Câu hỏi đó cứ hiện ra mỗi lần tôi đọc xong tuyệt tác này của Nam Cao.

Thì hắn vẫn chỉ là một kẻ cố cùng liều thân. Hắn sẽ không được thức tỉnh ý muốn trở lại làm người. Hắn sẽ không có cơ hội đi đòi lương thiện. Hắn sẽ không làm được hành động đâm chém lần cuối cùng mang ý thức cá nhân rõ rệt và ý nghĩa xã hội mạnh mẽ. Và rốt cuộc hắn sẽ không được thành một Chí Phèo bất hủ lừng lững trong văn chương và trong cuộc đời. Tôi dám đoan chắc như vậy.

Nếu như không có Thị Nở…

Bạn cứ ngẫm mà xem. Truyện Chí Phèo có thể dừng lại ở đoạn tác giả nhắc lại cảnh Chí vừa đi vừa chửi như ở đoạn mở đầu. Đến đó đã đủ thành một truyện ngắn hẳn hoi và hay rồi. Thân phận thằng Chí nổi chìm thế nào nữa người đọc đã có thể đoán biết, đã có thể suy nghĩ ở phía ngoài trang sách, đằng sau những dòng chữ. Kết ở đó Chí Phèo sẽ cứ say bất tận, sẽ cứ chửi vô hồi, sẽ cứ rạch mặt ăn vạ, cứ đâm chém lung tung. Và rồi hắn sẽ bị chết như một công cụ trong tay các phe cánh ở cái làng Vũ Đại ấy, nơi hắn có sinh mà không có sống. Một truyện ngắn như vậy với một nhân vật như vậy kể cũng đã là một điều khao khát một đời cầm bút của không ít người.

Nhưng, thưa các bạn, điều tôi vừa nói chỉ là sự giả thiết, chỉ là ý tưởng có thể của tôi, của bạn, hay của ai khác nữa, nhưng nhất định không phải là ý đồ của Nam Cao. Ông đau đớn nhân sinh nhiều hơn chúng ta, ông nghĩ ngợi kiếp người sâu hơn chúng ta, ông viết văn vì đời đậm hơn chúng ta. Chỗ chúng ta có thể bằng lòng dừng lại thì ông mạnh bước đi tiếp.

Văn hào Dostoevsky có nói đại ý: suốt đời tôi, tôi chỉ làm mỗi một việc là đẩy tới tận cùng cái mà các vị chỉ dám làm một nửa. Chính lẽ đó mà truyện Chí Phèo phải có thêm Thị Nở. Cái Thị ấy là ai? Xin thưa: Thị Nở – chính là Nam Cao. Thị Nở – chính là nhà văn. Thị Nở – chính là sứ mệnh của văn chương. Người cầm bút chỉ mong làm được cái việc bình thường mà cao cả như Thị Nở đã làm cho Chí Phèo. Mượn cách nói của Nguyễn Huy Tưởng về Đan Thiềm, tôi muốn nói: cầm bút chẳng qua cùng một dạng với Thị Nở, cùng lây sự “dở hơi” của Thị.

Trong xóm ngoài làng không ai dám gần Chí Phèo, ai cũng sợ hắn và tránh mặt hắn. Thị Nở thì không sợ Chí Phèo bởi lẽ trước hết Thị có ba cái không sợ ai phạm đến: xấu xí, nghèo đói và ngẩn ngơ. Đó là chân dung vật chất và tinh thần của Thị Nở. Hình dung đó gợi tôi nhớ đến một vẻ mặt “nhàu nát vì đau đớn” như chân dung khắc họa số kiếp văn nhân ở xứ sở này. Có phải văn nhân là người như thế: không làm ai sợ và không sợ ai? Chỉ như thế mới có thể thấu hiểu và đồng cảm được với thế nhân cùng khốn, mới nâng đỡ và vực dậy được con người. Chợt nhớ Chế Lan Viên đã có lần viết “nhà thơ cái con mẹ điên”. Chính ba cái nói trên của mình đã làm cho Thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng phải sợ, hơn thế quen rồi lại thấy hắn có vẻ hiền. Về sau, khi Chí Phèo chết, dân làng bàn tán đủ điều, riêng Thị Nở vẫn thầm nghĩ về cái hiền của hắn. Nếu không tin hắn hiền làm sao Thị dám yêu thương hắn như một tình yêu.

