“Vẽ nhọ bôi hề” là tuyển tập những tác phẩm mới tìm thấy năm 2000, hoặc đích xác, hoặc tồn nghi, cùng với các bài viết, bài tranh luận xung quanh văn nghiệp của Vũ Trọng Phụng, do Peter Zinoman sưu tầm, Lại Nguyên Ân giới thiệu và chú thích. Kết quả sưu tầm của nhà Việt Nam học người nước ngoài này là việc làm cực kỳ đáng trân trọng đối với di sản một nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Bút tích chữ ký của Vũ Trọng Phụng được tờ “Chuyện đời” ở Hải Phòng cho khắc in vào cuối bài báo – một trong những văn bản mà Peter Zinoman tìm thấy – là tư liệu quý hiếm về tự dạng của nhà văn. Chữ ký đó được in trên bìa của tuyển tập “Vẽ nhọ bôi hề”.
Chùm tác phẩm cũ mà mới, mới mà cũ.
Vũ Trọng Phụng – người được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc” – một nhà báo, một nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Mặc dù chỉ sống trên đời 27 năm (1912 – 1939), hành nghề cầm bút chưa tròn 10 năm, nhưng những gì Vũ Trọng Phụng đã đóng góp cho văn chương Việt Nam là đặc biệt lớn lao và có giá trị.
Với số lượng tác phẩm đã được phổ biến rộng rãi của văn sĩ họ Vũ, độc giả đã phải cảm thán bút lực dồi dào của chàng trai trẻ gầy mảnh mai đó. Ấy vậy mà sau 60 năm tác giả ra đi về cõi thiên thu, có khoảng gần 20 tác phẩm đăng báo của Vũ Trọng Phụng lần đầu tiên được tìm thấy lại văn bản, thậm chí không ít tác phẩm được phát hiện lại lần đầu. Mà theo các “chuyên gia về Vũ Trọng Phụng” như Văn Tâm, Nguyễn Đăng Mạnh… trong chùm tác phẩm mới tìm thấy, các ông đều thừa nhận rằng có những tác phẩm được thấy lần đầu.
Quả thật, sức sống ngòi bút Vũ Trọng Phụng khiến giới mộ điệu không thôi ngạc nhiên. Giống như lời của Tiến sĩ sử học người Mỹ – Peter Zinoman – giảng viên môn lịch sử Đông Nam Á tại đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ, chính là người tìm thấy văn bản của chùm tác phẩm này:
“Tôi có cảm tưởng rằng Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn, rất lớn, không kém nhà văn lớn nào của các nền văn học khác. Có một điều thấy rõ là sức trẻ của nhà văn này. Một con người còn rất trẻ mà sáng tác dồi dào mạnh mẽ đến thế. Càng đọc ông tôi càng ngạc nhiên về tuổi trẻ, sức trẻ trong sự sáng tạo của ông. Vũ Trọng Phụng chỉ sống đến 27 tuổi; ở tuổi ấy, nhà văn Pháp Balsac (mà các nhà phê bình ở Việt Nam thường nêu ra để so sánh Vũ Trọng Phụng) còn hầu như chưa viết được gì đáng kể.”
Tuyển tập “Vẽ nhọ bôi hề” in lần đầu năm 2000, tái bản có bổ sung năm 2004, có kèm nhiều ảnh chụp văn bản gốc, được xếp vào ba phần:
Phần I – Những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, xếp theo thứ tự thời gian năm in của văn bản sưu tầm được. Có phóng sự, truyện ngắn, kịch ngắn, hài kịch, tiểu luận, tiểu phẩm, tạp văn, trả lời phỏng vấn, phê bình văn học… Một số ký bút danh Thiên Hư, một số đề tên thật Vũ Trọng Phụng.
Phần II – Những tác phẩm tồn nghi, chưa đích xác của Vũ Trọng Phụng. Gồm chùm tác phẩm châm biếm ký tên T.H. đăng trên tờ “Vịt đực” do Tam Lang Vũ Đình Chí làm chủ nhiệm, xuất bản ở Hà Nội từ tháng 01/1938 đến tháng 07/1939. Liệu bút danh T.H. ký dưới các bài ở “Vịt đực” có phải là Thiên Hư Vũ Trọng Phụng hay không? Đây vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Phần III – Những bài báo của các tác giả khác về văn phẩm Vũ Trọng Phụng đăng báo trước 1945 mà Peter Zinoman tìm thêm được.
