1.
Có thể nói Trần Đăng Khoa là trường hợp lạ của văn đàn Việt. Giữa thời đại cả nước lo ra đồng chạy ăn và ra trận đánh giặc, cuối những năm 1960 đầu những năm 1970, cậu bé Khoa cùng những cô bé/cậu bé 9 – 10 tuổi khác như Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Trần Hồng Kiên… “đã đi lạc” vào thơ.

Lần đầu tiên, đến giờ vẫn là duy nhất, xuất hiện dàn đồng ca thơ thiếu nhi, chính các em viết cho các em đọc, chứ không chờ người lớn sáng tác cho mình. Giữa đội hình thơ vô cùng đẹp, có một không hai này, Trần Đăng Khoa vượt hẳn lên, nổi tiếng bền bỉ đến giờ.

Từ chỗ xem làm thơ như trò chơi, như mọi trò của trẻ con, ngang hàng với đánh đáo, chơi khăng, câu cá,… bỗng chốc cậu bé Khoa thành ông cụ non, khi được cả nước chăm bẵm. Đầu tiên là ngờ vực. Hàng loạt nhà giáo dục, nhà tâm lý, nhà thơ lặn lội về làng quê bên sông Kinh Thầy ở Hải Dương để mục sở thị, và “ra đề bài” xem có đúng cậu làm thơ không, hay người lớn nào làm/can thiệp rồi gắn tên cậu bé vào, bắt cậu phát ngôn và vác ách thần đồng không phải của mình.

Trần Đăng Khoa đã hạ những ý nghĩ ngờ vực ấy nhẹ nhàng như nuốt cháo, khiến các nhà sát hạch khó tính nhất cũng phải ngỡ ngàng. Rất nhiều bài thơ ra đời theo kiểu yêu cầu của người lớn, sau đó loang đi khắp miền Bắc. Một trong số đó là Sao chưa về Vàng ơi? Chả là có đoàn khách về nhà Khoa đúng lúc con chó yêu quý của cậu bị mất, một bác hỏi Khoa có thể làm thơ về chuyện… mất chó không? Và rồi cậu viết một mạch. Sau đó bài thơ được in trên báo Văn nghệ, biên tập chỉ chỉnh lại mỗi câu cuối, từ “Chó ơi là chó ơi”, thành “Vàng ơi là Vàng ơi!” và đưa tên Vàng thay cho “chó” ở tiêu đề, với lí do để… thơ hơn. Không cần biết con chó của Khoa có lông màu đen chứ không phải màu vàng. Để từ đây, văn chương Việt có hai con chó nổi tiếng đều mang tên Vàng, trong thơ Trần Đăng Khoa và trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.

Cứ thế, trong không khí cả nước chiến đấu và sản xuất phục vụ chiến đấu, Trần Đăng Khoa bê nguyên “Góc sân và khoảng trời” của mình vào thơ, vụt sáng thành thần đồng. Rồi Trần Đăng Khoa bước thẳng vào sách giáo khoa với mật độ các bài thơ khá dày, bao học sinh học thuộc lòng. Thậm chí nhiều người có thể đọc vanh vách các bài Khi mẹ vắng nhà, Hạt gạo làng ta, Ảnh Bác, Ò…ó…o…, Đêm Côn Sơn, Cây dừa v.v.

Trần Đăng Khoa nổi tiếng đến mức, có giai thoại rằng, miền Bắc hồi ấy nổi lên phong trào làng làng bắt biệt kích, nhà nhà bắt Việt gian. Người lạ nào vào làng cũng rất dễ bị quy là… biệt kích. Và để biết “người lạ ơi” có phải biệt kích hay không, người ta chỉ việc “lôi” thơ Trần Đăng Khoa ra làm thước đo. Nếu ú ớ không thuộc thơ anh chắc chắn người ấy từ nơi lạ hoắc đến, là… biệt kích chứ còn gì nữa.

2.

Nhiều người nói Trần Đăng Khoa là thần đồng… thất bại. Có người ác khẩu hơn, nói sau tuổi lên 10 Trần Đăng Khoa đã… chết. Tôi cho rằng những nhận định này không công bằng với anh. Chẳng ai lại lấy trẻ con làm hệ quy chiếu để so với người trưởng thành. Bản thân Trần Đăng Khoa từng có lần nói, anh không muốn vác cây – thánh – giá – quá – khứ. Mà có khi trong nhiều người nhận định kiểu trên, không ít người chả đọc gì của anh ở tuổi trưởng thành.

