Trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, không có trào lưu văn học nào đủ sức làm nên Một thời đại trong thi ca (lời tổng kết của Hoài Thanh) như phong trào Thơ mới (1932-1945). Sở dĩ tác phẩm có được điều đó là do số lượng và chất lượng đặc biệt phong phú, mới mẻ và độc đáo của các tác giả, tác phẩm thơ. Mỗi hiện tượng thơ dù trong quá khứ hay đang hiện hữu trên thi đàn, nếu thực sự có giá trị thì luôn tạo được sự hấp dẫn đối với công chúng và sự quan tâm luận bàn của thế giới nghiên cứu. Xuân DiệuChế Lan Viên là những nhà thơ như thế.

Cả hai ông đều là những nhà thơ lớn của nền thơ ca hiện đại Việt Nam thế kỷ XX mà sự tìm hiểu nghiên cứu vẫn nằm trong hệ thống mở, nó như một dòng chảy dạt dào không bao giờ ngừng nghỉ. Sự nghiệp văn học của hai ông mang một nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt cơ sở cho việc xây dựng nền lý luận thơ ca hiện đại Việt Nam ở cả hai phương diện lý luận và thực tiẽn sáng tác.

Xem thêm: Quan niệm nghệ thuật về con người thơ Xuân Diệu

Những điều hay, vẻ đẹp, nét độc đáo trong thơ của hai ông đã được phân tích nghiên cứu ở nhiều cấp độ và bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tất cả đều đã đem đến những đóng góp khám phá mới đầy lý thú, trong đó có vấn đề quan niệm về thơ. Quan niệm về thơ thực chất là cách nhìn nhận đánh giá, cách hiểu về bản chất, chức năng, nhiệm vụ, mục đích của thi ca. Vậy quan niệm về thơ bộc lộ ở đâu và bộc lộ như thế nào qua hai nhà thơ lớn Xuân Diệu và Chế Lan Viên?

Thực tế cho thấy: quan niệm về thơ được bộc lộ khá rõ nét qua thơ, qua các bài phê bình tiểu luận, thậm chí ngay ở trong những lời trao đổi mạn đàm… của chính nhà thơ đó. Tuy ở mỗi thể loại, quan niệm về thơ bộc lộ với dáng vẻ và diện mạo khác nhau, nhưng xuyên chuỗi lại ta thấy nổi lên những quan điểm nhất quán mang tính quy luật trong quan niệm nghệ thuật của từng tác giả cụ thể.

Với Xuân Diệu, quan niệm bao trùm thơ đó là sự sống. Quan niệm này chi phối cả cuộc đời lao động sáng tạo của ông. Nó không chỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng và mối quan hệ hữu cơ giữa thơ với cuộc sống mà còn có tác dụng phê phán những quan niệm thần bí, thoát ly và dung tục hóa thơ. Với ông, chân lý cuối cùng, chân lý cao nhất, suy đến cùng vẫn là cuộc sống. Chân lý thứ hai mới là chân lý nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm thơ ở ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, từ ngữ, âm thanh…

Trước Cách mạng, tuy nhiều lúc Xuân Diệu cảm thấy: Rợn ở trong hồn một luồng gió heo may lạnh toát, hay:

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
(Vội vàng)

nhưng nỗi buồn và sự cô đơn đó xét ở chiều sâu của vấn đề lại là do quá yêu mê cuộc sống. Yêu đến mức đắm say ngấu nghiến, cuồng nhiệt nên Xuân Diệu luôn có cảm giác e sợ, phấp phỏng. Vì:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi răng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
(Vội vàng)

Mặc dù là một nhà thơ lãng mạn, luôn say đắm trong tình yêu, thoáng qua, tưởng là thơ thoát ly hiện thực nhưng trái lại đó chính là niềm khát khao giao cảm với đời của Xuân Diệu. Trong thơ ông không thiếu những vần thơ thể hiện rõ quan niệm về mối quan hệ máu thịt giữa nhà thơ với cuộc đời hay cuộc đời với nhà thơ.

Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm.
(Cảm xúc)

hay

Kẻ đựng trái tim trìu máu đất
Hai tay chín móng bám vào đời.

Khái quát hơn, Xuân Diệu quan niệm bản chất của thơ “là sự cộng thêm vào thực tại một tâm hồn, một trí tuệ, một tình cảm, một sáng tạo” hay nói cách khác, từ hiện thực cuộc sống, thông qua tâm hồn trí tuệ, biết lọc lấy tinh chất và “đóng con dấu riêng” của cá tính sáng tạo và tác phẩm là những khía cạnh thuộc bản chất của thơ.

