Sau nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họa sĩ Bùi Xuân Phái, Xuân Quỳnh trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Google vinh danh cùng với tác phẩm nổi tiếng của nữ thi sĩ.

Hôm nay (ngày 6/10) đúng sinh nhật nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, Google đã thay đổi logo trang chủ với hình ảnh Xuân Quỳnh được vẽ lại bên những cuộn sóng biển xanh và mây trời kèm hình ảnh con thuyền. Đi kèm với hình ảnh này là lời giới thiệu về Xuân Quỳnh: “Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam với những vần thơ gắn liền với dòng chảy văn nghệ và đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt. Bao lứa học sinh bước ra từ những mái trường trung học đều ít nhiều thuộc nằm lòng những câu thơ của bà”.

Chia sẻ cảm xúc trước động thái mới này của Google, PGS.TS Lưu Khánh Thơ – em chồng nhà thơ Xuân Quỳnh cho biết: “Năm nay có nhiều tin vui quá. Đà Nẵng thành phố quê hương của anh em chúng tôi mới vừa có con đường rộng đẹp mang tên Xuân Quỳnh nằm ở Quận Ngũ Hành Sơn cùng với đường mang tên cha và anh tôi là Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ đã được đặt tên từ trước đó. Hôm nay sinh nhật nhà thơ Xuân Quỳnh 77 tuổi, Google lại tôn vinh chị Quỳnh trên trang của họ với biểu tượng Sóng và chân dung chị rất đẹp. Cách đây mấy năm khi làm tuyển tập của chị, tôi cứ băn khoăn mãi khi đặt tên và cuối cùng chọn tên KHÔNG BAO GIỜ LÀ CUỐI – bài thơ có khổ cuối chị vốn thích:

Sau sông sau biển sau thuyền

Sau những chân trời bát ngát

Sau bao điều cay cực nhất

Anh là hạnh phúc đời em…

Tôi nghĩ chị Quỳnh sẽ rất vui với bất ngờ thú vị ngày hôm nay cũng như thấy được rất nhiều tình cảm yêu mến vẫn luôn dành cho chị và thơ của chị!”.

Những vần thơ Xuân Quỳnh đậm chất lãng mạn với ngôn từ giàu cảm xúc, chất thơ trữ tình thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim yêu đương cháy bỏng. Có thể nói, thơ Xuân Quỳnh bao hàm trọn những cung bậc cảm xúc khác nhau của tình yêu, từ khát khao tìm kiếm tình yêu như: “Núi cao biển rộng sông dài/Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu” trong bài “Thơ viết tặng anh”. “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau” trong bài “Sóng”. Thơ của Xuân Quỳnh cũng đã trở thành cảm hứng cho sự ra đời của nhiều bản tình ca ngọt ngào như “Thơ tình cuối mùa thu” hay “Thuyền và biển”.

Thi sĩ Xuân Quỳnh, tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942 tại làng La Khê, nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Xuất thân là một diễn viên múa tài năng, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và từng nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Đến năm 1960, Xuân Quỳnh mới bắt đầu theo đuổi đam mê sáng tác thơ. Xuân Quỳnh theo học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khóa I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam và nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Ngoài thơ tình, Xuân Quỳnh còn là tác giả của tập thơ thiếu nhi nổi tiếng “Bầu trời trong quả trứng”. Những vần thơ nhẹ nhàng trong sáng như tâm hồn con trẻ, khắc họa góc nhìn của những đứa bé về thế giới và những người xung quanh bằng thứ ngôn ngữ giản dị, ngộ nghĩnh. Tuy nhiên, bên trong thơ Xuân Quỳnh ẩn chứa những triết lý sâu sắc về cuộc sống mà mỗi người thuộc nhiều lứa tuổi đều có thể cảm nhận theo cách riêng của mình.

Năm 2017, Xuân Quỳnh chính thức được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với hai tập thơ “Lời ru trên mặt đất” và “Bầu trời trong quả trứng”.

Theo Dân Việt