Đã hơn 80 năm kể từ khi nhà văn Vũ Trọng Phụng cho ra đời tác phẩm đầu tiên, sức sáng tác và tài năng của ông vẫn làm chúng ta choáng váng. Giọng văn trào phúng sắc sảo mà lịch lãm, sự mạnh bạo trong phát triển tâm lý và hành vi nhân vật, các tình tiết khéo léo trong bố cục hoàn hảo, và đặc biệt, tài nghệ xây dựng nhân vật đã đưa Vũ Trọng Phụng lên hàng ngũ những bậc thày văn chương. Xuân Tóc Đỏ trong tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng là một nhân vật đặc biệt[1]. Từ một cậu bé mồ côi nghèo khổ được số phận run rủi, Xuân Tóc Đỏ bỗng trở thành một quý ông trong giới thượng lưu Hà thành vào thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Những người có chút lòng yêu thì gọi Xuân Tóc Đỏ là kẻ gặp may (tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Anh là Dumb Luck). Những người khó chịu thì bảo Xuân Tóc Đỏ là kẻ cơ hội. Kể cũng khó nếu chỉ dùng một từ hay một cụm từ để nêu bật lên tính cách nhân vật của thời kỳ đầy biến động này. Vậy hãy cùng nhau xem Vũ Trọng Phụng đã gửi đến ta bản lý lịch tiến thân của Xuân Tóc Đỏ như thế nào, từ đó có được đánh giá về chàng ta.

Trước hết là những thông tin “on-CV” (có ghi trong lý lịch)

Về mục thông tin cá nhân, Vũ Trọng Phụng rất rành mạch. Nhờ ông thày số, ta biết cặn kẽ cả lá số tử vi của Xuân, chi tiết đến tận giờ sinh “hai nhăm tuổi, tháng mười, ngày rằm, giờ gà lên chuồng”. Lá số của Xuân đã ấn định cho chàng ta một “danh phận to” vào cuối đời, dù xuất thân mồ côi, nghèo khổ “đến cái mũ cũng chẳng có mà đội” nên tóc mới hoe đỏ chứ không đuợc đen. Danh phận “phong lưu” của Xuân phần lớn nhờ vào sao “đào hoa”, như là ngôi sao may mắn nhất, đem lại nhiều cơ hội nhất cho Xuân.

Mục trình độ học vấn của Xuân thì khá là nghèo nàn. Nhà văn để lộ cho ta biết “Cái học thức của Xuân Tóc đỏ chỉ đủ để hắn biên sổ thợ giặt”, tức là chỉ biết đọc biết viết những chữ đơn giản nhất mà thôi. Trình độ của Xuân sơ sài đến nỗi đọc cái biển hiệu có chữ “ÂU HOÁ” được trình bày một cách mỹ thuật thì chàng ta không hiểu chữ gì. Nhà mỹ thuật phải mô tả một cách thật tượng hình thì Xuân mới hiểu:

“Cái thẹo lộn xuôi thì mới là chữ U, còn cái thẹo chổng ngược thì chính là chữ A. Thợ thuyền gì mà không hiểu một tí mỹ thuật gì cả! Nghe đây này: Trước nhất anh đóng cho tôi cái thẹo lộn ngược rồi đến cái thẹo lộn xuôi. Thế là A, U tức là Âu. Rồi thì đến cái miếng gỗ vuông có hai lỗ thủng là chữ H, rồi đến miếng gỗ tròn thủng giữa là chữ O, rồi đến cái thẹo lộn ngược là chữ A, tức là Hoá, nghĩa là cửa hiệu Âu hoá! Có thế thôi mà phải dặn đi dặn lại mãi, thợ với thuyền, ngu như lợn!”

Thực ra, Xuân cũng chỉ hiểu cái “mặt chữ” nó là như thế, chứ cái ý tứ Âu hoá là gì thì anh ta còn ngơ ngác lắm. Tệ hơn nữa, những con chữ được thiết kế kiểu mới khiến anh chàng chỉ liên tưởng đến những thứ không mấy hay ho “Theo cái trí não hạ lưu của nó, Xuân Tóc Đỏ, từ lúc lên sáu tuổi, đã biết rằng cái thẹo mà giữa có một chấm thì chỉ là biểu tượng của một cái vật xấu xa, thế mà thôi”, và cái cách biểu diễn con chữ kiểu mới khiến anh chàng có phần khinh bỉ “chữ với chả nghĩa”, hẳn là vì lối chữ mới không thể sang trọng và ý nghĩa bằng lối chữ Nho. Vậy ta thấy, nếu nói về học vấn phổ thông, tri thức mà Xuân Tóc Đỏ có được gần như là số không.

