1. ĐI THI TỰ VỊNH

Đi không há lẽ trở về không,
Cái nợ cầm thư(1) phải trả xong.
Rắp mượn điền viên(2) vui tuế nguyệt,
Dở đem thân thế hẹn tang bồng(3).
Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
Trong cuộc trần ai(4) ai dễ biết,
Rồi ra mới biết mặt anh hùng.


Chú thích:

(1) Cầm, thư: đàn và sách, chỉ việc học hành.

(2) Điền viên: ruộng vườn; chỉ cái thú làm vườn, cày ruộng ở chốn thôn quê.

(3) Tang bồng: là nói tắt của Tang hồ bồng thỉTang là cây dâu, hồ là cái cung, tang hồ là cung bằng gỗ dâu; bồng là cỏ bồng, thỉ là mũi tên, hồ thỉ là tên bằng cỏ bồng. Tục truyền, ngày xưa ở Trung Quốc hễ đẻ con trai thì dùng loại cỏ tên này bắn sáu phát ra bốn hướng, lên trời, xuống đất, ngụ ý là sau này trưởng thành người con trai sẽ tung hoành dọc ngang trời đất.

(4) Trần ai: cát bụi.

2. TỰ THUẬT

Rằng đây há phải khách tầm thường,
Theo thế cho nên phải giữ giàng.
Lúc đạt(1) chẳng qua nhờ vận mệnh,
Khi cùng(2) chợ cậy có văn chương.
Theo thời cũng rắp tìm nghề khác,
Bản tính đà quen giữ nết ương(3).
Thì thế rủi may thời cũng mặc,
Ai dư nước mắt khóc giàu sang.


Chú thích:

(1) Đạt: thành công, thông suốt.

(2) Cùng: nghèo khó, khó khăn, trái với đạt.

(3) Nết ương: nết ngay thẳng, cương thường.

3. VỊNH CẢNH NGHÈO

Chẳng phải rằng ngây chẳng phải đần,
Bởi vì nhà khó hóa bần thần.
Mấy đời thầy kiện(1) mà thua mẹo,
Nghĩ phận thằng cùng phải biết thân.
Số khá, bĩ rồi thời lại thái(2),
Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân.
Giời đâu riêng khó cho ta mãi,
Vinh nhục dù ai cũng một lần.


Chú thích:

(1) Thầy kiện: từ cũ, chỉ người cãi hộ người khác như luật sư bây giờ. Nguyễn Công Trứ muốn chỉ một loại người thời xưa thường bày mưu mẹo hay xúi giục người ta đi kiện để kiếm lợi, chỉ người không ngoan.

(2) Bĩ, thái:  là bế tắc, suy thoái; thái ngược lại với  là là thông thuận, an thịnh; thành ngữ: Bĩ cực thái lai (Hết vận xấu sẽ đến vận tốt).

4. THAN CẢNH NGHÈO

Vốn hễ anh hùng mới có nghèo(1)
Sao mà ta lại trải trăm chiều?
Trái mùa(2) nghiệp cũ không nên bỏ,
Ế chợ nghề nhà cũng phải theo.
Những giữ miệng đà không muốn nói,
Làm sao bụng lại cứ thường trêu(2).
Suy ra mới biết rằng hay dở,
Kẻ trước như ta dáng(3) cũng nhiều.


* Chú thích:

(1) Mới có nghèo: thường là nghèo.

(2) Mùa: thời, dịp; Mất mùa: ngoài nghĩa “thất thu mùa màng” còn có thể hiểu là “hết thời”, không gặp thời”.

(3) Dáng: áng chừng, có lẽ.

5. THẾ TÌNH ĐỐI VỚI CẢNH NGHÈO

No thời ra bụt đói ra ma,
Chẳng lạ nhân tình đất kẻ ta(1).
Khôn khéo chẳng qua thằng có của,
Yêu vì đâu đến đứa không nhà.
Ở đời mới biết cùng thời dễ(2),
Muôn sự cho hay nhịn cũng qua.
Cơ tạo(3) có đi thời có lại,
Vạch vôi lấy đó mãi ru mà.


