Những câu thơ đầu tay của Hữu Thỉnh cất lên từ những cánh rừng Trường Sơn được anh gọi là “Tiếng hát trong rừng”. Anh viết về đồng đội, về cơn sốt rét rừng, về những trận bom và vết hằn xe xích, về mây, suối, dốc, thác Trường Sơn.
Ngay từ đầu, người ta nhận ra ở Hữu Thỉnh một hồn thơ khỏe khoắn và rất giàu nội tâm. Anh yêu người, mến cảnh và nồng nàn một tấm lòng tri kỷ tri âm:
“Núi cao cho thác đổ hồi
Trường Sơn dài rộng cho tôi mặn mà
Xe thồ vành hỏng tháo ra
Còn lăn theo suốt đời ta đời mình”
(Đường tới thành phố)
Từ “cái nôi nghệ thuật” dữ dội, khốc liệt và thơ mộng là Trường Sơn ấy, hồn thơ Hữu Thỉnh tìm đến với những nguồn cảm hứng lớn về Tổ quốc, nhân dân, về thế hệ những người cầm súng thời chống Mỹ. Giản dị và trung thực trong tuyên ngôn thơ cũng như trong khát vọng về hòa bình, độc lập, tự do: “còn ao ước nào hơn- Tự do và đoàn tụ- Vào rừng lấy mật và đẵn gỗ- Thương mẹ và yêu em- Còn hạnh phúc nào hơn- Tổ quốc”, thơ Hữu Thỉnh đã tạc dựng thành công một hình tượng dân tộc Việt Nam bất tử:
“Nhân dân
Vẫn nguyên vẹn nhân dân
Răng hạt lựu vẫn không cam đồng hóa”
(Đường tới thành phố)
Có mặt trong cuộc hành trình giải phóng dân tộc vĩ đại đó là những người mẹ, người vợ, người lính, là chuyến đò đêm giáp ranh, là gốc sim cằn, là điệu chèo điệu lý quê hương… Đó vừa là tổng lực cho sức mạnh chiến tranh nhân dân, vừa là sự kết tinh những vẻ đẹp tinh thần và cốt cách, bản sắc Việt Nam. Bao trùm lên toàn bộ sáng tác của Hữu Thỉnh là cảm hứng về đất nước, nhân dân. Đất nước của anh là một Việt Nam kiên cường bất khuất đã khẳng định và “hoàn thiện tư cách dân tộc” của mình. Nhân dân của anh là những số phận thầm lặng, những con người biết chịu đựng và biết hy sinh. Sự lựa chọn nghệ thuật đó không chỉ là tiền đề tạo nên sự thành công của thơ Hữu Thỉnh trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước – một thời đại lý tưởng của thơ ca – (Tiếng hát trong rừng, Đường tới thành phố), mà còn giúp anh đi xa hơn, tìm được sự đồng cảm sâu sắc hơn khi anh tiếp tục mạch đề tài vận mệnh Tổ quốc (Trường ca biển) hay trở về với những xúc cảm đời thường, những thân phận cá nhân trong cõi nhân gian, “Cõi người” theo cách gọi của chính anh (Thư mùa đông).
