Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh là vị thầy khả kính của nhiều thế hệ học trò, trong đó có tôi. Ông là nhà giáo, nhà lý luận, phê bình nổi tiếng, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu được bạn đọc cả nước chú ý.
Năm 2004, Nhà xuất bản Giáo dục đã “tuyển chọn các bài viết và phát biểu” của ông thành công trình “sách tham khảo đặc biệt” [1, tr.6] khá đồ sộ, có tên là Chuyện văn chuyện đời. Tuy không được đầy đủ, nhưng công trình phần nào đã phản ánh cả cuộc đời cầm bút gần bốn mươi năm của tác giả. Nói là “chuyện văn chuyện đời” nhưng chỉ có hai bài cuối có bóng dáng của một mẫu hồi ký, ít nhiều liên quan đến hành trạng cuộc đời của tác giả, đó là bài Từ mái trường Đại học Lômônôxốp viết về ngôi trường ông đã từng học hai cấp đại học và tiến sĩ, và Ấn tượng và đề nghị ông phát biểu nhân 50 năm thành lập Viện Văn học, còn lại đều nói về “chuyện văn”, được chia thành ba phần, tập trung vào ba lĩnh vực: lý luận văn học, phê bình văn học và những suy nghĩ về văn hóa.
1. Là nhà lý luận văn học, từng chủ trì và tham gia biên soạn một trong những bộ sách Cơ sở lý luận văn học (4 tập, 1965 – 1971) sớm nhất ở nước ta, nên Nguyễn Văn Hạnh đã dành cho phần đầu chiếm ưu thế về số trang/ bài viết: có đến 17 bài chiếm 292 trang, người viết tập trung vào những vấn đề cơ bản của lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu văn như bản chất, đặc trưng, ý nghĩa của văn học, loại thể, tác phẩm, nhà văn, phương pháp sáng tác, phong cách, trào lưu và phương pháp luận nghiên cứu văn học… Tất nhiên, đây là những vấn đề cốt tử có tính chất nguyên lý trong hệ thống lý luận văn học, đã từng được ông và các đồng nghiệp dày công nghiên cứu và đưa vào sách giáo khoa từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, nay cũng những vấn đề ấy thôi, được ông tách ra khỏi hệ thống kinh viện của sách giáo khoa, đặt thành vấn đề nhận thức mới, mang tính toàn diện và sâu sắc, cùng với cái nhìn thẳng thắn và trung thực về đổi mới tư duy và nhận thức trong tiến trình đổi mới văn học những năm gần đây.
Sau “cú đúp” lấy hai bằng cử nhân và tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp Matxcơva (1957 – 1963), nếu không tính thời gian làm chủ nhiệm bộ môn lý luận văn học Đại học Sư phạm Hà Nội (1963 – 1975) chưa có gì nổi trội, thì sự nghiệp giáo dục và hoạt động văn học của Nguyễn Văn Hạnh nổi bật vào thời kỳ gắn liền với công cuộc đổi mới [2, tr.32], có thể đã manh nha từ thời làm Trưởng Ban điều hành (Viện trưởng) Viện Đại học Huế (1975 – 1977) và sau đó, bắt đầu từ khi ông rời chức vụ Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế (1977 – 1981), ra làm Phó trưởng Ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương (1981), rồi chuyển về làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1983), đến khi tướng Trần Độ quay trở về tiếp tục làm Trưởng Ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương (1987) “Nguyễn Văn Hạnh cũng thôi không ở Bộ Giáo dục nữa, về cùng với anh Độ ở Ban Văn hóa – Văn nghệ” với ý thức rất rõ là “mình cần phải về giúp cho anh Trần Độ” [3, tr.248]. Không phải ngẫu nhiên mà hai lần ông từ bỏ những cương vị công tác có thể được coi là “đức cao vọng trọng” trong ngành giáo dục lúc này tương đối còn êm ả, để lao vào “điểm nóng” của sự nghiệp đổi mới và có đến mười năm lăn lộn, gắn bó, chịu bao nhiêu “hòn tên mũi đạn” với khát vọng góp phần xây dựng một nền văn hóa văn nghệ lành mạnh, dân chủ, nhân văn. Bởi lẽ, tư tưởng và khát vọng đổi mới đã có từ cốt tính trong con người ông, thể