Những năm đầu thế kỷ XX là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình vượt bậc của nền văn học nước nhà qua tên tuổi các nhà văn lớn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan, trong đó không thể không nhắc đến Hồ Biểu Chánh, người tiên phong cho nền tiều thuyết hiện đại Việt Nam.
Với vân chữ dung dị đậm chất Nam Kỳ, nhà văn đã kiến tạo cho riêng mình một thế giới mới trong văn học với thể loại văn xuôi tự sự, đơn giản mộc mạc nhưng lại chứa đựng vô vàn cảm xúc sâu lắng.
Tuổi thơ cơ cực là tiền đề mở đầu cho đời văn vĩ đại của Hồ Biểu Chánh
Nhà văn tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, bút danh của ông được ghép lại từ họ và tên tự đã trở thành một cái tên ghi dấu trong lòng độc giá xuyên suốt bao thập kỷ.
Hồ Biểu Chánh là một trong những nhà văn tiên phong của văn học chữ Quốc ngữ vào thế kỷ XX ở miền Nam, ông đã để lại cho đời sau một khối lượng tác phẩm khổng lồ và được xem là người có nhiều sáng tác nhất ở văn đàn thời bấy giờ.
Nhà văn xuất thân từ một gia đình làm nông ở làng Bình Thành, tỉnh Gò Công và được cho đi học chữ Nho từ thuở nhỏ, sau này chuyển sang học chữ Quốc Ngữ rồi vào trường trung học Mỹ Tho và Sài Gòn.
Hồ Biểu Chánh là nhân chứng sống cho sự giao thoa của hai thời đại, khi Nho học dần lụi tàn trong sự hội nhập của chữ Quốc ngữ, những tác phẩm đầu tay của ông đã trở thành điểm nổi bật cho nền văn học thời bấy giờ bởi cốt truyện đơn giản nhưng tư tưởng sâu sắc.
Văn học khởi nguồn từ thực tại cuộc sống, vì vậy trong trang văn của Hồ Biểu Chánh luôn mang đậm hơi thở của những vùng đất ông từng đi qua với chất Nam Kỳ mộc mạc đã chạm đến trái tim của hàng nghìn độc giả, khơi dậy từ tấm lòng họ niềm trắc ẩn về ý chí phản kháng cái ác.
Trải qua tuổi thơ cơ cực trong gia đình nghèo đông con, Hồ Biểu Chánh đã thấu cảm rất nhiều cho nỗi cơ cực của những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội, vì vậy ngòi bút của ông thường hướng về thân phận nghèo khổ của con người.
“Còn hai bữa nữa tới ngày ta phải đi, mẹ ta than hết tiền, cha ta mới đi kiếm người đặng mượn tiền cho ta đi. Ta lo quá, sợ không đi được. Bữa chót, đến tối mà cũng không thấy cha ta về. Ta than nếu có một đồng bạc thì đủ cho ta đi. Mẹ ta khuyên ta đừng lo…Thiệt khuya, mẹ ta gói một cặp áo hàng, đi bộ với ta xuống chợ mà cầm. Chủ tiệm chịu cầm ba đồng. Mẹ ta xếp giấy bỏ vô túi, còn bạc thì đưa hết cho ta. Ta lấy hai đồng mà thôi. Mẹ ta không chịu, ép phải lấy hết, rồi đưa ta xuống tàu. Lúc tàu mở dây mà chạy, ta đứng ngó mẹ ta trên cầu tàu, ta chảy nước mắt…” – Trích từ Lời di chúc
Những lời tâm tình mộc mạc mạc mà chua xót ấy còn xuất hiện rất nhiều lần nữa trong trang văn của Hồ Biểu Chánh nhưng lại ở một cuộc đời, một thân phận khác.
Hồ Biểu Chánh và cuộc đời chưa bao giờ ngừng viết
Nhà văn được công nhận là người có nhiều sáng tác nhất trong văn đàn thời bấy giờ với hơn một trăm tác phẩm gồm nhiều thể loại từ tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn đến tuồng hát, ông còn phóng tác một số tiểu thuyết của Pháp.
Đời văn Hồ Biểu Chánh là một cuộc chính biến đầy huy hoàng của văn học chữ Quốc ngữ, từ khi các tác phẩm của ông ra đời thì bánh xe của nền văn học mới này không còn giậm chân tại chỗ nữa mà ngày càng tịnh tiến.
Hồ Biểu Chánh trở thành một trong những cây bút tiên phong của văn học hiện đại, làm ngọn đuốc sáng dẫn lối cho hậu thế sau này với các tác phẩm phong phú ở rất nhiều thể loại.
Đến những năm tháng cuối đời, dẫu cho bệnh tật và tuổi già kéo ông đến gần hơn với ranh giới sinh tử thì Hồ Biểu Chánh vẫn không ngừng sáng tác, dường như viết đã trở thành thiên chức vĩ đại trong cuộc đời ông.
