra gan ruột mình hoặc tự mình phơi bày ra ánh sáng những gì chưa ai biết. Nguyễn Ái Quốc đã rất sớm dùng thủ pháp này vào nhiệm vụ cách mạng thời hoạt động ở Pháp.
Trên báo Le Paria, số 5, ngày 1- 8-1922 có bài viết với tiêu đề: Khai hoá giết người của tác giả Nguyễn A.Q. Ngay cái tiêu đề này đã gây sự chú ý ở sự mâu thuẫn: khai hóa là mở ra những điều tốt đẹp; giết người là tội ác dã man nhất, tàn bạo nhất. Nội dung bài báo cũng là sự tương phản triệt để hai không gian: Xứ Đông Dương và Mácxây: “Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người! Như vậy nghĩa là thế nào hỡi đấng chí tôn Khải Định và cụ lớn Xarô?”. Năm 1922, Hội chợ triển lãm thuộc địa Macxây được tổ chức với mục đích trưng bày các sản vật mang từ các thuộc địa của Pháp về với dụng ý nói lên sự giàu có của thuộc địa và “công lao khai hoá” của thực dân Pháp, qua đó mời gọi tư bản Pháp bỏ vốn kinh doanh và khai thác ở các thuộc địa. Bài báo này đã vạch trần sự giả dối của Hội chợ: người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương!
Để lột trần tội ác giết người, Nguyễn Ái Quốc để cho những nhân vật – người lính tự kể về quá trình và “hành vi” giết người. Tại sao lại là những người lính kể? Vì họ là những người trực tiếp thi hành. Đúng hơn họ là “đao phủ”! Đây là những câu chuyện của người kể tự kể lại chuyện của mình, hoặc mình trực tiếp chứng kiến nên các sự kiện kể ra được “bảo hiểm” bằng cái “tôi” với những trải nghiệm thực tế. Có ba loại kể đáng tin cậy: lời kể, nhật ký và thư.
Cố nhiên đây là lời kể lại của nhân vật nhờ có sự tham gia trực tiếp hoặc tận mắt chứng kiến các biến cố của câu chuyện. Chuyện tàn phá, chém giết… không ai đủ tư cách kể hơn những người lính trực tiếp làm những chuyện ấy:
“Một người lính khác kể: “Trong thời kỳ tôi ở đó (Bắc Kỳ) không có tuần nào là không có vài cái đầu rơi.
Trong tất cả những cảnh tượng đó, tôi chỉ còn nhớ được một điều, là chúng ta còn tàn bạo, còn dã man hơn cả những tên cướp biển. Tại sao lại có những hành vi quái ác đến thế đối với một kẻ bị kết án sắp phải chết? Tại sao lại có những cuộc hành hạ thể xác, tại sao phải giải những đoàn tù đi bêu khắp xóm làng?”[1]. Đây là lời kể khách quan về sự “tàn bạo, dã man” của chính họ, đồng thời trong lời kể vẫn đậm ấn tượng chủ quan: “chúng ta còn tàn bạo, còn dã man hơn cả những tên cướp biển”. Sự khách quan tạo nên độ trung thực của lời kể, ấn tượng chủ quan góp phần đưa lời văn nghiêng về sự cật vấn, tự thú. Hai câu hỏi liên tiếp nhau như làm rõ hơn tính cật vấn, tự thú này. Cả lời kể cho thấy một chủ thể kể còn có tính người, do vậy mà lời kể càng đáng tin hơn.
Trong các thể loại văn học, nhật ký là thể “phi hư cấu” tôn trọng sự thật vì nhật ký viết ra cho chính người viết đọc, suy ngẫm. Người phương Tây có thói quen viết nhật ký, nhất là đối với những người đi xa, Nguyễn Ái Quốc đã tận dụng thế mạnh của thể văn học này để phơi bày sự thật, một sự thật tàn bạo, mất tính người của thực dân Pháp.