hiện rõ nhất qua từng trang viết, nhất là về mặt tư duy lý luận. Ông đến với công cuộc đổi mới, trước hết với phẩm chất mẫn cảm của người nghệ sĩ và ý thức của một công dân khi đất nước cần/ đòi hỏi, sau đó mới đến trách nhiệm của người được tin giao trọng trách. Ở cương vị là một trong những người lãnh đạo cao nhất về tư tưởng, ông luôn tâm niệm rằng: “Làm công tác tư tưởng nói chung và làm văn học nghệ thuật nói riêng mà lẩn tránh sự thật, không dám nói lên được sự thật, thì không thể nào biết mình đang là ai, đang đứng ở đâu, phải làm gì và tiến lên như thế nào. Giả dối làm tê liệt thần kinh và cằn cỗi tâm hồn, xúc phạm lương tri và nhất định sẽ dẫn đến hỏng việc, nhưng nó thường ngọt ngào, trau chuốt, phỉnh nịnh. Sự thật thì mộc mạc, trần trụi, với những mặt tích cực, cao đẹp của nó và có khi với những cái cay đắng, đau lòng của nó. Chỉ có sự thật mới phát huy được ưu điểm và mới sửa chữa được khuyết điểm và sai lầm, đưa công việc đến kết quả, định hướng đúng cho suy nghĩ và hành động, bảo đảm sức sống và tiến bộ không ngừng cho sự nghiệp cách mạng” [tr.105]. Ông lật lại các vấn đề đã cũ nhưng yêu cầu nhận thức không hề cũ, đã từng có những ý kiến trái chiều gây không ít những cuộc tranh luận sôi nổi và âm thầm, như mối quan hệ giữa hiện thực và nghệ thuật, nội hàm và ý nghĩa của chủ nghĩa hiện thực, nhà văn và tự do sáng tạo, sự cần thiết phải mở rộng các chức năng của văn học, mối quan hệ giữa ngôn từ và ngôn ngữ, tác phẩm và người đọc… trong đó có cả việc khẳng định ý nghĩa của văn chương trong thời kỳ hiện đại là nhằm đến đặc trưng nghệ thuật, rằng “trong tư duy hiện đại, người ta coi văn chương là một loại hình nghệ thuật, đặc biệt đề cao giá trị nghệ thuật của văn chương” [tr.255]; đồng thời, xác định rõ bản chất và đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ “là nói bằng lời, bằng hình ảnh, bằng khoảng trống và cả sự im lặng. Nghệ thuật là gây cảm hứng, là gợi ý, nó luôn dành chỗ cho người thưởng thức suy nghĩ tiếp, liên hệ, bổ sung” [tr.70]. Đặc biệt, ngay từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước (1972), khi lý thuyết về mỹ học tiếp nhận mới được hai giáo sư Hans Robert Jauss và Wolfgan Iser ở Đại học Konstanz thuộc Cộng hòa liên bang Đức vừa mới đặt những bước nhân thăm dò đầu tiên trước đó vài năm, thì ông đã quan tâm đến vai trò của người đọc, khi đặt vấn đề cần “nhấn mạnh vai trò của người tiếp thu nghệ thuật, nó xem chân lý nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự phù hợp giữa tác phẩm và hiện thực, giữa hình tượng và đối tượng phản ánh, mà còn trùm lên cả hành động sáng tạo và hành động “thưởng thức”/ Lưu ý đến quan hệ giữa tác phẩm và người đọc trong tình hình nghiên cứu hiện nay vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa chính trị. Không quan tâm đến phương diện này, như chúng ta đã thấy, sẽ làm cho sự hiểu biết văn học nói chung, hiểu biết về ý nghĩa và số phận của tác phẩm văn học nói riêng, phiến diện và nghèo nàn” [4, tr.20]. Gần ba mươi năm sau, trong không khí đổi mới của đất nước, ông lại tiếp tục khẳng định vai trò của người tiếp nhận, coi đó là một thành tố làm nên đời sống nghệ thuật: “Không vì bất cứ lý do gì mà coi thường ý kiến người đọc trong tiếp nhận, thưởng thức tác phẩm văn học. Trong lĩnh vực này, nhiều khi kinh nghiệm sống và tấm lòng chân thành, trong sáng giúp người ta đi đến lẽ phải đúng và nhanh hơn trình độ học vấn. Vả chăng, đây là niềm vui, là quyền lợi của người đọc, không thể coi thường, không thể can thiệp một cách thô bạo”. [tr.122].
