Màu sắc chi phối đến mọi hoạt động trong đời sống, mỗi sắc màu tự nó có một ngôn ngữ riêng biệt, người ta có thể cảm nhận nó bằng cảm tính mà không hề qua một trường lớp đào tạo nào. Sự cảm nhận và yêu thích những màu sắc khác nhau thể hiện rất mạnh mẽ cá tính và tình cảm của mỗi người.

1. Trong đội ngũ các nhà thơ trẻ từng lớn lên trên đôi thúng tản cư thời kháng chiến, nhà thơ nữ Xuân Quỳnh luôn tỏ ra là người có sức viết mạnh và giữ vững được phong độ sáng tác lâu nhất. Các sáng tác của bà đã có những đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển chung của thơ ca hiện đại.

Xem thêm: Vẻ đẹp thơ Xuân Quỳnh

Tác giả Nguyễn Quân trong bài viết “Phong cảnh mười bảy” đã nhận xét Xuân Quỳnh là “…nhà thơ chuyên hội hoạ và thích thoả mãn con mắt, chuyển mọi cảm giác về thị giác”[1]. Khi đọc thơ Xuân Quỳnh, trước tiên ta có niềm vui được nhìn ngắm, được chiêm ngưỡng, vì thơ của bà lúc nào cũng đủ đầy hình ảnh và sắc màu, ngay cả đến hạt cát bé nhỏ lẫn ngọn rau bình dị vẫn có cơ hội phô diễn màu vẻ trong thơ của bà, đúng như Trần Đình Sử đã nhận định: “Màu sắc trong văn học chẳng những là phương tiện miêu tả thế giới, mà còn là phương tiện thể hiện cái nhìn nghệ thuật đối với cuộc đời, mang đậm màu sắc thời đại và cá tính”[2].

2. Xuân Quỳnh vốn là nhà thơ nhìn thế giới bằng nhãn quan bay bổng, lý tưởng, thể hiện qua phong cách thơ phóng khoáng, yêu đời cho nên các gam màu mà nhà thơ sử dụng thường là các gam màu sáng. Đó không phải những màu sáng nhạt nhoà, hư ảo của mộng mà là những màu sáng rõ ràng và tươi mới của thực; không phải là màu của những tia sáng dần tắt lúc hoàng hôn mà là màu của ánh nắng ban trưa chói chang, rực rỡ.

Mỹ thuật ứng dụng cho màu sáng là  màu khiến người nhìn ngắm chúng cảm thấy sảng khoái và thư thái, giống như cảm giác dễ chịu khi mở cánh cửa sổ đón những tia nắng ban mai ấm áp. Nguyên tắc phối màu của Xuân Quỳnh trong thơ theo nguyên tắc dễ chịu và chuyển động. Để có hiệu ứng dễ chịu bắt buộc phải có màu xanh lam, cũng như để có hiệu ứng chuyển động buộc phải loại trừ thang màu xám và đen. Bằng vào cách phối màu như thế ta mới có cảm giác như đang xem những hình ảnh rất sống động và rực rỡ, giống như một thước phim được quay bởi những cú lia máy táo bạo:

“Hàng bí ngô bên cạnh hàng bầu
Xanh mườn mượt màu xanh rau muống
Những bắp cải tròn vo đẫm nước
Lớp rau cần óng ả xếp đầy quang
Đỏ ối cà chua, vàng rực đậu vàng”

(Rau)

Lên cao… lên cao nắng như dần nhạt
Bỗng vui mừng bắt gặp một nhành hoa
Một nhành hoa rồi lại một nhành hoa
Khắp Hoàng Liên trên một ngàn thước núi
Hoa nếp mỏng manh trước tầm gió thổi
Hoa diếp vàng cô độc giữa thâm u
Và bên đường hoa nghệ dại ngẩn ngơ
Hoa sim tím môt nỗi buồn hoang dã
Hoa lay ơn góc vườn xưa còn nhớ
Mà  thấy người cành la ù khẽ lung lay…”

(Hoa dại núi Hoàng Liên)

Cách phối màu như thế này làm ta liên tưởng cách phối màu trong bức tranh thơ nhiều màu sắc về phiên chợ tết của nhà thơ Đòan Văn Cừ:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm-ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng-bừng ra chợ Tết.
Họ vui-vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon-xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom-khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng-lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ-nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng dỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình-minh.