Có thể nói, tuyển tập “Vẽ nhọ bôi hề” đã giúp bổ sung những thông tin gần như hoàn toàn mới về di sản Vũ Trọng Phụng, cũng đặt một dấu chấm lửng cho danh mục tác phẩm của Vũ Trọng Phụng – có lẽ chưa thể khép lại một cách ổn định.
Ngòi bút phóng sự sắc sảo quen thuộc.
Trong chùm tác phẩm mới được tìm thấy này, có hai phóng sự dài được viết năm 1934 là “Vẽ nhọ bôi hề” và “Hải Phòng 1934”.
Cũng phải nói thêm rằng, tư liệu tìm được cho thấy phóng sự “Vẽ nhọ bôi hề” được in chính xác ở thời điểm năm 1934, chứ không phải năm 1936 như họa sĩ Mạnh Quỳnh trong hồi ức “Những ngày làm việc cùng với Vũ Trọng Phụng” (Trần Thành ghi, báo “Hà Nội mới”, 24/01/1988) có nhớ lại. Như vậy, việc tìm thấy văn bản những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không những bổ sung di sản mà còn đính chính một số thông tin chưa chính xác từ trước.
Cả hai thiên phóng sự ở đây đều chỉ mới tìm lại được 4 kỳ liên tục từ 1 đến 4, chưa rõ có được nhà văn viết xong và đăng chọn hay không.
Tuy văn bản sưu tầm còn chưa đầy đủ, nhưng văn phong tả chân của Vũ Trọng Phụng thì không lẫn vào đâu được.
Phạm Thế Ngũ từng nói rằng, đọc những thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng, “ta thấy công phu điều tra, khiếu quan sát, sự lịch duyệt của tác giả.”
“Vẽ nhọ bôi hề” là một cuộc điều tra về các rạp hát và đời đào kép, hai kỳ đầu do Peter Zinoman sưu tầm được, hai kỳ sau do Lại Nguyên Ân sưu tầm được, cả 4 kỳ được in vào sách tái bản có bổ sung 2004. Vũ Trọng Phụng đã viết nên phóng sự về cái nghề mua cười bán khóc làm trò tiêu sầu khiển muộn cho khách, vạch ra cho độc giả thấy những u uẩn ly kỳ quái gở đằng sau bức phông, trong buồng phấn và ở trong tâm khảm của những con người bị kết cái thiết án “xướng ca vô loài”. Để rồi nhận ra rằng, cái trò “vẽ nhọ bôi hề” trong buồng phấn có khi cũng náu những tấn kịch âm thầm, phản chiếu những sự “vẽ nhọ bôi hề” ở ngoài xã hội.
“Hải Phòng 1934” cũng lại là một chuyến điều tra, không phải về nghề nghiệp nữa, mà là về Cảng – hải cảng lớn nhất xứ Bắc Kỳ thuở ấy. À, thì cũng có viết về cái nghề ở Cảng, có nghề buôn lậu, cả nghề bồi tàu nữa. Hải Phòng hiện lên trong mắt nhà báo trẻ đất Hà thành đủ mọi vẻ của bà Kinh Tế, bà Khủng Hoảng, của cả ông Nguyễn Văn Tường có tài ngoại giao chính trị. “Hải Phòng 1934” là một phóng sự kinh tế xã hội, thâm nhập thực tế, với những số liệu rạch ròi hẳn hoi, giọng văn sắc sảo soi rọi vào “những sự khốn nạn của sự khốn nạn” đã làm cho Hải Phòng khủng hoảng kinh tế một cách trầm trọng.
Vẫn là giọng văn sặc mùi tiêu ớt. Vẫn là ngòi bút tả chân, tả thực, tả đến trần trụi, tả đến xót xa.