Là một người đứng ở tuyến đầu, trước ngọn gió đổi mới, thổi tung tất cả những ao tù nước đọng lưu cữu quá lâu, tất nhiên Nguyễn Văn Hạnh phải là một trong những người đầu tư suy nghĩ, tìm tòi khám phá, viết nhiều, nói nhiều về đổi mới, cả nói và viết đều với một tinh thần trách nhiệm cao: Về quá trình đổi mới văn học hiện nay, Tạo không khí tranh luận bình thường, lành mạnh trong sinh hoạt văn học, Về tiến trình hiện đại hóa văn học, Trở lại vấn đề đặc trưng của văn học, Suy nghĩ về một số vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn học… Đặc biệt là cùng với hàng loạt bài viết của các cây bút cự phách lẫy lừng thời bấy giờ như Hoàng Ngọc Hiến trước đó [5], rồi đến Nguyễn Minh Châu, Lê Ngọc Trà, Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Khải, Xuân Cang… in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vào thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới [6, tr.137], Nguyễn Văn Hạnh cũng có bài Đổi mới tư duy, khẳng định sự thật trong văn học nghệ thuật (Văn nghệ, số 33, ngày 15.8.1987) thể hiện rõ cương lĩnh của công cuộc đổi mới là nhìn rõ sự thật, nói đúng sự thật trên tinh thần dân chủ thật sự, trước khi khẳng định một thực tế không thể chối cãi rằng: “Đổi mới là một đòi hỏi khách quan, tất yếu của đất nước ta, là nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta từ lâu, đặc biệt là từ sau năm 1975. Chủ trương đổi mới đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống của đất nước và thật sự đã mang lại niềm phấn khởi và hy vọng cho văn nghệ sĩ và những ai quan tâm đến văn học nghệ thuật/ Phải tiến hành đổi mới thật sự, dù thuận lợi hay khó khăn, vì đó là mệnh lệnh của cuộc sống, của thời đại. Chỉ có đổi mới, mới thật sự, mới phát huy được thành quả của cách mạng, mới tiến lên được. Phải đổi mới còn vì một lẽ đơn giản: không thể sống như cũ, nghĩ như cũ, làm như cũ” [tr.114]. Trong tham luận tại Hội nghị lý luận phê bình văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo (ngày 14 – 15/8/2003) có tiêu đề Tạo không khí tranh luận bình thường, lành mạnh trong sinh hoạt văn học, ông khẳng định vấn đề cốt tử của tinh thần đổi mới là “trước hết phải làm sao tạo được một môi trường sống và làm việc trung thực, nghiêm túc, có nhân cách, có trách nhiệm, một luồng không khí văn học mà trong đó người nghiên cứu cũng như người sáng tác được yên tâm, nói như Lênin “không bao giờ nói một lời trái với lương tâm mình”, cảm thấy hứng thú, hăng say hoạt động theo tinh thần tự do tư tưởng, tự do sáng tạo vì tiến bộ của sự nghiệp văn học, của đất nước và nhân dân. Có nhiều việc cần làm, nhưng tôi tin là phải bắt đầu chính từ chỗ đó” [tr.291].
