Tôi nghĩ rằng các nhà văn Việt thích viết truyện ngắn và người Việt cũng thích đọc truyện ngắn vì nó vừa với thể tạng người Việt. Không mất quá nhiều công viết, phù hợp với thời gian và sự thiếu kiên nhẫn của người Việt! Điều đó dễ nhận thấy số người viết truyện ngắn luôn rất đông, báo, tạp chí nào cũng có mục truyện ngắn và về mặt thành tựu, truyện ngắn Việt đã có được những kết quả đáng kể, nếu so sánh với văn học thế giới cùng thể loại. Đơn giản là chúng ta có nhiều người viết truyện ngắn và bạn đọc cũng khoái thể loại này.
Cuốn sách của Lê Hương Thuỷ, cái tít rất đáng chú ý: “Truyện ngắn Việt Nam đương đại – diễn trình và động hướng.” Cái nhịp đầu thì dễ hiểu rồi, cái nhịp sau có vẻ hơi khiêu khích và thách thức nhưng đầy lí lẽ chứng minh. Tôi từng say mê truyện ngắn trong một thời gian dài và bây giờ vẫn đang làm việc với nó. Cuốn sách của Lê Hương Thuỷ là một bản tổng kết khá thú vị về truyện ngắn Việt đương đại, từ những khái quát chung và những trường hợp điển hình, tác giả dừng lâu hơn ở những trường hợp Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và đặc biệt dành nhiều công lực ở các cây bút nữ: Lê Minh Khuê, Y Ban, Đỗ Bích Thuý…
Vẫn lại là nữ, có một người bạn tôi đã từng bảo rằng, phê bình Việt mấy năm gần đây mang khuôn mặt phụ nữ, hình như truyện ngắn Việt cũng thế? Nữ nhưng không hẳn là nữ, tôi nghĩ Lê Hương Thuỷ đã khách quan và điềm tĩnh trong sự chọn lựa của mình, ai hay ai mới thì viết. Cuốn sách là nơi lưu tập những đánh giá xác đáng và khách quan về dòng chảy truyện ngắn Việt thời gian gần đây, tôi nghĩ nó hữu ích với những người viết trong việc nhìn nhận lại thể loại mình theo đuổi cũng như đông đảo bạn đọc về món ăn vẫn hằng ưa chuộng trong cái mâm văn học nói chung luôn bộn bề, đa dạng.
Uông Triều