“Vẽ nhọ bôi hề” cùng “Hải Phòng 1934” là hai phóng sự ngỡ đâu đã tuyệt tích vì sự thất thoát những tư liệu báo chí cũ, nhưng nhờ sự tích cực tìm kiếm của nhà Việt Nam học Peter Zinoman, độc giả đã có cơ hội được thưởng lãm những tác phẩm quý này, công lao sưu tầm của Peter Zinoman là thực sự đáng trân quý.
Tâm và tầm của một nhà Việt Nam học nước ngoài đối với văn nghiệp Vũ Trọng Phụng.
Cơ duyên để một chuyên gia sử học người Mỹ chú ý đến sáng tác của một nhà văn người Việt Nam, là khi làm luận án Tiến sĩ khoa học, Peter Zinoman đã chọn đề tài lịch sử chế độ nhà tù thực dân Pháp ở Việt Nam. Trong khi tìm đủ các thể loại tài liệu liên quan, ông tìm đến cả những tác phẩm văn học nói về nhà tù thực dân – “Người tù được tha” và “Vỡ đê” của Vũ Trọng Phụng là một trong số đó.
Peter Zinoman đến Việt Nam lần đầu năm 1989, cũng là khoảng thời gian các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được in lại và phổ biến sau nhiều năm dài vắng bóng, được đọc nhiều và thảo luận nhiều. Hầu hết các thành viên trong gia đình nhà vợ của Peter Zinoman, đặc biệt là vợ ông – Nguyễn Nguyệt Cầm (đồng dịch giả “Số đỏ” với Peter Zinoman) đều là độc giả trung thành của văn sĩ Vũ Trọng Phụng, điều này có sức ảnh hưởng lớn đến vị chuyên gia sử học này.
Và càng tìm hiểu, càng nghiên cứu sâu hơn, Peter Zinoman càng bị ngòi bút của Vũ Trọng Phụng chinh phục:
“Đọc Vũ Trọng Phụng, tôi nghĩ đến nhà văn Anh George Orwell (1903 – 1950). Ở thế kỷ XX, theo tôi, nhân loại đối mặt với ba vấn đề xã hội chính trị lớn nhất là: chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít. Nhà văn Orwell đã dấn thân, trải nghiệm và đưa ra lời đáp xác đáng về cả ba vấn đề lớn ấy. Nhưng Orwell gắn với nước Anh, với châu Âu, tức là với trung tâm của đời sống tri thức, dễ dàng nắm bắt các nguồn thông tin. Vũ Trọng Phụng thì sống ở một nước thuộc địa lạc hậu, thiếu thốn rất nhiều, rất nhiều khó khăn để có thể tìm biết những gì đang xảy ra với cả nhân loại ở tầm vĩ mô. Bằng nhiệt tình, bằng dấn thân, bằng chân thành, trung thực và mẫn cảm, ông đã chạm đến những sự thật lớn, đã phản xạ khá chính xác đối với những vấn đề lớn của thời đại.
Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng có sức chinh phục nghệ thuật rất lớn. “Số đỏ” là một tác phẩm tuyệt vời.”
Theo lời Peter Zinoman, ông gặp nhiều khó khăn khi là người Mỹ duy nhất nghiên cứu Vũ Trọng Phụng, không có ai để tranh cãi và bị tranh cãi, để phản đối và bị phản đối, Peter Zinoman thiếu một cộng đồng tri thức để nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đó là một hạn chế.
Nhưng mặt khác, sinh năm 1956, trong giới Việt Nam học ở Mỹ, Peter Zinoman là thế hệ mới lớn lên sau chiến tranh Việt Nam, được tự do trong việc tiếp cận các vấn đề lịch sử của Việt Nam mà không cần phải e dè thận trọng như các thế hệ nghiên cứu trước, vì vậy mà Peter Zinoman hy vọng có thể thủy chung theo đuổi sự thật khi nghiên cứu văn nghiệp Vũ Trọng Phụng.
Trân trọng cảm ơn những đóng góp có giá trị lớn cùng sự nhiệt thành tâm huyết của Tiến sĩ sử học Peter Zinoman đối với văn nghiệp của “người khổng lồ” trong văn chương Việt Nam – nhà văn lớn – Vũ Trọng Phụng.