So với các nhà thơ khác, Trần Đăng Khoa là người được phát hiện, quan tâm và đào tạo bài bản nhất cho công việc lao động/sáng tạo chữ; từ khi mới nhú đã có các nhà thơ lớn, như Tố Hữu, Chế Lan Viên, đặc biệt là Xuân Diệu, để ý dìu dắt. Lớn lên thì học Trường Viết văn Nguyễn Du rồi du học ở Học viện Viết văn Gorky của Liên Xô, hấp thu đầy đủ tinh hoa thế giới thời ấy. Về môi trường công tác, từ thực tế ở Trường Sa, anh chuyển về một trong những cơ quan văn chương uy tín nhất cả nước, là Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm việc cùng nhiều cây đa cây đề trong làng văn, rồi qua phụ trách Ban Văn học – Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam, trước khi làm giám đốc đầu tiên của Kênh Truyền hình VOV ở cơ quan này. Để thấy, Trần Đăng Khoa đã được phát huy, bộc lộ hết khả năng của mình.

Và thực tế, anh luôn nỗ lực vượt thoát khỏi cậu bé thần đồng thuở nào. Cú cựa mình đầu tiên chính là chùm thơ viết về quần đảo Trường Sa. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, lần đầu tiên có nhà thơ cắm cột mốc biên giới trên biển bằng thơ, với các bài: Chim sơn ca trên đảo Sơn Ca, Cây phong ba đảo Nam Yết, Ghi ở đảo Chìm, Hát về một hòn đảo. Vài năm sau, vẫn là mạch biển đảo, với Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài và Thơ tình người lính biển. Trần Đăng Khoa cắt được rốn khỏi thơ thiếu nhi, khi Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, với những câu da diết: “Ôi đảo Sinh Tồn hòn đảo thân yêu/ Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão/ Chúng tôi như hòn đá ngàn năm đập trong trái tim người”, đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1982; còn Thơ tình người lính biển được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, trở thành một trong những bài hát hay về biển, đi vào lòng người đến giờ.

Nếu đọc kĩ lại thơ Trần Đăng Khoa thời hậu thần đồng, không khó để tìm được những câu thơ hay, gần gũi, dung dị mà vẫn lấp lánh. Anh thật sự đã cởi bỏ được xiêm y mũ mão của cậu bé Khoa.

“Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”. Viết về làng quê như vậy thì tài quá chứ. Hay: “Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già”. Viết về người lính thời bình như vậy thì hay quá chứ, đủ sức cân bằng lại với “Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng/ gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm/ có người ngủ thế thành quen/ đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình” của Nguyễn Duy viết về người lính thời chiến. Rồi nghe cách anh thương lấy nhau: “Mặt trời lặn, mặt trời còn mọc lại/ Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi/ Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá/ Con người ơi! Hãy thương lấy Con Người”

3.

Trở lại với trữ lượng chữ của Trần Đăng Khoa. Sau thơ, anh lạc bút sang phê bình và văn xuôi. Người ta hay nói đá nhiều sân dễ dẫn đến tán tài, chẳng món nào ra món nào, riêng Trần Đăng Khoa lấn sân sang thể loại nào là để lại dấu ấn ở thể loại đó. Đầu tiên là tập Chân dung và đối thoại với giọng văn không lẫn vào đâu được. Thông minh, hoạt, thêm một chút láu, cùng những góc nhìn mới mẻ. Trần Đăng Khoa điểm huyệt chỗ nào chết chỗ ấy.

Nhìn lại, có lẽ tập Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa và tập truyện Tướng về hưu cùng một số truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp là hai trường hợp đặc biệt nhất, xuất hiện đã làm văn đàn nổi sóng rộn ràng khen chê và đơn vị làm sách nhanh tay kinh doanh sản phẩm phái sinh. Sản phẩm đấy là cuốn Nguyễn Huy Thiệp – Tác phẩm và dư luận, rồi Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp và Xung quanh cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa. Thôi thì đủ cả các anh tài, những gương mặt lí luận phê bình đương đại danh tiếng đến người quản lí văn hóa – văn nghệ và người đọc phổ thông. Từ các bài phê bình, phỏng vấn trên báo, tạp chí chuyên ngành nghiên cứu/ sáng tác văn chương đến các bài nhận định, đánh giá, trao đổi trên trang văn hóa – nghệ thuật ở báo, tạp chí, trung ương và địa phương, rồi tham luận tại hội thảo về cuốn sách. Tôi đọc lại và giật mình. Hóa ra phần đa những nhà lí luận phê bình đều không “bỏ phiếu” cho Chân dung và đối thoại. Họ cho rằng thành công của cuốn sách là ở sự láu cá, thông minh vặt của tác giả. Chân dung và đối thoại chỉ là món “lẩu thập cẩm”, không rõ ràng thể loại, Trần Đăng Khoa chưa đủ trình độ lí luận và tri thức để làm phê bình. Thậm chí có người lôi cả chủ nghĩa Marx ra để “úp” anh. Và họ thở dài, tiếc cho anh, sao lại nhảy vào cái hố ấy, cứ hồn nhiên làm thơ như thuở lên mười có phải hay không.

