1 – Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái(1);
Nhà ba gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn(2).
*Chú thích:
(1) Tam dương khai thái: theo Kinh Dịch, ba hào dương (ba vạch liền) mở ra quẻ Thái, tượng trưng cho mùa xuân tốt lành.
(2) Ngũ phúc lâm môn (năm điều phúc vào cửa) là: Thọ (sống lâu); phú (giàu sang); khang minh (bình an, khỏe mạnh); du hiếu đức (ham làm việc phước đức); khảo chung mệnh (sống trọn tuổi Trời cho).
2 – Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa;
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà.
3 – Ba vạn anh hùng đè xuống dưới;
Chín lần thiên tử đội lên trên.
* Ghi chú:
Tương truyền đây là câu thơ Nguyễn Công Trứ đọc cho tả quân Lê Văn Duyệt nghe.
4 – Anh em ơi! Đã bâm sáu tuổi rồi, khắp Đông Tây Nam Bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác;
Giời đất nhẽ! Gắng một phen này nữa, xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trương phu kềnh.
5 – Cũng may thay công đăng hỏa(1) có là bao, theo đòi nhờ phận lại nhờ duyên, quan trọng năm bảy thứ, quan ngoài tám chín phen, nào cờ nào quạt, nào mão(2) nào đai, nào hèo hao(3) gươm bạc, nào võng tía dù xanh, mặt tài tình mà trong hội kiếm cung, khắp trời Nam bể Bắc cũng tung hoành, mùi thế trải qua ngần ấy đủ;
Thôi quyết hẳn, cuộc phong trần chi nữa tá, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục, hầu gái một vài cô, hầu trai năm bảy cậu, này cờ này kiệu(4), này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên bén mẫu, thay thao lược đã ngoài vòng cương tỏa, lấy gió mát trăng thanh làm tri thức, tuổi giời ít nữa ấy là hơn.
* Chú thích:
(1) Công đăng hỏa: công đèn sách.
(2) Mão: mũ (tiếng địa phương).
(3) Hèo hoa: gậy bằng cây song (mây) có hoa, dùng làm hiệu lệnh của quan sai phái đòi người nào hoặc bắt dân làm việc gì.
(3) Kiệu: một cách chơi bài lá.
Nguồn: Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ do Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Lao động, 2011