* Chú thích:

(1) Kẻ ta: xứ ta.

(2) Dễ: khinh rẻ.

(3) Cơ tạo: cơ trời.

6. KHẤT NỢ TỔ TÔM

Thân bát văn(1) tôi đã xác vờ,
Trong nhà còn biết bán chi(2) giờ?
Của giời cũng muốn không thang(3) bắc,
Lộc thánh còn mong lục sách(4) chờ.
Thiên tử nhất văn(5) rồi chẳng thiếu,
Nhân sinh tam vạn(6) hãy còn thừa.
Đã không nhất sách(7) kêu chi nữa,
Ông lão(8) tha cho cũng được nhờ.


* Chú thích:

Bài này tương truyền là nhà thơ làm để khất nợ sau khi thua tổ tôm, mỗi câu đều có tên một quân bài tổ tôm nhưng đồng thời vẫn có nghĩa sâu sắc:

(1) Bát văn: tên quân bài vẽ một hình hài yếu ớt, ví như thân học trò;

(2) Bán chi: bán (cái, vật) gì;

(3) Không thang: không có thang (để leo lên trời);

(4) Lục sách: lục tìm trong sách vở, ý nói còn chờ học hành đỗ đạt;

(5) Nhất văn: vừa nghe (lấy ý trong câu Nhất văn thiên tử chiếu, Tứ hải trạng nguyên tâm, nghĩa là Vừa nghe chiếu vua (mở khoa thi), Bốn biển đã nức lòng muốn chiếm trạng nguyên), câu này có ý: khi tôi đỗ đạt sẽ chẳng thiếu tiền;

(6) Tam vạn: ba vạn ngày con người sống ở đời (trong khoảng trăm năm);

(7) Nhất sách: một mưu kế;

(8) Ông lão: ở đây chỉ ông lão chủ nợ.

7. MUỘN THÀNH ĐẠT

Cảnh muộn, đi về nghĩ cũng rầu
Trông gương mà thẹn với hàm râu!
Có từng gian hiểm, mình càng trí
Song lắm phong trần, lụy cũng sâu
Năm ấy đã qua thời chẳng lại
Lộc kia có muộn mới còn lâu
Khi vui giễu cợt mà chơi vậy
Tuổi tác ngần này đã chịu đâu!

8. QUÂN TỬ CỐ CÙNG

Chửa chán ru mà quấy mãi đây,
Nợ nần dan díu mấy năm nay.
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong lưu hoá phải vay.
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.
Còn trời, còn đất, còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này?


* Chú thích:

Quân tử cố cùng: người quân tử dù có gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn giữ vững chí khí.

9. HỘI GIÓ MÂY

Có lẽ ta đâu mãi thế này,
Non sông lẩn thẩn mấy thu chầy.
Ðã từng tắm gội ơn mưa móc,
Cũng đã xênh xang hội gió mây.
Hãy quyết phen này xem thử đã,
Song còn tuổi trẻ chịu chi ngay.
Xưa nay xuất xử(1) thường hai lối,
Mãi thế rồi ta sẽ tính đây.


* Chú thích:

(1) Xuất: ra làm quan, gánh vác việc đời; xử: ở lại nhà, chỉ hai thái độ của nhà Nho.

10. THÚ RUỘNG VƯỜN

Mãi thế rồi ta sẽ tính đây,
Ðiền viên thú nọ vẫn xưa nay.
Giang hồ bạn lữ câu tan hợp,
Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say.
Toà đá Khương Công(1) đôi khóm trúc,
Áo xuân Nghiêm Tử(2) một vai cày.
Thái bình vũ trụ càng thong thả,
Chẳng lợi danh chi lại hoá hay.


* Chú thích:

(1) Khương Công: tức Khương Thượng (còn gọi là Khương Tử Nha, Lã Thượng, Lã Vọng), lúc còn ở ẩn thường ngồi câu bên bến đá sông Vị, về sau ra giúp vua Chu Văn Vương làm nên cơ nghiệp.

(2) Nghiêm Tử: tức Nghiêm Tử Lăng, hiệu Nghiêm Quang, người đời Đông Hán, lúc còn ẩn thường đi cày ruộng ở núi Phú Xuân.

