Các biện pháp tu từ cú pháp thường gặp trong tiếng Việt: Điệp ngữ, liệt kê, câu hỏi tu từ, đảo ngữ.
Nội dung bài viết
1. Điệp ngữ
a. Điệp ngữ là gì?
Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh.
b. Phân loại
– Điệp ngữ ngắt quãng.
* Ví dụ:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài lương mạ”
=> Điệp từ “mùa xuân”, “lộc” để diễn tả một quang cảnh tươi đẹp của mùa xuân, với tất cả những chồi non, lộc nõn. Đồng thời, nhấn mạnh thành quả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta.
– Điệp ngữ nối tiếp.
* Ví dụ:
“Muốn làm con chim hót quanh lăng bác
Muốn làm con chim tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.
=> Điệp từ “muốn làm” tô đậm ước muốn hóa thân để ở lại bên Bác đến độ tha thiết, mạnh liệt trong của tác giả.
– Điệp ngữ chuyển tiếp (vòng).
* Ví dụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
=> Làm nổi bật nỗi sầu biệt li đang day dứt trong lòng người chinh phụ.
2. Liệt kê
a. Liệt kê là gì?
Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm.
b. Phân loại
– Xét về mặt cấu tạo:
+ Liệt kê theo từng cặp.
* Ví dụ:
“Vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, giữa thanh cao và giản dị”.
+ Liệt kê không theo từng cặp.
* Ví dụ:
Hằng ngày, việc ăn uống của người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cá muối, cháo hoa”
– Xét về mặt ý nghĩa:
+ Liệt kê tăng tiến.
* Ví dụ:
“Trên đời không có học vấn nào là cô lập, tách rời các học vấn khác. Ví như chính trị học thì phải liên quan đến lịch sử, kinh tế, pháp luật, tâm lí học, cho đến ngoại giao, quân sự,…”
+ Liệt kê không tăng tiến.
* Ví dụ:
“Và chủ nhân chiếc nhà sàn này cũng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như các chiễn sĩ Trường Sơn được một học giả phương Tây ca ngợi như một vật thần kì”.
3. Câu hỏi từ từ
a. Câu hỏi tu từ là gì?
Câu hỏi tu từ là cách sử dụng câu hỏi nhưng không có câu trả lời nhằm biểu thị một ý nghĩa nào đó trong diễn đạt.
b. Tác dụng
Gợi lên boăn khoăn, suy nghĩ của người đọc, người nghe.
* Ví dụ:
“Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?”
=> Cho thấy sự day dứt, băn khoăn, lo lắng của Thúy Kiều về chốn quê nhà, không biết ai sẽ là người hầu hạ, chăm sóc, nâng giấc cho cha mẹ mỗi ngày.
4. Đảo ngữ
a. Đảo ngữ là gì?
Đảo ngữ là thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh ý, nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng.
b.Tác dụng
Làm câu thơ, câu văn thêm sinh động, gợi cảm, hài hòa về âm thanh,…
* Ví dụ:
“Mọc giữ dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”
=> Tô đậm sức sống mãnh liệt đến bất ngờ của bông hoa trên dòng sông xanh.
Lưu ý: Cần phân biệt giữa các biện pháp tu từ từ vựng và các biện pháp tu từ cú pháp để có thể vận dụng một cách linh hoạt trong bài làm. Đồng thời, cần nắm chắc dấu hiệu của các biện pháp tu từ cú pháp, để không bị nhầm lẫn trong quá trình tìm hiểu, phân tích văn bản.
Làm chủ kiến thức ngữ văn – Luyện thi vào 10 (Phần II)
Tác giả: Phạm Trung Tình