Những gì Xuân học được chủ yếu là qua trường đời, bằng lối vừa học vừa làm. Dưới đây là mô tả “trường đời” của Xuân:

“Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đan hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiểu xảo khác nữa… Nó mới xin được chân nhặt bóng trong sân quần độ trong vòng một năm nay thôi. Nhưng nó đánh quần chóng hay lắm nên được hội viên Pháp và Nam có lòng yêu, được trọng đãi một chút”.

Trường đời dạy cho Xuân kỹ năng ăn nói hoạt bát, giao tiếp nhanh nhẹn, rèn cho Xuân một bản lĩnh kiên cường và tài ứng phó khi đối diện với mọi loại hiểm nguy “Thì nó vẫn nói to lắm, mà lại không bao giờ sợ khán cổ, nhất là không bao giờ thẹn, một điều kiện cố yếu của nhà hùng biện. Nghiệm như xưa kia, lúc bán phá xa, làm lính cờ chạy hiệu rạp hát, làm nghề thổi loa cho ông Vua Thuốc Lậu Nam Kỳ, nó đã quen cái mồm đàn áp, chinh phục, và làm rung động công chúng hơn ai…”.

Quan trọng nhất, trường đời dạy cho Xuân nghề đánh quần vợt, và còn dạy cho Xuân làm …khoa học nữa. Ta cùng nghe Vũ Trọng Phụng mô tả con đường đến với khoa học cuả Xuân “Xuân Tóc Đỏ không ngờ rằng khi xưa, lúc nó ngồi đọc quảng cáo cho một hiệu thuốc vào phóng thanh, và ngồi trên mũi ô tô với bộ quần áo Charlot và cái mặt nạ thổi loa khắp phố phường cho một “ông vua thuốc lậu” Nam Kỳ, thì chính là nó tập đi đến khoa học”.

Mặc dù không được học hành đến nơi đến chốn ở trường lớp chính quy nhưng kiến thức và kỹ năng mà Xuân Tóc Đỏ học qua trường đời kể cũng phong phú.

Ở mục quá trình công tác, lý lịch cho thấy Xuân Tóc Đỏ đã kinh qua khá nhiều nghề. Ngoài những nghề “thực tập” thuở hàn vi, Xuân đảm nhiệm những “công việc” rất thời thượng. Ta nghe anh chàng giới thiệu “Me sừ Xuân, nguyên sinh viên trường thuốc, giáo sư quần vợt, giám đốc hiệu Âu Hoá , phụ nữ tân thời!” và người ta còn coi Xuân là “đốc tờ” nữa.

Đặc biệt, ở “cương vị” nào, Xuân cũng được người ta mời mọc một cách vồn vã. “Ba năm phấn đấu không bằng cơ cấu một ngày”, người ta cần Xuân cho những mục tiêu riêng, hoàn toàn không liên quan trực tiếp đến “nghề” mà Xuân sẽ đảm nhiệm. Này nhé, Xuân được “bổ nhiệm” vào cửa hàng Âu Hoá là do mưu đồ của bà Phó Đoan muốn giữ Xuân làm “bồ nhí” cho mình. Xuân vào vai “đốc tờ” là vì người ta đang muốn cho ông cụ Cố 80 tuổi sớm về chầu Trời, theo như lời cụ Hồng là con trai cụ Cố “Tôi mong cho cụ về đi, là vì cụ tôi chết sớm ngày nào hay ngày ấy chứ sống mà ăn không được, ngủ không được, lúc nào cũng kêu rên.. thì sống mà làm gì!”, và theo lời cô Văn Minh là cháu nội cụ Cố “Sống như vậy là trái lẽ tạo hoá”. Trong “bối cảnh” người ta đang cần “một ông thày thuốc làm bộ, hay cho đơn thuốc mạnh, hoặc là hay khệnh khạng, là đủ giết nổi cụ via nhà ta rồi” (lời cụ Hồng), thì Xuân nghiễm nhiên là ứng cử viên số một.