11. THÚ ẨN DẬT

Chẳng lợi danh chi lại hoá hay,
Chẳng ai phiền luỵ chẳng ai rầy.
Ngoài vòng cương toả(1) chân cao thấp,
Trong thú yên hà(2) mặt tỉnh say.
Liếc mắt coi chơi người lớn bé,
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay.
Của trờì trăng gió kho vô tận,
Cầm hạc(3) tiêu dao đất nước này.


* Chú thích:

(1) Cương tỏa: dây cương và khóa, hàm thiếc ngựa; chỉ sự rằng buộc, gò bó mất tự do.

(2) Yên hà: khói ráng, chỉ cảnh ẩn dật.

(3) Cầm hạc:Tích cũ: Triệu Thanh Hiến đi làm quan ở đất Thục chỉ đem theo một cây đàn và một con chim hạc. Nghĩa bóng chỉ thú vui chơi thanh nhàn.

12. TƯƠNG TƯ

Tương tư không biết cái làm sao?
Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào!
Khi đứng khi ngồi khi nói chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Trăng soi trước mặt, ngờ chân bước
Gió thổi bên tai, ngỡ miệng chào
Một nước một non, người một ngả
Tương tư không biết cái làm sao?

13. CẢNH XA NHÀ

Nỗi nọ đường kia, xiết nói năng,
Đêm nằm không ngủ, biết mần răng(1).
Đầu ngành(2) mấy tiếng chim kêu gió,
Trước điếm năm canh chó sủa giăng.
Phảng phất lòng quê khôn nén được,
Mơ màng cuộc thế cũng cầm bằng(3).
Đêm gà eo óc, trời chưa rạng,
Tình tự này ai biết hay chăng.


* Chú thích:

(1) Mần răng: làm thế nào.

(2) Ngành: cành (cây).

(3) Cầm bằng: đành vậy.

14. TRÒ ĐỜI

Một lưng một vốc(1) kém chi mô(2),
Cho biết chanh chua khế cũng chua.
Ðã chắc bữa trưa chừa bữa tối,
Mà tham con giếc tiếc con rô.
Trăm điều đổ tội cho nhà oản(3),
Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa.
Khó bó cái khôn còn nói khéo,
Dầu ai có quấy vấy nên hồ.


* Chú thích:

(1) Lưng một vốc: thành ngữ, nghĩa là cũng gần như nhau, kẻ tám lạng người nửa cân (Một cân ngày xưa là 16 lạng).

(2) Mô: đâu (tiếng địa phương).

(3) Nhà oản: Nhà chùa.

15. THẾ TÌNH ĐEN BẠC

Vận chuyển cơ trời nghĩ cũng màu(1),
Chắc rằng ai đói, chắc ai giàu.
Kể đâu miệng thế khi yêu ghét,
Ðược mấy lòng người có trước sau.
Cuối tiết(2) mới hay rằng sớm muộn,
Giữa vời sao đã biết nông sâu ?
Hãy xem trời đất thời liền rõ,
Dầu nắng dầu mưa có mãi đâu!


* Chú thích:

(1) Màu: màu nhiệm, kì lạ.

(2) Tiết: khoảng thời gian thay đổi theo khí hậu (một năm được chia thành 24 tiết), người xưa thường căn cứ theo tiết để xác định thời gian, thời vụ; tiết cũng có nghĩa là những ngày lễ nhất định trong năm.

16. KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI

Cho hay thiên hạ khéo xem gương
Hễ khó thời thôi mấy kẻ màng
Miệng nói đã đành mua chuyện ghét
Tay không chưa dễ ép người thương
Khéo khôn ai cũng tranh phần được
Trong sạch ta thời giữ mực thường
Ði lại chẳng qua thời với mệnh
Cũng đừng thắc mắc, chớ lo lường.

17. VỊNH NHÂN TÌNH THẾ THÁI

Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt(1) nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không đều(2) lợi, khôn thành dại
Ðã có đồng tiền dở cũng hay
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi
Hẳn hoi không hết một bàn tay
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.


