Đèo Ngang thuộc dãy núi Hoành Sơn, phân cách địa giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Là một địa danh nổi tiếng trên đất nước ta. Đã có nhiều thi nhân làm thơ vịnh Đèo Ngang như: Cao Bá Quát có bài Đăng Hoành Sơn, Nguyễn Khuyến có bài Qua Hoành Sơn… Nhưng tiêu biểu, được nhiều người biết và yêu thích nhất vẫn là bài Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan. Hôm nay chúng ta cùng đi tìm hiểu cái hay của bài thơ này.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh. Quê ở Hà Nội, sống vào khoảng cuối thể kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

– Là một trong 3 nữ sĩ nổi tiếng của thơ ca trung đại Việt Nam mang đậm phong cách hoài cổ.

– Bà là người nổi tiếng hay chữ vì là con một ông Đốc học danh tiếng, nên được nhà vua mời vào kinh giữ chức Cung Trung giáo tập để dạy các phi tần và các vị công chúa.

– Chồng bà là quan tri huyện của huyện Thanh Quan, tỉnh Thái Bình, nên mọi người gọi là là Bà Huyện Thanh Quan.

– Thơ của bà thường viết về thiên nhiên, phần lớn vào lúc xế chiều, gợi lên cảm giác vắng lặng, buồn buồn. Cảnh trong thơ bà giống như bức tranh thủy mặc, chấm phá, diễn tả bằng nghệ thuật ước lệ. Tả cảnh để gửi gắm tình cảm nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son một đi chưa trở lại. Đó là cái bài thơ hoài cổ, hoài thương rất điển hình. Đối với bà cái đẹp là dĩ vãng. Hiện tại vắng vẻ, quạnh hiu, chỉ là cái bóng mờ mờ của dĩ vãng mà thôi.

– Bà sáng tác không nhiều, hầu hết viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật: Thăng Long thành hoài cổ; Qua chùa Trấn Bắc; Chiều hôm nhớ nhà; Nhớ nhà; Tức cảnh chiều thu; Cảnh đền Trấn Võ; Cảnh Hương Sơn.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác:

Dưới thời vua Minh Mạng, bà được vời vào kinh đô Huế, giữ chức Cung Trung Giáo Tập (Nữ quan dạy nghi lễ) để dạy nghi lễ cho các công chúa và cung phi. Trên đường đi vào Huế nhận chức, khi dừng chân nghỉ tại Đèo Ngang bà đã viết nên thi phẩm tuyệt tác này.

b. Thể loại:

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật: Mỗi bài có 8 câu, mỗi câu có 7 chữ. Chỉ có một vần được gieo ở cuối câu thơ và hiệp vần với nhau với nhau ở các câu: 1,2,4,6,8

c. Bố cục: 2 phần

– Phần 1: 4 câu thơ đầu: Khung cảnh Đèo Ngang buổi chiều tà.

– Phần 2: 4 câu cuối: Tâm trạng của nữ sĩ khi dừng chân tại Đèo Ngang.

II. Tìm hiểu văn bản

1. Bức tranh Đèo Ngang

– Cảnh hoang vu, vắng vẻ lúc chiều tà:

+ Không gian: Đèo Ngang => bao la rộng lớn.

+ Thời gian: bóng xế tà => thời điểm gợi buồn, nhất là đối với người lữ khách.

+ Cảnh vật: cỏ cây – chen đá, lá chen hoa => um tùm, hoang dã, cây cối chen lấn, xô bồ.

+ Sự sống con người: Lom khon – vài chú tiều; lác đác – mấy nhà chợ => ít ỏi, thưa thớt.

+ Âm thanh: tiếng chim quốc và đa đa => vang vọng lại khắc khoải, buồn thương.

=> Đây chính là những nét vẽ tả thực khung cảnh của Đèo Ngang gợi sự rậm rạp, um tùm rộng lớn nhưng hoang sơ, cô tịch, vắng lặng, trống trải, tiêu điều. Cảnh ấy dễ gợi lòng người tâm trạng buồn man mác.

– Từ láy gợi hình: lom khom, lác đác gợi tả hình dáng vất vả, nhỏ nhoi, thưa thớt của người và vật.

– Dùng lượng từ: vài, mấy chỉ sự ít ỏi.

– Đảo trật tự cú pháp: nhấn mạnh sự sống và hoạt động của con người ở đèo Ngang.

– Phép đối tương phản: lom khom >< lác đác; dưới núi >< bên sông; tiều vài chú >< chợ mấy nhà.