Khi quan niệm về nhà thơ, Xuân Diệu cho rằng làm thi sĩ là một cuộc đấu tranh, một sướng vui trong gian khổ. Người làm thơ không thể không trải qua một sự “rèn luyện cật lực”, phải chân thực đừng mượn hơi người khác thổi cái bong bóng của mình. Nhà thơ còn phải có tài, có vốn sống sâu rộng có bản lĩnh, phải biết hy sinh cho thi phẩm của mình. Ông khẳng định: “Tôi sáng tác vậy thì tôi tồn tại”, hồn vía của nhà thơ là ở cây bút và tác phẩm.

Trong quy trình sáng tạo thơ, theo Xuân Diệu cái chính không phải là vấn đề kỹ thuật mà cái chính phải là ở chất cảm xúc. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ông không coi trọng kỹ thuật làm thơ. Trái lại, Xuân Diệu là một trong những nhà thơ có quan niệm hết sức nghiêm túc, công phu, tỷ mỷ và sâu sắc về nghề thơ, “công việc bếp núc” của nhà thơ. Tấy cả những điều đó đặng đi đến một quan niệm có tính chất then chốt, điểm đến cuối cùng, hay điểm hội tụ các quan niệm về thơ của ông. Đó là chất lượng của thơ. Xuân Diệu quan niệm một bài thơ hay cũng cho biết được cả một tác giả, hay “tính sổ xong, cái còn lại của các nhà thơ là những bài thơ hay”. Ông quan niệm thơ hay là “một vấn đề quan trọng, một vấn đề nền tảng”. Việc ông khẳng định thơ hay và phê phán thơ dở là làm tăng mỹ cảm cho người đọc, góp phần nâng cao chất lượng thơ.

Tóm lại, với Xuân Diệu, quan niệm nhất quán, bao trùm: Thơ là sự sống tươi trẻ, say mê, nồng ấm; thơ là sản phẩm của cảm xúc, của trí tuệ, là tinh chất cuộc đời. Thơ là cuộc sống mà “Đã là cuộc sống, thì chẳng bao giờ chán nản”.

Khác với Xuân Diệu say sưa trong tình yêu, luôn khát khao giao cảm với đời, Chế Lan Viên đi riêng một ngả xuống cõi âm, qua bãi tha ma đầy yêu tinh, ma quỷ, sọ người, để rồi trở về cõi ta và bay lên vũ trụ.

Trước hết cần phải thấy rằng thơ Chế Lan Viên không như thơ Xuân Diệu đi từ trái tim đến với trái tim. Vì thơ ông là thứ thơ triết mỹ, màu sắc nhận thức luận. Một thứ thơ mà chính ông quan niệm: “không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh, không chỉ ơ hời mà còn đập bàn quát tháo lo toan”.

Nếu như Xuân Diệu chủ yếu lấy phê bình tiểu luận để bàn về nghề thơ và thể hiện quan niệm về thơ thì “Chế Lan Viên là nhà thơ sử dụng thơ để bàn luận về nghề nghiệp làm thơ một cách say sưa nhất, đầy đủ nhất”. Từ quan niệm về “thơ loạn”, “thơ điên” đến thơ có ích, thơ hay, thơ dở, từ trách nhiệm công dân đến thiên chức nghệ sĩ của người làm thơ, từ tưởng tượng đến cảm xúc, từ hình ảnh ngôn ngữ đến chất trí tuệ trong sáng tạo nghệ thuật…, Chế Lan Viên đều không ít lần đề cập tới.

Những quan niệm về thơ đó được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ sinh động và tài hoa vừa giàu chất thơ vừa giàu chất triết lý. Nó đồng thời vừa phản ánh quan niệm về thơ của chính tác giả vừa phản ánh quan niệm về thơ của cả một thời kỳ lịch sử. Ông đã từng khái quát quan niệm về thơ xưa và nay:

Thơ xưa hay than mà ít hỏi
Đảng dạy ta thơ phải trả lời

Trong mỗi thời điểm lịch sử cụ thể, quan niệm về thơ khác nhau dẫn đến hình thức thơ cũng không giống nhau. Bản thân ông rất chân thực khi chỉ ra sự cần thiết của việc đổi giọng thơ. Đó là một bước tiến bộ trong quan niệm về thơ của Chế Lan Viên.

Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói
Chỉ nói thôi mơi nói hết được đời.