* Chú thích:

(1) Lạt: nhạt

(2) Đều: điều, tiếng địa phương.

18. VỊNH SỰ ĐỜI

Những nghĩ xa gần khéo gớm thay!
Sự đời tráo trở giống bàn tay!
Hãy xem gương trước to tày liếp,
Mà biết lòng người mỏng tựa mây.
Những tiếng bất chì nghe đã chán,
Mấy điều cạnh khoé(1) nói thêm gay(2).
Ở ăn cũng tưởng (nghĩ) về sau với,
Trời hãy còn cao, đất hãy dày!


* Chú thích:

(1) Cạnh khóe: tranh phần hơn; châm chọc.

(2) Gay: khó chịu, tức mình.

19. TRÁCH NGƯỜI ĐỜI

Những điều tráo trở đã xem từng,
Song rút dây kia sợ động rừng.
Người thế những tuồng trông trước mắt,
Ở đời mấy kẻ ngắm sau lưng.
Tính toan luống đổ mồ hôi muối,
Thương xót đà no nước mắt gừng.
Đã thế thời thôi, thôi mặc thế,
Công đâu cho nhọc giận người dưng.

20. THẾ TÌNH BẠC BẼO

Đ. mẹ nhân tình đã biết rồi!
Lạt như nước ốc bạc như vôi.
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược,
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi.
Chân có chẹt rồi thời há miệng,
Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi.
Dám xin các bác phen này nữa,
Nấu xáo xin đừng nấu xáo vôi.

21. ĐỜI NGƯỜI THẤM THOẮT

Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi(1)
Vạn sáu(2) tiêu nhăng đã hết rồi!
Nhắn con tạo hoá xoay thời lại,
Để khách tang bồng rộng đất chơi.


* Chú thích:

(1) Ý nói đời người một trăm năm là ba vạn sáu ngàn ngày.

(2) Vạn sáu: tức vạn sáu ngày, khoảng 44 tuổi.

22. TÌNH CẢNH LÀM QUAN

Tuổi tác tuy rằng chửa mấy mươi,
Ðổi thay mắt đã thấy ba đời(1).
Ra trường danh lợi, vinh liền nhục,
Vào cuộc trần ai, khóc trước cười.
Chuyện cũ trải qua đà chán mắt,
Việc sau nghĩ lại chẳng thừa hơi.
Ðã hay đường cái thời ra thế,
Sạch nợ tang bồng mới kể ngươi.


* Chú thích:

(1) Ba đời (vua): chỉ ba đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị. Năm Thiệu Trị thứ tư, Nguyễn Công Trứ bị cách chức làm lính thú, nhân đó làm bài này.

23. CẦM KÌ THI TỬU

Trời đất cho ta một cái tài,

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Dở duyên với rượu khôn từ chén,
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.
Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó,
Đàn còn phím trúc tính tình đây.
Ai say, ai tỉnh, ai thua được,
Ta mặc ta mà ai mặc ai.

24. VỊNH VĂN VÕ

Đoái xem văn võ cả hai hàng,
Bên văn sang bên võ cũng sang.
Dù tía vơng xanh, văn đủng đỉnh,
Gươm vàng thẻ bạc, võ nghênh ngang.
Văn dìu cánh phượng yên trăm họ,
Võ thét oai hùm dẹp bốn phương.
Gặp hội thái bình văn trước võ,
Võ đâu dám sánh khách văn chương!

25. VỊNH CÂY VÔNG

Biền, nam, khởi, tử(1), chẳng vun trồng,
Cao lớn làm chi những thứ vông.
Tuổi tác càng già, già xốp xáp,
Ruột gan không có, có gai chông.
Ra tài lương đống(2) không nên mặt,
Dựa chốn phiên li(3) chút đỡ lòng.
Đã biết nòi nào thì giống nấy,
Khen cho rứa(4) cũng trổ ra bông!


* Chú thích:

(*) Vông là một loài cây to lớn nhưng gỗ xốp, mềm, thuộc loại ngô đồng.

(1) Biền, nam, khởi, tử là bốn thứ cây gỗ tốt.