Dù viết về chiến tranh hay tình yêu, tâm trạng con người hay non sông mây gió, thơ Hữu Thỉnh thấm đẫm sắc vị dân gian. Điều đó thể hiện cả trong cảm xúc, suy nghĩ lẫn chất liệu sáng tạo. Nhiều bài thơ của anh bắt nguồn từ cảm hứng dân ca: “Con chim xanh mê trái lựu trước vườn – Mùa hạ trôi qua từ ngày chim trốn tiếng” (Trở lại mùa xuân); “Bởi nơi ta về có mười tám thôn vườn trầu – Mỗi vườn trầu có bao nhiêu mùa hạ” (Đường tới thành phố); “Ai đưa đò tình – Dạt vào bến lở” (Em còn nhớ chăng); “Trông ra bờ ruộng năm nào – Mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen – Mẹ tôi nón lá bước lên – Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu” (Trông ra bờ ruộng).v.v… Bài “Lời thưa” mở đầu tập “Thư mùa đông” cũng chính là một kiểu xưng danh của sân khấu chèo dân gian:
“Tôi vẫn thường hay lẫn với mồ hôi
Xin bạn cứ hình dung một mảnh đời ấm áp
Những gì hay để quên, những gì hay bỏ sót
Tôi ấy mà, xin bạn cứ hình dung”
Điệp khúc: “Tôi ấy mà, những chiếc cốc vô danh – Tôi ấy mà, cánh diều nhỏ cô đơn – Tôi ấy mà, một cuống rạ bơ vơ” trở đi trở lại đã từng nét, từng nét tô đậm thêm bức chân dung tự họa của chính nhà thơ. Và ngay cả trong tiết tấu dồn dập của “Trường ca biển”, câu thơ: “Ra sông lấy sóng mà yêu – Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin” được coi như khúc dạo đầu và lời kết của bản trường ca đã làm sâu lắng thêm mạch trữ tình của tác phẩm, thấm thía hơn phép đối nhân xử thế, triết lý nhân sinh của con người Việt Nam. Nhiều câu ca dao được Hữu Thỉnh lấy lại nguyên bản để tạo nên cung bậc cảm xúc. Có thể đó là sự tương đồng, tương ứng: “Cúc mọc bờ ao kêu bằng thủy cúc – Cúc sẽ về, xóm Mũi sẽ về ta”; “Bao giờ lúa trỗ đòng đòng – Lúa đang trỗ – Anh đang về đấy chị”; Cũng có thể là sự tương phản: “Gió đâu gió mát sau lưng – Em không phải sau lưng – Em đang ngồi trước mặt” (Đường tới thành phố).v.v… Song, với sự nhạy cảm của một ngòi bút có kinh nghiệm, Hữu Thỉnh vừa rất có ý thức trong việc đi sâu khai thác cái hay, cái đẹp của dân gian, dân tộc, vừa biết dồn tâm lực, tài năng cho việc tìm kiếm, sáng tạo cái mới. Đó là con đường riêng mà Hữu Thỉnh đã đi qua, đồng thời cũng là đại lộ nghệ thuật chung cho những ai muốn khẳng định bản lĩnh, phong cách và tiếng nói nghệ thuật của chính mình.
Với thơ ca dân gian, Hữu Thỉnh tiếp nhận tư tưởng nhân văn, niềm cảm thông với từng số phận con người, nhưng anh biết gạt bớt phần kể lể thở than và thay vào đấy sự đong đầy của tâm trạng. Từ điểm nhìn hiện tại, một lần nữa hồn điệu dân gian được biến tấu và chuyển hóa thành những giai điệu mới mẻ trong thơ anh. Nó mang theo hơi thở và nhịp sống con người trong thời đại ngày nay.
Trên nền cảm hứng sáng tạo đó, Hữu Thỉnh đã tìm về với thiên nhiên đất nước. Thơ anh là cả một thế giới đa màu sắc của thiên nhiên Bắc Bộ. Ngỡ như anh đã hóa thân vào cảnh sắc để ca hát triền miên về ruộng đồng cây cỏ, về mùa xuân và cỏ biếc, về trời thu xanh và hoa mướp thu vàng, về một “đám mây mùa hạ” hay “một chút hanh” của chiều đông áo thắm, về mùa màng, rơm rạ, đất đai.v.v… Tất cả hiện lên trong thơ anh vừa hoang dã nguyên sơ, vừa như mới được hồi sinh qua lăng kính của phép tư duy thơ hiện đại.
