Trong các cây cầu ở Hà Nội, tôi yêu quý nhất cầu Long Biên. Vì sao ư? Đây là cây cầu lâu đời và đẹp nhất của Hà Nội. Trong suốt lịch sử hình thành và tồn tại của mình, cầu Long Biên thấm đẫm tinh thần Hà Nội, cả quá khứ và hiện tại.
Ai cũng biết rằng cầu Long Biên có lịch sử hơn trăm năm, cầu được hoàn thành năm 1902, từng là cây cầu đẹp nhất xứ Đông Dương. Nhìn những bức ảnh đen trắng thời kì xây dựng cầu Long Biên có thể thấy phần nào không khí của Hà Nội xưa. Hai bên đầu cầu ngày ấy vẫn là những vùng đất còn hoang sơ lắm, có rất ít nhà dân và sông Hồng dường như cũng chảy mạnh hơn bên bờ hữu ngạn. Những bức ảnh đen trắng thời ấy như vẽ lại cả một thời gian khó của Hà Nội. Thấp thoáng dưới chân cầu Long Biên là những người phu xe kéo, cái nghề mà nhà văn Tam Lang đã miêu tả trong thiên phóng sự nổi tiếng “Tôi kéo xe”, coi nó là một trong những nghề cực nhọc nhất của loài người, con người làm thay kiếp ngựa và đã từng tồn tại trong lòng Hà Nội cũ khá lâu.
Nghề kéo xe tay đã không còn nữa, cũng như cầu Long Biên đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đằm mình trong những biến cố lớn lao, cả đau thương và hào hùng. Cây cầu đẹp nhất xứ Đông Dương đã từng được toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và vua Thành Thái cắt băng khánh thành, trở thành con đường huyết mạch nối hai bờ sông Hồng, cùng với tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. Nhưng chính cây cầu người Pháp xây dựng lại chứng kiến sự rút quân của người Pháp ra khỏi Hà Nội sau hiệp định Giơnevơ. Ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, trả lại Hà Nội cho đúng chủ nhân của nó. Hà Nội từ đây trở thành thành phố tự do của nước Việt Nam, cầu Long Biên tiễn đoàn quân viễn chinh rút đi thì chỉ một hôm sau, ngày 10/10/1954 lại vui mừng chào đón những người lính Việt Minh trở về. Dân chúng hân hoan đón mừng, sông Hồng cuộn sóng. Tôi đã nhìn thấy bức ảnh của hai đoàn quân khi đi trên cầu Long Biên ở hai thái cực đối lập. Quân Pháp lặng lẽ rời đi trong tâm trạng của những kẻ thất bại, đoàn quân Việt vui mừng khôn xiết khi được trở về mái nhà của mình, trở về Thủ đô yêu dấu và làm chủ vận mệnh.
Lịch sử luôn có những khoảnh khắc đáng nhớ và những điểm nhấn đặc biệt. Cầu Long Biên là chứng nhân quan trọng của những thời điểm quan trọng bậc nhất của Thủ Đô. Cây cầu giờ đây sẽ là cây cầu của tự do, của hòa bình, của những khát vọng xây dựng cuộc sống mới.
Nhưng lịch sử của Hà Nội và lịch sử của cầu Long Biên sau năm 1954 vẫn phải viết thêm những trang mới đầy đau thương và cũng tự hào. Năm 1972, Mỹ đưa máy bay ra đánh bom miền Bắc, Hà Nội bị bom Mỹ phá hoại dữ dội, có những con phố như Khâm Thiên gần như bị xóa sạch hoàn toàn. Cầu Long Biên cũng chia lửa với Hà Nội, cầu bị đánh phá nhiều lần, sập nhiều dầm cầu chính ở đoạn giữa. Con đường huyết mạch bắc qua sông Hồng tưởng rẳng sẽ bị cắt đứt hẳn. Không. Dầm cầu bị sập thì được khôi phục lại, những đoàn công binh hối hả và khẩn trương khôi phục lại những đoạn cầu bị hỏng. Bộ đội lập ụ pháo cao xạ ngay trên cầu, trên bãi giữa sông Hồng để chống lại máy bay Mĩ, bảo vệ Hà Nội và cầu Long Biên.
Rồi chiến tranh cũng đi qua, những vết sẹo liền dần, cầu Long Biên vẫn nối hai bờ yên bình của thành phố. Cây cầu mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển nhưng cũng lưu trong mình những vết thương sâu thẳm của chiến tranh, như người lính từ chiến trận trở về, huân chương, máu và nước mắt liền nhau.
Thời bao cấp, người và xe đi qua cầu Long Biên ngày càng nhiều. Hà Nội đông đúc dần lên, những đoàn người xe chờ mãi mới qua được cầu. Đó là sự thật, cây cầu xây dựng cả trăm năm nước giờ đã quá tải với xã hội hiện đại, cần có một sự chia sẻ, gánh đỡ. Cầu Thăng Long, cầu Chương Dương và nhiều cây cầu khác được xây mới để giảm tải cho cầu Long Biên, cây cầu cổ điển được thảnh thơi đôi chút sau rất nhiều năm gánh vác nặng nề.