(2) Lương đống: rường cột, chỉ những người tài năng, giữ trọng trách trong bộ máy phong kiến cũ.

(3) Phiên li: rào và giậu.

(4) Rứa: thế ấy.

26. UỐNG RƯỢU TỰ VỊNH

Trót đà khuya sớm với ma men,
Mặc mặc người chê mặc kẻ khen.
Ngó lại hàng rào hương cúc trộn,
Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.
Vào vòng cương tỏa chân không vướng,
Tới cuộc trần ai áo chẳng ven(1).
Chứ những ai hay tình thú ấy,
Có chăng Bành Trạch với Thanh Liên(2).


* Chú thích:

(1) Ven: ôm lên, xắn lên.

(2) Bành Trạch, Thanh Liên: chỉ ông Đào Tiềm và ông Lí Bạch, hai nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng đời xưa, thường lấy rượu làm vui.

27. VỊNH MÙA ĐÔNG

Nghĩ lại thì trời vốn cũng sòng(1),
Chẳng vì rét mướt bỏ mùa đông(2).
Mây về ngàn Hống(3) đen như mực,
Gió lọt rèm thưa lạnh tựa đồng.
Cảo(4) mực hơi may ngòi bút rít,
Phím loan cưởi(5) nhuộm sợi tơ chùng(6).
Bốn mùa ví những xuân đi cả,
Góc núi ai hay sức lão tùng(7).


* Chú thích:

(1) Sòng: sòng phẳng, không thiên vị.

(2) Câu thơ này lấy ý câu cổ văn Thiên bất vị hàn nhi tuyết kì đông, nghĩa là Trời chẳng vì người rét mà bỏ mùa đông.

(3) Ngàn Hống: núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh, gần làng Uy Viễn.

(4) Cảo: Bản thảo của một tác phẩm.

(5) Cưởi: sương lạnh.

(6) Dùng: chùng, không căng.

(7) Lão tùng: cây thông già.

28. CẢM TÁC LÚC VỀ GIÀ

Kẻ ghét song còn có kẻ ưa,
Nghĩ đâu mà lựa được cho vừa.
Khó giàu đã định thời không oán,
Khôn dại đành hay há dám từ.
Bể học dò nguồn cho chúng trẻ,
Ngày nhàn vui chuyện với người xưa.
Lâng lâng rũ rạch niềm nhân, ngã(1),
Gẫm thú phồn hoa đáng thế chưa.


* Chú thích:

(1) Nhân: người; ngã: chỉ bản thân mình.

29. THƠ ĐỀ MO CAU

Xuống ngựa lên xe nọ tưởng nhàn,
Lợm mùi giáng chức với thăng quan.
Điền viên dạo chiếc xe bò cái,
Sẵn tấm mo bưng miệng thế gian.


* Chú thích:

Bài này gắn với giai thoại Nguyễn Công Trứ khi được vua Tự Đức cho về trí sĩ, thường ngồi trên một chiếc xe bò cái, có một chiếc mo cau treo ngay ở đít bò với bài thơ trên để giễu thói đời.

30. VỊNH CÂY THÔNG

Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thời trèo với thông.

31. BẢN DỊCH BÀI THU HỨNG – ĐỖ PHỦ

Nguyên văn chữ Hán:

玉 露 凋 傷 楓 樹 林,
巫 山 巫 峽 氣 蕭 森。
江 間 波 浪 兼 天 湧,
塞 上 風 雲 接 地 陰。
叢 菊 兩 開 他 日 淚,
孤 舟 一 繫 故 園 心。
寒 衣 處 處 催 刀 尺,
白 帝 城 高 急 暮 砧。

Phiên âm Hán – Việt:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Bản dịch của Nguyễn Công Trứ

Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch(1), chầy vang bóng ác tà.


* Chú thích:

(1) Thành Bạch Đế ở Quí Châu, Trung Quốc do Công Tôn Thuật xây đắp, một danh thắng bên dòng Trường Giang.

Về dịch thuật của Nguyễn Công Trứ, thấy chỉ chép lại bài này, chúng tôi tạm xếp vào mục Thơ Nôm.

Nguồn: Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ do Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Lao động, 2011