Một trong những tiềm năng của hồn thơ Hữu Thỉnh là sự nhạy cảm với trực giác. Trong lý thuyết về thi pháp thể loại, người ta đánh giá cao phẩm chất này và coi đó là một trong những năng lực tối ưu để tạo nên tính hiện đại cho hệ thống hình ảnh thơ. Đây cũng chính là một “ngón nghề tinh vi” của các nhà thơ tài danh thời 1930-1945 như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… Thơ hiện đại, như ta biết, không chú tâm vào cái “sự tả” mà cốt gợi để tạo ấn tượng và liên tưởng. Dĩ nhiên là thơ có thể bắt đầu bằng sự quan sát của thị giác, sự lắng nghe âm thanh của thính giác nhưng nhiều khi chúng bị đẩy lùi và thay bằng cảm giác. Cũng có thể cả thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác được chuyển hóa thành trạng thái “siêu cảm giác”… Hữu Thỉnh có nhiều câu thơ bộc lộ bản tính thi sĩ dồi dào và rất tinh tế về cảm giác. Thiên nhiên vào thơ anh bằng một lối cảm nhận riêng:
“Gió thổi dài ẩm ướt về khuya
Con sóng nói nhịp chèo cũng nói
… Đêm giáp ranh có cái gì đầm đậm
Ở đầu môi, ở trong tóc, khắp làn da”
(Chuyến đò đêm giáp ranh)
Từ một mùi hương, một làn gió, một đám mây, Hữu Thỉnh đã tạo được một khoảng trời mùa thu đẹp và gợi cảm:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Gió chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
… Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
(Sang thu)
Nhiều khi chính trạng thái chập chờn, mơ màng không sáng tỏ của ý thức lại làm nên nét mặn mà duyên dáng của thơ anh:
“Ngọn đèn bọc trong ống bơ
Cho em mờ tỏ đến giờ trong tôi”
(Đường tới thành phố)
Thông qua cảm giác, nhờ cảm giác, nhà thơ có thể cụ thể hóa một cách tài tình những sắc thái xúc cảm mơ hồ thành những ảnh hình cụ thể. Sự kết hợp giữa cái vô hình và cái hữu hình, cái cụ thể và cái trừu tượng không còn là thao tác xa lạ đối với thơ hiện đại. Điều quan trọng là anh phải tạo được cái mới, cái dấu ấn sáng tạo của riêng anh trên cơ sở của nguyên tắc chung ấy. Hữu Thỉnh tỏ ra thuần thạo và có nhiều thành công trên phương diện này. Anh có nhiều hình ảnh thơ lạ và bất ngờ: “Chúng tôi bơi trong thương nhớ của riêng mình”; “Đất nước theo em ra ngõ một mình – Cau vườn rụng một tàu đã cũ”; “Cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt – Ngõ đứng trông người…”; “Ra sông vớt đám củi rều – Cha tôi mang về những khúc ca trôi nổi”; “Em vừa gỡ gió ngoài sân – Anh vừa góp được một lần vu vơ”.v.v… Một tần số cực lớn những câu thơ có sự kết hợp giữa cái hữu thể và vô hình, đa phần là những câu thơ hay: “Vịn vào tiếng hát”, “ý nghĩa hằn lên”, “Cười rung bè rau muống”, “Chiều thu sang sông”, “Đêm căng như tờ giấy”, “Bập bùng thương nhớ”, “Nhem nhuốc cả ngày xanh”, “Xiêu vẹo đỡ một hoàng hôn rách rưới”, “Nụ cười ẩn giữa binh đao”, “Tình thương đi đưa đám hận thù”, “Nhấp phải chút tương tư”, “Mưa ẩm cả hồn anh”, “Thất tình loang bóng cỏ”, “Duyên nợ chiều má đỏ”, “Buồn như lá sen rách”, “Chim đầy mùi trời – Trời đầy mùi thiên hạ”, “Mây đem một mảnh nhỡ nhàng về quê”, “Cầm thời gian lên soi”, “Vớt tiếng sáo diều đắm đuối”, “Cả đất trời say sóng ở Trường Sa”, “Trong gió bão chúng tôi đo Tổ quốc – Bằng đôi tay vượt biển lính xa nhà”.v.v… đã khẳng định đây chính là một “đặc điểm thi pháp” nổi trội, một ưu thế của thơ Hữu Thỉnh.