Rất dễ thấy các nhà thơ tả chân thường tạo hình bằng những nguyên tắc phối màu nói trên, bởi trong lối thơ tả chân, màu sắc thường kết hợp từ những màu tả thực. Chúng ta sẽ cảm nhận được điều quen thuộc này khi đọc thơ của Bàng Bá Lân, của Anh Thơ… những người đặt những viên gạch đầu tiên cho lối thơ này.

Xem thêm: Đọc thơ Xuân Quỳnh

Mặc dù khẳng định màu sắc trong thơ Xuân Quỳnh là những gam màu sáng, màu của ban ngày, nhưng nhà thơ cũng không để thiếu màu sắc của ban đêm trong không gian thơ của mình. Chỉ có điều, trong sự hun hút của đêm, những mảng màu sáng vẫn tìm được chỗ của của chúng: Biển vẫn xanh “Trời đêm nghiêng xuống mái nhà – Biển xanh kia cũng đang mơ đất liền” Hát ru); đá vôi vẫn trắng và rong rêu vẫn xanh như không hề có bất cứ sự lấn chiếm nào của bóng tối “Những tảng đá vôi trắng tinh như muối – Những tảng đá xanh lấp lánh rong mềm” (Đêm trở về)…

Trong khi đó, màu của ban ngày trở thành màu sắc chiếm lĩnh trong thơ Xuân Quỳnh, đặc biệt là màu nắng:

“Gà gáy sáng, vòm xanh nắng dậy

(Đêm trở về)

“ Ngô non mướt, bãi cát vàng đầy nắng

(Lại bắt đầu)

“Sân ga chiều em đi
Mênh mang màu nắng nhạt

(Sân ga chiều em đi)

“Kìa con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng

(Tiếng gà trưa)

“…Nắng như màu lửa cháy…”

(Gửi lại thành phố nắng)

“ Tháng mười trời trải nắng hanh…”

(Thơ viết tặng anh)

“… Nắng đùa trên mái tóc…”

(Chồi biếc)

“Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa

(Tháng năm)

“Trên thềm cũ mùa thu vàng gió nắng…”

(Hoa cúc xanh)

Màu nắng in trong mắt tự ngàn xưa…”

(Cố đô)

“Trời xanh biếc, nắng trào lên khắp ngả …”

(Mùa hạ)

Nắng nồng cho áo mau khô…”

(Tình ca trong lòng vịnh)

“Lên cao, lên cao… nắng như dần nhạt…”

(Hoa dại núi Hoàng Liên)