Lòng yêu đó của Thị Nở đã giúp Chí Phèo dứt cơn say. Tỉnh dậy Chí Phèo thấy lại cuộc đời bình dị và ấm áp qua tiếng chim hót vui vẻ, tiếng người cười nói xôn xao. Và hắn thấy ra hắn cô độc chứ không mạnh như vẫn tưởng. Cô độc còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.

Nam Cao thật sâu sắc tâm lý. Nhà văn phải đánh thức con người đến tận miền cô đơn bé bỏng của nó. Văn học là phát hiện cho con người thấy rằng nó vốn yếu ớt, cô lẻ, nên nó mới có nhu cầu khát khao hạnh phúc, hòa hợp. Chí Phèo suýt khóc và hắn đã khóc khi được thức tỉnh về điều này. Bát cháo hành của Thị Nở vào lúc đó là đỉnh điểm hạnh phúc của Chí Phèo đồng thời cũng là khởi điểm tấn bi kịch làm người của hắn. Hắn đã được yêu nên hắn tự biết. Hắn không say được nữa rồi dù có uống lại bao nhiêu rượu.

Thị Nở đã khơi dậy trong hắn mơ hồ cảm thức về quyền con người được lương thiện. Bát cháo hành Thị Nở đã thổi bùng đốm lửa hiền trong con người hắn thành trận lửa dữ là chính vì cái câu hỏi không có câu trả lời này. Hơi cháo hành thoang thoảng mà đủ sức mạnh át cả mùi rượu sặc sụa, mà khiến tâm linh cú tỉnh, mà buộc thằng lưu manh phải vùng lên tìm cách đòi quyền sống. Văn học phải sao là cái hơi đó. Nhà văn làm sao tỏa được cái hơi đó. Sao cho mỗi trang văn là một bát cháo hành Thị Nở cho người đọc văn.

Cuối cùng Chí Phèo chết, thế tất là vậy. Hắn quen rạch mặt mình để ăn vạ, coi tất cả mọi người là thù địch, lần này hắn đâm chết một kẻ thù cụ thể rồi tự đâm chết mình. Dân làng Vũ Đại chỉ thấy Chí Phèo chết mà không tường tận cái chết của hắn. May ra Thị Nở hiểu. Và Thị vẫn không nghĩ về hắn khác hơn là một người hiền. Ngòi bút nhà văn nhân đạo cao cả “tẩy rửa” cho con người là ở chỗ này đây. Con người yếu đuối, bất lực và có thể độc ác nữa, nhưng một khi con người đã hướng thiện, một khi tính thiện đã trỗi dậy trong con người, thì văn học phải truyền giữ và phát huy tinh thần đó của con người, cho con người.

Nam Cao là người luôn luôn trăn trở về sứ mệnh nghề văn, về thiên chức nhà văn. Trong truyện Đời thừa, qua miệng nhân vật Hộ, ông đã tỏ bày một khát vọng văn chương to lớn của mình như sau: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu? Rồi các anh xem… Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy phải ăn giải Nôben và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu”.

Tầm vóc tài năng Nam Cao có thể đạt được như vậy, biết đâu đấy, nếu như… Trong khi chưa có hoàn cảnh viết được tác phẩm vĩ đại đó, ông viết những truyện bình thường mà không kém phần lớn lao và sâu sắc. Truyện Chí Phèo tôi có thể nói là đã ở trên con đường đi đến khát vọng to lớn ấy của Nam Cao. Và ở đây ông đã hóa thân vào Thị Nở để viết văn đúng như những điều ông tâm niệm: văn học nói đến con người vừa đau đớn vừa yêu thương.

Trở lại câu hỏi ban đầu tôi muốn khẳng định: Thị Nở cần cho Chí Phèo như nhà văn cần cho chúng sinh.

Nhà văn như Thị Nở!

Phạm Xuân Nguyên

Xem thêm: Chí Phèo – hiện thân của bản ngã vô can