“Chúng tôi xin trích trong nhật ký đi đường của một anh lính thuộc địa, sự việc sau đây: “Ngay bên dưới tôi, một người An Nam bị giội nước sôi, bỏng từ đầu đến chân, phát điên lên muốn nhảy xuống biển. Người anh của anh ta, quên cả nguy hiểm, bỏ chèo, ôm lấy anh, bắt anh nằm xuống lòng thuyền. Cuộc vật lộn chớp nhoáng vừa chấm dứt thì một thùng nước sôi khác do một bàn tay thành thạo lại giội xuống; thế là đến lượt chính người đi cứu, bị luộc chín. Tôi trông thấy anh ta giẫy giụa trong thuyền, da bị lột ra tròi thịt đỏ rói gào rống lên như một con vật. Thế nhưng cảnh đó lại làm cho chúng tôi cười, chúng tôi cho là rất ngộ nghĩnh. Quả thật chúng tôi đã có tâm hồn thực dân!”[2]. Đây là lời kể của “một anh lính thuộc địa” kể lại câu chuyện của chính những người lính thuộc địa. Nội dung lời kể toát lên những ý sau: Sự lừa đảo, một hành vi vô giáo dục: “đáng lẽ trả tiền, thì người ta lại có nhã ý bỏ vào giỏ đủ thứ như sau: ống điếu, khuy quần, mẩu tàn thuốc”. Sự tàn bạo, phi nhân tính: “Đôi khi để đùa vui, một anh sốp phơ hắt một thùng nước sôi xuống lưng những người bán hàng khốn khổ”. Sự tàn bạo, phi nhân tính này được nhân đôi khi “trò vui” tiếp diễn: “thì một thùng nước sôi khác do một bàn tay thành thạo lại giội xuống; thế là đến lượt chính người đi cứu, bị luộc chín”. Đây không hề là “trò vui” của người mà là của quỷ, quỷ dữ. Một câu kết luận mang tính “tự thú”: “Quả thật chúng tôi đã có tâm hồn thực dân!”. Bạn đọc tự thấy một “định nghĩa” rất sinh động, rõ ràng, cụ thể về “tâm hồn thực dân”, là: lừa đảo, vô giáo dục, là tàn bạo, là giết người, là không tính người. Thì ra “tâm hồn thực dân” là “tâm hồn” của quỷ!
Tác giả để cho một tên thực dân tự kể lại tội ác của họ: “Nhật ký hành quân của một tên thực dân kể lại với chúng ta: “Sau khi chiếm được chợ Mới, vào buổi chiều, một sỹ quan của tiểu đoàn lính Phi trông thấy một người châu Á bị bắt làm tù binh, còn sống, không có thương tích gì. Buổi sáng ngày hôm sau, người sỹ quan nhìn thấy người ấy chết, bị đốt cháy, đã chín, mỡ chảy ra, da bụng trương phồng lên, sém vàng. Bọn lính đã thức suốt đêm để quay chín con người đã bị tước mất vũ khí, trong khi những tên khác hành hạ một phụ nữ.
Một tên lính muốn bắt một phụ nữ An Nam phải hiến thân cho con chó của nó. Người phụ nữ ấy không chịu, liền bị đâm chết bằng một nhát lưỡi lê vào bụng”[3].
Chúng tôi xin mượn lời của Nguyễn Ái Quốc để nhận xét và khẳng định bản chất xấu xa của chính sách thực dân: “Người ta thường nói: “Chế độ thực dân là ăn cướp”. Chúng tôi xin thêm: là hiếp dâm và giết người”[4].
Những lời vạch tội, lên án này đã đi vào lịch sử nhân loại khắc ghi tội ác man rợ của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa! Đặc biệt hơn đó là lời vạch tội, lên án của một công dân ở nước nô lệ vang lên ở kinh đô trung tâm của chủ nghĩa thực dân! Đằng sau những lời ấy là tiếng nói của yêu thương và tiếng thét của lòng căm thù và có cả tiếng nói thôi thúc, phản tỉnh, kêu gọi. Tất cả toát lên ý nghĩa: Hãy cứu lấy con người!
Cao Văn Thanh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 70.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 62.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 374.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 115.