Màu nắng là màu khiến cho mọi thứ rõ ràng hơn, trong màu nắng, người ta nhìn thấy tất cả các màu sắc khác. Cá tính thơ Xuân Quỳnh chỉ ưa những màu sắc rõ ràng và cụ thể, ưa ánh sáng, cho nên các gam màu tối chỉ là những nét điểm xuyết, đôi khi chúng còn được nhà thơ dùng để tô đậm sự áp đảo của những gam màu sáng trong bức tranh thơ của mình. Tỷ lệ của các màu tối là những con số không đáng kể: màu xám là 0,43%[3], màu nâu là 1,74%,  màu đen  là 6%. Trong các con số trên, màu đen là màu có tỷ lệ sử dụng cao nhất. Tuy nhiên đa số trong  các lần sử dụng ấy, nhà thơ đều có dụng ý sử dụng trong sự tương phản với các màu sáng, chẳng hạn như màu tóc đen tương phản với màu tóc bạc “Bây giờ tóc mẹ trắng phau – Để cho mái tóc trên đầu anh đen” (Mẹ của anh), màu khói đen tương phản với màu trời đầy mây trắng (Đá Ngũ Hành Sơn), căn nhà lợp cỏ màu đen trơ trụi trong không gian “màu trắng xoá” (Nhớ cát) v.v. Sự tương phản màu sắc này chứng tỏ các màu sáng luôn xuất hiện thường trực trong thơ Xuân Quỳnh, chúng chiếm tỷ lệ rất cao: Màu xanh (bao gồm cả màu xanh lam và xanh lục) là 38,9%, màu trắng là 20,5%, màu đỏ là 13,5%, màu vàng là 10,4%… Hầu hết những màu này đều thuộc vào hệ thống các màu cơ bản (các màu cơ bản bao gồm những màu của cầu vồng: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím). Trong hội hoạ, các màu cơ bản được đánh số 0; màu nhẹ hay nhạt hơn  là -1,-2,-3…; màu mạnh hay đậm hơn là +1,+2,+3… Thơ Xuân Quỳnh rất ít các màu-1,-2,-3 … hay +1,+2,+3 … , thỉnh thoảng ta mới bắt gặp cái sắc tím nhạt “Trắng với hồng và tim tím nhạt”(Hoa tường vi), hoặc đỏ ối, vàng rực “ Đỏ ối cà chua, vàng rực đậu vàng”(Rau), xanh rờn “ Một vạt đất cỏ xanhrờn trước mặt” (Có một thời như thế),  hay tím ngắt “Con đường gạch, ao bèo hoa tím ngắt” (Thời gian trắng)… Còn lại là các màu thuần nhất, không pha trộn. Đây là một đặc điểm của thi pháp thơ Xuân Quỳnh, đặc điểm này khác với Xuân Diệu “… Thế giới sắc màu của Xuân Diệu đa dạng, phong phú, có những gam màu thực, mà cũng có những gam màu hư, có những màu tự nhiên mà cũng có những màu cảm xúc. Nói chung, khuynh hướng dùng màu của nhà thơ là theo khuynh hướng cá biệt hoá. Điều này góp phần tạo nên thế giới đa sắc trong thơ ông”[4], và cũng khác với các nhà thơ trung đại tiêu biểu như Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương. Nguyễn Du thì xây dựng một “Thế giới nghệ thuật đầy những màu sắc quý phái, vương giả và lộng lẫy”; “Bảng màu ngũ sắc trong “Truyện Kiều” ít tính chất tả thực mà nặng về tính biểu trưng, thể hiện bản chất bất biến trong mô hình thế giới của tác giả”[5], còn Hồ Xuân Hương lại thiên về cách sử dụng các màu mạnh: “Thơ Hồ Xuân Hương tràn trề màu sắc, và hầu như không mấy khi màu sắc ở độ 0 mà đỏ loétxanh rì, tối om, lòm lòm, chín mõm mòm…, từ chỉ màu sắc đến cực độ, tối đa…”[6]

Có một chi tiết đáng chú ý là Xuân Quỳnh dường như hoàn toàn không hề đụng đến những từ ngữ chỉ màu nào trong bảng màu ngũ sắc khi thể hiện màu sắc trong thơ của mình. Ở đây, chúng ta hiểu màu ngũ sắc theo cách hiểu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, ông lý giải: “Màu ngũ sắc có lẽ là các phạm trù màu có tính chất thuần tuý dùng để phân biệt các sắc độ màu khác nhau của sự vật chứ không phải là màu sắc của bản thân sự vật. Chẳng hạn, ở Trung Quốc xưa, thanh là màu xanh chuẩn; thương (trong thương hải, thương thiên) là màu xanh đậm; bích (trong bích ngọc, bích thiên) là màu xanh nhạt, xanh lơ, lục là xanh lá cây; lam là xanh nhạt. Các màu đỏ có chu (màu đỏ chuẩn), cang (đỏ thắm), xích (đỏ tươi), đơn(đỏ sáng), hồng (đỏ phấn nhạt)… Màu chuẩn không nhiều nên khi muốn mô tả sự đa dạng về màu sắc của thế giới thì người ta dùng màu tạp của sự vật. Đã từng có ý định phân biệt sắc và mà: sắc là màu thuần chất, còn màu là tạp sắc. Ví dụ nói sắc đỏ, sắc trắng nhưng nói màu nâu, màu thiền. Màu là vẻ, là sự biểu hiện sắc màu của sự vật”[7]. Những gam màu trong bảng màu ngũ sắc thường có tính chất ước lệ, tính chất này là một trong những nét đặc trưng của thơ cổ. Đó là cái sắc vàng ước lệ tượng trưng cho vương quyền phong kiến phương Đông như “áo tía đai vàng”, “ơn vua giấy vàng”, “cậy cái bảng vàng treo nhị giáp”, “bia xanh với bảng vàng” trong thơ Nguyễn Khuyến, đó là cái màu hồng tượng trưng cho bóng dáng yêu kiều của người đẹp như “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa”, “Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra”, “Vời trông còn thấy bóng hồng lúc gieo” trong Truyện Kiều cuả Nguyễn Du… Tư duy ước lệ vốn không có nhiều quyền lực đối với thơ mới của ta, nhưng cách dùng màu ước lệ cũng không hẳn là không có mặt trong thơ của các nhà thơ mới. Xuân Diệu, người được cho là “mới nhất trong các nhà thơ mới” mà trong thơ ông đây đó vẫn có những “Lạnh lẽo mày xanh phản má đào” (Gửi trời), những “Êm êm núi biếc xanh như ngọc” (Núi xa), những “Vua Trần hậu Chúa ngó trăng vàng” (Nhị hồ)…