Sau cảm giác, ảo giác cũng là một trong những nét tiêu biểu của bút pháp tạo hình thơ Hữu Thỉnh. Nhiều câu thơ đặc sắc của anh được sinh ra từ những khoảnh khắc bất thường, kỳ lạ này của tâm lý sáng tạo:
“Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng
Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”
(Đường tới thành phố)
“Bay – on quay mặt vào tôi
Còn ba mặt nữa với người đâu đâu…”
(Trước tượng Bay – on)
“Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím”
(Thơ viết ở biển)
“Đảo nhỏ quá nói một câu là hết
Có gì đâu chỉ cát với chim thôi”
(Trường ca biển)
Tiền thân của ảo giác là tiềm thức, là những giấc mơ và có thể là vô thức. Nghiên cứu qui luật sáng tạo thơ, người ta nhận ra rằng: ảo giác vừa là một thứ bùa mê sáng tạo nhằm tái lập nên một thế giới siêu tự nhiên, siêu hiện thực, đầy tính phi lý những cũng tràn đầy chất thơ, vừa là nguyên nhân của những hình ảnh thơ kỳ dị, quái đản… Song, ảo giác trong thơ Hữu Thỉnh là sự thể hiện tư chất lành mạnh, trong sáng của tâm hồn người lính, đồng thời cũng là một cách thức mở rộng không gian hiện thực của thơ. Theo dòng tâm trạng, qua ảo giác, anh đã tạo ra nhiều đường nét, hình khối không gian thật đẹp, nên thơ và khoáng đạt:
“Chiến sĩ vừa đi vừa hát
Cành ngụy trang qua gió thổi ba miền”
(Đường tới thành phố)
“Thành phố ngã ba sông
Hai chiều nghe nước xiết”
(Thành phố bạn bè)
Có những mảng không gian hư hư thực thực chứa nhiều ẩn ý:
“Bốn phương với bốn mặt cười
Gần xa mò tỏ sự đời Bay – on”
(Trước tượng Bay – on)
Có khi tầm cao, bề rộng của không gian, chiều dài của thời gian được nhân lên theo kích thước của tâm hồn, bằng cách ấy, anh đã tạo được bức chân dung chiến sĩ thời chống Mỹ rất hào hùng, lãng mạn và giàu chất lý tưởng:
“Con đường qua tháng qua năm
Núi đâu lở đá, rừng bầm tận cây
Vai gùi, bước xốp trong mây
Ta đi làm những mặt trời của nhau”
(Đường tới thành phố)
Cũng có khi chịu áp lực của cảm xúc, cấu trúc không gian không còn là sự hài hòa, cân xứng mà trở nên chao đảo, xô lệch:
“Chớp nhì nhằng lô cốt méo bên sông”
(Chuyến đò đêm giáp ranh)
“Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch”
(Đường tới thành phố)
Những “nhát bút” chạm khắc kiểu ấy thực sự đã mang đến cho thơ anh dáng dấp tạo hình hiện đại. Dù viết về thiên nhiên, không gian chiến tranh hay không gian tình yêu, thơ Hữu Thỉnh luôn luôn là sự kết hợp giữa cái thật và cái ảo, giữa vật thể và tâm tưởng… Tất cả được bao bọc trong một đường viền cảm xúc chan chứa tình đời, tình người. Suy cho cùng, cảm giác hay ảo giác đều bắt nguồn từ đời sống tâm hồn đặc biệt phong phú của người làm thơ. Thơ Hữu Thỉnh giàu sức mạnh nội lực, gắn bó máu thịt với đời sống tâm linh và truyền thống thơ ca của dân tộc Việt Nam. Đó là hành trang nghệ thuật vô cùng quí giá cho mọi tìm kiếm theo hướng hiện đại của thơ anh.
Tuy viết không nhiều, thơ tình yêu của Hữu Thỉnh đã cảm hóa lòng người bởi dư vị cay đắng, xót xa. Anh đặc biệt nhạy cảm trước sự đơn lẻ của cá thể tình yêu. Anh có những nỗi buồn đau và kiểu “tự thú” rất thành thực. Nếp cảm, nếp nghĩ của anh cũng gần gũi với diễn biến tình cảm, sức chịu đựng và cách ứng xử của con người Việt Nam:
“Anh phải nói vòng vo anh yêu biển
Anh yêu trời để thú nhận yêu em
Anh cứ khen người tốt đôi tốt lứa
Để giấu đi bao nỗi xót xa thầm”
(Tạm biệt Sầm Sơn)
Lấy sự mênh mông của biển cả với mây, sóng, gió, trăng để biến thành môi trường suy tư và khát vọng tình yêu không còn xa lạ trong thơ, nhưng đọc Hữu Thỉnh người ta vẫn khám phá được những luồng rung động mới mẻ. Không trẻ trung, sôi nổi, không nương nhờ vào nhịp ào ạt của sóng, trước biển anh nhận ra nỗi chông chênh, trống vắng của con người và triết lý tình yêu của riêng mình:
“Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
… Sóng chẳng đi đến đâu
Nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em”
(Thơ viết ở biển)
Trước đây, ở “Tiếng hát trong rừng” và “Đường tới thành phố”, tình yêu trong thơ Hữu Thỉnh chỉ là những ý nghĩ thấp thoáng ẩn hiện trong dòng hồi tưởng của người lính về quê hương trước giờ xuất kích. Mãi đến “Thư mùa đông”, anh mới có những tứ riêng, những bài thơ tình trọn vẹn. Chính vì vậy, thơ tình yêu của Hữu Thỉnh có sức lay động sâu xa bởi nét thâm trầm và sự đa sầu của một người từng trải.