Quan niệm về thơ của Chế Lan Viên khác với quan niệm về thơ của Xuân Diệu. Với Xuân Diệu, ngay từ thời Thơ thơ vàGửi hương cho gió đến sau này Tôi giầu đôi mắt, Hồn tôi đôi cánh, Thanh ca… ta thấy quan niệm về thơ của ông thường thì luôn có sự nhất quán. Khi đã ở tuổi sáu mươi, bản thân Xuân Diệu đã nói một cách tổng hợp về đời thơ và quan niệm làm thơ của mình: “Tôi muốn nói rằng tôi là cũ và tôi là hiện đại, và cả hai phương pháp sáng tác, hai “hồn thơ”, hai giai đoạn lịch sử của nước tôi hòa lẫn trong tôi… Tôi không chút nào từ bỏ các sáng tác về nước mình… Tôi tìm thấy hạnh phúc giàu có hơn, sáng tạo hơn trong khi ở với cha tôi là Nhân dân và mẹ tôi là Tổ quốc”. Trong khi đó quan niệm về thơ của Chế Lan Viên phức tạp, khúc khuỷu hơn nhiều. Trước Cách mạng ông từng quan niệm: “Thi sĩ không phải là người, nó là người Mơ, người Say, người Điên”. Lúc đến với Cách mạng, đến với nhân dân, ông như được tái sinh:

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa,
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
(Tiếng hát con tàu)

Khi Nghĩ về thơ, trước kia, Chế Lan Viên thấy Cho ai cũ thơ tôi làm ướt áo thì Nay họ về sưởi dưới nắng thơ tôi. Và nhà thơ giờ đây mang một sứ mạng và một vị trí cao cả:

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những chiến sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng)

Đến cuối đời, với bao trải nghiệm, cả vinh quang và cay đắng, quan niệm về thơ của ông, ở những phương diện nào đó, đã có những đổi thay. Khác với những lúc tự hào với tư thế của nhà thơ đứng trên đầu thù “viết những vần thơ lửa cháy”, Chế Lan Viên có lúc phải chua chát mà thốt lên “Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu” hay “Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng”.

Trong sự nghiệp thơ ca của mình, Chế Lan Viên đã phải trải qua bao chặng đường tìm tòi sáng tạo gian khổ. Mạch thơ ông từ thủa Điêu tàn đã biểu lộ sự day dứt, trăn trở suy tư. Sau hòa bình, thơ ông vẫn nặng về triết lý, chính luận và càng về cuối đời nhu cầu nhận thức luận trong ông càng khẩn thiết, day dứt hơn. Sự trăn trở, dày vò dường như bao trùm trong quan niệm về thơ của ông. Ông có cả một bài thơ mang tên Quan niệm thơ:

Làm thơ xưa như ông từ trịnh trọng vào đền
Như chú rể lần đầu sang nhà bố vợ
Như thần tử quỳ trước ngôi mặt Chúa
Như là người mọc cánh thành tiên…
Làm thơ ngày nay như người diễn xiếc…
Làm thơ chứ không để thơ làm…

Cho nên cả trước và sau cách mạng, thơ ông đều nhằm mục đích khám phá thực tại và khám phá chính bản thân. Từ quan niệm làm thơ tức là điên tới quan niệm thơ là vũ khí tinh thần của giai cấp, của dân tộc chống kẻ thù và đến cuối đời lại đầy mâu thuẫn, chơi vơi. Quả thực quan niệm về thơ của Chế Lan Viên luôn vận động và biến đổi không ngừng.

Xem thêm: Thơ Xuân Diệu thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám

Khi sáng tạo thơ ca, ông luôn quan niệm phải bứt phá, vượt khỏi những gì tầm thường đơn điệu và tẻ nhạt. Cho nên thơ Chế Lan Viên thường chú trọng khai thác những yếu tố nghịch lý, những mặt đối lập đầy mâu thuẫn nhưng cũng rất thống nhất trong nội dung và hình thức, giữa hiện tượng và bản chất, giữa cái xấu và cái đẹp, giữa tồn tại và hư vô…Những câu thơ nặng trĩu ưu tư của một con người đã đi gần hết chặng đường đời mà dường như vẫn ngơ ngác:

Ôi! con đường không ra đường của kẻ tìm thơ
Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường
Đã gần hết thời gian của tôi ở trên trái đất.
(Tìm đường – Di cảo I)

Nếu như Xuân Diệu quan niệm thơ luôn phải là tiếng nói của tình cảm và sự nghiệp thơ ông cũng đã chứng minh điều đó, thì Chế Lan Viên dường như lại quan niệm thơ là tiếng nói của trí tuệ. Từ trí tuệ mà tác động đến trái tim. Nhưng phẩm chất trí tuệ, hay tư tưởng triết học trong thơ Chế Lan Viên không phải ông cố tình hay gắng gượng tạo ra như thế mà thực chất là một biểu hiện mang tính tự thân như bản thân nó vốn là như thế.