Riêng đối với thơ Xuân Quỳnh, tư duy ước lệ trong cách sử dụng màu sắc hoàn toàn không có mặt.  Lối thơ hồn nhiên, chân chất chi phối đến cách dùng màu của Xuân Quỳnh (và ngược lại), mặc dù  ít dùng các màu cá biệt hoá như các nhà thơ trên, nhưng nữ thi sĩ cũng không tỏ ra yếu kém chút nào khi khi sử dụng các màu cảm xúc. Màu cảm xúc là màu của sự kết hợp giữa cảnh vật và tâm lý, là kết quả của sự tương liên giữa những thuộc tính màu khách quan với cảm nhận chủ quan. Màu cảm xúc bao giờ cũng được vẽ lên từ cơ sở của các màu hiện thực, màu căn bản, thơ Xuân Quỳnh không bao giờ làm mất đi tính hiện thực của màu sắc, dù cho màu đó đã được lồng vào với cảm xúc: “Hoa lau trắng suốt một thời quá khứ” (Thơ tình cho bạn trẻ); “Nên tháng ngày xanh mãi không thôi” (Bãi cỏ bên kia thành phố); “ Cỏ bờ đê rất lạ – Xanh như là chiêm bao” (Con chả biết được đâu); “Qua thời gian, tóc thoáng sợi màu mưa” (Hoa tường vi); “… Nỗi nhớ lên xanh cả cánh đồng…” (Hậu phương) v.v. Trong khi đó, các nhà thơ lãng mạn lại có  những màu cá biệt hoá như “màu yêu”, “màu mơ phai”, “màu êm”, “màu li biệt”, “sắc yêu kiều”… Những màu sắc này đã không còn tính hiện thực của bản thân chúng mà trở thành màu riêng của cảm xúc thi nhân

Cách dùng màu cảm xúc cũng thể  hiện cá tính khoáng đạt và hướng ngoại của thơ Xuân Quỳnh, các màu cảm xúc đều là những màu biểu trưng cho cái nhìn tươi mới về cuộc sống.

Xem thêm: Cảm hứng nữ quyền trong thơ Xuân Quỳnh

Trong không gian thơ tươi sáng màu sắc, Xuân Quỳnh dành rất nhiều khoảng trống cho màu xanh. Ở bất cứ nơi nào trong không gian thơ ấy, ta cũng có thể tìm được màu xanh. Thơ Xuân Quỳnh là thơ màu xanh, từ màu xanh nõn nà của “Chồi biếc” đến màu xanh của “trời biếc lúc nguyên sơ” ở “Hoa cỏ may”… Tất cả tạo thành biểu tượng của niềm tin, lòng hi vọng và cuộc sống trường tồn. Màu xanh của bầu trời biểu trưng cho niềm tin và lòng hi vọng, còn màu xanh của cây cỏ biểu trưng cho cuộc sống đang nảy nở. Cuộc sống, niềm tin và lòng hi vọng luôn cần thiết đối với nhau. Lòng tin và niềm hi vọng quyết định đến sự tồn tại và ý nghĩa của cuộc sống, trong khi đó cuộc sống là nơi nảy mầm, sinh trưởng của niềm tin và hi vọng.