=> Tô đậm khung cảnh Đèo Ngang. Ở đậy xuất hiện bóng dáng, hoạt động của con người, nhưng ít ỏi, âm thầm, lặng lẽ, thưa thớt, càng làm cho cảnh vật tăng thêm phần heo hút, quạnh vắng.

– Nữ thi sĩ đã sử dụng một thủ pháp nghệ thuật rất quen thuộc trong thơ cổ đó là biện pháp: Tả cảnh ngụ tình.

=> Chỉ bằng vài nét chấm phá, nữ thi sĩ giống như một họa sĩ tài ba đã vẽ lên bức tranh Đèo Ngang có hình khối, có đường nét, có màu sắc và vô cùng chân thực, sống động, giúp ta hình dung về cảnh Đèo Ngang rộng lớn nhưng hoang sơ, heo hút, quạnh quẽ, xa lạ, gợi nỗi buồn trong lòng người lữ thứ xa quê.

2. Tâm trạng của nữ sĩ

– Sự xuất hiện âm thanh của tiếng chim quốc và tiếng chim đa đa tạo nên một nét động trong bức tranh đèo Ngang.

– Nghệ thuật ẩn dụ, chơi chữ: mượn tiếng chim để bày tỏ lòng người có tác dụng:

+ Làm nổi bật hai trạng thái cảm xúc của người con xa xứ.

+ Diễn tả tâm trạng nhớ quê nhà, nhớ nước

+ Tạo nhạc điệu cân đối cho lời thơ.

– Đối ý qua tâm trạng: nhớ – thương; nước – nhà; đau lòng – mỏi miệng => khắc họa đậm nét tâm trạng nhớ, thương.

– Đối thanh qua lối chơi chữ đồng âm khác nghĩa tài tình: cuốc cuôc = quốc = nước; gia gia = nhà => quốc gia = nước nhà.

=> Nếu như ở khổ thơ trước, tình cảm, tâm trạng được bộc lộ gián tiếp (mượn cảnh để ngụ tình) thì đến 2 câu luận, nữ sĩ bộc bạch tình cảm trực tiếp qua những từ giàu sắc thái biểu cảm: “nhớ, thương và đau”.

– Câu thơ: “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước gợi một không gian mênh mông, bao la, bát ngát mà xa lạ.

– Trong bối cảnh không gian đó, con người sẽ cảm thấy mình cô đơn, lẻ loi, rợn ngợp.

– Sử dụng biện pháp nghệ thuật tương phản: không gian rộng >< con người nhỏ bé gợi lên sự cô đơn, lẻ loi.

– Cụm từ “tình riêng ta với ta” có ý nghĩa:

+ Tình riêng: tâm sự sâu kín, chỉ một mình mình biết, mình hay.

+ Ta với ta: mình đối diện với chính mình.

=> Tâm sưn sâu kín không thể chia sẻ cùng ai, kết tụ lại trong lồng thành mảnh tình riêng “ta với ta”.

– Giọng thơ với âm hưởng, nhịp điệu như một tiếng thở dài, ngậm ngùi, nuối tiếc.

– Điệp từ “ta” được sử dụng ở ngôi thứ nhất số ít. Hai từ mà lại chỉ một con người để cực tả nỗi buồn thầm lặng cô đơn đến tột cùng của người lữ thứ.

=> Bà là người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, tài sắc vẹn toàn lại giàu tình cảm, tràn đầy tâm huyết với đất nước, với gia đình.

III. Tổng kết

1. Nội dung

– Thể hiện tâm trạng cô đơn thầm lặng, nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ trước cảnh vật Đèo Ngang.

– Qua Đèo Ngang là một bài thơ xuất sắc, thể hiện tài năng và tấm lòng yêu mến non sông, đất nước của nữ sĩ.

– Khung cảnh đèo Ngang trong buổi chiều tà hùng vĩ nhưng hoang sơ, buồn, tiêu điều, xơ xác. Nỗi buồn cô đơn, sâu thẳm mang nặng nỗi sầu nhân thế mà không thể chia sẻ cùng ai của nhà thơ.

2. Nghệ thuật

– Sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình.

– Sáng tạo trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật khác: phép đối xứng, đảo trật tự cú pháp, chơi chữ, tương phản, giọng hơ, từ láy, từ đồng âm khác nghĩa, gợi hình, gợi cảm.

– Sử dụng nghệ thuật đối hiệu quả.

– Thể thơ Đường luật sang trọng được sử dụng điêu luyện.

=> Tạo cho bài thơ nét độc đáo, sức sống vĩnh cửu với thời gian và trong lòng nhiều thế hệ người yêu thơ.