Giọng điệu thơ Hữu Thỉnh cũng chịu nhiều ảnh hưởng của thơ dân gian, nói rộng ra là thơ truyền thống. Nhiều câu thơ của anh còn nguyên âm hưởng lời ru:
“Bên bồi bên lở về đâu
Bên trong bên đục dài lâu tình đời”
(Đường tới thành phố)
“À ơi tình cũ nghẹn lời
Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh”
(Trường ca biển)
Không chỉ ở lục bát mà ngay cả trong thơ tự do, những điểm nhấn, những đoạn chuyển giọng đều thấm đượm hồn sắc dân gian:
“Người xanh người đỏ
Gánh gió leo dây
Bắc thang hỏi trời
Đèn khêu trước bão”
(Một ngày)
Lại có những câu rất gần với “Truyện Kiều”: “Một lèn, một dốc, một xa – Gặp cây vịn lại gặp nhà nghỉ chân”; “Hai mươi năm, nói gì đây bây giờ”; “Một ngày sợi chỉ mong manh – Giữ sao khỏi đứt cho mình được đây”; “Quân kia, voi đấy, võng này – Mặt người với giọng đắng cay thuở nào”.v.v… Và rất gần với Nguyễn Bính: “Hình như ở xóm Vườn Trầu – Có người chị, mối tình đầu của anh”; “Hom nay lúa lại nhen đồng – Chim bay ngược bão hoa trong thiếp mời – Hôm nay tái giá chị tôi – Liền anh cùng với bao người đứng trông”… Phải chăng đó là điểm gặp gỡ chung của “tinh thần lục bát” dân tộc? Nhưng trên đây cũng chỉ là một “tông’ riêng trong hệ thống giọng điệu khá đa thanh của thơ Hữu Thỉnh. Nằm trong xu hướng tìm tòi chung của thơ chống Mỹ, anh có cách nói giản dị, tự nhiên của đời sống chiến trường (Tiếng hát trong rừng, Y nghĩ không vần, Đêm chuẩn bị), song có lúc anh rất “kiệm” lời và đúc đọng: “Đêm giáp ranh ngặt chuyện trò tâm sự”; “Ta yêu mình tan nát bởi mình ơi”… Lời thơ anh vừa có nét yêu đời, lạc quan thanh thản: “Đi trong mây anh thấy ấm em à – Tiếng suối giục nghe khi mờ khi tỏ – Những tâm sự lúc thường nghe chẳng rõ – Đi trong mây tí tách sáng dần ra”… vừa có nét khỏe khoắn, gân guốc: “Cho con trai cày vỡ những bình minh”, “con đò rướn cao đã sực tới bờ”, “Chỉ thấy vầng trăng cuối tháng mới quăng lên”… Trong xử lý ngôn từ, anh có nhiều cấu trúc mới lạ: “Nhớ sen đi tìm đầm – Gặp toàn bong bóng nước – Quay về hoa vẫn cúc – Anh cầm như trăm năm”; “Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”.v.v…
Từ trong cội nguồi dân tộc, hành trình thơ Hữu Thỉnh là hành trình đi tìm “mẫu số chung của sự đồng cảm”. Trước đây anh đã từng viết thật xúc động về chiến tranh, về lòng quả cảm và đức hy sinh của dân tộc Việt Nam. Sau này, anh vẫn trăn trở vui buồn cùng số phận con người, khắc khoải lo âu trước sự “mất mùa nhân nghĩa”. Thơ anh có sự kết hợp giữa phẩm chất dân tộc và tính hiện đại, giữa chiều sâu triết lý và độ xúc cảm tràn trào, giữa sự hiền hòa lắng đọng và mãnh liệt sục sôi, giữa khả năng viết những tác phẩm trường ca dài và thơ trữ tùnh ngắn…
Gần 30 năm cầm bút, Hữu Thỉnh từng là tác giả của nhiều bài thơ hay (Sang thu, Chuyến đò đêm giáp ranh, Mùa xuân đi đón, Lời thưa, Trước tượng Bay – on, Phan Thiết có anh tôi, Thơ viết ở biển, Tự thú…); nhiều tập thơ đoạt giải (Đường tới thành phố, Trường ca biển, Thư mùa đông). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc của nền thơ chống Mỹ đã khẳng định vị trí và bản lĩnh sáng tạo của mình qua hai chặng đường lớn: thơ ca những năm chống Mỹ cứu nước và thơ ca đương đại Việt Nam.
Lý Hoài Thu