“Và niềm tin cũng là ở đó
Tôi chẳng tìm mà đã có từ lâu
Như trời xanh sẵn có ở trên đầu…”

(Chúng tôi)

“…Cờ xôn xao trong nắng gió mùa thu
Trời mới xanh trước mỗi hiên nhà…”

(Những lớp người cùng bài hát ra đi)

“Ôi những điều không liên quan thế đó
Như mùa thu với sắc đỏ cây bàng
Như bàn chân với những con đường
Như trận mưa với những mầm trong hạt
Như trời xanh với tầm lòng đang hát
Như tình yêu với những bài thơ”

(Những điều không liên quan)

“…Ở nơi đâu cũng thấy Bác mỉm cười
Giữa rét buốt những phương trời băng giá
Góc ngục tối một khoảng trời trong trí nhớ
Là điều tin rực rỡ của niềm vui”

(Ở nơi đâu cũng thấy bác mỉm cười)

“… Có đôi khi nỗi nhớ trở về
Gặp làng xóm phố phường tàn phá
Trên gạch vỡ ngổn ngang và cỏ
Lại cao vời ống khói giữa trời xanh
Lại cao vời tiếng hát giữa bình minh”

Trong những ngày lửa bỏng, lời thơ Xuân Quỳnh hướng tới người ta nghĩ đến một màu xanh để hi vọng và tin tưởng vào một ngày mai không còn bão tố – cái màu xanh ấy không bao giờ bỏ rơi con người, giống như niềm tin và hi vọng luôn là bạn đồng hành cùng con người đi hết chặng đường cuộc sống của mình:

“Nhưng cái màu xanh rất sâu
Của bãi sũ, hàng dương, vườn chuối
Vẫn can đảm màu xanh lấn tới
Và con người chung sống với màu xanh”

(Một cùng cửa sông)

Xuân Quỳnh tin tưởng vào sự cao cả của màu xanh, nhà thơ lấy màu xanh làm biểu tượng cho các giá trị đẹp đẽ, quý giá. Ngoài niềm tin, hi vọng, cuộc sống, màu xanh còn là biểu tượng tấm lòng thuần khiết “Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ” (Hoa cỏ may); của tình yêu trong sáng thuở ban đầu “Vịnh xanh như thuở ban đầu tình yêu” (Tình ca trong lòng vịnh), của quê hương thanh bình “Góc ngục tối, một khoảng trời trong trí nhớ” (Ở nơi đâu cũng thấy Bác mỉn cười)… Với số lượng sử dụng chiếm ưu thế nhất (38,9%) so với các màu sắc khác, màu xanh trở thành một trong những màu sắc mang ý nghĩa biểu trưng sống động và tiêu biểu nhất trong thế giới thơ Xuân Quỳnh.

Nói đến màu xanh chủ đạo của thơ Xuân Quỳnh, ta lại nhận thấy một cách phối màu khác của nhà thơ, đọc thơ bà ta cảm nhận được sự tươi mát, trong trẻo, giống như cảm giác dễ chịu khi nhận thấy sự đâm chồi nảy lộc mạnh mẽ của cây cối mùa xuân… đó là hiệu ứng tạo ra từ những gam màu mát. Màu mát được tạo nên trên nền màu xanh, bao gồm: vàng xanh, xanh lá cây, lục lam,… Thơ Xuân Quỳnh vì thế mà luôn là những lời hát ca về một cuộc sống thật tươi đẹp, một cuộc sống đang tiếp diễn…

Xem thêm: Cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh

3. Tư duy thơ chất phác chia sẻ với giọng điệu thơ giãi bày đã tác động tới cách tạo cảnh sử dụng ngôn ngữ màu sắc của Xuân Quỳnh. Hình ảnh thơ Xuân Quỳnh rất cụ thể, giàu chi tiết và hoàn toàn không phải là những hình ảnh của các tương giao cảm giác (cần lưu ý là thơ Xuân Quỳnh không có quan hệ gì với thơ tượng trưng), chúng được tắm mình trong ánh sáng rực rỡ của các sắc màu thuần chất nên mang một vẻ đẹp vừa rực rỡ vừa nguyên sơ. Hởi thở hiện đại thể hiện sống động trong những màu sắc tươi sáng khiến thơ Xuân Quỳnh có một sức sống mạnh mẽ. Những màu sắc ấy khiến chúng ta nhớ mãi về thơ Xuân Quỳnh như nhớ về hình ảnh của sự sống tràn trề, của sự sống đang độ “mật trào lên vị quả” (Mùa hè)…

Vũ Thị Mai

Nguồn: Xuân Quỳnh thơ và đời