“Bịnh đã càng ngày càng thêm mà ba tôi không chịu nghỉ viết. Thầy thuốc cấm. Ba tôi vẫn viết. Con cháu năn nỉ lắm thì ba tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi viết nữa và bảo rằng : “Ba còn viết được thì cứ để cho ba viết. Ba không viết được thì lòng thấy bứt rứt, người thấy khó chịu hơn. Có viết được lòng mới thấy yên ổn, người mới thấy thư thả dễ chịu. Viết là một phương thuốc, là một cách trị bịnh cho ba đó ….Cách đó ít bữa thì ba tôi từ trần. Trên bàn viết còn để lại bản thảo một tác phẩm viết dở.” – Trích lời tâm sự của con trưởng Hồ Biểu Chánh trong Quyển Hy Sinh
Ông đã sống hết mình với thiên chức mà trời ban cho những người mang nghiệp bút nghiêng, tên tuổi Hồ Biểu Chánh tạc vào lòng thế kỷ một trường đoạn bất hủ trong những năm đầu tiên tiểu thuyết hiện đại Việt Nam bắt đầu phát triển.
Sau này, tên của nhà văn được nhắc đến nhiều trong các buổi thảo luận văn học và những tác phẩm do ông sáng tác đã trở thành đề tài nghiên cứu cho rất nhiều luận án.
Hồ Biểu Chánh là cây cầu nối liền giữa những giá trị của cổ truyền đến con người hiện đại, đó là sự dung hòa tuyệt diệu mà không phải nhà văn nào cũng có khả năng thực hiện.
Những tác phẩm không bao giờ lùi vào dĩ vãng của nhà văn tài hoa
Đến với các tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ của Hồ Biểu Chánh, người đọc đã tìm thấy sự tuyệt diệu mà ngôn ngữ văn học đem đến với thế giới thực tại, tuy mộc mạc nhưng lại chứa đựng vô vàn nét đẹp riêng.
Từ đầu thế kỷ XX, khi cánh đồng văn học chữ Quốc ngữ vẫn còn hoang hóa thì Hồ Biểu Chánh đã trở thành người nông dân đầu tiên cày cuốc trên mảnh đất này và để lại được cho đời sau không ít hoa thơm trái ngọt.
Người ta nhớ về quan đốc phủ Hồ Văn Trung đã có những bước đi lầm lạc trong chính trị nhưng cũng không bao giờ quên văn sĩ Hồ Biểu Chánh đã có cống hiến lớn thế nào đối với văn học nước nhà, trên tất cả, các tác phẩm của ông vẫn luôn vẹn nguyên giá trị qua bao năm tháng.
Đến thời điểm hiện tại, nội dung và ngôn từ trong những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh vẫn luôn là đề tài mà người ta muốn khai thác và tìm hiểu sâu hơn để thấu rõ nền văn học trong thời cận đại ấy đã phát triển như thế nào.
Tiểu thuyết của nhà văn giống như tấm gương soi lại quá khứ thăng trầm của dân tộc, hướng người đọc đến cái thiện và đi tìm lẽ sống đúng giữa cuộc đời tăm tối.
Dù có nhiều đánh giá cho rằng cốt truyện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh vẫn đi theo lối cũ là “thiện ác đáo đầu chung hữu báo” song cũng không thể phủ nhận được những giá trị sâu sắc mà tác phẩm của ông mang đến, từ văn phong đến cả ngôn từ đại diện cho một vùng miền của đất nước đã được chắt lọc qua bao năm tháng.
Hồ Biểu Chánh là hạt ngọc của văn học Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX
Đọc hàng vạn trang văn của người nghệ sĩ tài hoa, độc giả sẽ cảm nhận được phong cách viết rất đỗi đặc biệt của ông với việc dùng khẩu ngữ Nam Bộ để biểu đạt ý văn, chính điều này đã làm nên một Hồ Biểu Chánh độc nhất vô nhị, một giọng văn không thể tìm thấy trong cuống họng của người khác.
Ngôn từ là cổ xe chuyên chở điệu hồn của văn phẩm, vì vậy khi đến với những trang văn của Hồ Biểu Chánh, người đọc luôn cảm nhận được hơi thở nồng nàn của miền Nam qua cách dùng từ ngữ địa phương điêu luyện, tuy không hoa mỹ nhưng lại ẩn chứ vô vàn nét đẹp dung dị.
Hồ Biểu Chánh không đi theo lối viết ngôn ngữ bác học như những nhà văn khác cùng thời mà lựa chọn hướng ngòi bút về ngôn ngữ dân chúng, điều này đã gây tranh cãi gay gắt trong các cuộc thảo luận của những nhà phê bình thời bấy giờ bởi nhiều luồng ý kiến trái chiều với giọng văn đặc biệt này.
Tuy nhiên, những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh qua bao thập kỷ vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị văn học đối với độc giả đã phần nào khẳng định được tài năng của ông.
Mỗi nhà văn đều có quyền lựa chọn cho riêng mình phong cách sáng tác và cách sử dụng ngôn từ, Hồ Biểu Chánh đã đi ngược lại với sự hoa mỹ chau chuốt của văn chương để tìm về với cách kể mộc mạc dung dị nhất làm khơi dậy được sự đồng điệu từ sâu trong tâm hồn với người dân miền Nam nói riêng và đất nước nói chung.
Hồ Biểu Chánh đã tạc vào thế kỷ một sự nghiệp bút nghiêng lẫy lừng của người mang thiên chức, ông đem tinh hoa cuộc đời xâu thành chuỗi hạt ngọc ngôn từ rồi thả trôi giữa dòng chảy êm dịu của thời gian để hậu thế lần theo nó mà tìm được về với thượng nguồn của dân tộc.
Diệu Uyển