2. Ở phần phê bình có 12 bài gồm 275 trang, chủ yếu phê bình tác giả và tác phẩm. Về tác giả, nhà phê bình quan tâm đến các tác giả thời danh, những tài năng đã được không ít các công trình nghiên cứu bàn luận tới, nhưng Nguyễn Văn Hạnh chỉ nhìn ở một góc độ, một phương diện để “lẩy” ra một vấn đề nhằm nêu bật chân dung tinh thần của tác giả ấy, không trùng lặp với bất kỳ ai: ông khẳng định Nguyễn Trãi, đỉnh cao của thời đại, bản lĩnh của dân tộc; ông nhận diện Thạch Lam và quan niệm về văn chương; ông hướng đến hai đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực là Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. Về nghệ thuật tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng tác giả có lý khi chỉ ra rằng: “Điểm mạnh nhất trong tiểu thuyết của Vũ là nhân vật. Hoàn toàn không cường điệu, chúng ta có thể nói rằng về mặt sáng tạo ra những điển hình văn học xuất sắc, ít có nhà văn Việt Nam nào địch nổi với Vũ. Những nhân vật như Nghị Hách, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng, đặc biệt là Nghị Hách và Xuân Tóc Đỏ, thật sự là những đỉnh cao, hết sức độc đáo của sáng tạo nghệ thuật. Những tính cách này luôn làm sống lại cả một thời đại, đồng thời mãi mãi cảnh tỉnh người ta về mức độ tai quái và sự trỗi dậy trong những điều kiện nào đó cái phần “quỷ” trong con người” [tr.460]. Tương tự, khi nhận diện Chất hiện đại trong tư tưởng nhân văn và nghệ thuật viết truyện của Nam Cao, ông chỉ ra “nét đặc trưng có sức lôi cuốn mạnh nhất trong tài năng và phong cách của Nam Cao là chất trữ tình ấm áp, lây truyền, thấm đẫm hầu hết các trang viết của ông. Chất trữ tình này bắt nguồn từ nỗi buồn thương, đau đời của ông trước nỗi khổ không cùng của con người, từ lòng khát khao của ông về một cuộc sống có tình người, có phẩm giá, có tư cách. Chất trữ tình này cũng tăng thêm do chỗ nhà văn thường đi sâu vào tâm hồn, tâm trạng nhân vật, trực tiếp bày tỏ thái độ, tình cảm, tư tưởng của mình về cuộc sống do tính chất tự truyện trong nhiều tác phẩm của ông” [tr.452].
Với các tác giả đương thời, ông có hai bài về Tố Hữu, hai bài về Chế Lan Viên và một bài về Nguyễn Minh Châu. Với Tố Hữu, ông đã từng có riêng một công trình khá chỉn chu, mô phạm đậm phong cách của một nhà giáo Thơ Tố Hữu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí được tái bản nhiều lần, hai bài này chỉ là sự lược lại. Hai bài về Thơ Chế Lan Viên và Nhà thơ của thế kỷ, ông tìm được nét mới về “Hình thức cơ bản, phổ biến trong tư duy nghệ thuật của Chế Lan Viên là sự đối lập. Đối lập trong thời gian, trong không gian, trong lòng người: “hoa ngày thường/ chim báo bão”, “xưa phù du mà nay đã phù sa”, “viết câu thơ sáng ngời, giữa nhà lao bóng phủ”, (…) … Qua đối lập, nhà thơ nói lên một quy luật cơ bản của sự vật, tác động mạnh mẽ đến trí tưởng tượng của người đọc, khêu gợi, củng cố hứng thú thẩm mỹ của họ, bằng cách cho họ tiếp xúc với những bất ngờ và tương phản, trong ý thơ, trong hình ảnh, trong kết cấu, trong nhạc điệu, từ yêu thương đến giận dữ, từ yên tĩnh đến bàng hoàng, từ trang nghiêm đến trào lộng…” [tr. 396]. Ông cổ vũ tài năng Nguyễn Minh Châu những năm 80 và sự đổi mới cách nhìn về con người làm thay đổi số phận nghệ thuật và tôn cao nhân cách tác giả trong tiến trình đổi mới: “Đi sâu vào số phận con người, xem con người là giá trị cao nhất của cuộc sống, là đối tượng khám phá đầy bí ẩn của văn học, đề cao nguyên tắc nhân bản và tôn trọng sự thật trong sáng tác nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu không phát hiện một điều gì hoàn toàn mới mẻ. Nhưng là người nghệ sĩ trung thực và rất nhạy cảm trước những đổi thay của đời sống, những đòi hỏi của thế hệ bạn đọc mới, Nguyễn Minh Châu đã sớm nhận thức được rằng không thể tiếp tục nghĩ như cũ, viết như cũ, tiếp tục cách nhìn giản đơn, thực dụng về con người và về văn học, hạn chế sức mạnh riêng của văn học, hạ thấp bản lĩnh, nhân cách của người cầm bút chân chính” [tr. 474 – 475].
