Ba vạn sáu nghìn ngày(1) thấm thoắt,
Tự mọc răng cho tới bạc đầu.
Cõi nhục vinh góp lại có bao lâu ?
Ngồi thử gẫm thợ trời thêm khéo quá!
Núi tự tại(2), cớ sao sông bất xả?(3)
Chim thì lông, hoa thì cánh, công đâu tạo hóa khéo thừa trừ(4)
Từ nghìn trước đến nghìn sau,
Kết cục lại một người riêng một kiếp.
Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân(5)
Mà chữ “danh” liền với chữ “thân”
Thân đã có ắt là danh phải có!
Này phút chốc kim rồi lại cỗ,
Có hẹn gì sau, chẳng bằng nay.
Râu mày kia hỡi râu mày!

Nguồn: Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ do Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Lao động, 2011


* Chú thích:

(1) Ba vạn sáu nghìn ngày là một trăm năm, một đời người.

(2) Núi tự tại: lấy ý từ câu thơ trong bài Vạn tuế lâu của Vương Xương Linh đời Đường: “Niên niên hỷ kiến sơn trường tại”, nghĩa là “Năm năm mừng thấy núi mãi còn”.

(3) Bất xả: chảy mãi.

(4) Thừa trừ: nhân lên rồi trừ đi, tính chất bù trừ.

(5) Bước vào đời không thể không có sự nghiệp, Lọt lòng mẹ đã có vua và cha rồi.