Và thật kỳ diệu, ở vị trí nào, Xuân cũng đều đáp ứng được yêu cầu công việc một cách trôi chảy. Có Xuân ở hiệu Âu Hoá, các bà các cô đến nườm nượp, theo lời nhận xét của cô Văn Minh là chủ hiệu “Hắn thông minh lắm, mới vào làm có vài ngày mà khách khứa xem ý ai cũng mến… Từ hôm có hắn thì quả nhiên khách may mặc có đông hơn lên”. Đến cả vào vai đốc tờ, Xuân cũng làm mọi người lác mắt vì chữa khỏi ngay bệnh cho cụ Cố. Còn ở sân quần vợt thì khỏi nói, lúc nào Xuân cũng là một ngôi sao sáng.

Với những “bề dày thành tích” công tác như vậy, trình độ học vấn thấp kém của Xuân không còn là trở ngại cho sự tiến thân của anh chàng.

Về mục khen thưởng, kỷ luật, Xuân bị dính mấy “phốt”, thậm chí bị cảnh sát bắt, vì nhìn trộm phụ nữ tắm và thay đồ. Nhưng ở mục khen thưởng, Xuân đã lập những thành tích vẻ vang. Nhờ cứu nguy cho chính phủ Bảo hộ khỏi một cuộc chiến tranh với nước Xiêm do biết kiềm chế thành tích trên sân quần vợt (!!!) , Xuân được tặng thưởng đến những hai cái Bắc đẩu bội tinh và rất nhiều vinh hạnh khác.

Ngoài những mục được ghi trong lý lịch, ta còn có thể biết thêm về Xuân Tóc Đỏ qua những mô tả “off-CV”. Đôi khi bị coi là kẻ cơ hội, nhưng Xuân không hề sử dụng thủ đoạn xấu xa nào để hại người khác nhằm “thăng tiến”. Ngược lại, Xuân còn là anh chàng khá trung thực. Với phụ nữ, Xuân chỉ ỡm ờ tán tỉnh linh tinh chứ không có hành vi càn rỡ. Thậm chí, sự rụt rè khiến bà Phó Đoan phải thất vọng và “khinh bỉ đạo đức chân chính” của anh chàng. Lại nữa, khi được ông Văn Minh là anh ruột của Tuyết tính chuyện tác thành hôn nhân cho hai người thì Xuân lập tức thừa nhận thân phận thấp hèn của mình:

“ Thưa ông, ông có lòng với con như thế thật tử tế quá! Nhưng ông xét lại có nên không! Tuyết, con gái nhà giầu đẹp đẽ, con nhà quý phái tân thời, còn con thì, như ông đã biết đấy, không cha không mẹ, lêu lổng từ bé, nhặt quần, bán phá xa trại chủ, đã làm nhiều nghề hèn. Con nghĩ con không xứng đáng chút nào cả”.

Không chỉ có bản chất thật thà, Xuân còn là người chịu khó học hỏi và khá chăm chỉ. Được “bố trí” ở tiệm Âu hoá, Xuân mừng lắm. Rồi anh chàng nhanh chóng nhận ra mình chỉ là một “chân loong toong trong công cuộc Âu hoá”. Thậm chí chàng ta còn bị người ta bỏ đói. Nhưng mấy điều đó chẳng hề làm Xuân bất mãn. Chàng ta chăm chỉ học việc, tận tuỵ phục vụ khách hàng và nhanh chóng chiếm được cảm tình của các quý bà quý cô đang vội vã lao mình vào cuộc Âu hoá.

Dù có “nhược điểm” là lời ăn tiếng nói không được chải chuốt, bóng bẩy, hay đệm nhiều từ của bọn “ma cà bông”, Xuân Tóc Đỏ lại lấy được lòng đám con sen thằng xe vì bản tính suồng sã, gần gũi và được giới thượng lưu tán thưởng vì sự chân thành, chất phác, nhất là trong bối cảnh phong trào “Bình dân” đang nổi lên.

Qua bản lý lịch được trình bày trào lộng nhưng thẳng thắn, Vũ Trọng Phụng dường như dành cho Xuân Tóc Đỏ một cái nhìn ưu ái. Thời đại nào, anh hùng ấy. Một anh chàng ma cà bông bỗng trở thành người hùng được ca tụng- đó hoàn toàn là một sản phẩm của thời đại.

– Trần Thị Phương Hoa –

[1] Vũ Trọng Phụng, Số đỏ, có thể đọc trên vnthuquan.net