Về tác phẩm, Nguyễn Văn Hạnh chú tâm đến Thề non nước (Tản Đà), Theo chân Bác (Tố Hữu), Vầng trăng quầng lửa (Phạm Tiến Duật) và dành gần một trăm trang sách cho tuyển tập Trăm năm thơ đất Quảng. Phê bình tác phẩm đối với ông không hề dừng lại ở dạng đọc sách, mô tả nội dung, điểm xuyết nghệ thuật, mà bằng sự cảm thụ tinh tế, khám phá những tín hiệu thẩm mỹ chuẩn xác thông qua hệ thống lý thuyết văn chương và sự am tường về tác giả. Thơ vì sự sống còn của đất nước và vì phẩm giá con người là bài viết dài về thơ đất Quảng (gần 100 trang, có thể in riêng thành một cuốn sách) thể hiện tâm huyết của một người con xứ Quảng, trong đó không chỉ có chuyện của thơ, của văn chương, mà còn là những phân tích, kiến giải sâu sắc với những luận điểm, luận cứ, luận chứng hết sức xác đáng và đầy thuyết phục về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, chữ viết; về sông núi, đất đai, thiên nhiên, cây cỏ… những gì làm nên cốt cách tâm hồn và nhân cách của con người xứ Quảng, bản lĩnh ấy xuất phát từ miền đất trung chuyển/ giao tranh: “Để trụ bám được tại đây, đủ sức làm bàn đạp, trạm trung chuyển nhân tài vật lực trong buổi đầu mở nước về phương Nam, để tồn tại và phát triển qua bao nhiêu cuộc chiến tranh và hưng vong của các triều đại, thể chế đối địch, con người đất Quảng chịu đựng và tôi luyện phải trung dũng, kiên cường như thế nào, có bản lĩnh như thế nào, phải có khả năng tự lực, ứng phó, sáng tạo như thế nào! Và chắc chắn con người sản sinh từ hoàn cảnh đó, đủ sức đối phó với hoàn cảnh đó, phải là con người có đầu óc khai phóng, nhạy cảm với tình hình, nhạy cảm với cái mới và đổi thay, con người tình nghĩa – tình nghĩa với cộng đồng, với Tổ quốc, đồng bào, với miền Bắc chôn rau cắt rốn, với miền Nam đã đón nhận mình, nuôi dưỡng mình, trở thành quê hương hằng bao thế kỷ rồi” [tr. 483]. Tác giả đã ngưỡng vọng bao danh sĩ đất Quảng, những con người luôn có khát vọng canh tân xứ sở, từ Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… đến Phan Khôi, Phạm Hầu, Nam Trân, Hằng Phương và nhiều người khác nữa, kèm với đó là phân tích những vần thơ tỏ chí khí với thời cuộc, tỏ lòng với nước non, thấm đẫm ý nghĩa nhân văn đối với con người, đặt trong từng bối cảnh lịch sử của đất nước và tiến trình phát triển thơ ca của một vùng đất. Với những tri thức uyên bác về sự kiện, con người và bản lĩnh văn hóa được trình bày trong chỉ gần một trăm trang sách, Nguyễn Văn Hạnh không chỉ “là nhà khoa học hàng đầu trên lĩnh vực lý luận phê bình văn học ở nước ta” [7], mà còn có thể tôn vinh ông là một “nhà Quảng học” với tất cả ý nghĩa vốn có của từ này.