Sang thế kỉ XXI, cầu Long Biên chủ yếu dành cho đường sắt, người đi bộ, xe máy, khách du lịch. Là điểm nhấn cổ kính và đẹp đẽ của Hà Nội. Rất nhiều khách du lịch đã đến đây để chiêm ngưỡng cây cầu lâu đời nhất của Thủ đô, là tuyến đường đi phía bên trái duy nhất của Hà Nội. Cầu Long Biên còn nổi tiếng là cây cầu của tình yêu, những ngày trong sáng, thời tiết dễ chịu, buổi tối nhiều trai gái nắm tay nhau đứng trên lan can ngắm sông Hồng. Họ treo những những ổ khoá trên thành cầu rồi ném chiếc khoá xuống dòng sông. Nhưng nhiều khoá thì cây cầu sẽ nặng, người ta đã phải cắt bỏ những khoá đó, vì tình yêu đâu chỉ lưu giữ bằng thứ những thứ hữu hình, còn có vô số những thứ vô hình, phi ngôn ngữ mà vẫn chuyển tải được tình cảm của con người…
Tôi đi qua cầu Long Biên hàng ngày, nhà tôi bên phía tả ngạn sông Hồng, cây cầu như một nơi lưu giữ những kí ức của tôi với Hà Nội. Và nếu ai quan sát dòng người di chuyển trên cầu sẽ biết ngay đâu là trung tâm, đâu là ngoại vi của thành phố. Buổi sáng có rất nhiều bên phía tả ngạn xuôi về trung tâm, người đi làm, người buôn bán, những em sinh viên đến trường. Buổi chiều thì ngược lại, số người di chuyển từ hướng hữu ngạn từ trung tâm ra ngoại vi nhiều hơn. Cùng là cây cầu mà sáng sáng, chiều chiều dòng người đổi chiều ngoạn mục, ngắm dòng người trên cầu mà hiểu phần nào sinh hoạt cư dân của thành phố.
Trên cầu Long Biên, ở những khoảng rộng là nơi các bà các chị bán những món hàng nhỏ. Là ngô, là khoai, là chuối, là đu đủ, rau xanh. Một phần số những nông sản ấy trồng ngay trên bãi giữa sông Hồng. Vào mùa Đông, rất dễ nhìn thấy những hàng ngô nướng, khoai nướng của các bà, các chị. Khách du lịch, những người trẻ tuổi quây quần bên một cái bếp lò đỏ lửa vừa hơ tay cho ấm, vừa đợi những bắp ngô, củ khoai chín tới mà nhâm nhi vị ngọt bùi của đồng quê, ngắm sông Hồng và dòng người qua lại. Và mặc dù có sự buôn bán nho nhỏ ấy tôi vẫn thấy mọi người có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không có rác và chất thải trên mặt cầu.
Tôi muốn kể thêm một chuyện nữa mà tôi mới thấy vài năm gần đây. Đó là vào cuối năm, vào dịp ông Công, ông Táo, rất nhiều dân Hà Nội mang cá chép ra sông Hồng phóng sinh và cầu Long Biên là địa điểm được ưa thích lựa chọn. Mỗi người một túi nilong thả xuống dòng sông thì chẳng mấy chốc sông Hồng sẽ đầy rác, cầu Long Biên sẽ phất phơ với những rác thải nhựa. Nhưng không. Đã có những người tình nguyện đứng ra hạn chế điều đó. Những em học sinh, sinh viên còn rất trẻ, thậm chí có cả người nước ngoài đã đứng sẵn trên lan can cầu nhưng ngày ấy, họ cầm những biển hiệu lưu ý không thả rác xuống sông. Những khẩu hiệu đơn giản nhưng ý nghĩa: “Thả cá nhưng không thả túi nilong”, “Hãy đưa rác cho chúng tôi.” Các em sinh viên cầm luôn những bao lớn để chứa túi nilong, rác. Cá chép được phóng sinh, ông Công, ông Táo cưỡi cá về trời trình báo Ngọc Hoàng những điều tốt về cư dân thành phố nhưng dòng sông vẫn sạch sẽ, cầu Long Biên vẫn không có rác.
Tôi muốn nhấn mạnh ở đây, hành động này tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa, đặc biệt với những người trẻ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Hà Nội đã thay đổi không ngừng. Những thế hệ nối tiếp nhau sinh sống trên thành phố này và hiểu rằng mình cần giữ gìn bảo vệ nơi sinh sống của mình. Những công dân của Thủ đô, các em còn rất trẻ nhưng đã ý thức về việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vẻ đẹp và cảnh quan của thành phố. Cầu Long Biên là một phần của lịch sử và một phần của vẻ đẹp Hà Nội. Giữ gìn lịch sử và vẻ đẹp cổ điển ấy là giữ gìn tâm hồn, cuộc sống, quá khứ và tương lai của Hà Nội.
Uông Triều