Trong khi, người được Trần Đăng Khoa “xét lại” hết sức bình tĩnh: “Ờ tại sao người ta lại tức giận hộ tôi nhỉ”, thì độc giả quay ra đấu nhau. Chính xác là độc giả đấu với các nhà phê bình. Họ phản biện, trao đổi thẳng thắn. Điều này cho thấy, phê bình hàn lâm của những nhà phê bình chỉ có giới phê bình biết, kiểu “đóng cửa bảo nhau”. Trần Đăng Khoa làm được cái điều, là mang phê bình đến gần với số đông, và được hưởng ứng.

Lọt thỏm giữa các làn đạn khen chê thuận nghịch, như mọi khi, Trần Đăng Khoa tỉnh bơ hóm hỉnh: “Nghe các bác, các anh phát biểu, đặc biệt là đọc mấy bài của các bác phê bình tôi mới biết hóa ra cuốn sách của tôi ‘nguy hiểm’ quá. Vậy mà bao bạn đọc không nhận ra, tôi cũng không nhận ra, lại cứ hồn nhiên tin vào sự hồn nhiên của mình, tin mình là cây lành, nên trổ hoa hết mình, kết trái hết mình, với niềm tin cũng rất hồn nhiên, là cây lành không thể ra trái độc. (…) Tôi bao giờ cũng đánh giá rất cao trình độ của bạn đọc và chưa bao giờ mất niềm tin vào bạn đọc. Đồng thời, tôi cũng tin vào sự trong sáng và trung thực của lòng mình, của cuốn sách của mình.”

Vậy thôi. Mặc mọi người tiếp tục tranh luận. Anh tránh đi chỗ khác, viết tiếp. Tập bút ký – ghi chép Người thường gặp và tiểu thuyết mini Đảo Chìm là hai cuốn sách tiếp theo được tái bản nhiều lần. Chính Trần Đăng Khoa chứ không phải ai khác, là người góp phần làm cho đời sống văn chương trở nên sinh động hơn.

4.

Buổi giao lưu giới thiệu Tuyển thơ Trần Đăng Khoa do Nxb. Kim Đồng ấn hành, cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam có bìa được in bằng công nghệ metalize, là công nghệ phủ thêm lớp kim loại mỏng lên các họa tiết, tạo hiệu ứng đặc biệt hút mắt. Tại buổi giao lưu. Hóa ra độc giả đến đông không ngờ. Bắt đầu, tôi có vài lời thưa với độc giả. Và rồi Trần Đăng Khoa cầm micro tự biên tự diễn. Lúc này, tôi thành cái bị trấu đứng cạnh anh. Mình Trần Đăng Khoa đóng cả hai vai chèo, người dẫn chuyện và diễn giả, như hình tượng trong câu thơ thuở bé anh viết.

Kể cũng lạ, Trần Đăng Khoa từng tự nhận miệng mình như chỗ quả trứng gà thòi ra mỗi lần gà mái cục ta cục tác. Giọng rè rè sực mùi đồng bãi. Vậy mà cho ra những lời khiến người nghe há hốc miệng, cười ngặt nghẽo. Riêng anh tỉnh bơ, như thể mình vô can.

Tẩn mẩn tần mần, Trần Đăng Khoa tỉ tê với độc giả, về quá trình đến với thơ, về đường đời đường chữ của mình. Tỉ tê như người già mùa đông ở vùng cao nào đó ngồi bên bếp lửa kể chuyện cho con cháu nghe. Cứ thế, một mình anh làm cả cuộc giao lưu.

Buổi giao lưu khép lại, đẹp ngoài mong đợi. Chúng tôi đi ăn trưa khi thời gian đã vắt sang chiều. Trong bàn ăn, Trần Đăng Khoa vẫn rủ rỉ rù rì khiến cả bàn cười không ngớt. Nhiều câu chuyện không mới, qua miệng anh, thâm canh lại, cảm nhận khác hẳn, lại cười.

Nhắc đến thâm canh, tôi nhớ ra Trần Đăng Khoa là người có khả năng thâm canh chính mình tốt nhất. Từ năm 10 tuổi bắt đầu đi nói chuyện thơ. Nói triền miên đến giờ, gần 50 năm, mà người nghe vẫn không chán thì đúng là kiếm người thứ hai không ra. Không chỉ hầu các thượng đế trực tiếp, anh còn đứng chuyên mục trên báo, hầu thượng đế gián tiếp, sau tập hợp lại được cả cuốn sách Hầu chuyện các thượng đế dày hơn 300 trang, giải đáp tất cả các tò mò thắc mắc của độc giả lớn bé xoay quanh bản thân và các sáng tác của mình.

Thế đấy, như bị bỏ bùa mê thuốc lú. Trần Đăng Khoa hết lạc vào thế giới chữ đến lạc vào thế giới công nghệ. Vậy nên, tôi gọi anh là người sinh ra để đi lạc! Được cái, độc giả luôn háo hức dõi theo những bước đi lạc của anh, bởi lạc đến đâu anh cũng để lại thành tựu và dấu ấn!

Văn Thành Lê