3. Nhà văn, trước hết là nhà văn hóa, kể cả người hoạt động sáng tác (văn chương tưởng tượng) lẫn người nghiên cứu lý luận phê bình (văn chương lý trí). Nguyễn Văn Hạnh còn là nhà văn hóa giáo dục. Ông từng là tác giả của công trình Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ (viết chung với Huỳnh Như Phương, 1995, tái bản 1999) sau đó lại tiếp tục cho ra đời Văn học và văn hóa, vấn đề và suy nghĩ (2002). Dường như trong hệ hình tư duy của Nguyễn Văn Hạnh lúc nào cũng có/ đặt “vấn đề” cần/ buộc phải “suy nghĩ”. Thái độ ứng xử văn hóa trước thời cuộc, nhất là trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình trong sự đổi mới, tất yếu là có lắm điều cần phải trăn trở, nghĩ suy trên “tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm cao của tác giả đối với việc xây dựng một nền lý luận phê bình tiên tiến, hiện đại và một nền văn học có phẩm chất dân tộc và giá trị nhân văn sâu sắc” [8]. Phần này có 151 trang, gồm có 9 bài, ngoài hai bài có tính chất hồi ký đã nêu từ đầu bài viết, tác giả bắt đầu từ Khái niệm văn hóa – vài khía cạnh lý luận và thực tiễn, đi đến việc xác định phẩm chất và bản lĩnh văn hóa của con người (Trí thức và văn hóa, Về tính cách người Việt Nam) và tập trung vào định hướng xây dựng nền văn hóa trong thời kỳ đổi mới (Để hiện đại hóa khoa học xã hội và nhân văn, Nhằm phát huy nội lực thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đạo đức suy thoái trong xã hội hiện nay, đặt hy vọng vào lớp trẻ lại cần thấy cái khó của họ…). Ở đây, những suy nghĩ miên man trong mạch tư duy của ông về đất Quảng dường như vẫn chưa dứt, ông lại tiếp tục trình bày Phát huy dân chủ để xây dựng văn hóa đất Quảng, mà theo ông văn hóa bao giờ cũng là văn hóa nhân văn, và ông nhấn mạnh về phẩm chất và bản lĩnh văn hóa của con người xứ Quảng chủ yếu là: “Con người đất Quảng hiền lành, chất phác, siêng năng, cần kiệm, tính tình ngay thẳng, bộc trực, có tinh thần năng động, tháo vát, hiếu học, cũng là người rất quan tâm đến những vấn đề chung của cộng đồng, của đất nước, có ý thức và nhạy cảm về chính trị, về lẽ công bằng, có đầu óc thực tế, thích suy nghĩ, có ý kiến, tranh luận về mọi điều liên quan. Với tính cách cứng cỏi, người Quảng Nam sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức, có thái độ phản ứng mạnh mẽ sự bất công, áp bức” [tr. 600]. Ông nói cứ như “suy từ bụng ta”. Chính con người ông là tấm gương phản chiếu cho những điều ông vừa kiến giải. Nơi đây là đất “chưa mưa đà thấm”, nên con người sinh ra nơi đây hết sức nhạy cảm. Nhạy cảm với những buồn vui, thăng trầm, số phận của đất nước. Nhạy cảm với thiên nhiên, cây cỏ, với cái đẹp. Nhạy cảm với những cái mới. Nhạy cảm trước những dự báo. Nhạy cảm trước những đổi thay. Và, tất nhiên, nhạy cảm luôn gắn liền với sự khám phá, phát hiện cái mới và luôn ở vị trí tiên phong trong những đổi mới. Nguyễn Văn Hạnh là một trong những con người có không ít những phẩm chất và bản lĩnh văn hóa ấy.