Cũng giống như Xuân Diệu chẳng quan tâm lắm đến cái chết của bản thân mình và không mấy khi viết về cái chết, trong khi đó tồn tại và hư vô, cái sống và cái chết trong quan niệm của Chế Lan Viên luôn là nỗi ám ảnh rất sâu và rất nặng, ngay từ khi còn trẻ với những bài thơ đầu tiên về nghĩa địa, bãi tha ma, máu xương, sọ người đến những bài thơ cuối đời với Lò thiêu, Giờ báo tử, Xe tang qua nhà, Giàn hỏa… Tất nhiên, sự ra đi của Chế Lan Viên không đột ngột như Xuân Diệu, cái chết của ông như được biết trước, hay nói đúng hơn ông đang chờ chết. Bởi vậy, sẽ là có cơ sở khi có người đánh giá: “Chế Lan Viên có lẽ là nhà thơ viết nhiều nhất về cái chết”. Với Xuân Diệu, ông viết về cái chết một cách nhẹ nhõm thanh thản coi như phần nối dài của cuộc sống nhưng ở một tầng bậc khác. Bởi khi đến với cái chết, ông vẫn đắm say với cuộc sống như vẫn đang hằng sống. Đó là quan niệm của ông trong bài thơ:

Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thơ chót dâng trời đất
Mà vẫn say tình đến ngất ngư.

Hay “Khi chết rồi tôi sẽ yêu ma”. Trong khi đó, Chế Lan Viên viết về cái chết quả không hề nhẹ nhõm thanh thản mà chứa chất báo nỗi khắc khoải day dứt, bao dằn vặt đắng cay chua xót về cuộc đời, về thế thái nhân tình, về những điều làm được và những điều còn dang dở. Có lẽ bài thơ Người nữ tù đan áo là bài thơ chứa đựng nhiều nỗi ám ảnh của Chế Lan Viên:

Đợi bản án tử hình. Chị đem áo ra đan
Áo đan xong Bản án chửa thi hành.
Chị lại tháo áo ra đan lại,
Nào biết đêm nay lệnh bắn bất thình lình!
Tác phẩm viết giữa ngày xử án và ngày hoãn án
Anh phải viết sao cho khi ra đi thì chiếc áo đã thành.

Cuộc sống đang sống mà ông cảm thấy như ở “giữa ngày xử án và ngày hoãn án” cùng bao công việc ngổn ngang và bao câu hỏi còn bỏ ngỏ thì căng thẳng, nặng nề và khổ sở biết bao? Đó cũng là quan niệm về cuộc đời trong thơ Chế Lan Viên. Và đến lượt mình quan niệm về cuộc đời của mỗi nhà thơ lại chi phối và in đậm dấu ấn trong quan niệm về thơ. Điều này có ý nghĩa lý luận quan trọng cho việc tìm hiểu và nghiên cứu các hiện tượng thi ca.

Xem thêm: Xuân Diệu sau cách mạng tháng Tám

Tóm lại, trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc, so với mười thế kỷ thơ ca trung đại trước đó, tuy có những điểm khác nhau trong quan niệm vể thơ nhưng có thể nói đóng góp lớn nhất của hai nhà thơ Xuân Diệu và Chế Lan Viên là sự cách tân trong quan niệm sáng tác và thi pháp thơ ca. Và chính sự cách tân sáng tạo đó đã ghi một dấu ấn không phai mờ trong văn học hiện đại Việt Nam thế kỷ XX trên hành trình hòa nhập vào quỹ đạo chung của văn hóa nhân loại.

Nguyễn Văn Khánh


Tài liệu tham khảo:

– Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
– Phan Cự Đệ, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930-1945), Nxb Văn học, Hà Nội, 2002.
– Mã Giang Lân, Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
– Lý Hoài Thu, Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám – 1945 (Thơ thơ và Gửi hương cho gió), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
– Nguyễn Bá Thành, Thơ Chế Lan Viên với phong cách suy tưởng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
– Lưu Khánh Thơ (Tuyển chọn và giới thiệu), Xuân Diệu về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
– Nguyễn Văn Khánh, Quan niệm về thơ của Xuân Diệu, Luận văn Thạc sĩ khoa học ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.