Văn hóa Việt Nam không nặng về văn hóa tư tưởng mà thiên về văn hóa ứng xử, trong tất cả các mối quan hệ, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Những phẩm chất và bản lĩnh văn hóa ấy, đã được cha me, ông bà trui rèn từ nhỏ. Do vậy, nói đến văn hóa luôn gắn liền với giáo dục và bắt đầu từ giáo dục gia đình. Một người có văn hóa là người biết ứng xử trong mọi tình huống/ thử thách. Từ khi còn tấm bé đã biết kính trên, nhường dưới, nên trong các phép ứng xử, luôn lấy sự dung hòa, là sự hòa hợp các yếu tố, có trước có sau, trung thực, thủy chung làm trọng. Trong quá trình mở cõi về phương Nam, chúng ta đã kịp thời xây dựng cho mình một đời sống văn hóa riêng. Vì vậy, bao nhiêu cuộc xâm lược kéo dài hằng nghìn năm, nhưng kẻ thù vẫn không thể nào đồng hóa nổi. Khái quát vấn đề này, nhà văn hóa giáo dục Nguyễn Văn Hạnh cho rằng: “Tinh thần Việt Nam, tính cách Việt Nam luôn có thiên hướng, có khả năng kết hợp các mặt khác biệt, đối lập: cái cũ và cái mới, quá khứ, hiện tại và tương lai, cộng đồng và cá thể, tình và lý, nhân và nghĩa, tinh thần và vật chất, cương quyết và kiên trì, cứng và mềm, tự nhiên và xã hội” [tr. 571]. Trong sự dung hợp nhiều yếu tố/ phẩm chất, có khi tương đồng, có khi đối lập mà vẫn xuyên thấm lẫn nhau để tạo nên sức mạnh ấy, ông cho rằng hoàn toàn dựa vào một phẩm chất nền tảng làm cốt tử, nó đã được sản sinh từ trong truyền thống dựng nước và giữ nước, cần phải được giữ gìn và phát huy trong công cuộc đổi mới: “Tính trung thực có thể xem là một phẩm chất nền tảng của nhân cách, của đạo lý làm người. Rất tiếc là trong một thời gian dài ta chưa thật sự coi trọng tính trung thực trong giáo dục ở nhà trường, trong sinh hoạt hằng ngày giữa người với người, trong nhận xét đánh giá cán bộ. Công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng văn hóa hiện nay rất cần những người trí thức hiểu biết và trung thực, những hiền tài, như người xưa thường nói” [tr. 576 – 577]. Văn hóa không bao giờ có tính độc lập tuyệt đối, mà văn hóa là văn hóa – thẩm mỹ, văn hóa gần đồng nghĩa với cái đẹp, với nghệ thuật, nên những điều cần suy nghĩ của vị giáo sư khả kính về văn hóa, xét cho cùng bao giờ cũng gắn liền, xuyên thấm với văn học, với hoạt động sáng tạo và thưởng thức văn học. Trong một tham luận gần đây nhất của Nguyễn Văn Hạnh, tại Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV (diễn ra tại Tam Đảo, ngày 24 – 26/6/2016), ông vẫn nhất quán trong hệ hình tư duy của mình khi nhấn mạnh rằng: “Cuối cùng, tôi muốn nói thêm điều này: Có nhiều cách để xác định cấu trúc và giá trị của hiện tượng văn học, nhưng tôi nghĩ có cơ sở để nhấn mạnh ba bình diện, ba thành tố cơ bản là tư tưởng, nghệ thuật, ngôn ngữ. Thành tố nghệ thuật có nội hàm rất rộng, nhưng đã được quan tâm nhiều trong lý luận và phê bình văn học. Cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến thành tố ngôn ngữ, vì đóng góp của các nhà văn, nhà thơ trong sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc có tầm quan trọng hàng đầu, mặt khác, có thể dựa vào đây để chấn chỉnh kịp thời những sai sót, cẩu thả trong việc sử dụng ngôn ngữ hiện nay. Thành tố tư tưởng trong văn học phải được các nhà nghiên cứu văn học đặc biệt chú ý, vì tư tưởng thể hiện rõ nhất tài năng và bản lĩnh của người sáng tác, và cũng vì hiện nay mặt tư tưởng đang bị xem nhẹ vì cho là quá cũ, hoặc vì ngại va chạm, thành kiến” [9, tr.135]. Hóa ra, xét cho cùng, ông không chỉ là nhà lý luận phê bình, nhà văn hóa giáo dục, mà còn là nhà chính trị – tư tưởng, người tham gia hoạt động chính trị trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, nghệ thuật. Và, cũng từ góc độ này, đã bộc lộ những nhược điểm và cả những ưu điểm trong hệ thống quan điểm của ông: ông nhìn mọi vấn đề đều ít nhiều thông qua lăng kính của nhà chính trị/ lập trường chính trị, đôi khi dẫn đến ông cường điệu đến mức chính trị hóa mọi điều, nhưng ngược lại, luôn thể hiện khát vọng và tấm lòng nhiệt thành yêu nước, yêu thể chế chính trị, trung thực và chân thành, sống và hành xử có trách nhiệm và đúng với cương vị xã hội mà mình đảm trách. Ông sống và ứng xử toàn vẹn trong tư cách là nhà văn hóa – tư tưởng.
Là một giáo sư văn học được đào tạo một cách chính quy, chuẩn mực, ông lại mang cốt tính của văn hóa quê ông, nên tuy ông trung thực, ngay thẳng, bộc trực và trung thực với chính sự ngay thẳng, bộc trực ấy, nhưng ông lại có cả phẩm chất mô phạm của một nhà giáo, vì vậy, ông khác với người đồng hương Phan Khôi và nhiều người khác nữa, ông nói có người nghe và nhiều người chịu nghe ông nói. Đối tượng trực tiếp của ông là giới trẻ, là học trò, lớp người mới, thế hệ của tương lai. Ông luôn đặt mình vào vị trí của người tiếp nhận để giãi bày, thuyết phục với sự đồng cảm sẻ chia. Ví như, trước một vấn đề lớn của xã hội, mọi người đều quan tâm, ông đặt vấn đề một cách khiêm tốn rằng Đạo đức suy thoái trong xã hội hiện nay, đặt hy vọng vào lớp trẻ lại cần thấy cái khó của họ. Hoặc hầu hết các bài viết của ông, đến cuối bài đều hướng đến đối tượng tiếp nhận: “Tôi cho rằng, người nghiên cứu, giảng dạy bài thơ Thề non nước cần chỉ cho người đọc, cho học sinh thấy được phần đáng trân trọng và phần hạn chế của bài thơ cả khi nó ra đời và đối với chúng ta ngày nay…” [10, tr. 507]. Ông không chỉ khẳng định nhân cách và ngòi bút của mình trên văn đàn mà còn luôn sừng sững, sâu đậm trong tâm tưởng nhiều thế hệ học trò trong cả nước.
Tôi là người học trò nhỏ của Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, từng ngồi trong giảng đường đại học, nghe như nuốt từng lời trong giáo trình lý luận văn học của Thầy vào những năm sau 1975. Lại là người đồng hương xứ Quảng, rồi sau đó lại tiếp bước con đường của Thầy trở thành giảng viên đại học và cũng trở thành người viết lý luận phê bình văn học. Tôi có được chút gì hôm nay là nhờ sự tỏa bóng của Thầy, không chỉ là ở kiến thức, mà chủ yếu là ở nhân cách – một con người Quảng Nam trung thực, cương nghị, rắn rỏi, sống có chủ kiến và theo đuổi đến cùng với những gì mình dốc lòng tâm huyết – một bản lĩnh văn hóa đáng noi theo.
Nguyễn Văn Hạnh
Chú thích:
[1] Nguyễn Văn Hạnh (2004), Chuyện văn chuyện đời, Nxb. Giáo dục. Những trích dẫn chỉ ghi số trang là trích từ công trình này.
[2] Xin xem Phạm Phú Phong (2016), Lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới, in trong Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986 – 2016) – tiếp nhận và sáng tạo (Kỷ yếu hội thảo quốc gia Thành tựu văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới 1986 – 2016), Nxb. Văn học.
[3] Đào Xuân Quý (2002), Nhớ lại, hồi ký văn học, Nxb. Văn hóa thông tin.
[4] Nguyễn Văn Hạnh (1972), “Một số điểm cần nói rõ thêm về nghiên cứu tác phẩm văn học”, tạp chí Văn học, số 2/1972.
[5] Hoàng Ngọc Hiến là người khởi đầu cho một cái nhìn mới về văn học trong bài viết Về một đặc điểm của nền văn học ta trong giai đoạn vừa qua (báo Văn nghệ số 23, tháng 6/1979).
[6] Xin xem Phạm Phú Phong (2016), Lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới (Kỷ yếu hội thảo Văn học – 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển (1986 – 2016), do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo, ngày 24 – 26/6/2016).
[7, 8] Huỳnh Như Phương (2010), “Văn học qua tấm gương của lý luận phê bình” báo Thanh niên, số ra ngày 10/10/2010.
[9] Nguyễn Văn Hạnh (2016), Mấy suy nghĩ về lý luận, phê bình văn học, (Kỷ yếu hội thảo Văn học – 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển…), Sđd.
[10] Nhiều tác giả (2001), Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX, Nxb. Đà Nẵng.